Kỷ niệm biến cố mặt trời nhảy múa tại Fatima hôm 13 tháng 10 vừa qua, Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, có bài “10 things you need to know about how Fatima's 'Miracle of the sun' ended an Atheist regime”, nghĩa là “10 điều bạn cần biết về cách thế ‘Phép lạ mặt trời’ ở Fatima đã kết thúc một chế độ vô thần”.
Ngày 13 tháng 10 năm 1917 đánh dấu lần hiện ra cuối cùng của Đức Mẹ ở Fatima, và là ngày mà hàng ngàn người được chứng kiến phép lạ mặt trời nhảy múa; một phép lạ không chỉ chứng minh giá trị các cuộc hiện ra của Đức Mẹ ở Fatima, mà còn làm tan vỡ niềm tin thịnh hành lúc bấy giờ rằng Thiên Chúa không còn liên quan đến cuộc sống của con người nữa.
Tiến sĩ Marco Daniel Duarte, nhà thần học và giám đốc bảo tàng Đền Fatima nói với CNA 10 điều chúng ta cần biết về tác động của phép lạ trong những ngày đó ở Bồ Đào Nha.
1) Nếu một người mở sách triết học trong thời kỳ đó ra, họ có thể sẽ đọc một cái gì đó tương tự như khái niệm mà nhà triết học người Đức Friedrich Nietzsche đưa ra. Ông ta đã mạnh dạn khẳng định vào cuối những năm 1800 rằng “Chúa đã chết”.
2) Ngoài ra, vào năm 1917, Bồ Đào Nha, giống như phần lớn thế giới, bị lôi kéo vào chiến tranh. Khi Chiến tranh thế giới thứ nhất hoành hành khắp Âu Châu, Bồ Đào Nha nhận thấy mình không thể duy trì vị thế trung lập ban đầu và gia nhập lực lượng Đồng minh. Hơn 220,000 thường dân Bồ Đào Nha đã chết trong chiến tranh; hàng nghìn người khác chết do thiếu lương thực, hàng nghìn người khác do dịch cúm Tây Ban Nha.
3) Vài năm trước đó, vào năm 1910, một cuộc cách mạng đã dẫn đến việc thành lập Cộng hòa Bồ Đào Nha đầu tiên vào năm 1910 và một hiến pháp cấp tiến mới được soạn thảo dưới ảnh hưởng của Hội Tam điểm, vốn tìm cách triệt hạ đức tin khỏi đời sống công cộng.
4) Các nhà thờ và trường học Công Giáo đã bị chính quyền tịch thu, và việc mặc y phục giáo sĩ ở nơi công cộng, rung chuông nhà thờ và cử hành các lễ hội tôn giáo công cộng đều bị cấm. Trong khoảng thời gian từ năm 1911 đến năm 1916, gần 2,000 linh mục, tu sĩ và nữ tu đã bị giết bởi các nhóm bài Kitô Giáo.
5) Đây là bối cảnh mà Đức Maria, vào năm 1917, đã xuất hiện với ba trẻ chăn cừu - Lucia dos Santos, 10 tuổi, và hai anh em Francisco Marto và Jacinta Marto, 9 tuổi và 7 tuổi - tại một cánh đồng ở Fatima, Bồ Đào Nha, mang theo những yêu cầu của Đức Mẹ về việc đọc kinh Mân Côi, để hy sinh đền tội cho những người tội lỗi, và một bí mật liên quan đến số phận của thế giới.
6) Để chứng minh rằng những lần hiện ra là sự thật, Đức Maria đã hứa với các trẻ em rằng trong sáu lần hiện ra cuối cùng, Mẹ sẽ đưa ra một “dấu chỉ” để mọi người tin vào những lần hiện ra và thông điệp của Đức Mẹ. Những gì đã xảy ra vào ngày đó - ngày 13 tháng 10 năm 1917 - được gọi là “Phép lạ Mặt trời”, hay “ngày mặt trời nhảy múa.”
7) Theo nhiều lời kể khác nhau, một đám đông khoảng 70,000 người - cả những người tin và những người hoài nghi - đã tụ tập để xem phép lạ mà Đức Maria đã hứa: mưa lúc đầu tưởng như không dứt đã tạnh. Một tấm màn trong suốt phủ lên mặt trời, giúp mọi người dễ dàng quan sát mà không bị chói mắt và những ánh sáng nhiều màu được rải khắp cảnh quan. Sau đó, mặt trời bắt đầu quay, xoay tròn trên bầu trời, và tại một thời điểm dường như nhào xuống mặt đất trước khi lùi trở lại vị trí của nó trên bầu trời.
8) Phép lạ gây kinh ngạc là một mâu thuẫn trực tiếp và rất thuyết phục đối với các chế độ vô thần vào thời điểm đó, được chứng minh bằng thực tế là tờ báo đầu tiên đưa tin về phép lạ trên trang nhất là một tờ báo chống Công Giáo, một tờ báo của Tam Điểm ở Lisbon có tên là O Seculo.
9) Phép lạ Mặt trời, được mọi người hiểu là “con dấu, là sự bảo đảm rằng ba đứa trẻ đã nói sự thật”.
10) Ngay cả ngày nay, “Fatima làm cho mọi người thay đổi nhận thức của họ về Thiên Chúa,” vì “một trong những thông điệp quan trọng nhất của các cuộc hiện ra là ngay cả khi con người đã tách Thiên Chúa ra khỏi hiện sinh của mình, Thiên Chúa vẫn hiện diện trong lịch sử nhân loại và không bo giờ bỏ rơi nhân loại”.
Source:Catholic News Agency