36. ĐÁM CÂY TÁO GIÀ

Ông họ Trương là huyện trưởng của huyện Dịch, cùng với quan thừa lại họ Hồ có con gái kết thông gia, nhà họ Hồ có nuôi một gánh hát.

Một hôm, hai nhà họ Trương và họ Hồ mở tiệc lớn, ông họ Trương nói với ông họ Hồ:

- “Nghe nói vườn lê (1) của tôn phủ rất tốt”.

Ông họ Hồ không biết ẩn ý chữ “vườn lê”, nên khiêm tốn trả lời:

- “Làm gì mà được vườn lê chứ, chẳng qua chỉ mấy cây táo già mà thôi”.

Tả hữu đều bụm miệng mà cười.

Từ đó người ta gọi gánh hát của quan thừa lại họ Hồ là “đám cây táo già”.

(Tiếu Tiếu lục)

Suy tư 36:

Người thật thà chất phác thì cứ nghĩ rằng ai cũng thật thà chất phác như mình; người ma cô giảo hoạt thì cứ nghĩ rằng mình khôn ngoan hơn người thật thà, nên họ thường tìm cách “chơi khăm” người thật thà, thế là họ lầm to, bởi vì tuy bị hại, bị người ta cười, nhưng người thật thà cuối cùng cũng sẽ được kẻ khác trọng vọng mến thương.

Trong cuộc sống người thật thà chất phác có nhiều việc phải lo toan: họ lo lắng cho thằng bé nhà bên cạnh hôm nay bị bệnh, họ lo lắng cho người hàng xóm hôm nay không có gì ăn, họ lo lắng không biết trời mưa gió bão thế này người không có nhà cửa thì trú ngụ đâu bây giờ.v.v...đó là những lo toan và suy nghĩ của người có tâm hồn ngay thật.

Người giảo quyệt thì cũng có những điều lo lắng: họ lo lắng không biết cảnh sát đến bắt mình lúc nào, họ lo lắng không biết hôm nay có ai chửi rủa mình không, họ lo lắng ban thanh tra lúc nào thì đến công ty, họ lo lắng không biết sẽ ngồi tù lúc nào.v.v...bởi vì cuộc sống của họ cứ luôn làm điều hại người...

Có nhiều người Ki-tô hữu chất phác bị người khác nhạo cười, nhưng họ vẫn luôn sống vui vẻ thật thà, vì họ biết rằng, chính Đức Chúa Giê-su cũng đã bị vua Hê-rô-đê chê rằng dại dột...

(1) “梨園” nghĩa là “lê viên” là nơi vua Đường Huyền tông dạy cung nữ múa hát. 梨園vừa là “vườn lê” vừa là “gánh hát”.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info