1. Đức Thánh Cha bỏ ý định tham dự COP26 Glasgow
Hôm thứ Sáu, Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, nói với các nhà báo rằng Đức Hồng Y Parolin sẽ tham gia phiên họp của Hội nghị các Bên tham gia Công ước của Liên Hợp Quốc về Khuôn Khổ Biến đổi Khí hậu.
COP26 dự kiến diễn ra tại Glasgow, Tô Cách Lan, từ ngày 31 tháng 10 đến ngày 12 tháng 11.
Ông Bruni nói, “Tôi có thể nói rõ rằng phái đoàn sẽ được dẫn đầu bởi Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.”
Tưởng cũng nên nhắc lại, hôm 12 tháng 7 năm 2021, một phát ngôn viên của Hội đồng Giám mục Tô Cách Lan cho hay Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tông du Tô Cách Lan trong “một chuyến tông du ngắn” vào tháng 11 tới.
Phát ngôn nhân của Hội đồng Giám mục Tô Cách Lan cho biết: “Đức Thánh Cha sẽ tới Scotland một thời gian rất ngắn, để tham dự Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc.”
Với thông báo mới nhất này của Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, chuyến viếng thăm này sẽ không xảy ra.
Đức Thánh Cha Phanxicô và các nhà lãnh đạo tôn giáo khác đã đưa ra lời kêu gọi chung hôm thứ Hai 4 tháng 10 cho Hội nghị Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc để cổ vũ cho việc đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm cứu hành tinh khỏi “một cuộc khủng hoảng sinh thái chưa từng có”.
Cuộc họp “Niềm tin và Khoa học: Hướng tới COP26” đã quy tụ các nhà lãnh đạo Kitô Giáo giáo bao gồm Đức Tổng Giám Mục Justin Welby của Anh Giáo thành Canterbury và Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô, cũng như các đại diện của Hồi giáo, Do Thái giáo, Ấn Độ giáo, Sikh, Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo, Hỏa giáo và Kỳ Na giáo.
“COP26 ở Glasgow tiêu biểu cho một lời triệu tập khẩn cấp nhằm đưa ra các biện pháp ứng phó hiệu quả đối với cuộc khủng hoảng sinh thái chưa từng có và cuộc khủng hoảng về các giá trị mà chúng ta hiện đang trải qua, và nhằm mang lại hy vọng cụ thể cho các thế hệ tương lai,” Đức Giáo Hoàng nói và nhấn mạnh rằng “Chúng tôi muốn đồng hành với cuộc họp bằng sự cam kết và sự gần gũi về mặt tinh thần của chúng tôi.”
Lời kêu gọi, trong đó mô tả biến đổi khí hậu là “mối đe dọa nghiêm trọng”, đã được trao cho Bộ trưởng Ngoại giao Ý Luigi Di Maio và Alok Sharma của Anh, chủ tịch COP26 ở Glasgow.
Source:Vatican News
2. Đức Giáo Hoàng sẽ tuyên phong Thánh Irenaeus của Lyon là tiến sĩ Hội Thánh
Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài dự định sẽ tuyên bố Thánh Irenaeus của thành phố Lyon, nhà thần học thế kỷ thứ hai nổi tiếng với việc bảo vệ chủ nghĩa chính thống trong bối cảnh gia tăng các giáo phái ngộ đạo.
Trong cuộc gặp gỡ ngày 7 tháng 10 với các thành viên của Nhóm Công tác Chính thống-Công Giáo Thánh Irenaeus, Đức Giáo Hoàng đã ca ngợi những nỗ lực của nhóm trong việc tạo ra một không gian đối thoại giữa người Công Giáo và Chính thống giáo, giống như tên gọi của họ.
Đức Thánh Cha nói:
“Quan thầy của anh chị em, Thánh Irenaeus thành Lyon –- người mà tôi sẽ sớm tuyên bố là tiến sĩ Hội Thánh với danh hiệu, ‘doctor unitatis’, nghĩa là ‘tiến sĩ của sự hiệp nhất’ - đến từ phương Đông, thực hiện sứ vụ giám mục của mình ở phương Tây, và là một cầu nối tinh thần và thần học tuyệt vời giữa các Kitô Hữu phương Đông và phương Tây”.
Theo trang web của mình, mục đích của Nhóm Công tác Chính thống-Công Giáo Thánh Irenaeus là “điều tra sự khác biệt sâu sắc trong tâm lý, cách suy nghĩ và cách làm việc thần học liên quan đến các vấn đề hiện tại trong cuộc đối thoại Chính thống-Công Giáo, để hiểu nhau và để thử xem cả hai truyền thống có thể làm giàu cho nhau như thế nào mà không làm mất đi bản sắc riêng của họ”.
Trang web của nhóm cho biết Thánh Irenaeus, “được tôn kính như một người cha bảo trợ trong cả giáo hội phương Đông và phương Tây” và “do đó đại diện cho một ví dụ về sự kết nối tâm linh giữa các giáo hội ở phương Đông và phương Tây, mà nhóm làm việc tìm cách thúc đẩy thông qua các cuộc thảo luận của minh”.
Sinh ra tại Smyrna, Tiểu Á - nay là Thổ Nhĩ Kỳ - Thánh Irenaeus được biết đến như một người bảo vệ trung thành cho đức tin.
Lo ngại về sự gia tăng của các giáo phái ngộ đạo trong Giáo Hội sơ khai, ngài đã viết tác phẩm “Adversus haereses”, nghĩa là “Chống lại những kẻ dị giáo”. Đó là một lời bác bỏ niềm tin ngộ đạo trong đó phái này đề cao kiến thức tâm linh của cá nhân, và coi nhẹ đức tin vào các giáo lý Kitô và thẩm quyền của giáo hội.
Trong cuộc họp mùa thu năm 2019, hội đồng giám mục Hoa Kỳ đã đồng ý thêm vào một đề nghị của Tổng giáo phận Lyon, Pháp - khu vực nơi Thánh Irenaeus phục vụ - là xin Đức Thánh Cha tuyên bố rằng vị giám mục thế kỷ thứ hai là tiến sĩ Hội Thánh.
Năm 2015, Đức Thánh Cha đã tuyên bố Thánh Grêgôriô thành Narek là tiến sĩ Hội Thánh. Với quyết định này, Thánh Irenaeus sẽ là vị tiến sĩ Hội Thánh thứ hai được Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên bố, nâng tổng số tiến sĩ Hội Thánh lên 37 vị.
Source:Catholic News Agency
3. Cựu Thượng nghị sĩ Joe Donnelly được bổ nhiệm làm Đại Sứ Hoa Kỳ cạnh Tòa Thánh
Hôm thứ Sáu, Tòa Bạch Ốc cho biết Cựu Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Joe Donnelly của Indiana đã được tổng thống Joe Biden bổ nhiệm làm Đại sứ Hoa Kỳ cạnh Tòa Thánh.
Donnelly là một người Công Giáo và từng là giáo sư tại Đại học Notre Dame, nơi ông nhận bằng đại học và bằng luật. Ông phục vụ tại Thượng viện Hoa Kỳ từ năm 2013 đến năm 2019, rời nhiệm sở sau khi thất bại trong cuộc bầu cử năm 2018 trước ứng cử viên đảng Cộng hòa Mike Braun. Ông đại diện cho Khu vực Quốc hội số 2 của Indiana từ năm 2007 đến năm 2013, trong thời gian đó, ông đã bỏ phiếu chống lại việc tài trợ cho nghiên cứu tế bào gốc và là kẻ thù mạnh mẽ đối với việc tài trợ cho phá thai trong Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng năm 2010.
Tuy nhiên, tại Thượng viện, ông lại đảo ngược lập trường của mình, và thôi không chống lại nguồn tài trợ của liên bang cho Planned Parenthood, tổ chức cung cấp dịch vụ phá thai.
Donnelly hiện là đối tác của công ty luật Akin Gump ở Washington, DC. Ông là chủ tịch hội đồng quản trị tại Trung tâm Soufan có trụ sở tại New York, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên về an ninh toàn cầu và chính sách đối ngoại tập trung vào chống khủng bố, bạo lực, chủ nghĩa cực đoan và xung đột vũ trang.
Ông là cố vấn cho nhiều tập đoàn. Tòa Bạch Ốc lưu ý rằng ông từng đoạt được Huân chương Dịch vụ Xuất sắc của Hải quân Hoa Kỳ.
Cha John I. Jenkins, Giám đốc Đại học Notre Dame, đã chúc mừng Donnelly, và nhận định rằng Donnelly là “một sự lựa chọn lý tưởng” cho vị trí này.
Cha Jenkins nói: “Ông ấy sẽ mang đến cho vai trò này sự hiểu biết sâu sắc về các vấn đề mà quốc gia và thế giới đang phải đối mặt, một đức tin Công Giáo chân chính và sự hiểu biết về vai trò của Giáo hội trong thế giới của chúng ta”.
Khi còn ở Quốc hội, Donnelly được biết đến là một đảng viên Dân chủ ôn hòa ủng hộ lao động, ủng hộ cuộc sống, nhưng đã thay đổi quan điểm về hôn nhân vào năm 2013.
Ông ủng hộ một số chính sách phò sinh trong những năm qua, bao gồm hạn chế phá thai sau 20 tuần và cấm phá thai từ tiền đóng thuế của người dân.
Donnelly là một trong số hàng chục đảng viên Dân chủ phản đối việc tài trợ cho việc phá thai trong Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng khi nó đang được Quốc hội xem xét vào năm 2009. Tuy nhiên, vào năm 2013 Donnelly đã tuyên bố ủng hộ việc định nghĩa lại hôn nhân, nói rằng đó là “điều đúng đắn cần làm”, như Politico đưa tin.
Source:Catholic News Agency