1. Tình trạng của Đức Hồng Y Jorge Urosa Savino vẫn rất nguy hiểm
Hôm 12 tháng 9, Tổng giáo phận Caracas, Venezuela báo cáo rằng tình trạng sức khỏe của Đức Hồng Y Jorge Urosa Savino, Tổng Giám mục hiệu tòa của thủ đô “vào thời điểm hiện tại vẫn rất mong manh”.
Trên tài khoản Twitter, tổng giáo phận cho biết vị Hồng Y “đang được theo dõi y tế liên tục và chặt chẽ”.
Tuyên bố cho biết thêm rằng “chúng ta hãy hiệp nhất trong lời cầu nguyện, nhờ sự chuyển cầu của Thánh Maria thành Coromoto và Chân phước José Gregorio Hernández, cầu xin sự bình phục cho vị Tổng giám mục hiệu tòa của chúng ta và cho tất cả những người bệnh”.
Đức Hồng Y Urosa đã phải nhập viện vào ngày 27 tháng 8, sau khi xét nghiệm dương tính với Covid-19.
Ngày hôm sau, ngày 28 tháng 8, Đức Hồng Y Urosa đã viết một thông điệp “trong trường hợp phải được chăm sóc đặc biệt do tình trạng của tôi trở nên trầm trọng hơn, tôi muốn bày tỏ tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với Giáo hội, và tình yêu cho người dân Venezuela”.
Trong thông điệp của mình, vị Hồng Y bảo đảm rằng “Tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi được làm linh mục “ và cầu xin “ sự tha thứ từ Chúa và tất cả anh em của tôi về những lỗi lầm mà tôi có thể đã phạm phải, đặc biệt là những thiếu sót”.
“Tôi cũng bày tỏ tình cảm to lớn của mình đối với người dân Venezuela và sự cống hiến tuyệt đối của tôi cho tự do của anh chị em, cho các thể chế của họ, để bảo vệ quyền của người dân trước những hành vi lạm dụng gây ra bởi nhà cầm quyền.”
Để kết luận, ngài viết:
“Tôi hy vọng Venezuela thoát khỏi tình trạng tiêu cực này”.
Source:AICA
2. Đức Hồng Y Leopoldo Brenes đã bình phục
Hôm thứ Ba 14 tháng 9, Tổng giáo phận Managua của Nicaragua, báo cáo rằng Đức Hồng Y Leopoldo Brenes đã thoát khỏi tình trạng nguy hiểm và đang hồi phục.
Đức Hồng Y năm nay 72 tuổi, có kết quả xét nghiệm dương tính với covid-19 sau khi ngài có cảm giác khó chịu và đã tiến hành kiểm tra y tế. Cảm giác khó chịu đã xảy ra sau khi Đức Hồng Y được tường trình là bị vây quanh bởi một nhóm những người lạ mặt sau thánh lễ Chúa Nhật 22 tháng 8. Họ tranh cãi quyết liệt với ngài vì một nhận xét của ngài rằng bọn cầm quyền đã bắt tất cả các thủ lĩnh đối lập tống giam để chuẩn bị cho cuộc bầu cử vào ngày 7 tháng 11 sắp tới. Đám đông đã đứng sát vào ngài và bao vây ngài như thế cho đến khi anh chị em giáo dân giải vây được cho ngài.
Giáo phận đã xin toàn thể tín hữu Nicaragua và các linh mục cầu nguyện cho sức khỏe của Đức Hồng Y Brenes, cũng là Tổng Giám mục của Managua.
Chính Đức Hồng Y cũng mời gọi mọi người “cầu xin từ Chúa Giêsu Kitô, vị Mục tử nhân lành, và Đức Maria, Mẹ của Thiên Chúa, ban sức khỏe và những điều tốt lành cho tất cả những người phải chịu ảnh hưởng của đại dịch này”.
Đức Hồng Y Brenes được kể là một người rất cẩn thận đối với coronavirus. Mới Chúa Nhật tuần trước 22 tháng 8, ngài đã ra một tuyên bố được đọc trong tất cả các nhà thờ, trong đó ngài chỉ đạo các linh mục chú ý tuân thủ các biện pháp phòng ngừa covid-19, cho đến nay đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 14 linh mục kể từ tháng 3 năm 2020, khi loại virus này lần đầu tiên được phát hiện ở Nicaragua. Đức Hồng Y, đặc biệt nhấn mạnh rằng các tín hữu Công Giáo không được lơ là cảnh giác và phải tuân thủ các giao thức cơ bản.
Bốn linh mục đã chết ở Nicaragua trong 17 ngày qua vì covid-19, nâng số linh mục qua đời lên 14 người.
Theo Hội đồng Giám mục Nicaragua, năm ngoái, cụ thể là vào ngày 23 tháng 6 năm 2020, Đức Cha César Bosco Vivas Robelo, Giám Mục về hưu đã thiệt mạng vì coronavirus ở tuổi 78.
Source:Swiss Info
3. Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ báo cáo 95 cuộc tấn công vào các nhà thờ Công Giáo Hoa Kỳ kể từ tháng 5 năm 2020
Làn sóng tấn công vào các tài sản của Giáo Hội Công Giáo ở Mỹ dường như không có chiều hướng thay đổi. Một báo cáo gần đây của Hội đồng Giám mục Công Giáo về 95 vụ tấn công xảy ra trên 29 tiểu bang kể từ tháng 5 năm 2020. Các vụ tấn công này bao gồm đốt phá, phá hoại các bức tượng, làm hư hại các nhà thờ và trong một số trường hợp, có âm mưu giết người.
Các con số tiếp tục tăng với một tốc độ không hề suy giảm. Vào tháng 7, National Catholic Register báo cáo số vụ tấn công là 75. Tuy nhiên, đến ngày 7 tháng 9, Tờ Washington Post báo cáo số vụ là 93. Chỉ trong ba ngày kể từ bài báo của tờ báo này, USCCB đã ghi nhận thêm hai trường hợp phá hoại khác.
Các cuộc tấn công khác nhau vào các tài sản của Công Giáo giao động từ thiệt hại nhẹ đến mức thực sự gây rắc rối. Trong hầu hết các trường hợp, giáo dân hoặc giáo sĩ đã thức dậy khi thấy các bức tượng bị phá hủy, các tòa nhà bị vẽ bậy hoặc cửa sổ bị vỡ. Tuy nhiên, những trường hợp nghiêm trọng hơn tính mạng của các vị đã bị đe dọa.
Một tu viện Dòng Biển Đức ở Missouri cho biết đã nghe thấy tiếng súng từ khu đất nông thôn của các nữ tu ba lần, vào năm 2021. Vào tháng 3, tu viện trưởng phát hiện ra hai lỗ đạn trên tường phòng ngủ của mình. Trong cùng tháng đó, một trường học của giáo xứ Washington đã bốc cháy trong khi Cha Esteban Solar, vẫn còn bên trong. May mắn, Cha Solar đã kịp thời thoát ra.
Các trường hợp nghiêm trọng nhất bao gồm một người đàn ông Florida đã lái xe của mình vào tiền sảnh của nhà thờ. Sau đó, anh ta rời khỏi xe và bắt đầu châm lửa đốt xăng trong mặt tiền nhà thờ trong khi một cộng đoàn đang chuẩn bị cho Thánh lễ.
Các nhà lãnh đạo Giáo hội và giáo dân đang làm những gì có thể để nâng cao nhận thức về sự tàn phá. Đức Ông Anthony Hernandez, thuộc Giáo phận Brooklyn, đã bày tỏ mối quan ngại của mình về “mô hình tội ác căm thù đối với người Công Giáo”.
Source:Aleteia
4. Các Tổng giám mục chỉ trích những tuyên bố 'quá đáng' chống lại Thánh Junipero Serra
Một dự luật của California nhằm thay thế một bức tượng của Thánh Junipero Serra tại thủ phủ của tiểu bang đã vu khống một cách bất công di sản của vị thánh, hai vị tổng giám mục tuyên bố như trên trong các bài đăng trên tạp chí Wall Street Journal xuất bản vào hôm Chúa Nhật, ngày 12 tháng 9.
Tháng trước, các nhà lập pháp California đã bỏ phiếu áp đảo để thông qua Dự luật 338 của Quốc hội. Dự luật này nhằm thay thế bức tượng của Thánh Junipero Serra tại thủ phủ của bang bằng một bức tượng tôn vinh người bản địa địa phương. Văn bản dự luật tuyên bố rằng Thánh Junipero Serra và các nhà truyền giáo của ngài phải chịu trách nhiệm về một loạt các hành động tàn bạo chống lại người bản địa.
Thánh Junipero Serra được Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên thánh vào năm 2015, trở thành vị thánh đầu tiên được tuyên thánh trên đất Mỹ. Là một tu sĩ dòng Phanxicô từ Tây Ban Nha, ngài rời ghế trường đại học có uy tín ở Majorca để thành lập vào năm 1749 một hệ thống các cứ điểm truyền giáo rao giảng cho những bản địa. Vùng đất ngài hoạt động ngày nay là California, Hoa Kỳ. Ngài đã rửa tội cho hơn 6,000 người và ban phép thêm sức cho hơn 5,000 người.
Văn bản dự luật nói rằng “ Lịch sử và sự đóng góp của người bản địa đã bị bỏ qua một cách tương đối, được viết với sự khác biệt lớn và những thần thoại sai lầm”.
“Một trong những thiếu sót lớn nhất giữa lịch sử và thực tế đã được kể lại vào thời kỳ truyền giáo trong lịch sử người Mỹ bản xứ và vai trò của tu sĩ Phanxicô Junipero Serra”, dự luật này cho biết như trên.
Các tuyên bố này về Thánh Serra là sai trái, các Tổng Giám mục Jose Gomez của Los Angeles và Salvatore Cordileone ở San Francisco, cho biết trong bài báo của họ.
Các ngài viết: “Mặc dù có nhiều điều để chỉ trích về thời kỳ này, nhưng chưa có nhà sử học nghiêm túc nào đưa ra những tuyên bố quá đáng về Thánh Serra hay hệ thống truyền giáo, là mạng lưới gồm 21 cộng đồng mà các tu sĩ dòng Phanxicô thành lập dọc theo bờ biển California để truyền giáo cho người bản xứ”, họ viết.
Các tổng giám mục đã viết rằng các nhà lập pháp đã rút ra các kết luận từ “một cuốn sách duy nhất được viết bởi nhà báo Elias Castillo”.
“Với tư cách là những nhà lãnh đạo của hai cộng đồng Công Giáo lớn nhất của tiểu bang, chúng tôi phục vụ hàng ngàn người California bản địa, những người dõi theo đức tin của họ đối với tổ tiên, những người đã giúp xây dựng các cơ sở truyền giáo. Chúng tôi hiểu lịch sử cay đắng của việc khai thác người bản địa. Nhưng lịch sử có thể phức tạp và sự thật là quan trọng”.
Các vị tổng giám mục mô tả Thánh Serra là người “bảo vệ nhân quyền của người bản địa, phê phán việc lạm dụng phụ nữ bản địa, và phản đối việc áp dụng án tử hình đối với những người bản xứ đã thiêu rụi một cứ điểm truyền giáo và sát hại một trong những người bạn của ngài”.
Các vị tổng giám mục lưu ý rằng Thánh Serra đã đi 2,000 dặm đến Thành phố Mexico khi ngài đã già và ốm yếu “để yêu cầu các nhà chức trách thông qua một dự luật về quyền của người bản địa mà chính ngài đã viết”.
Source:Catholic News Agency