1. Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin kêu gọi các tín hữu giáo dân, tham gia tích cực hơn vào đời sống Giáo hội.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho tuần báo Alfa và Omega, xuất bản tại thủ đô Madrid, Tây Ban Nha, Đức Hồng Y Ladaria, 77 tuổi thuộc dòng Tên người Tây Ban nha, nhấn mạnh đến sự quan tâm chăm sóc nhiều hơn giữa các phần tử Giáo hội đối nhau. Ngài nhắc đến lời thánh Irênê, Giám mục thành Lyon bên Pháp, theo đó Giáo Hội Công Giáo giống như một bản hợp ca gồm nhiều giọng khác nhau: mỗi ngươi có thể làm cho Giáo hội được phong phú nhờ đức tin của mình, đức tin chiếm chỗ ưu tiên hơn thần học: “Nếu thần học không nhắm làm tăng trưởng đức tin và lòng yêu mến Thiên Chúa thì nó vô ích”.

Trả lời câu hỏi của nhà báo về thái độ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đối với những cặp đồng phái, Đức Hồng Y Ladaria nhận xét rằng trong một cuộc phỏng vấn dành cho các ký giả trên chuyến bay, từ Slovakia về Roma, hôm 15/9 vừa qua, Đức Thánh Cha nhấn mạnh tầm quan trọng của hôn nhân Kitô giáo. Đồng thời, Đức Hồng Y nói thêm rằng tất cả chúng ta đều phải tôn trọng những người đồng tính luyến ái vì Chúa cũng yêu thương họ.

Theo Đức Hồng Y Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin, phụ nữ không thể bị loại khỏi thừa tác vụ trong Giáo hội. “Tôi xác tín rằng trong tương lai sẽ có những hình thức mới để phụ nữ can dự vào Giáo hội và các Hội đồng Giám mục có thể thiết lập cho họ các tác vụ, theo nhu cầu của Giáo hội. Vai trò của phụ nữ đang gia tăng trong Giáo hội và điều này cũng đang diễn ra tại Vatican, nhiều trách vụ quan trọng được ủy thác cho phụ nữ”.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Hồng Y Ladaria cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải phân phối công bằng các tài nguyên trên thế giới, lương thực, thuốc men, kể cả vắcxin.

2. Ba khuôn mặt hoang tưởng tại Pháp đang cố đẩy Giáo Hội tại Pháp đến chỗ diệt vong

Sáu ngày sau khi báo cáo lạm dụng tính dục trong hàng giáo sĩ ở Pháp được công bố, ba khuôn mặt hoang tưởng tại Pháp đã lên tiếng kêu gọi “các giám mục Công Giáo từ chức tập thể” và vận động mạnh mẽ trên mạng xã hội các tín hữu Công Giáo đừng đến nhà thờ cho đến khi các Giám Mục đồng loạt từ chức.

Tờ Le Monde cho biết ba nhân vật, này bao gồm cả biên tập viên Christine Pedotti của “Témoignage Chrétien”, nghĩa là “Chứng Tá Kitô”, đã kêu gọi “đổi mới”, sáu ngày sau khi ủy ban độc lập về lạm dụng tình dục trong Giáo hội công bố báo cáo của mình.

Ngoài ra còn có đồng sáng lập hiệp hội các nạn nhân bị lạm dụng tính dục, La Parole libérée, François Devaux, và nhà thần học Anne Soupa. Họ đã đưa ra tuyên bố trên hôm thứ Hai 11 tháng 10, trong đó yêu cầu các Giám Mục Pháp “từ chức tập thể”, sau kết luận của ủy ban Sauvé về lạm dụng tính dục trẻ em trong Giáo Hội Công Giáo.

Thông qua các mạng xã hội, nhóm này đưa ra các hashtag như #MyChurchToo, nhằm kêu gọi những người Công Giáo bày tỏ sự phẫn nộ, và đòi phải cải tổ Giáo Hội.

Bắt chước nhóm Maria 2.0, nhóm này kêu gọi các tín hữu Công Giáo đừng đến nhà thờ cho đến khi các Giám Mục đồng loạt từ chức.

Lời kêu gọi của họ mang tên “Đối mặt với phá sản, sự từ chức của các giám mục là kết quả danh dự duy nhất”.

Christine Pedotti, Anne Soupa và François Devaux cho rằng: “Không chỉ là thất bại, báo cáo của CIASE nêu bật một vụ phá sản thực sự”. Theo họ, “bất kỳ tổ chức, hiệp hội, công ty nào trong trường hợp như thế cũng đều gặp phải hậu quả cần thiết là loại bỏ những người lãnh đạo của mình”.

“Chúng tôi yêu cầu sự từ chức tập thể của tất cả các giám mục tại vị như một dấu chỉ của hy vọng và đổi mới”. Pháp có khoảng 120 giám mục.

Theo họ, từ chức “là cử chỉ duy nhất tương xứng với thảm họa và sự mất niềm tin của chúng ta. Đó là một hành động hối lỗi cụ thể, đầu tiên đối với các nạn nhân. Đó là thái độ duy nhất có thể làm khôi phục lại ngôi nhà của Hội Thánh”.

Cả ba lập luận rằng việc các giám mục từ chức tập thể đã từng xảy ra sau những sự kiện tương tự :

“Trong Giáo Hội Công Giáo, tiền lệ này tồn tại: các giám mục Chí Lợi đã đệ đơn từ chức tập thể cho Đức Thánh Cha Phanxicô sau khi một vụ án khổng lồ về tội phạm trẻ em bị phanh phui. Tại Đức, Đức Hồng Y Marx, Tổng Giám mục của Munich, cũng đã trình đơn từ chức lên Đức Giáo Hoàng nhân danh trách nhiệm mà ông cho là phải gánh liên quan đến lạm dụng tình dục, mặc dù bản thân ông đã không phạm sai lầm”.

Họ nói thêm “Chúng tôi không nghi ngờ rằng không phải tất cả các giám mục Pháp đều che đậy tội ác, nhưng chính cấu trúc của hệ thống phẩm trật Công Giáo cho thấy sự liên tục và liên đới giữa mỗi giám mục và vị tiền nhiệm. Như thế, nếu tất cả đều không trong sạch thì tất cả đều phải chịu trách nhiệm”.

Cuối cùng, họ đề nghị Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm một đặc sứ đại diện chính thức của Đức Giáo Hoàng, và họ đề nghị nữ tu Véronique Margron, chủ tịch của Liên Hiệp Các Dòng Tu tại Pháp vào vị trí đó, trong khi chờ đợi hình thành một hàng giáo phẩm mới.

François Devaux là người sáng lập ra La Parole libérée nhằm thưa kiện Giáo Hội đòi bồi thường. Nạn nhân đầu tiên của hắn ta là Đức Hồng Y Philippe Barbarin, nguyên Tổng Giám Mục Lyon. Vị Hồng Y đã được minh oan. Thất bại trong vụ đó, hắn cáu tiết gọi Đức Thánh Cha Phanxicô là “căn nguyên của mọi tội lỗi” vì thái độ bênh vực cho Đức Hồng Y Barbarin của ngài.

Anne Soupa, 73 tuổi, là nhà báo và học giả Kinh thánh, một trong những nhà hoạt động nổi tiếng của Pháp chuyên đấu tranh để đòi hỏi các vai trò lớn hơn cho phụ nữ trong Giáo Hội Công Giáo. Hôm 25 tháng Năm, 2020, giữa tình cảnh dịch bệnh bùng phát mạnh, bà ta đã gửi một lá thư đến Sứ thần Tòa Thánh ở Paris nói rằng bà muốn lãnh đạo tổng giáo phận Lyon, là một tổng giáo phận đã có từ rất lâu trong lịch sử Giáo Hội.

Bên cạnh lá thư xin việc rất chi tiết, bà còn đính kèm một sơ yếu lý lịch của mình.

Soupa là người đồng sáng lập tổ chức “Hội Nghị Những Người Nói Tiếng Pháp Đã Được Rửa Tội”, gọi tắt là CCBF.

Đơn xin ứng cử chức vụ Tổng Giám Mục của bà đã nhận được hỗ trợ từ nhóm Parole Libérée của François Devaux, là nhóm đã quyết liệt đưa Đức Hồng Y Philippe Barbarin ra tòa về tội “không tố cáo hành vi đối xử tệ bạc với trẻ vị thành niên” của cha Bernard Preynat. Hôm thứ Năm 30 tháng Giêng, 2020, Tòa Phúc Thẩm ở Lyon đã tuyên bố ngài vô tội. Tuy nhiên, sau vụ này Đức Hồng Y đã xin Đức Thánh Cha cho ngài từ chức Tổng Giám Mục Lyon vì theo Đức Hồng Y, ngài muốn anh chị em giáo dân “có thể được nên một”.

Christine Pedotti là khuôn mặt có lẽ mới mẻ. Riêng François Devaux và Anne Soupa thì sự hoang tưởng của họ thiết nghĩ đã quá rõ ràng.


Source:Le Monde

3. Sứ điệp gửi Giáo Hội Công Giáo tại Nga của Đức Thánh Cha Phanxicô

Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi cộng đồng tín hữu Công Giáo tại Nga ngày càng tăng trưởng theo tinh thần Tin mừng, ngoan ngoãn đối với Lời Chúa, được niềm hy vọng linh hoạt và được sức mạnh an ủi của Chúa Thánh Linh nâng đỡ.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây, trong sứ điệp gửi Giáo Hội Công Giáo tại Nga, hôm 10/10 vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập bốn miền Giám quản Tông tòa cho các tín hữu Công Giáo Latinh, với tông chiếu ngày 13/4 năm 1991 của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II.

Đức Thánh Cha nhận định rằng: “Điều mà anh chị em cử hành không phải là kỷ niệm những văn kiện pháp lý và những thực tại hình thức, nhưng đúng hơn là nhớ lại với lòng khiêm tốn và biết ơn vì những thiện ích đã nhận được từ Chúa và từ bao nhiêu anh chị em, nâng đỡ trong hành trình.

Đức Thánh Cha cầu mong rằng “việc kỷ niệm này khích lệ toàn thể cộng đoàn Công Giáo tại Liên bang Nga trở thành một hạt giống Tin mừng, trong vui mừng và khiêm tốn, cống hiến một sự trong sáng minh bạch của Nước Chúa. Tôi cầu chúc toàn thể anh chị em là một cộng đoàn tìm kiếm theo ơn gọi hướng đến sự hiệp thông với tất cả, để đơn sơ và quảng đại làm chứng về hồng ân đã nhận lãnh, trong đời sống gia đình và mọi môi trường của cuộc sống hằng ngày”.

Bốn miền Giám quản Tông tòa được Tòa Thánh thành lập năm 1991, sau khi chế độ cộng sản tại Nga sụp đổ là: Mascơva, Novosibirk, Irkutsk và Saratov. Sau đó bốn miền này được nâng lên hàng Tổng giáo phận Mẹ Thiên Chúa ở Mascơva, giáo phận San Clemente ở Saratov nam Nga, giáo phận Chúa Hiển Dung ở Novosibirk, và sau cùng là giáo phận thánh Giuse ở Irkusk, miền đông Nga. Tên của các giáo phận này không được đặt theo địa danh để tránh đụng chạm với Giáo hội Chính thống Nga.

Số tín hữu Công Giáo vào khoảng 790,000 người trên tổng số 145 triệu dân Nga, với tổng cộng 300 giáo xứ và 270 linh mục, đa số là là người nước ngoài.


Source:Catholic News Agency