1. Thống kê về Giáo Hội Công Giáo ở Slovakia

Theo số liệu từ Văn phòng Thống kê Trung ương của Tòa thánh được công bố vào tháng Ba năm 2021, có gần 1.345 tỷ người Công Giáo trên thế giới vào năm 2019.

Trong tổng số người Công Giáo trên thế giới, 48.1% sống ở châu Mỹ, 21.2%, ở Âu Châu, 18.7, ở Phi Châu, 11% ở Á Châu và gần 0.8% ở Đại Dương Châu.

Slovakia theo truyền thống là một quốc gia Công Giáo. Các giá trị như gia đình, hôn nhân, con cái, lòng kính trọng đối với Thiên Chúa vẫn còn bám rễ mạnh mẽ trong xã hội. Giáo Hội Công Giáo là Giáo Hội có nhiều tín hữu nhất, mặc dù số lượng tín hữu ngày càng giảm do tình trạng thế tục hóa.

Theo điều tra dân số năm 2011, số người Công Giáo ở Cộng hòa Slovakia là 65.8%, với 62% thuộc Giáo Hội Công Giáo Rôma và 3.8% thuộc Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương.

Trong tổng dân số 5,397,036 người của Cộng hòa Slovakia, 3,347,277 người thuộc Giáo Hội Công Giáo Rôma và 206,871 người thuộc Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương.

Giáo Hội Kitô lớn thứ hai ở Slovakia là Giáo Hội Tin Lành Augsburg, với 316,250 tín hữu chiếm 5.9% dân số.

Ngoài ra còn có Giáo Hội Tin Lành Cải cách hay Tin Lành Calvin với khoảng 100,000 tín hữu chiếm 1.83%, và Giáo Hội Chính thống với khoảng 50,000 tín hữu chiếm 0.91%.

Ngoài ra còn có một cộng đồng Do Thái ở Slovakia với khoảng 4,000 tín hữu, được đại diện bởi Liên minh các Cộng đồng Do Thái Giáo ở Cộng hòa Slovakia.

Tổng cộng có 18 Giáo Hội và các hiệp hội tôn giáo được phép hành động ở Slovakia.
Source:Sismografo

2. Lịch sử cận đại của Giáo Hội Công Giáo ở Slovakia

Giáo Hội Công Giáo ở Slovakia đã có một vị trí đặc biệt trong xã hội từ hơn 1100 năm qua.

Sau khi chế độ quân chủ Áo-Hung tan rã và các nhà nước mới ra đời vào năm 1918, một số thay đổi đã xảy ra liên quan đến địa giới các giáo phận. Tình trạng này được củng cố vào năm 1920, thông qua việc bổ nhiệm các tân giám mục mới với các ứng viên được chọn từ các linh mục Slovakia. Năm 1927, Tòa thánh và Tiệp Khắc đã ký hiệp ước được gọi là “Modus Vivendi”. Hiệp ước này quy định biên giới của tất cả các giáo phận và bãi bỏ việc quản lý cưỡng bức của nhà nước đối với các tài sản của Giáo hội.

Năm 1945, chiến tranh thế giới thứ hai cuối cùng cũng kết thúc, mang lại sự giải phóng cho nhiều quốc gia. Đáng tiếc, Slovakia lại tiếp tục phải đau khổ. Chiến tranh kết thúc kéo theo một số khó khăn mới. Năm 1948, người Slovak trở thành nạn nhân của cộng sản. Các cuộc tấn công rầm rộ nhắm vào Giáo Hội Công Giáo, hàng giáo phẩm và cá nhân các tín hữu ở Slovakia. Tình hình bất lợi này tiếp tục cho đến năm 1989 - ngoại trừ một giai đoạn ngắn từ năm 1968 đến 1969. Giáo hội đã bị tước đoạt nghiêm trọng các thể chế quan trọng nhất của mình. Một số giám mục đã bị bỏ tù và những người còn lại bị cô lập, và bị hạn chế tiếp cận với thế giới. Hơn 300 linh mục triều đã bị cấm thi hành công việc mục vụ của các ngài, nhiều vị đã bị quản chế tại gia hoặc bị đưa đến các trại tập trung và các nhà tù. Năm 1950, Slovakia có 16 dòng nam với 1,019 linh mục, tu sĩ sinh hoạt trong 96 tu viện; và 24 dòng nữ với 4,253 nữ tu điều hành 168 tu viện. Tuy nhiên, mọi hoạt động của các vị đều bị bọn cầm quyền cộng sản cấm đoán: các nam nữ tu sĩ bị đưa đến các trại tập trung và các dòng tu bị cấm nhận tập sinh. Trong thời kỳ bách hại kinh hoàng này một số giám mục, linh mục và giáo dân đã làm chứng cho đức tin một cách anh hùng đến độ tử đạo.

Ngày 17 tháng 11, 1989, cộng sản đàn áp một cuộc biểu tình ôn hòa của sinh viên. Biểu tình liên tục diễn ra trong 41 ngày sau đó. Các thành phố lần lượt rơi vào tay những người biểu tình. Ngày 29 tháng 12,1989, hệ thống kềm kẹp của cộng sản tan rã, chính quyền về tay nhân dân. Cuộc cách mạng 41 ngày này được gọi là “cuộc cách mạng nhung”.

Tình hình sau cuộc cách mạng đã ảnh hưởng tích cực đến mối quan hệ giữa Giáo hội và nhà nước dân chủ mới được thành lập. Một trong những dấu chỉ tích cực đầu tiên là việc bổ nhiệm các tân giám mục cho tất cả các giáo phận trống tòa không còn bị cản trở nữa. Đồng thời, Đức Cha John Chryzostom Korec – vị “giám mục mặc quần áo lao động” được vinh thăng Hồng Y. Ngài đã bị cản trở thi hành mục vụ và phải chịu đau khổ rất nhiều kể từ khi được tấn phong giám mục vào năm 1951. Việc vinh thăng Hồng Y cho ngài là một dấu hiệu đặc biệt cho thấy sự quan tâm yêu thương của Đức Giáo Hoàng và cũng là sự đánh giá rất cao đối với sự trung thành với Giáo hội và các giá trị Kitô của Đức Cha Korec. Vào cuối thế kỷ 20, Giáo hội ở Slovakia có hai Hồng Y, Đức Hồng Y Jozef Tomko ở Rôma và Đức Hồng Y Ján Chryzostom Korec ở Nitra, bốn Tổng Giám Mục và 16 giám mục, tức là nhiều hơn bao giờ hết trong toàn bộ lịch sử Giáo Hội tại đây.

Lần đầu tiên trong lịch sử, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đến thăm Cộng hòa Tiệp Khắc vào ngày 21 và 22 tháng 4 năm 1990, chỉ vài tháng sau khi quốc gia được hoàn toàn giải phóng khỏi ách cộng sản.

Sau khi quyết định tách ra khỏi Tiệp, Hội đồng Giám mục Slovakia được thành lập Ngày 1 tháng Giêng năm 1993. Sau đó, các giám mục Slovakia, dẫn đầu là Đức Hồng Y Korec đại diện của họ, đã yêu cầu Tòa thánh phê chuẩn một Hội đồng Giám mục Slovakia độc lập. Các giám mục đã nhìn thấy sự khác biệt trong các vấn đề mục vụ và cảm thấy rằng Slovakia có những ưu tiên khác so với Cộng hòa Tiệp.
Source:Sismografo

3. Nhiều người cao niên ở Italia cảm thấy cô đơn và bị bỏ rơi

Đức Tổng Giám Mục Vincenzo Paglia, Chủ tịch Hàn lâm viện Tòa Thánh về sự sống, kiêm Chủ tịch một Ủy ban do ông Roberto Speranza, Bộ trưởng y tế thiết lập, để cải tổ việc săn sóc y tế cho người cao niên, đã trình bày kế hoạch đáp ứng nhu cầu này.

Tổng Giám Mục cho biết tại Ý hiện có 14 triệu người, từ 65 tuổi trở lên, 7 triệu người trên 75 tuổi và 4 triệu người trên 80 tuổi. Họ thường sống trong đơn độc và cần được giúp đỡ, nhưng không ai nói về họ. Nước Ý đang chịu những hậu quả vì cuộc khủng hoảng dân số từ lâu. Đây là một xã hội già nua nhất trong toàn Liên hiệp Âu châu. Theo Đức Tổng Giám Mục Paglia, cần có 100.000 nhân viên xã hội trong vấn đề này.

Hôm 01/9 vừa qua, Đức Tổng Giám Mục Paglia đã được Thủ tướng Mario Draghi tiếp kiến và trình bày kế hoạch cải tổ, trong văn kiện tựa đề: “Hiến chương về các quyền lợi và nghĩa vụ của xã hội”. “Gia cư như một nơi săn sóc người già”. Trong đó có khẳng định rằng “Những người già là những người thực sự cần được một chân trời cuộc sống rõ ràng. Đáng tiếc thay, người già tại Ý thường kết thúc cuộc đời trong một nhà dưỡng lão hoặc đơn độc. Đây thực là một viễn tượng thật là buồn thảm”.

Trong cuộc hội kiến với Đức Tổng Giám Mục Paglia, Thủ tướng Draghi tỏ ra đặc biệt quan tâm đến sáng kiến có tầm quan trọng rất lớn về xã hội và luân lý đạo đức. Ông nói: “Nước Ý phải bảo đảm các quyền của người già, tôn trọng phẩm giá con người trong mọi giai đoạn”.

Theo chiều hướng này, Đức Tổng Giám Mục Paglia cho biết bản Hiến chương về các quyền người già cũng muốn là một câu trả lời cho cuộc tranh luận hiện nay ở Ý về vấn đề an tử, kết liễu mạng sống người già, người bệnh, theo lời yêu cầu của đương sự. Đã có 800 người ký tên ủng hộ việc an tử này. Đức Tổng Giám Mục nói: “Lời yêu cầu an tử thường không phải là yêu cầu được chết, nhưng là những lời xin giúp đỡ để khỏi đau đớn, khỏi cô đơn. Vì thế chúng ta cần được trang bị, với tinh thần sáng tạo và cấp thiết, để trả lời bằng sự đồng hành với những người già”.
Source:Vatican News