(Đọc chương 10 tập 2 tác phẩm “The Viet-Nam Upheaval” của GS Vũ Quý Kỳ)

Bài 1.- Hệ Lụy Sự Hiểu Sai Về Bản Chất Cuộc Chiến!

Tác phẩm “THE VIET-NAM UPHEAVAL (1945 - 1975) - A Vietnamese Perspective of The Vietnam War, VOLUME 2 - American Attempt to Save South Vietnam (1963-1968) của Giáo sư Vũ Quý Kỳ.

Chính tác giả đã dẫn giải qua Việt ngữ về nhan đề và nội dung tác phẩm như sau: “Việt Nam – Cuộc Đổi Đời: Nhãn quan của một người Việt về Tấn Thảm Kịch dẫn tới Biến Cố tháng Tư 1975 và những gì xẩy ra sau đó. Quyển 2: Hoa Kỳ Nhập Cuộc Nhằm Cứu Nguy Nam Việt-Nam -1963-1975”.

Được biết đây là một tác phẩm lớn gồm 3 tập, tập 1 dày 304 trang, khổ 11 x 8 ½ in và xuất bản tại Mỹ với nhan sách ban đầu là A Shooting Star. Kể từ tập 2, tác phẩm mang tên mới trên đây, dày 402 trang, cùng một khổ lớn, bìa cứng, in bên Đài Loan sẽ ra mắt độc giả Hoa Kỳ vào cuối năm nay.

Trong chương 10 khởi đầu tập 2, tác giả tập trung vào những nét đặc biệt trong chính tình miền Nam, những căn nguyên xa gần dẫn tới biến cố ngày 1-11-1963, nền Đệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam sụp đổ, TT Ngô Đình Diệm và bào đệ, ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu bị thảm sát.

Chúng tôi chọn một số đặc nét trong chương sách này để viết một loạt bài liên hệ tới biến cố lịch sử kể trên. Và đây là bài thứ nhất: “Hệ Lụy Sự Hiểu Sai ề Bản Chất Cuộc Chiến”. Nội dung bài viết dựa vào luận điểm và những tài liệu của tác giả cùng những kinh nghiệm và sự hiểu biết hạn hẹp của riêng mình, chúng tôi sẽ cố gắng nói về những tai hại do cách nhìn và hiểu sai về bản chất đích thực của chiến cuộc Việt Nam.

Ngay từ chương 9 cuối tập 1, tác giả đã khẳng định:

“Toàn bộ cuộc chiến ở miền Nam Việt Nam chỉ là một màn múa rối được chuẩn bị tỉ mỉ, được dàn dựng và điều khiển khéo léo bởi Bộ Chính trị của Hà Nội thông qua cánh tay nối dài gọi là COSVN* thực sự điều hành. - the whole war in South Vietnam was just a meticulously prepared puppet show, skillfully staged and controlled by Hanoi’s Politburo through its extended arm called the COSVN which actually ran the show”.

Từ xác quyết trên đây, mở vào chương 10 tập 2, tác giả không ngần ngại thẳng thắn đưa ra nhận định: “Nhiều thành viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ dường như giữ quan điểm rằng cuộc chiến ở miền Nam Việt Nam là một cuộc chiến “cách mạng”, theo nghĩa đó là một cuộc

‘nổi dậy’của nông dân bất mãn chống lại chính phủ do Tổng thống Diệm lãnh đạo - Many members of the State Department seemed to hold the view that the war in South Vietnam was a “revolutionary” war, in the sense that it was an “uprising” by the discontented peasants against the government led by President Diệm”.

Trong đoạn kế, ông viết:

MTDTGPMNVN chỉ là chiếc mũ chính trị do Hà Nội đẻ ra để ngụy tạo tính hợp pháp hầu che đậy cuộc xâm lược của cộng sản miền Bắc, thúc đẩy một “cuộc nổi dậy bản xứ” giả trá ngay trong lòng chế độ miền Nam Việt Nam.

Là người rời bỏ miền Bắc sau hiệp định chia đôi đất nước tháng 7 năm 1954 vào miền Nam tìm tự do, chúng tôi hoàn toàn chia sẻ nhận định trên đây của tác giả.

Trong bài “Tháng Bảy Mưa Ngâu, Tháng Bảy Song Thất”**, người viết đã đúc kết những khó khăn, trở ngại về nội trị cũng như ngoại giao tưởng chừng không thể vượt qua của Thủ Tướng Diệm trong mấy tháng đầu về nước chấp chánh.

Nhưng chỉ một năm sau, với tinh thần yêu nước cao độ, và với nhiệt tình ủng hộ của đồng bào miền Nam và ngót một triệu dân di cư từ miền Bắc, ông Diệm đã chấm dứt nạn Sứ Quân, thống nhất Quân Đội, dẹp bỏ các ổ bài bạc Kim Chung, Đại Thế Giới các xóm Bình Khang đĩ điếm, trả lại cho Thủ Đô Sàigòn phương danh “Hòn Ngọc Viễn Đông”.

Quan trọng hơn hết là sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 23-10-1955, ba ngày sau, miền Nam tuyên bố độc lập với Quốc hiệu Việt Nam Cộng Hòa và Thủ Tướng Diệm được suy tôn là Tổng Thống thứ nhất của nền Cộng Hòa Việt Nam.

Ngày 26-10 cũng đương nhiên trở thành Ngày Quốc Khánh. Và từ đấy mở vào một nhịp sống thanh bình, no ấm, huy hoàng của một miền Nam cường thịnh, được hầu hết các quốc gia tự do trên thế giới nhìn nhận.

Thủ Tướng Lý Quang Diệu của một Tân Gia Ba -biểu tượng cho văn minh tiến bộ toàn vùng Đông Nam Á ngày nay-, vào thời điểm vàng son ấy của VNCH đã coi Việt Nam như một mẫu mực để theo đòi trên bước đường xây dựng và phát triển đảo quốc do họ Lý nắm quyền. Trong khi ấy, đội tuyển bóng đá của Nhật đã phải hạ mình qua Thủ đô Sàigòn học hỏi kỹ thuật thủ thành, giao banh, làm bàn của đội tuyển Việt Nam.

Cho đến năm 1960, tiếp theo cuộc đảo chính bất thành của cặp Tướng/Tá Nguyễn Chánh Thi/Vương Văn Đông ngày 11/11, dưới sự đỡ đầu của tập đoàn cộng sản Hànội, chẵn 40 ngày sau, cái gọi là “Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam” (MTDTGPMNVN) tuyên bố ra đời hôm 20-12. Cũng từ đấy, những thành phần trí thức thiên tả và những kẻ theo đóm ăn tàn ở Sàigòn, Huế, Đà Nẵng bắt đầu xuất hiện. Họ nắm bắt thời cơ thành lập các tổ chức với những danh xưng mỹ miều như Phong Trào Hòa Bình, Phong Trào Phụ Nữ Đòi Quyền Sống, Ủy Ban Chống Chế Độ Lao Tù, Ủy Ban Đoàn Kết Yêu Nước Công Giáo Việt Nam v.v… do những tên tuổi như Ngô Bá Thành, BS Lê Khắc Quyến, BS Dương Quỳnh Hoa, Ni Sư Huỳnh Liên, Thượng Tọa Thích Trí Quang, Linh Mục Huỳnh Công Minh, Trương Bá Cần v.v… lãnh đạo.

Ngoài những tổ chức và những khuôn mặt trí thức kể trên, còn có những nhân vât công khai gia nhập MTDTGPMNVN.

Theo tác giả “Việt Nam, Cuôc Đổi Đời”, đây là kết quả những tính toán quỷ quyệt của Hồ Chí Minh, một tay cộng sản quốc tế có nhiều kinh nghiệm xương máu trong kế sách khơi động các cuộc chiến tranh khuynh đảo tại các quốc gia nhỏ mới giành được độc lập từ tay thực dân. Vẫn theo ông, không ai khác, chính họ Hồ với sự tiếp tay đắc lực của tên cộng sản khát máu Lê Duẩn, là linh hồn của các thủ đoạn ma mãnh, gian ác với mục tiêu đánh tráo khái niệm giữa điều chúng ngụy danh là “giải phóng” để che đậy thực chất của một mưu toan “khuynh đảo, xâm lược” nhằm đẩy mạnh mưu toan thôn tính Việt Nam Cộng Hòa.

Trong đoạn nói về lỗi lầm “hiểu sai bản chất cuộc chiến” được trình bày cặn kẻ ở phần đầu chương 10 tập 2, tác giả nhận định đại khái như sau.

Sự chuẩn bị công phu của họ Hồ đã đem lại thành công lớn cho Hànội trong việc đánh lừa một số lượng khá lớn trí thức và chính trị gia phương Tây. Về phía miền Nam, một nhúm trí thức người Việt đã ngây thơ, khờ khạo bỏ Sàigòn vào bưng gia nhập MTDTGPMNVN như những con rối dưới sự điều khiển của những tay phù thủy cộng sản Bắc Việt. Trong số những khuôn mặt chính trị gia gốc miền Nam là thành viên MTDTGPMNVN này, không nhất thiết là cộng sản, bị đánh lừa bởi tay tổ gian dối họ Hồ, gia nhập Mặt trận với giả định ngây thơ rằng họ đang chiến đấu cho một sự nghiệp yêu nước. Điều tệ hại là chính giả định này đã trở thành dữ kiện cụ thể và là căn nguyên cho bộ máy tuyên truyền bip bợm của Cộng sản miền Bắc có thêm bằng chứng để khua chiêng, gõ mõ tô vẽ cho Mặt Trận hầu đánh lạc hướng dư luận..

Bi kịch là các trí giả phương Tây, và một số chính trị gia, các nhà báo đã bị mờ mắt trước khẩu hiệu “giải phóng dân tộc” do Hồ Chí Minh giăng ra để tự sa vào ngộ nhận ‘chết người’ về bản chất cuộc chiến. Trong khi thực chất đây là cuộc chiến tranh tự vệ của quân dân Việt Nam Cộng Hòa chống lại mưu toan xâm lược của Bắc cộng thì lại cho rằng nó là cuộc nổi dậy của quần chúng bất mãn ở miền Nam Việt Nam.

Sự nhìn gà hóa cuốc này đưa tới quan niệm sai lầm rằng “chiến tranh Việt Nam là một cuộc nổi dậy từ bên trong” -một cuộc ‘nội chiến’- đã được sử dụng để thúc đẩy một đường lối hành động có lợi lớn về mặt tinh thần cho kế hoạch xâm lược của họ Hồ. Từ đấy đã vô tình làm suy yếu công cuộc chiến đấu tự vệ của miền Nam Việt Nam.

Để chứng minh cho những suy tư của mình, tác giả “Việt Nam: Cuộc Đổi Đời” đã trưng dẫn nhận định trong “Lost Victory” của William Colby như sau:

“It is indicative of the failure to understand the nature of the conflict, which would persist through the final collapse in 1975, that American perception of this critical turning point in 1959 was nil. Ironically, in 1959, at the same time the Lao Dong Party in Hanoi was reaching its conclusions after Le Duan’s trip to the South, the American intelligence community produced a National Intelligence Estimate assessing the prospect for Vietnam”.

Tạm dịch:“Nó chỉ ra sự thất bại về hiểu biết bản chất cuộc xung đột, -vốn còn dai dẳng qua sự sụp đổ cuối cùng (của miền Nam Việt Nam) vào năm 1975,- rằng nhận thức của người Mỹ về bước ngoặt quan trọng này vào năm 1959 là số không. Điều khôi hài là vào năm 1959, cùng lúc Đảng Lao Động ở Hà Nội đang dẫn tới kết luận sau chuyến đi của Lê Duẩn vào miền Nam***, thì cộng đồng tình báo Mỹ đã đưa ra một Bản Lượng Giá của Tình báo Quốc gia về triển vọng đối với Việt Nam”.

Thực chất Bản Lượng Giá đó không gì khác hơn là sản phẩm của những thành kiến, hiểu lầm, bao gồm luôn cả thái độ phản bội, đổi chiều của một số những tay chân thân tín vây quanh Tổng Thống Kennedy thời ấy.

Nền tảng tạo nên những thành kiến, ngộ nhận này trong đầu óc một số không nhỏ những giới chức ngoại giao Mỹ đang trực tiếp sắm vai trò trung gian giữa Bạch Cung và miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ là thái độ hãnh tiến, trịch thượng, luôn coi nhẹ vấn đề chủ quyền của Việt Nam. Vì thế không lạ khi William Colby, Tác giả “Lost Victory” đã xa gần chỉ ra quan điểm sai lầm cơ bản của đối tác Hoa Kỳ trong vai trò “cầm lái cuộc chiến” ở miền Nam Việt Nam.

Tác giả “THE VIET-NAM UPHEAVAL (1945 - 1975) - A Vietnamese Perspective of The Vietnam War” trong phần đầu chương 10 quyển 2 đã tỏ ra hết sức tinh tế khi trưng dẫn nhiều lần hai từ “Việt Cộng” được Mỹ hóa, thường xuất hiện trên các hệ thống tuyền thông báo chí Hoa Kỳ là “VIETCONG”. Vẫn theo nhận định của tác giả họ Vũ, điều oái oăm chết người là không chỉ truyền thông mà cả chính giới Mỹ đã vô tình hay cố ý ngộ nhận, và tạo thêm ngộ nhận cho độc giả, khán thính giả Mỹ và khắp thế giới hiểu lầm từ VIETCONG là danh xưng dành cho MTDTGPMNVN. Nói rõ hơn là những lực lượng võ trang cộng sản đang chiến đấu chống lại chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Nó minh nhiên xuất hiện trên các văn kiện chính thức của các viên chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ở Hoa Thịnh Đốn hoặc tòa Đại Sứ Mỹ ở thủ đô Sàigòn khi trao đổi với đối tác trực tiếp là TT Diệm và chính phủ do ông lãnh đạo. Riêng với William Colby sự ngộ nhận tai hại này còn kéo dài sau khi Đệ Nhất Cộng Hòa sụp đổ cho tới biến cố 30-4-1975, ngày CS Bắc Việt xua quân thôn tính toàn bộ phần lãnh thổ miền nam vĩ tuyến 17!

Quả thật không hẹn mà đầu năm 1964, khi có dịp đọc Bản Tường Trình của Phái Bộ Liên Hiệp Quốc tìm hiểu sự thật về vấn đề Phật Giáo ở miền Nam Việt Nam (vào lúc Đệ Nhất CHVN sụp đổ, TT Diệm và Cố Vấn Nhu bị giết), Thượng Nghị Sĩ Thomas Dodd đã có viễn kiến như một nhà tiên tri khi trong lá thư gửi một đồng viện, ông viết: đây là chỉ dấu cho thấy ngày Hànội thôn tính Việt Nam không còn bao xa.

Theo Giáo sư Vũ Quý Kỳ, dù vô tình hay cố ý, sự hiểu sai qua việc tách rời để gán danh xưng “Việt Cộng” cho bọn thảo khấu tay sai của Cộng sản Ba Đình đang sát hại nhân dân miền Nam đã hàm ẩn một số vấn đề.

Trước hết, từ sự kiện nghĩ sai, hiểu sai, viết sai cho thấy sự thiếu kiên định và nỗ lực để cảm thông với chính quyền của TT Diệm đang phải đối mặt với một cuộc chiến do cộng sản Bắc Việt cầm cương với sự đỡ đầu của khối CS quốc tế. Từ đấy, nó cũng lý giải cho lầm lẫn cơ bản mà những đồng minh phương Tây có thiện chí đến trợ giúp miền Nam VN nhưng lại thiếu khả năng và ý chí để tìm hiểu những vấn đề cơ bản vốn rất phức tạp tại địa phương.

Thứ đến, cùng một thuật ngữ “Việt Cộng” (hay VIETCONG theo cách viết phía Hoa Kỳ), nhưng khi sử dụng trong các cuộc đối thoại giữa các đại diện trong chính quyền Việt Nam Cộng Hòa và các đối tác Mỹ, luôn có những ý nghĩa khác nhau qua tai nghe và trí óc suy nghĩ của các tác nhân có mặt trong cuộc đối thoại. Không phải chỉ xảy ra một thời gian mà hầu như trong suốt cuộc chiến. Làm sao kể hết được sự thất vọng phía Việt Nam khi phải thường xuyên đối diện với sự hiểu lầm khó chấp nhận từ các đối tác của họ trong suốt cuộc xung đột kéo dài.

Tiếp theo, với cái nhìn hời hợt bề ngoài, vấn đề tuồng như không đáng quan tâm. Nhưng nếu nhìn kỹ vào căn nguyên và hậu quả của nó, người ta sẽ dễ dàng nhận ra tính cách quan trọng sống/chết của vấn đề. Với định kiến MTDTGPMNVM và những lực lượng vũ trang của chúng là những thực thể riêng biệt của miền Nam mà không đủ sáng suốt để nhận ra nó chỉ là một thứ con rối của Hànội, vô hình chung vì ngờ nghệch hoặc vì bất cứ lý do nào khác, đã tự sa đà vào thuyết “Nội Chiến”. Sự sai lầm cực kỳ nghiêm trọng này đã tạo nên một cơ hội bằng vàng cho tập đoàn cộng sản xâm lược miền Bắc rút ngắn dã tâm thôn tính miền Nam.

Nam California, Thứ Tư, ng ày 04-8-2021

___________________________________________________

* Under the COSVN were the PRP (People Revolutionary Party), an extended arm of Vietnam Workers Party, representing the Party leadership over the PRG (People’s Revolutionary Government) and the NLF (National Liberation Front).

** Song Thất (hai bảy) ám chỉ ngày 07 tháng 7 năm 1954, thời điểm Chí sĩ Ngô Đình Diệm được Quốc Trưởng Bảo Đại đề cử về Sàigòn thành lập chính phủ sau khi đất nước bị chia đôi. Bài viết này đã được post trên các trang mạng Vận Hội Mới, Diễn Đàn Giáo Dân và Việt Catholic ngày 07-7-2021 vừa qua.

***Trong một diễn từ vào tháng 12-1975, Nguyễn Hữu Thọ, cựu chủ tịch của Mặt trận Dân tộc Giải phóng, xác định rằng tổ chức của ông ta đã “hoàn toàn tuân theo đường lối của đảng,” như Nixon từng nhìn nhận trong “No More Vietnams” In December 1975, Nguyen Huu Tho, a former president of the National Liberation Front, admitted in a speech that his organization had been “wholly obedient to the party lines,”24 as Nixon recognized in “No More Vietnams”.