CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN NĂM B
LƯƠNG THỰC TRÊN ĐƯỜNG VỀ VĨNH CỬU

Akháp (875 – 853 tcn), một trong những vị vua bất tài, nhu nhược, kém lòng yêu mến Chúa cai trị Israel. Ông đã để vợ mình, hoàng hậu Ideven, một kẻ ngoại giáo lấn lướt. Bà đưa thần ngoại là thần Baan vào trong vương quốc để tôn thờ và phổ biến trong dân.

Tiên tri Êlia không chịu nổi cảnh nơi nơi đang xa dần đức tin vào Thiên Chúa Giavê. Chỉ một mình ngài nổi dậy chống lại 450 tiên tri Baan của Ideven. Dù chỉ một mình, tiên tri đã chiến thắng.

Từ sau cuộc chiến thắng, tiên tri Êlia trở thành tâm điểm của sự thù ghét mà Ideven nhắm đến. Để bảo toàn mạng sống, tiên tri phải chạy trốn người đàn bà hiểm ác kia.

Trên đường chạy trốn đến núi Khoreph, tiên tri đuối sức, mệt lã, đói và khát. Tiên tri nằm xuống giữa sa mạc chờ đợi cái chết tấn công trong nỗi khốn cùng của cảnh cháy khô da người. Chính lúc ấy, dẫu là người can đảm, tiên tri Êlia đã phải thốt lên: “Lạy Đức Chúa, đủ rồi! Bây giờ xin Chúa lấy mạng sống con đi, vì con chẳng hơn gì cha ông của con” (1V 19, 4).

Nhưng Chúa nhìn thấy tiên tri. Chúa nhận ra tất cả những hoàn cảnh mà tiên tri cam chịu. Chúa cứu ông. Ông nhận từ tay thiên thần của Chúa chiếc bánh lùi và bình nước uống. Bánh và nước từ trời ban mà vị tiên tri lãnh nhận đã tiếp sức cho ông, giúp ông đi hết chặng đường dài đến bốn mươi ngày đêm.

Bánh từ trời nuôi sống con người, đó là biểu lộ của tình trời cao đối với người trần thế: Thiên Chúa đã yêu thương, mãi mãi vẫn một lòng yêu thương như thế.

Các Giáo phụ nhìn 40 ngày hành trình của tiên tri Êlia như gợi lại hành trình 40 năm của dân Israel trong hoang địa tiến về đất hứa và 40 ngày chay tịnh của ông Môisê (Xh 34, 28). Những con số 40 của Cựu ước như tiên trưng việc Chúa Giêsu ăn chay 40 đêm ngày trước khi thi hành sứ vụ công khai trong Tân ước.

Nếu ngày xưa dân Chúa lữ hành tiến về đất hứa và cuộc lữ hành của tiên tri Êlia đều được nuôi dưỡng bởi của ăn đến từ trời cao, để tất cả cùng đi về đích bình an, thì trên đường lữ hành trần gian của Kitô hữu hôm nay có phần giông giống những gì thuộc về ngày xưa ấy. Chỉ khác là hôm nay, Kitô hữu hy vọng trời cao, hướng về đất hứa, không phải là “đất chảy sữa và mật”, nhưng là vùng đất vĩnh cửu.

Vì lữ hành tiến về vĩnh cửu, người Kitô hữu cũng có Của Ăn, không phải là manna và nước chảy từ đá, hay chiếc bánh lùi và bình nước của thiên thần, nhưng là lương thực vĩnh cửu, thần lương quý giá vô cùng: chính là Thịt Máu Chúa Kitô.

Chính Chúa Kitô mạc khải Mình Máu của Ngài là của ăn vĩnh cửu cho ta: “Ta là bánh bởi trời xuống, ai ăn bánh này thì khỏi chết. Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban chính là thịt Ta để cho thế gian được sống”.

Đường về vĩnh cửu phải có Của Ăn vĩnh cửu. Người trần thế tiến về vĩnh cửu phải có Đấng từ vĩnh cửu đến trần thế ban Thịt Máu mình làm Của Ăn vĩnh cửu. Thánh Thể Chúa Kitô trở nên Của Ăn quý giá, Nguồng Sống cao cả và trường tồn của chúng ta.

Trường sinh bất tử là ước mơ của con người qua muôn thế hệ. Nơi Thánh Thể Chúa, trường sinh bất tử không là chuyện viễn vông, nhưng là thực tại đang triển nở từ hôm nay, trong cuộc đời này qua từng ngày sống của người tín hữu.

Bởi mỗi thánh lễ là một bàn tiệc không phải chờ đến ngày tạ thế mới nuôi dưỡng sự sống linh hồn. Nhưng Thánh Thể là chính nguồn sống mai sau, nguồn sống đời đời được bắt đầu từ hôm nay, trong mọi linh hồn con người, nếu con người biết để đức tin, đức cậy, đức mến thôi thúc mình khao khát rước lấy Thánh Thể, sống cùng Thánh Thể, và tập luyện từng ngày để trở nên Một với Đấng đã ban chính Thánh Thể Ngài cho mình.

Hãy rước lễ một cách kính cẩn sốt sắng. Thánh Thể là tặng phẩm của tình yêu Thiên Chúa ban cho con người trên hành trình tiến về vĩnh cửu với Ngài.

Hãy múc lấy nơi Thánh thể nguồn sức mạnh để vượt qua mọi thác ghềnh của cuộc đời, nhất là vượt qua tội lỗi và mọi cám dỗ của thế gian để tiến về cùng Chúa, nên một với Chúa ngay từ hôm nay. Bởi phải có Chúa hôm nay trong đời tạm này nơi tâm hồn ta, ta mới có Chúa là gia nghiệp của mình trong đời vĩnh cửu bên kia cái chết.