1. Giáo phận Saltillo tổ chức một loạt hội nghị về nạn mê tín trong anh chị em giáo dân
Giáo phận Saltillo sẽ tổ chức một loạt hội nghị để công khai đối đầu với các hoạt động tà giáo như phù thủy, bói toán, cầu cơ và sự sùng kính đối với các thần tượng như Santa Muerte, nghĩa là Thần Chết, và Niño Fidencio.
Cha David López cho biết đã có sự gia tăng các tập tục tà giáo được báo cáo trong hàng ngũ anh chị em giáo dân với những hậu quả nghiêm trọng nhất về kinh tế, rối loạn tâm thần và nạn tự tử.
“Nó không chỉ ảnh hưởng đến các tín hữu Công Giáo, mà cón ảnh hưởng đến nhiều người khác cả những người có niềm tin, lẫn những người không tin. Nó làm tăng sự từ chối tiếp nhận một giáo lý Kitô, và khiến nhiều người dễ bị ảnh hưởng bởi các vấn đề huyền bí và ma thuật. Nó là một vấn đề ảnh hưởng đến mọi cấp độ xã hội và nghề nghiệp”.
“Từ những người tìm cách loại bỏ ai đó khỏi cơ hội cạnh tranh với mình, và tìm đến những thầy 'phù thủy' hoặc các 'pháp sư' để tìm ra một giải pháp dễ dàng, nhưng cuối cùng lại khiến họ chìm sâu hơn vì nó ảnh hưởng đến con người và gia đình”.
Ngài nói thêm: “Chúng ta cũng thấy điều này phản ánh rõ nét qua những rối loạn, sợ hãi hoặc ám ảnh mà các chuyên gia sức khỏe tâm thần xác định là nền tảng gây ra chứng lo âu hoặc trầm cảm”.
Trong khi Giáo Hội tìm cách cảnh báo các giáo dân của mình về các hoạt động phù thủy, thì trong thành phố ngày càng có nhiều cơ sở kinh doanh chuyên bán các vật phẩm phục vụ cho việc thực hành phù thủy.
Trong số các hình thái mê tín dị đoan, hoạt động kinh doanh liên quan đến “Santa Muerte” phát triển mạnh nhất. Hàng ngày có hàng chục người tìm kiếm bùa hộ mệnh. Cũng có những người yêu thích “Santa Muerte” hoặc “Niño Fidencio” và làm bàn thờ cho những thứ ma quỷ này bên cạnh các bàn thờ Chúa và Đức Mẹ.
Source:Vanguadia
2. Đài Bắc nhận định Bắc Kinh có thể xâm lược hòn đảo vào năm 2025
Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Triệu Quốc Thành (Chiu Kuo-cheng,赵国成) đã cảnh báo Quốc hội hôm thứ Ba 12 tháng 10 rằng Trung Quốc đã có đủ năng lực để xâm lược Đài Loan và sẽ có thể phát động một cuộc tấn công “quy mô lớn” nhằm vào hòn đảo này vào năm 2025. Một số nhà quan sát tin rằng viễn cảnh này có thể còn đến sớm hơn.
Đề cập đến những căng thẳng ngày càng gia tăng với Bắc Kinh, Ông Triệu cho biết tình hình hiện tại là nghiêm trọng nhất kể từ khi ông gia nhập Lực lượng Vũ trang cách đây 40 năm. Bộ trưởng giải thích rằng một đánh giá sai lầm có thể dẫn đến một cuộc xung đột ngay lập tức dọc theo eo biển Đài Loan.
Ông đang đề cập đến các cuộc xâm nhập lặp đi lặp lại của không quân Trung Quốc vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Bắc. Trong 5 ngày qua, máy bay quân sự của Trung Quốc đã thực hiện 150 lần xuất kích, với mức cao kỷ lục là 56 lần vào ngày 4/10.
Bắc Kinh coi Đài Loan là một 'tỉnh nổi dậy' và chưa bao giờ loại trừ việc tái chiếm nó bằng vũ lực. Trên thực tế, hòn đảo này đã độc lập khỏi Trung Quốc kể từ năm 1949, khi những người theo chủ nghĩa dân tộc của Tưởng Giới Thạch tìm thấy nơi ẩn náu ở đó sau khi thất bại trong cuộc nội chiến trên đất liền với những người cộng sản. Từ đó, Đài Loan đã trở thành người thừa kế của Trung Hoa Dân Quốc được thành lập vào năm 1912.
Các nhà phân tích Đài Loan cho rằng các cuộc không kích của Trung Quốc nhằm chứng tỏ khả năng tác chiến chung của lực lượng không quân nước này.
Lyle Goldstein, giám đốc của Khu vực Á Châu về các ưu tiên quốc phòng, tin rằng còn nhiều điều nguy hiểm hơn thế nữa. Chuyên gia quân sự này nói với AsiaNews, “Quân Trung Quốc rõ ràng đang cố gắng kiểm tra và làm căng các tuyến phòng thủ của Đài Loan.” Tuy nhiên, Goldstein nói thêm rằng còn có một động cơ đen tối hơn: “Một khi người dân Đài Loan và các nơi khác đã quen với các cuộc xâm nhập không quân lớn của quân Trung Quốc, điều đó sẽ giúp che giấu một cuộc tấn công thực sự. Động thái cổ điển để che giấu một cuộc tấn công thực sự là ngụy trang nó dưới hình thức của một cuộc tập trận lớn”.
Chính phủ Đài Loan gần đây thừa nhận rằng trong một nỗ lực xâm lược, Trung Quốc có thể nhanh chóng đánh sập hệ thống liên lạc của hòn đảo. Trong một bài báo của Foreign Affairs, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn viết rằng chính phủ của bà đã đưa ra một loạt sáng kiến nhằm hiện đại hóa và tổ chức lại các lực lượng vũ trang của mình.
Source:Asia News
3. Vương Cung Thánh Đường Colorado bị xúc phạm với dòng chữ 'Satan sống ở đây'
Những kẻ phá hoại đã xúc phạm Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội ở Denver, Colorado, vào hôm Chúa Nhật với các thông điệp của giáo phái Satan ngay trước Thánh lễ buổi sáng.
Denver 7, chi nhánh địa phương của ABC News cho biết: Cửa trước bằng đồng và cột đá của nhà thờ đã bị vẽ bậy với các thông điệp chế nhạo Chúa Giêsu, coi các linh mục Công Giáo là “kẻ hiếp dâm trẻ em” và tuyên bố “Satan sống ở đây”.
Trong một tham chiếu rõ ràng đến cụm từ lan truyền trên mạng xã hội sau khi hôn nhân đồng tính được hợp pháp hóa vào năm 2015, dòng chữ “tình yêu chiến thắng” được vẽ nguệch ngoạc trên một bức tượng gần đó của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.
Một linh mục đã nói với phóng viên Patrick Perez của Denver 7 rằng một nhân chứng đã trình báo cảnh sát.
Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội ở Denver đã từng bị phá hoại tương tự vào năm 2020 trong các cuộc biểu tình dữ dội sau cái chết của George Floyd.
Vào cùng ngày xảy ra vụ vẽ bậy tại Denver, một đám cháy đã xảy ra tại nhà xứ của Nhà thờ Thánh Gioan của Anh Giáo, ở Quảng trường Lafayette ở Washington, DC, những kẻ phá hoại đã phun sơn vào tài sản của nhà thờ những dòng chữ như “Không có Chúa” hay “Chúa đã chết.”
Theo Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, ít nhất 97 hành động phá hoại đã xảy ra đối với các nhà thờ Công Giáo tại 29 tiểu bang kể từ cái chết của George Floyd vào tháng 5 năm 2020.
Vào tháng 7 năm 2020, các Tổng Giám mục Thomas Wenski của Miami và Paul Coakley của Thành phố Oklahoma đã đưa ra một tuyên bố cảnh báo về những gì các ngài tin rằng sự phá hoại ngày càng tăng chỉ ra những đau yếu trong sức khỏe tinh thần của xã hội.
Hai vị Tổng Giám Mục viết: “Cho dù những người thực hiện những hành vi này là những cá nhân gặp rắc rối kêu cứu hay những kẻ thù ghét đang tìm cách đe dọa, các cuộc tấn công là dấu hiệu của một xã hội cần được chữa lành”.
“Trong những vụ việc mà hành động của con người là rõ ràng, người ta vẫn chưa hiểu rõ động cơ của họ. Khi chúng ta tìm cách để hiểu được sự hủy diệt những biểu tượng thiêng liêng của tình yêu vị tha và lòng sùng kính này, chúng ta hãy cầu nguyện cho bất kỳ ai đã gây ra các vụ phá hoại và chúng ta phải cảnh giác nhiều hơn nữa”.
Source:Fox News
4. Đức Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Latinh tại Jerusalem lên án quyết định của Israel cho phép người Do Thái cầu nguyện trong yên lặng tại Al-Haram Al-Sharif
Hôm thứ Ba 12 tháng 10, Đức Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Latinh và các nhà lãnh đạo các Giáo Hội Kitô khác ở Jerusalem đã lên án quyết định của Tòa án Sơ thẩm Israel cho phép người Do Thái cầu nguyện “thầm lặng” ở Al-Haram Al-Sharif, nơi có Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa, là địa điểm linh thiêng thứ ba của Hồi giáo. Các ngài coi quyết định này là một sự xúc phạm đến các quyền của người Hồi giáo trong toàn bộ khu đất, và trực tiếp đe dọa hòa bình trong vùng.
Trong một tuyên bố được đưa ra hôm 12 tháng 10, Đức Thượng Phụ và các nhà lãnh đạo các Giáo Hội Kitô khác tuyên bố rằng quyết định như vậy ảnh hưởng đến quyền của người Hồi giáo đối với Thánh địa của họ và rằng các Giáo Hội ở Jerusalem và anh chị em giáo dân đứng về phía anh chị em Hồi giáo của họ chống lại sự bất công này.
Các ngài đặc biệt cảnh cáo rằng quyết định bất công này sẽ đem lại các hậu quả nguy hiểm với mức độ nghiêm trọng cao nhất tại Al-Haram Al-Sharif, Thánh Địa, cũng như hiện trạng lịch sử và pháp lý hiện có ở Jerusalem.
Source:Wafa