Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 6 tháng 10, Đức Thánh Cha đã tiếp tục loạt bài giáo lý hàng tuần của ngài về thư gửi tín hữu Galát. Trong cuộc gặp gỡ này, ngài đã bày tỏ nỗi buồn của mình về một báo cáo sâu rộng về tội lỗi lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ ở Pháp được công bố một ngày trước đó. Ngài gọi đây là “khoảnh khắc xấu hổ” đối với Giáo Hội Công Giáo và kêu gọi các giới chức Giáo hội bảo đảm sự an toàn của mọi người được giao phó cho sự chăm sóc của họ.
Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng Hội Đồng Giám Mục Pháp và Hội Đồng Nam Nữ Tu Sĩ Pháp “đã nhận được một báo cáo từ một ủy ban độc lập về nạn lạm dụng tình dục trong Giáo hội nhằm đánh giá mức độ của hiện tượng tấn công và bạo lực tình dục được thực hiện đối với trẻ vị thành niên từ năm 1950”.
“Thật không may, có một số lượng đáng kể,” Đức Thánh Cha nói, và không chỉ nói lên “nỗi buồn và nỗi đau” của mình đối với các nạn nhân vì những tổn thương mà họ đã phải chịu đựng, mà còn là “sự xấu hổ; sự xấu hổ của chúng ta, sự xấu hổ của tôi, vì Giáo hội đã bất lực quá lâu không đặt họ vào trung tâm của mối quan tâm của mình”.
Đức Thánh Cha bảo đảm với các nạn nhân những lời cầu nguyện của ngài.
“Tôi cầu nguyện và tất cả chúng ta hãy cùng cầu nguyện: Lạy Chúa, xin danh Chúa được cả sáng, xin cho chúng con biết xấu hổ. Đây là một khoảnh khắc đáng xấu hổ”.
Những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô được đưa ra một ngày sau khi bản báo cáo dài 2,500 trang được công bố. Phúc trình này là kết quả của cuộc điều tra kéo dài 4 năm về tội lỗi lạm dụng tình dục trong hàng giáo sĩ Pháp.
Trong bài giáo lý diễn ra tại Đại thính đường Phaolô Đệ Lục, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến khía cạnh Chúa Kitô giải phóng chúng ta.
Mở đầu bài giáo lý, Đức Thánh Cha nói:
Hôm nay, chúng ta lại suy gẫm về Thư gửi tín hữu Galát, trong đó Thánh Phaolô đã viết những lời bất hủ về quyền tự do của Kitô hữu. Quyền tự do của Kitô hữu là gì? Hôm nay, chúng ta sẽ suy gẫm về chủ đề này: Tự do của Kitô hữu.
Tự do là một kho báu chỉ thực sự được đánh giá cao khi nó bị mất đi. Đối với nhiều người trong chúng ta, những người đã quen với việc được tự do, dường như nó thường là một quyền thủ đắc được hơn là một hồng phúc và một di sản cần được bảo tồn. Biết bao hiểu lầm đã diễn ra xung quanh chủ đề tự do, và biết bao quan điểm khác nhau đã xung đột nhau trong nhiều thế kỷ!
Trong trường hợp người Galát, Thánh Tông đồ không thể chịu đựng được việc các Kitô hữu đó, sau khi đã biết và chấp nhận chân lý của Chúa Kitô, đã để mình bị lôi cuốn vào những đề nghị lừa dối, chuyển từ tự do sang nô lệ: từ sự hiện diện giải thoát của Chúa Giêsu sang nô lệ tội lỗi, chủ nghĩa vụ luật, v.v. Ngay cả ngày nay, chủ nghĩa vụ luật là một trong những vấn đề của chúng ta đối với rất nhiều Kitô hữu đang nương náu vào chủ nghĩa vụ luật, ngụy biện. Do đó, thánh Phaolô mời gọi các Kitô hữu hãy vững vàng trong sự tự do mà họ đã lãnh nhận khi chịu phép rửa, không để mình bị rơi trở lại “ách nô lệ” (Gl 5:1). Đúng là ngài sốt sắng đối với sự tự do này. Ngài ý thức rằng một số “giả làm anh em” - đây là điều ngài gọi họ - đã len lỏi vào cộng đồng, ngài nói thế, để “do thám sự tự do của chúng ta mà chúng ta có được trong Chúa Giêsu Kitô, để họ có thể đưa chúng ta vào vòng nô lệ ”(Gl 24) - để quay lưng lại. Và Thánh Phaolô không thể chịu đựng được điều này. Lời công bố nào ngăn cản sự tự do trong Chúa Kitô sẽ không bao giờ là Tin Mừng cả. Tôi có thể là người Pêlagiô hoặc Giăngsênô hoặc đại loại như thế, nhưng không phải là người của Tin Mừng. Anh chị em không bao giờ có thể ép buộc nhân danh Chúa Giêsu; anh chị em không thể làm bất cứ ai trở thành nô lệ nhân danh Chúa Giêsu, Đấng đã làm cho chúng ta được tự do. Tự do là một hồng phúc đã được ban cho chúng ta trong phép rửa.
Nhưng trên hết, lời dạy của Thánh Phaolô về tự do có tính cách tích cực. Thánh Tông đồ đề xuất lời dạy của Chúa Giêsu, lời dạy chúng ta cũng tìm thấy trong Tin Mừng Thánh Gioan: “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông” (8: 31-32). Vì vậy, lời kêu gọi trên hết là ở lại trong Chúa Giêsu, nguồn chân lý, Đấng làm cho chúng ta được tự do. Do đó, tự do của Kitô giáo được đặt trên hai trụ cột căn bản: thứ nhất, ân sủng của Chúa Giêsu; thứ hai, sự thật mà Chúa Kitô mạc khải cho chúng ta và đó là chính Người.
Trước hết, đó là một hồng phúc của Chúa. Sự tự do mà người Galát đã nhận được - và chúng ta cũng nhận được như họ trong phép rửa của chúng ta - là hoa trái của cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Thánh Tông đồ tập trung toàn bộ lời công bố của ngài vào Chúa Kitô, Đấng đã giải thoát ngài khỏi những ràng buộc của đời sống cũ: chỉ từ Người, hoa trái của sự sống mới mới phát xuất theo Chúa Thánh Thần. Thực thế, sự tự do đích thực nhất, thoát khỏi ách nô lệ tội lỗi, phát xuất từ Thập giá Chúa Kitô. Chúng ta được giải thoát khỏi nô lệ tội lỗi nhờ Thập giá của Chúa Kitô. Chính tại đó, nơi Chúa Giêsu tự để mình bị đóng đinh, tự làm mình thành nô lệ, Thiên Chúa đã đặt nguồn giải phóng cho con người. Điều này không bao giờ ngưng làm chúng ta ngạc nhiên: nơi mà chúng ta bị tước bỏ mọi tự do, tức là cái chết, có thể trở thành nguồn suối của tự do. Nhưng đó là mầu nhiệm của tình yêu Thiên Chúa! Nó không dễ hiểu, nhưng nó đã được sống. Chính Chúa Giêsu đã công bố điều đó khi Người nói: “Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy” (Ga 10:17-18). Chúa Giêsu đạt được tự do hoàn toàn bằng cách từ bỏ chính mình cho đến chết; Người biết rằng chỉ bằng cách này Người mới có thể giành được sự sống cho mọi người.
Chúng ta biết, Thánh Phaolô đã trực tiếp trải nghiệm mầu nhiệm tình yêu này. Vì lý do này, ngài nói với người Galát, sử dụng kiểu nói cực kỳ táo bạo: “Tôi đã bị đóng đinh với Chúa Kitô” (Gl 2:19). Trong hành vi kết hợp tối cao đó với Chúa, ngài biết ngài đã nhận được hồng phúc lớn nhất của đời mình: tự do. Thật vậy, ngài đã đóng đinh “tính xác thịt mình vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê” (5:24). Chúng ta hiểu Thánh Tông đồ được tràn ngập biết bao đức tin, sự thân mật của ngài với Chúa Giêsu thâm hậu xiết bao. Và mặc dù, một mặt, chúng ta biết đây là điều chúng ta đang thiếu, mặt khác, lời chứng của Thánh Tông đồ khuyến khích chúng ta tiến bộ trong cuộc sống tự do này. Kitô hữu được tự do, nên được tự do, và được kêu gọi đừng trở lại làm nô lệ của giới luật và những điều kỳ lạ.
Trụ cột thứ hai của tự do là sự thật. Trong trường hợp này cũng vậy, cần phải nhớ rằng chân lý đức tin không phải là một lý thuyết trừu tượng, nhưng là thực tại của Chúa Kitô hằng sống, Đấng chạm đến ý nghĩa hàng ngày và tổng thể của đời sống bản thân. Biết bao người chưa bao giờ được học hành, thậm chí không biết đọc biết viết, nhưng đã hiểu rõ thông điệp của Chúa Kitô, họ có thứ tự do này làm họ được tự do. Chính sự khôn ngoan của Chúa Kitô đã truyền vào họ qua Chúa Thánh Thần trong phép rửa. Biết bao người mà chúng ta thấy đã sống cuộc sống của Chúa Kitô tốt hơn những nhà thần học vĩ đại; họ cung hiến cho ta một chứng tá tuyệt vời về sự tự do của Tin Mừng. Tự do tạo ra sự tự do đến mức nó biến đổi cuộc sống của người ta và hướng nó về điều tốt đẹp. Vì vậy, để được tự do thực sự, chúng ta không những cần biết mình ở bình diện tâm lý, mà trên hết là thực hành chân lý nơi bản thân ở mức độ sâu sắc hơn - và ở đó, trong tâm hồn chúng ta, hãy mở lòng đón nhận ân sủng của Chúa Kitô. Sự thật phải làm chúng ta không yên - chúng ta hãy trở lại với từ ngữ cực kỳ có tính Kitô giáo này: bồn chồn. Chúng ta biết rằng có những Kitô hữu không bao giờ bồn chồn: cuộc sống của họ luôn luôn y như thế, không có chuyển vần gì trong lòng, họ thiếu sự bồn chồn. Tại sao? Vì bồn chồn là một dấu hiệu cho thấy Chúa Thánh Thần đang hoạt động bên trong chúng ta và tự do là một tự do hoạt động, phát xuất từ ân sủng của Chúa Thánh Thần. Đó là lý do tại sao tôi nói rằng tự do phải làm chúng ta không yên, nó phải liên tục chất vấn chúng ta, để chúng ta có thể luôn vào sâu hơn những gì chúng ta thực sự là. Bằng cách này, chúng ta sẽ khám phá ra rằng hành trình của sự thật và tự do là một hành trình gian khổ kéo dài suốt đời. Mãi mãi tự do là điều gian khổ, là đấu tranh; nhưng nó không bất khả hữu. Can đảm lên, chúng ta hãy thực hiện tiến bộ về vấn đề này, điều đó sẽ tốt cho chúng ta. Và đó là cuộc hành trình trong đó Tình yêu phát xuất từ Thập giá sẽ hướng dẫn và nâng đỡ chúng ta: Tình yêu mạc khải sự thật cho chúng ta và ban cho chúng ta tự do. Đó là con đường dẫn đến hạnh phúc. Tự do làm chúng ta tự do, làm chúng ta hân hoan, làm chúng ta hạnh phúc.