1. Đức Thánh Cha chúc phúc cho Công đồng Toàn thể của Úc Đại Lợi

Trong một thông điệp được ký bởi Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Đức Hồng Y viết rằng “Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện để Công đồng có thể là một dịp đầy ơn thánh biết lắng nghe lẫn nhau và phân định tâm linh, đánh dấu bằng sự hiệp thông sâu sắc với Người kế vị thánh Phêrô”.

Đức Giáo Hoàng cho biết Công đồng Toàn thể “đại diện cho một cuộc hành trình độc đáo của dân Chúa ở Úc dọc theo các chặng đường của lịch sử hướng tới một cuộc gặp gỡ đổi mới với Chúa Kitô Phục sinh trong quyền năng của Chúa Thánh Thần”.

Bức thư của Đức Thánh Cha Phanxicô đã được đọc cho các thành viên Công đồng Toàn thể tại lễ khai mạc của Phiên họp đầu tiên bởi Đức ông John Baptist Itaruma của Tòa Sứ thần Tòa thánh tại Úc.

Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Úc, Đức Tổng Giám Mục Mark Coleridge, trong một thông điệp gửi tới Đức Giáo Hoàng Phanxicô, cho biết 278 thành viên của Công đồng “ý thức sâu sắc rằng Công đồng Toàn thể diễn ra trong Giáo hội hoàn vũ”.

Đức Tổng Giám Mục Coleridge cho biết ngài hy vọng Công đồng Toàn thể sẽ là một hồng phúc không những cho Giáo hội ở Úc, mà còn cho Giáo hội toàn thế giới.

Ngài nói, “Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã mô tả Công đồng Vatican II là ‘ân sủng lớn lao được ban cho Giáo hội trong thế kỷ XX’ (Novo Millenio Ineunte). Đối với chúng ta, Công đồng Toàn thể là ân sủng lớn lao được ban cho Giáo hội ở Úc vào buổi bình minh của thế kỷ XXI”.

Công đồng Toàn thể đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của quốc tế với các quan sát viên và khách mời bao gồm Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Á Châu, Đức Tổng Giám Mục Peter Loy Chong và Chủ tịch Liên đoàn Giám mục Công Giáo Châu Đại Dương, Đức Tổng Giám Mục Anton Bal.

Khu vực Thái Bình Dương được đại diện đông đảo bởi một số các quan sát viên, trong đó có Đức Hồng Y John Dew, Tổng Giám Mục Wellington và là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Tân Tây Lan, cùng với Đức Cha Paul Donoghue, Giám mục của Rarotonga ở Quần đảo Cook.

Thánh lễ khai mạc Công đồng Toàn thể

Thánh lễ khai mạc Công đồng Toàn thể đã diễn ra tại nhà thờ chính tòa Đức Bà của tổng giáo phận Perth hôm Chúa Nhật 3 tháng 10.

Chủ tịch Công đồng Toàn thể là Đức Tổng Giám Mục Perth, Timothy Costelloe, cho biết có nhiều hy vọng và kỳ vọng lớn từ cuộc họp và đúng như vậy.

Ngài nói, “Chúng ta đến với tư cách là đại diện của dân Chúa ở Úc. Chúng ta mang theo mình, như một đặc ân và như một trách nhiệm, đức tin quý giá và đôi khi mong manh của dân Chúa; chúng ta mang theo hy vọng và ước mơ của họ, nỗi đau và sự đau khổ của họ, niềm vui và sự lạc quan của họ, nỗi sợ hãi và sự do dự của họ”.

“Do đó, nhiệm vụ mà chúng ta cùng nhau chia sẻ không phải là trở thành tiếng nói đại diện cho bất cứ tổ chức, hay thừa tác vụ hay linh đạo nào trong Giáo hội. Chúng ta đã không được kêu gọi để cổ vũ bất cứ chương trình nghị sự cụ thể nào, dù là của chúng ta hay của người khác. Chúng ta được kêu gọi bước vào một không gian thánh thiêng, với tư cách là anh chị em trong Chúa Kitô, để lắng nghe sâu sắc tiếng nói và lưu ý tới sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần, khi những điều này xuất hiện qua tất cả các yếu tố khác nhau trong tuần lễ của chúng ta, và như chúng xuất hiện và chín mùi qua nhiều năm tháng chuẩn bị của chúng ta cho thời điểm này”.

Phiên khai mạc của Công đồng Toàn thể được chủ trì bởi một đại diện đáng tự hào của Giáo phận theo nghi lễ Maronite, Bà Theresa Simon.

Bà cho biết Giáo Hội Công Giáo ở Úc được chúc phúc bằng sự đa dạng văn hóa tuyệt vời, điều này được phản ảnh qua sự hiện diện của các đại diện giáo hội theo Nghi lễ phương Đông tại Công đồng Toàn thể.

Bà Simon giải thích, “Cha mẹ tôi đến từ những ngôi làng nhỏ ở Thung lũng Kadisha ở Lebanon, thung lũng linh thiêng của các vị thánh, và giống như rất nhiều người trong chúng ta tụ tập ở đây, các bậc tiền bối của chúng ta rời quê hương từ khắp nơi trên thế giới, mang theo đức tin Công Giáo của họ”.

“Cùng nhau, chúng ta tập hợp trong tính phong phú đa dạng, cùng nhau tham gia ở đây trong Một Chúa, Một Đức tin, Một Phép Rửa và tất cả được tạo ra để uống cùng Một Thánh Thần”.

Bà nói thêm, “Ở đây, từ ngôi nhà của tôi ở phía tây Sydney, nơi chúng tôi có lẽ đã thấy rõ hơn hậu quả của COVID-19 trong những tháng gần đây, tôi biết rằng tất cả chúng ta đều lưu tâm đến bệnh tật, cái chết, cấm cửa, đóng cửa biên giới, xa cách những người thân yêu và sự không chắc chắn về tương lai. Tuy nhiên, trong tất cả những điều này, chúng ta, những người Công Giáo, chúng ta biết hy vọng rằng thế giới sẽ bắt đầu mở cửa trở lại và chúng ta biết ơn sâu xa vì những điều kỳ diệu của khoa học và việc làm của những người ở tuyến đầu. Chúng ta cầu nguyện để những tháng sắp tới mang lại khuây khỏa cho nhiều người ở đây ở Úc và trên khắp thế giới, những người đang đau khổ vào thời điểm này”.
Source:Catholic Weekly

2. Tiến Trình Công Nghị của Đức bị dời lại vì không đủ túc số

Sau khi thông qua một số tuyên bố thách thức giáo lý Công Giáo, phiên họp khoáng đại Tiến Trình Công Nghị của các giám mục và giáo dân Đức đã bất ngờ bị bế mạc vào ngày 2 tháng 10 khi Giám mục Georg Bätzing, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục, nhận thấy rằng cuộc họp không còn đủ túc số nữa.

Cuộc họp Tiến Trình Công Nghị đã thông qua hàng tá tuyên bố, bao gồm lời kêu gọi chúc lành cho các kết hiệp đồng giới, và một tuyên bố xem ra đặt vấn đề về sự cần thiết của chức linh mục được truyền chức. Lời kêu gọi chúc lành cho các kết hiệp đồng giới bác bỏ một cách rõ ràng những cảnh báo của Vatican. Việc đặt vấn đề về sự cần thiết của chức linh mục được truyền chức thậm chí thách thức ngay cả bí tích truyền chức thánh được Chúa Giêsu thiết lập trong Bữa Tiệc Ly.

Cuộc bỏ phiếu về các tuyên bố được đề xuất bất ngờ bị kết thúc khi Giám Mục Bätzing nhận thấy rằng nhiều tham dự viên đã bỏ về nhà trước khi cuộc họp chính thức khép lại sau ba ngày thảo luận. Túc số 2/3 đại diện không còn có thể đạt được; vì thế Bätzing đưa ra ý kiến kết thúc sớm cuộc họp.

Tuy nhiên, sau đó Giám mục Bätzing thông báo rằng thời hạn cho Tiến Trình Công Nghị sẽ được kéo dài. Ban đầu dự kiến kết thúc vào tháng này, tiến trình này - bắt đầu vào tháng 12 năm 2019 – sẽ được kéo dài đến đầu năm 2022 vì dịch Covid. Bây giờ nó sẽ tiếp tục đến năm 2023.

Việc các giám mục Đức chấp nhận Tiến Trình Công Nghị đã gây ra những căng thẳng nghiêm trọng cả trong hội đồng giám mục, vì một số ít giám mục Đức đã phản đối mạnh mẽ các sáng kiến cấp tiến, và trong Giáo hội hoàn vũ, vì sự ủng hộ của Đức đối với những thay đổi triệt để trong giáo lý và thực hành Công Giáo ngày một gia tăng, kéo theo nguy cơ ly khai hoàn toàn.

Các nhà lãnh đạo trong hàng giáo phẩm Đức cho rằng Tiến Trình Công Nghị là một bước cần thiết để phục hồi Giáo hội sau sự tàn phá do vụ tai tiếng lạm dụng tình dục. Tuy nhiên, những người chỉ trích Tiến Trình Công Nghị lập luận rằng hàng giáo phẩm Đức không được trang bị đầy đủ để có khả năng lãnh đạo Giáo hội hoàn vũ — một lập luận được củng cố bởi số liệu thống kê cho thấy hơn 700,000 người Công Giáo Đức đã bỏ đạo trong ba năm qua.

Bây giờ lại có một sự mỉa mai đầy ấn tượng, cách mà Bätzing và các Giám Mục cấp tiến khác tìm kiếm ấn tượng cho Tiến Trình Công Nghị Đức đã thất bại. Trong nhiều năm nay, khi bắt đầu Tiến Trình Công Nghị các nhà lãnh đạo Công Giáo Đức đã chứng kiến một cuộc ra đi ồ ạt của anh chị em giáo dân, với hàng trăm nghìn giáo dân đã rời bỏ Giáo Hội. Bây giờ họ lại bị buộc phải gia hạn thêm thời hạn cho Tiến Trình Công Nghị, bởi vì hàng chục người trong chính cái Thượng Hội Đồng của họ đã đứng dậy ra về trước khi kết thúc.
Source:Catholic World News

3. Đức Hồng Y Bagnasco nhập viện với COVID-19 sau Đại hội Thánh Thể Quốc tế

Đức Hồng Y Angelo Bagnasco đã phải nhập viện với COVID-19 sau khi đi dự Đại hội Thánh Thể Quốc tế ở Budapest.

Vị Hồng Y, 78 tuổi, đã được tiêm chủng đầy đủ vắc xin mRNA vào tháng 5 năm ngoái. Ngài có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 khi trở về Ý từ Hung Gia Lợi và nhập viện vào ngày 28 tháng 9.

Đức Hồng Y Bagnasco hiện đang được điều trị tại khoa truyền nhiễm của Bệnh viện Galliera ở Genoa, thành phố phía bắc nước Ý, nơi ngài giữ chức tổng giám mục từ năm 2006 cho đến khi nghỉ hưu vào năm ngoái.

Bệnh viện đã đưa ra một ghi chú vào ngày 30 tháng 9 cho biết rằng “tình trạng chung của vị Hồng Y rất khả quan và tiến triển lâm sàng là rất tích cực” kèm theo một bức ảnh Đức Hồng Y Bagnasco vẫy tay từ cửa sổ bệnh viện.

Trước khi nhập viện, Đức Hồng Y Bagnasco nói với Đài phát thanh Vatican vào tháng 9 rằng ngài mắc phải “một dạng COVID-19 cực kỳ nhẹ”.

“Tôi nghĩ sự nhẹ nhàng này chắc chắn là do tôi đã hoàn thành việc tiêm phòng vào tháng 5 năm ngoái. Vì vậy, chúng ta nên biết rằng ngay cả khi tiêm phòng, chúng ta vẫn có thể bị nhiễm bệnh, nhưng với một hình thức cực kỳ nhẹ. Đây là kinh nghiệm của tôi”, Đức Hồng Y nói.

Đức Hồng Y Bagnasco là chủ tịch của Hội đồng Giám mục Châu Âu (CCEE) và trước đây từng là chủ tịch của hội đồng giám mục Ý từ năm 2007 đến năm 2017.

Ngài là một trong nhiều Hồng Y Công Giáo đã nhiễm COVID-19 kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Hồng Y Philippe Ouedraogo của Burkina Faso và Hồng Y Angelo De Donatis, Giám quản Giáo phận Rôma, là các vị Hồng Y có kết quả xét nghiệm dương tính đầu tiên và hồi phục sau COVID-19 vào tháng 3 năm 2020.

Đức Hồng Y Gualtiero Bassetti, chủ tịch hội đồng giám mục Ý, đã phải nhập viện vì vi rút vào tháng 11 năm 2020. Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich của Luxembourg đã có kết quả dương tính vào tháng Giêng, cũng như Hồng Y Honduras Óscar Rodríguez Maradiaga vào tháng Hai.

Đức Hồng Y Raymond Burke đã được đặt máy thở vào tháng 8 sau khi xét nghiệm dương tính với coronavirus. Ngài đã được xuất viện vào ngày 3 tháng 9 và viết vào ngày 26 tháng 9 rằng sẽ “vài tuần nữa” ngài sẵn sàng trở lại các hoạt động bình thường của mình.

Đức Hồng Y Bagnasco đã dâng Thánh lễ khai mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế vào ngày 5 tháng 9. Thánh lễ ngoài trời diễn ra tại Quảng trường Anh hùng ở Budapest với sự góp mặt của một dàn hợp xướng 1,000 người.


Source:Catholic News Agency