“Chúng tôi đang sống những ngày vô cùng lo lắng chờ đợi điều gì sẽ xảy ra”, Cha Giovanni Scalese dòng Thánh Bácnabê nói.

Vị linh mục chịu trách nhiệm về sự hiện diện của Giáo Hội Công Giáo ở Afghanistan đã cầu nguyện trong khi Taliban nắm quyền kiểm soát thủ đô Kabul của đất nước.

“Chúng tôi đang sống những ngày vô cùng lo lắng khi chờ đợi điều gì sẽ xảy ra,” Cha Giovanni Scalese, người đứng đầu Miền Truyền Giáo Tự Trị (Mission sui iuris) ở Afghanistan, nói với Đài phát thanh Vatican. “Lời kêu gọi của tôi đối với thính giả của Đài phát thanh Vatican là xin cầu nguyện, xin cầu nguyện, cầu nguyện, cầu nguyện cho Afghanistan! Cảm ơn anh chị em.”

Sự hiện diện của Kitô Hữu ở Afghanistan có từ thời các thánh Tông đồ thành lập Giáo hội ở Phương Đông, nhưng ngày nay còn rất ít. Người Công Giáo chỉ lên đến vài trăm người ở quốc gia chủ yếu là Hồi giáo này. Nhà thờ Công Giáo duy nhất, gọi là Nhà thờ Thánh Phaolô, được thành lập vào những năm 1930, là nhà nguyện tại đại sứ quán Ý ở Kabul. Các Giáo sĩ thường trú tại ngôi thánh đường này - thường được gọi là các dòng Thánh Bácnabê – đã đến đây vào năm 1922.

Năm 2002, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã thiết lập một Miền Truyền Giáo Tự Trị cho Afghanistan, chỉ vài tháng sau khi Hoa Kỳ dẫn đầu cuộc xâm lược đất nước này sau vụ 11/9 và sau bọn Taliban bị lật đổ. Miền Truyền Giáo Tự Trị là một hình thức tài phán thấp hơn Miền Phủ Doãn Tông Tòa (Apostolic prefecture) và Miền Giám Quản Tông Tòa (Apostolic vicariate), trong một khu vực có rất ít người Công Giáo.

Bọn Taliban là những kẻ đã chứa chấp các kiến trúc sư al Qaeda của cuộc tấn công ngày 11 tháng 9 năm 2001 vào Hoa Kỳ, đã nhanh chóng tái chiếm Afghanistan sau khi Joe Biden quyết định bỏ rơi Afghanistan.

Caritas Italiana, hoạt động tại Afghanistan từ những năm 1990, cho biết một số ít linh mục, nam nữ tu sĩ ở Kabul đang chuẩn bị di tản. Ở lại họ gặp rất nhiều rủi ro dưới ách cai trị của bọn Taliban. Caritas Italiana cho biết cộng đồng Công Giáo trong những năm gần đây đã phục vụ những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất trong xã hội Afghanistan.

Vào đầu những năm 2000, Caritas Italiana đã hỗ trợ một chương trình lớn về viện trợ khẩn cấp, phục hồi và phát triển, xây dựng 4 trường học ở thung lũng Ghor, đưa 483 gia đình tị nạn trở về thung lũng Panshir cùng với việc xây dựng 100 ngôi nhà truyền thống cho các gia đình nghèo nhất và hỗ trợ người tàn tật.

Caritas cho biết sự bất ổn của tình hình hiện tại sẽ dẫn đến việc đình chỉ các hoạt động của tổ chức này, với khả năng hiện diện trong tương lai là một câu hỏi chưa có câu trả lời.

Kể từ cuối tuần qua, hàng trăm người Afghanistan đã tràn vào sân bay Kabul, tuyệt vọng để đáp các chuyến bay ra khỏi đất nước và tránh sự cai trị khắc nghiệt của quân Taliban. Các cuộc vượt biên qua biên giới cũng xảy ra, và Caritas đã nói về “một lượng lớn người tị nạn ngày càng tăng” ở các nước láng giềng.
Source:Aleteia