1. Đức Tổng Giám Mục Nigeria viết thư: Kính thưa tổng thống, chúng tôi đói quá
Đức Cha Ignatius Kaigama, Tổng Giám Mục Công Giáo của Abuja, đã kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị thể hiện mối quan tâm và thực hiện các biện pháp chủ động để cứu người Nigeria khỏi nạn đói.
Tuyên bố của ngài, có tựa đề “Kính thưa tổng thống, chúng tôi đói quá”, được đưa ra sau khi giá lương thực tăng cao và người dân Nigeria lo ngại rằng năm tới sẽ khó khăn hơn, vì nhiều nông dân không thể đến trang trại vì lo sợ bị bọn cướp và những người Fulani tấn công.
Đức Tổng Giám Mục Kaigama đã kêu gọi các nhà lãnh đạo bảo vệ dân chúng vô phương tự vệ khỏi các cuộc tấn công bạo lực.
Trong bài giảng của ngài tại lễ kỷ niệm 20 năm cung hiến Nhà thờ Công Giáo Thánh Donald, ở quận Karu, Abuja, hôm qua, Đức Tổng Giám Mục đã than thở: “Trong số rất nhiều thách thức mà chúng ta phải đối mặt với tư cách là một quốc gia, thách thức về khả năng lãnh đạo của chính quyền là nghiêm trọng nhất”.
Ngài thách thức giới lãnh đạo chính trị hãy thực thi quyền lực với lòng trung thành và trách nhiệm.
Trong nhiều dịp khác nhau, Hội Đồng Giám Mục Nigeria đã lên tiếng kêu gọi tổng thống Muhammadu Buhari nên từ chức. Tiêu biểu là sau vụ các dân du mục Hồi giáo Fulani giết hại hơn 200 nông dân Kitô giáo vào ngày 23 tháng 6, 2018 ở một số làng ở bang Plateau, Hội Đồng Giám Mục đã tái kêu gọi tổng thống nước này nên rời bỏ chức vụ là hơn.
Theo quan điểm của các Giám Mục Nigeria, ít nhất cũng phải nói rằng tổng thống Muhammadu Buhari không có khả năng bảo đảm an toàn cho mọi công dân, đó là chưa kể tình trạng tham nhũng tràn lan.
“Thưa tổng thống, xin ngài vui lòng từ chức. Một lần nữa, chúng tôi yêu cầu Tổng thống Muhammadu Buhari từ chức để cứu đất nước khỏi những đau thương và hỗn loạn, tránh được tình trạng vô chính phủ như hiện nay, và sự hủy diệt cả một quốc gia,” các Giám Mục viết.
Trong tuyên bố được gửi cho thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc để giải thích lập trường của các ngài, các Giám Mục viết: “Chúng tôi lặp lại ở đây những gì chúng tôi đã nói trong tuyên bố cuối cùng của chúng tôi: Tổng thống không thể giữ an toàn cho đất nước, ông ấy đã tự động mất hết lòng tin của công dân. Ông ấy không nên tiếp tục ngự trị trên một đất nước đã trở thành các cánh đồng chết và các nghĩa trang mênh mông”.
Source:Guardian
2. Lo ngại về việc sử dụng công nghệ giám sát để theo dõi các giáo sĩ
Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, cho biết các linh mục nên cẩn thận vì các giáo phận có thể áp dụng các công nghệ giám sát trong các nỗ lực cải cách Giáo hội. Sử dụng các công nghệ này, giáo phận có thể biết chắc chắn các hoạt động trên Internet, danh sách các cá nhân vị linh mục thường xuyên liên lạc, và các di chuyển hàng ngày của một vị linh mục.
Báo cáo của CNA, cho biết như sau:
Viễn cảnh các cơ quan tư nhân sử dụng công nghệ giám sát theo kiểu an ninh quốc gia để theo dõi các di chuyển và hoạt động của các Giám Mục, linh mục và các nhân viên khác của Giáo hội đang làm dấy lên lo ngại về quyền tự do dân sự, quyền riêng tư và những phương tiện hợp đạo đức được sử dụng trong các nỗ lực cải cách Giáo hội.
Vấn đề này lần đầu tiên được nêu ra vào năm 2018, khi một số cơ quan có liên quan đến việc cải cách hàng giáo phẩm Công Giáo tiếp cận một số cá nhân và tổ chức của Giáo hội.
Cơ quan này tuyên bố đã thủ đắc được công nghệ có khả năng xác định các giáo sĩ và những người khác, là những người tải xuống máy điện toán hay điện thoại di động các ứng dụng, chẳng hạn như Grindr và Tinder, cũng như có thể xác định vị trí của họ bằng cách sử dụng địa chỉ Internet của máy tính hoặc các thiết bị di động.
Cơ quan này đề xuất cung cấp các thông tin này một cách riêng tư cho các viên chức Giáo hội với hy vọng rằng các vị sẽ kỷ luật hoặc loại bỏ những người bị phát hiện sử dụng những ứng dụng công nghệ để vi phạm lời thề giáo sĩ, và có tiềm năng gây tai tiếng cho Giáo hội.
CNA cho biết đã có các báo cáo trong tuần này rằng thông tin nhắm vào các linh mục có quan hệ đồng tính luyến ái có thể sẽ được công khai trên các mạng xã hội trong một thời gian ngắn sắp tới.
Việc chính phủ Hoa Kỳ sử dụng rộng rãi công nghệ giám sát để theo dõi các cá nhân đã được biết đến rộng rãi kể từ tiết lộ năm 2013 của cựu nhà thầu Edward Snowden, chuyên cung ứng các dịch vụ cho Cơ quan An ninh Quốc gia.
Trong khi đã có báo cáo về việc các tập đoàn tư nhân sử dụng các kỹ thuật tương tự để theo dõi nhân viên, đây được cho là lần đầu tiên đề xuất này được áp dụng trong Giáo hội.
Một chuyên gia Công Giáo về công nghệ kỹ thuật số và thu thập dữ liệu, yêu cầu giấu tên vì tính nhạy cảm của vấn đề, cho CNA biết:
“Về cơ bản, công nghệ này có khả năng xác định chính xác những cá nhân đã tải xuống một 'ứng dụng dành cho người đồng tính', tìm hiểu mức độ họ đang sử dụng nó và sau đó tìm ra, nhờ vào công nghệ định vị, nếu họ sống tại một dòng tu, hoặc làm việc tại một một giáo xứ hoặc một tổ chức Công Giáo lớn”
Một chuyên gia công nghệ Công Giáo cũng đã nói chuyện với CNA cho biết công nghệ này chính xác đến mức nó có thể cung cấp tên và địa chỉ của các giáo sĩ được nhắm mục tiêu và cũng cho biết những người chia sẻ ứng dụng mà vị linh mục dành thời gian trò chuyện, và nơi diễn ra các cuộc họp của họ.
Chuyên gia dữ liệu nói với CNA rằng dữ liệu thu thập được có thể cho biết “những nơi họ thường xuyên lui tới, chẳng hạn như, một khu vực có vấn đề, và không phù hợp với đời sống linh mục”.
“Trong thế giới công nghệ ngày nay, việc thu thập dữ liệu là một điều bình thường và được trình bày rõ ràng trong hầu hết các điều khoản sử dụng của ứng dụng và dữ liệu đó có thể được sử dụng theo nhiều cách có lợi. Nhưng nó có thể được sử dụng cho những mục đích rất bất chính.”
Source:Catholic News Agency
3. Kibeho: Cuộc hiện ra duy nhất của Đức Mẹ được công nhận ở Phi Châu
Chỉ có một cuộc hiện ra của Đức Mẹ được Vatican chấp thuận đã diễn ra trên lục địa Phi Châu: đó là cuộc hiện ra tại Kibeho.
Từ năm 1981 đến năm 1989, đã có những báo cáo về những lần Đức Mẹ hiện ra ở Kibeho, Rwanda. Đức Giám Mục địa phương là Đức Cha Augustin Misago của Gikongoro chấp thuận lòng sùng kính công khai đối với các cuộc hiện ra vào năm 1988. Tuy nhiên mãi đến năm 2001, ngài và Tòa Thánh mới tuyên bố lời khai của ba nhân chứng là xác thực, liên quan đến các cuộc hiện ra bắt đầu vào năm 1981 và tiếp tục trong “những tháng tiếp theo” cho đến năm 1983.
Immaculée Ilibagiza, tác giả cuốn sách về Đức Mẹ Kibeho, nói với EWTN News In Depth vào ngày 9 tháng 7 rằng Đức Mẹ Maria đang yêu cầu người Công Giáo “hãy lần hạt Mân Côi, hãy trở lại với Chúa, hãy chân thành”.
Ilibagiza được biết đến nhiều nhất với cuốn tiểu sử của mình, “Left to Tell: Discovery God Amidst the Rwandan Holocaust” nghĩa là “Sống sót để lại: Khám phá về Thiên Chúa giữa cuộc diệt chủng tại Rwanda”, trong đó cô ghi lại cách cô sống sót sau thảm họa diệt chủng Rwandan diễn ra vào năm 1994. Cô ấy nói, cô ấy sống được nhờ đức tin của mình.
“Điều tôi muốn mọi người học được từ câu chuyện của tôi là sức mạnh của lời cầu nguyện. Sức mạnh của việc đến gần Thiên Chúa và trung thực, thành thật, sống đức tin của bạn. Và hãy lắng nghe Đức Mẹ. Đức Mẹ hiện ra ở Rwanda, Kibeho. Mẹ nói với chúng tôi, hãy lần hạt từ trái tim của mình”.
Trong một video clip khác, Ilibagiza đã kể chi tiết câu chuyện về Đức Mẹ Kibeho.
“Đức Mẹ xuất hiện vào năm 1981 trong một ngôi trường - một trường trung học. Đó là một trong những trường nghèo nhất cả nước”.
Lần đầu tiên Đức Maria xuất hiện với một cô gái tên Alphonsine Mumureke “khi cô ấy đang giúp đỡ những đứa trẻ khác”.
Mumureke, hiện là một nữ tu ở Ý, nói với Immaculée: “Hãy nhớ thông điệp đầu tiên của Đức Mẹ. Mẹ có thể đã chọn xuất hiện với tôi khi tôi đang ở trong một nhà nguyện cầu nguyện lần chuỗi mân côi. Nhưng Mẹ đã chọn tôi, đã đến với tôi, khi tôi đang phục vụ những người khác”.
Immaculée nói, “Thông điệp số một của Đức Mẹ là sự phục vụ. Phục vụ người khác. Ra ngoài và giúp đỡ tha nhân”.
Người tiếp theo mà Đức Mẹ hiện ra với “là một phụ nữ đẹp nhất, rất điềm đạm, nổi tiếng trong toàn trường”, Immaculée nói. “ Sau đó, Mẹ đã chọn một người thứ ba, “ bởi vì mọi người từ chối tin vào những cuộc hiện ra của Đức Mẹ.
“Nhưng người thứ ba, sự lựa chọn thật buồn cười”, Immaculée nhấn mạnh. “Cô ấy là trưởng nhóm của những sinh viên khác đã bị bách hại thẳng tay”.
Đức Mẹ đã trao cho Marie Claire “một thông điệp lớn”, thông điệp về chuỗi hạt của bảy sự sầu bi.
“Đức Mẹ đưa cho cô ấy kinh Mân Côi và 7 sự sầu bi và yêu cầu cô ấy lan truyền cho toàn thế giới. Thật tội nghiệp, một lần cô ấy nói, ‘Mẹ ơi, mẹ muốn con lan truyền cho cả thế giới kinh Mân Côi và 7 sự sầu bi sao?' Và cô ấy nói, 'Con thậm chí không có tiền để đến thành phố tiếp theo. Mẹ mong đợi con lan truyền cho cả thế giới như thế nào?'“
Theo Immaculée, Đức Mẹ trả lời: “Con của Mẹ. Ơn của Ta có thể làm tất cả mọi thứ. Con chỉ làm phần của con. Mẹ có rất nhiều con cái trên thế giới. Con làm phần việc của mình, và ân sủng của Thiên Chúa sẽ đến với người tiếp theo”.
Source:Catholic News Agency