1. Gay go: Báo chí Hung Gia Lợi bày tỏ sự buồn phiền vì Đức Thánh Cha thăm nước này trong thời gian siêu ngắn trong khi thăm Slovakia trong thời gian siêu dài
Chuyến viếng thăm quá ngắn đến mức bất thường ở Hung Gia Lợi vào Chúa Nhật 12 tháng 9 trong chuyến tông du nước ngoài thứ 34 của Đức Thánh Cha Phanxicô, đã gây xôn xao trong dư luận tại nước này. Đặc biệt, ngay sau đó, ngài viếng thăm Slovakia trong một thời gian rất dài đến ngày thứ Tư 15 tháng 9 mới về.
Báo chí Hung Gia Lợi cho rằng sắp xếp này nhấn mạnh sự khác biệt của Đức Thánh Cha với Thủ tướng Viktor Orban, là người theo chủ nghĩa dân tộc và chống nhập cư.
Đức Thánh Cha Phanxicô, 84 tuổi, sẽ chỉ dành 7 tiếng đồng hồ ở thủ đô Budapest của Hung Gia Lợi để kết thúc Đại hội Thánh Thể Quốc tế ở Budapest trước khi ngài bay ngay sang Slovakia, nơi ngài sẽ ở lại lâu hơn, thăm bốn thành phố trước khi về lại Vatican vào ngày thứ Tư.
Lịch trình của Vatican cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ gặp Thủ tướng Orban. Nhưng thời gian ở lại Budapest quá ngắn ngủi đã khiến các nhà ngoại giao và truyền thông Công Giáo cho rằng Đức Giáo Hoàng, khi thực hiện chuyến đi đầu tiên kể từ khi phẫu thuật vào tháng 7, đang ưu tiên cho Slovakia và thực tế là đang hắt hủi Hung Gia Lợi.
Đức Phanxicô thường xuyên tố cáo điều mà ngài coi là sự trỗi dậy của các phong trào dân tộc chủ nghĩa và dân túy, kêu gọi đoàn kết Âu Châu, đồng thời chỉ trích các quốc gia cố gắng giải quyết cuộc khủng hoảng di cư bằng các hành động đơn phương hoặc chủ nghĩa cô lập.
Ngược lại, Thủ tướng Orban nói với Diễn đàn Chiến lược Bled ở Slovenia vào tuần trước rằng giải pháp duy nhất cho vấn đề di cư là Liên minh Âu Châu “trao lại mọi quyền cho các quốc gia thành viên”.
Đức Giáo Hoàng thúc bách việc chào đón người di cư và tích hợp họ vào xã hội để giải quyết những gì ngài đã gọi là “mùa đông nhân khẩu học” của Âu Châu. Thủ tướng Orban nói ở Slovenia rằng những người di cư ngày nay “tất cả đều là người Hồi giáo” và chỉ có “chính sách gia đình Kitô truyền thống mới có thể giúp chúng ta thoát khỏi cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đó”.
Tờ báo Công Giáo Anh The Tablet cho biết: “Quyết định của Đức Giáo Hoàng dành nhiều thời gian ở Slovakia hơn Hung Gia Lợi xảy ra trong bối cảnh ngài chỉ trích dữ dội các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc-dân túy như thủ tướng Hung Gia Lợi”.
Phát biểu với các phóng viên trên chuyến bay trở về từ Iraq vào tháng 3, Đức Phanxicô cho biết chặng dừng chân của ngài ở Budapest “không phải là một chuyến thăm một đất nước mà chỉ là để tham dự một thánh lễ”. Dự kiến có khoảng 75,000 người tham dự thánh lễ bế mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế ở Budapest.
Tờ báo National Catholic Register của Mỹ đưa tin rằng các quan chức Hung Gia Lợi, bao gồm một số giám mục, đã không thuyết phục được Đức Giáo Hoàng ở lại Hung Gia Lợi lâu hơn và thực hiện một chuyến thăm cấp nhà nước.
National Catholic Register cho biết một số người coi quyết định này của Đức Giáo Hoàng là “một cái tát lớn vào mặt” của Thủ tướng Orban.
Đức Phanxicô cũng sẽ gặp Tổng thống Hung Gia Lợi Janos Ader trước khi cử hành Thánh lễ bế mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế ở Budapest.
Source:Reuters
2. Đức Thánh Cha sẽ nói gì với Thủ tướng Orban?
Được hỏi bởi mạng phát thanh Tây Ban Nha COPE vào tuần trước rằng ngài sẽ nói gì với Thủ tướng Orban về việc đóng cửa biên giới, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Khi tôi đứng trước một người, tôi nhìn vào mắt anh ta và để mọi thứ diễn ra”.
Đức Giáo Hoàng sẽ rời Rôma sớm một cách bất thường vào Chúa Nhật. Ngài khởi hành lúc 6 giờ sáng để ngài có thể cử hành Thánh lễ ở Budapest và đến Slovakia vào buổi chiều, mà không qua đêm ở Hung Gia Lợi.
Khi một phóng viên hỏi tại một cuộc họp ngắn vào hôm thứ Năm tại sao Đức Giáo Hoàng lại có vẻ như muốn “chạy trốn khỏi Hung Gia Lợi”, phát ngôn viên của Vatican, Matteo Bruni, nói rằng điểm dừng ở đó là một “cuộc hành hương tâm linh”, và cần được nhìn trong bối cảnh tôn giáo.
Văn phòng của Thủ tướng Orban cho biết trong một email với Reuters hôm thứ Năm rằng việc Đức Giáo Hoàng dừng chân cho một sự kiện tôn giáo là “một vinh dự to lớn” và so sánh với chặng Slovakia sẽ là “sai lệch”.
Chuyến tông du này sẽ là bài kiểm tra sức mạnh đầu tiên của Đức Giáo Hoàng kể từ khi phẫu thuật, trong đó 33 cm (13 inch) ruột của ngài đã bị cắt bỏ vì chứng hẹp đại tràng.
Tại Slovakia, ngài sẽ gặp tổng thống, thủ tướng và các nghị sĩ. Slovakia chống lại tình trạng nhập cư không kiểm soát nhưng các nhà lãnh đạo của nước này tỏ ra ít cứng rắn hơn nhiều so với các nhà lãnh đạo Hung Gia Lợi.
Đức Giáo Hoàng cũng sẽ gặp gỡ cộng đồng Do Thái của Slovakia. Khoảng 105,000 người Do Thái Slovakia đã bị giết trong cuộc diệt chủng người Do Thái và ngày nay cộng đồng lên tới khoảng 3,000 người.
Tại Kosice, ngài sẽ gặp gỡ người dân Roma trong quận Lunik IX đổ nát, một trong những nơi tập trung đông người Roma nhất cả nước. Slovakia có dân số Roma khoảng 440,000 người, nhiều người ở các khu định cư ở ngoại ô các thị trấn.
Đức Phanxicô sẽ cử hành hai thánh lễ ngoài trời ở Slovakia - nơi có khoảng 65% là người Công Giáo - trong đó có một thánh lễ theo nghi thức Byzantine.
Source:Reuters
3. Một vị Hồng Y đã nói hôm thứ Sáu rằng “đức tin ở Âu Châu đã trở thành một ngọn lửa leo lét”.
Cử hành Thánh lễ tại Đại hội Thánh Thể Quốc tế ở Budapest, Hung Gia Lợi, vào ngày 10 tháng 9, Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich nói rằng ngài cầu nguyện xin cho lục địa này có thể khám phá lại chiều kích truyền giáo.
“Niềm tin ở Âu Châu đã trở thành một ngọn lửa kéo lét, mà ở một số khu vực trên lục địa của chúng ta có nguy cơ vụt tắt,” ngài nói trong bài giảng của mình bằng tiếng Pháp.
“Niềm tin được mang theo bởi những công trình văn hóa, niềm tin đi vào tâm hồn như thể cộng sinh với thế giới xung quanh. Một đức tin không còn được mang theo bởi thế giới Kitô sẽ có nguy cơ bị lung lay “.
Ngài nói tiếp: “Nhưng chúng ta biết rằng đức tin không chỉ được nuôi dưỡng bởi văn hóa. Đức tin được nuôi dưỡng bởi đối tượng của nó, đồng thời là chủ thể của nó, là Thiên Chúa hằng sống, Đấng cũng là nguồn mạch của đức tin đó. Mục đích của đức tin là đi đến mối quan hệ với Thiên Chúa hằng sống qua việc cầu nguyện và tham dự các bí tích”.
“Đức tin có một động lực truyền giáo. Đức tin đòi hỏi phải được chia sẻ với người khác. Tôi hết lòng cầu nguyện rằng chiều kích truyền giáo này của đức tin có thể được tái khám phá ở Âu Châu”.
Vị Tổng giám mục Dòng Tên 63 tuổi của Luxembourg đã phát biểu vào ngày thứ sáu của Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52, khai mạc vào ngày 5 tháng 9 với một dàn hợp xướng gồm 1,000 người và một Thánh lễ trong đó có nhiều người được Rước lễ lần đầu.
Đại hội ban đầu dự kiến diễn ra vào năm 2020 nhưng đã bị hoãn lại đến năm 2021 do đại dịch coronavirus.
Sự kiện kéo dài tám ngày sẽ lên đến đỉnh cao vào ngày 12 tháng 9 với một thánh lễ bế mạc do Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành tại Quảng trường Anh hùng của Budapest.
Tháng 7 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Hồng Y Hollerich, chủ tịch của Ủy ban Hội đồng Giám mục của Liên minh Châu Âu (COMECE), làm vị tổng tường trình của Thượng hội đồng năm 2023 về tính đồng nghị.
Sau sự đề cử, được coi là dấu hiệu đánh giá cao của Đức Giáo Hoàng, vị Hồng Y sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát Thượng Hội Đồng Giám Mục trên thế giới tại Rôma.
Trong bài giảng tại Trung tâm Triển lãm và Đại hội Hungexpo Budapest, địa điểm chính của đại hội, Đức Hồng Y Hollerich đã suy ngẫm về bản chất của đức tin.
Ngài nói: “Đức tin mà chúng ta chia sẻ sẽ mở ra cho Giáo hội con đường đồng nghị. Một mình một người, một cộng đồng, và đôi khi là một Giáo hội địa phương, có thể lạc lối trên con đường đức tin.”
“Cuộc hành trình đồng nghị của toàn thể Giáo hội sửa chữa những con đường không được sai lầm của chúng ta, chỉ cho chúng ta con đường đưa chúng ta ra khỏi sa mạc.”
Ngài nói tiếp: “Trong sa mạc của cuộc đời mình, chúng ta bị cám dỗ từ bỏ đức tin của mình hoặc giản lược đức tin xuống bầu khí riêng tư hạn hẹp của chính mình. Đức tin của chúng ta cần phải được nuôi dưỡng khi chúng ta trải qua sa mạc của mình. Và thức ăn nào thích hợp để nuôi dưỡng đức tin của chúng ta hơn là thức ăn Thánh Thể, là chính Chúa Giêsu, Đấng là trọng tâm của cuộc đời chúng ta?”
“Một lần nữa, lương thực đức tin trong Thánh Thể này mang tính cá vị độc đáo, nhưng đồng thời cũng mang tính cộng đồng và giáo hội nổi bật. Nếu chúng ta không sống theo chiều kích giáo hội của Hội Thánh, chúng ta sẽ tự cắt đứt cội nguồn của mình, là Chúa Giêsu Kitô, và dừng lại trên con đường dẫn chúng ta đến với Ngài”.
Các diễn giả khác tại đại hội hôm thứ Sáu bao gồm Đức Hồng Y Dominik Duka của Praha, người kể lại rằng Đại hội Thánh Thể Quốc tế đầu tiên được tổ chức tại Pháp vào năm 1881 đã diễn ra trong bối cảnh đầy những biến động và chủ nghĩa bài giáo sĩ.
Ngài gợi ý rằng Đại hội Thánh Thể Quốc tế hiện nay cũng đang diễn ra trong bối cảnh không ổn định.
Vị Hồng Y 78 tuổi, người bị giam cầm dưới chế độ cộng sản, nói: “Đại hội Thánh Thể Quốc tế là một lễ tạ ơn Chúa Kitô, một lễ kỷ niệm Đấng duy nhất có thể hiến mạng sống mình cho người khác. Và đây là chiến thắng của Người. Tôi nhớ lại những lời đã gắn kết chúng ta trong cuộc đấu tranh và chiến thắng vào năm 1989: ‘Chân lý và tình yêu chiến thắng dối trá và hận thù’.”
Cũng trong ngày thứ Sáu, tổng thống Hung Gia Lợi János Áder, một người Công Giáo, đã đưa ra chứng tá cá nhân của ông. Ông khuyến khích những người tham gia đại hội tìm kiếm những dấu chỉ được Chúa gửi đến trong cuộc sống của họ.
Đức Hồng Y Hollerich kết thúc bài giảng của mình bằng cách suy ngẫm về bài đọc Tin Mừng trong ngày, Luca 6: 39-42, trong đó Chúa Giêsu thách thức các môn đồ của ngài “Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em!”
Đức Hồng Y nói rằng bài đọc khiến ngài liên tưởng đến các mạng truyền thông xã hội, nơi người ta chỉ trích gay gắt Giáo hội, từ cả cánh tả lẫn cánh hữu, cũng như chỉ trích lẫn nhau.
“Và chúng ta không còn thấy con đường mà Chúa Kitô kêu gọi chúng ta đi cùng với nhau nữa”.
Ngài nói thêm rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi người Công Giáo đi theo con đường đồng nghị “với đức tin và lòng can đảm”.
“Hãy để Đại hội Thánh Thể này là cơ hội để đào sâu đức tin của chúng ta. Chúa Giêsu, Bánh của sự sống đời đời, xin mau đến giúp chúng con trong những yếu đuối của chúng con! Xin hãy nâng cao niềm tin của chúng con.”
Source:Catholic News Agency