1. Số người Công Giáo ở Á Châu và Phi Châu tiếp tục tăng
Số lượng người Công Giáo ở Á Châu và Phi Châu tiếp tục tăng trong năm 2019, theo số liệu thống kê mới được công bố.
Dân số thế giới tăng 81,3 triệu người vào năm 2019, trong khi số các thành viên của Giáo Hội Công Giáo tăng 15,4 triệu người, nâng tổng số tín hữu Công Giáo lên 1,3 tỷ trên toàn thế giới.
Số liệu thống kê mới so sánh năm 2019, là năm cuối cùng Giáo Hội có dữ liệu, với năm 2018 và do đó thống kê này không phản ánh tác động của đợt bùng phát coronavirus toàn cầu vào năm 2020.
Tin tức đưa ra trong những năm gần đây đã làm nổi bật sự sụt giảm các linh mục Công Giáo được thụ phong ở Âu Châu và Mỹ Châu. Dù thế, tổng số linh mục đã tăng nhẹ trong năm 2019 với 271 linh mục chủ yếu là do sự gia tăng các ơn gọi linh mục ở Phi Châu và Á Châu, bù lại sự giảm sút ở nơi khác.
Các phó tế vĩnh viễn cũng tiếp tục tăng so với năm trước, với tất cả năm châu lục đều chứng kiến số lượng gia tăng, đặc biệt là Âu Châu và Mỹ Châu.
Số lượng nam nữ tu sĩ giảm trong năm 2019. Số nữ tu đã giảm hơn 11,500 sơ. Nhưng số những nhà truyền giáo giáo dân đã tăng hơn 34,200 người, đa số là ở Mỹ Châu.
Dân số Công Giáo vẫn ổn định với sự gia tăng dân số. Vào cuối năm 2019, người Công Giáo chiếm 17.74% dân số toàn cầu - chỉ tăng 0.01% so với năm 2018.
Số người Công Giáo ở Phi Châu đã tăng hơn tám triệu người vào năm 2019, nâng tỷ lệ người Công Giáo lên 19% trong tổng số dân, trong khi ở Á Châu, nơi có 4.5 tỷ người sinh sống, người Công Giáo chỉ chiếm 3.31% dân số, tức là 149.1 triệu người.
Trong một cuộc họp báo vào ngày 21 tháng 10, Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle đã thu hút sự chú ý đến một số lượng tương đối nhỏ người Công Giáo ở Á Châu, và chỉ ra rằng khoảng một nửa số người Công Giáo của lục địa này sống ở Phi Luật Tân.
Tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc nói thêm rằng “những năm qua, chúng ta đã thấy ở Á Châu, sự gia tăng tỷ lệ bách phân số người rửa tội, cũng như số người gia nhập các chủng viện và đời sống tu trì”.
“Về số lượng, đó vẫn còn là con số nhỏ, nhưng về tỷ lệ phần trăm, đó là con số lớn. Và tất nhiên, chúng ta cảm ơn Chúa về điều này.”
Đức Hồng Y Tagle, nguyên tổng giám mục của Manila, đã phát biểu như trên trong cuộc họp báo về Chúa Nhật Khánh Nhật Truyền giáo Thế giới, được cử hành trên toàn cầu vào ngày 24 tháng 10.
Ngài lưu ý rằng vào năm 2021, Giáo hội ở Phi Luật Tân kỷ niệm 500 năm Kitô Giáo đến với quốc gia này.
Ngài nói: “Bây giờ chúng ta có nhiều người Phi Luật Tân phục vụ với tư cách là những nhà truyền giáo, họ không chỉ là các linh mục và nam nữ tu sĩ, mà còn là giáo dân, một số người đã di cư đến các nơi khác trên thế giới để làm việc và đang giúp truyền bá thông điệp Kitô Giáo”
Source:Catholic News Agency
2. Đức Tổng Giám Mục Gänswein cho biết Đức Bênêđíctô 16 vẫn 'tràn đầy niềm đam mê đối với cuộc sống'
Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein cho biết Đức Bênêđíctô 16 vẫn “tràn đầy niềm đam mê đối với cuộc sống” sau khi vị giáo hoàng danh dự bày tỏ hy vọng rằng ngài sẽ sớm được đi đoàn tụ với những người bạn của mình trên thiên đàng trong một thông điệp chia buồn.
Đức Tổng Giám Mục Gänswein, thư ký riêng của Đức Bênêđíctô 16, đã nói chuyện với tờ Bild của Đức vào ngày 20 tháng 10 sau khi các báo cáo truyền thông cho rằng vị giáo hoàng đã nghỉ hưu 94 tuổi có một “khao khát được chết”.
“Nghệ thuật chết tốt, tức là ars moriendi, là một phần của đời sống Kitô. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô đã làm điều đó trong nhiều năm qua,” Đức Cha Gänswein nói.
“Tuy nhiên, ngài vẫn hoàn toàn tràn đầy niềm đam mê cho cuộc sống. Thể chất ngài tuy yếu nhưng ổn định, tâm trí hoàn toàn trong sáng và được chúc lành với khiếu hài hước đặc trưng của vùng Bavaria.”
Tưởng cũng nên nhắc lại, Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô XVI nói rằng ngài mong muốn được cùng bạn bè lên thiên đàng trong một thông điệp chia buồn sau cái chết của một linh mục dòng Xitô.
Trong một bức thư đề ngày 2 tháng 10 và được tu viện Wilhering /wiu-hê-ring/ ở Áo công bố hôm thứ Ba 19 tháng 10, vị giáo hoàng đã nghỉ hưu 94 tuổi nói rằng cái chết của cha Gerhard Winkler đã khiến ngài vô cùng xúc động.
“Tin tức về sự ra đi của Giáo sư Tiến sĩ Gerhard Winkler dòng Xitô Nhặt Phép mà bạn đã báo cho tôi, đã ảnh hưởng sâu sắc đến tôi,” Đức Bênêđíctô XVI, là giáo hoàng từ năm 2005 đến 2013, viết.
“Trong số tất cả những đồng nghiệp và bạn bè, anh ấy là người thân thiết nhất với tôi. Sự vui vẻ và đức tin sâu sắc của anh ấy luôn thu hút tôi”.
“Bây giờ anh ấy đã đến thế giới tiếp theo, nơi tôi chắc chắn rằng nhiều bạn bè đã chờ đợi anh ấy. Tôi hy vọng rằng tôi có thể sớm tham gia cùng họ”.
Cha Bernhard Winkler sinh tại Wilhering, vùng Thượng Áo, gần thành phố Linz, vào năm 1931. Ngài vào tu viện Xitô địa phương năm 1951, đổi tên là Gerhard. Ngài được thụ phong linh mục vào ngày 29 tháng 6 năm 1955, tại Linz.
Sau khi lấy bằng tiến sĩ thần học tại Vienna năm 1956, ngài dạy tiếng Đức và tiếng Anh. Ngài lấy bằng thạc sĩ tiếng Anh tại Đại học Notre Dame ở Indiana, Hoa Kỳ.
Năm 1969, ngài bắt đầu sự nghiệp học tập ở Đức, giảng dạy ở Bochum và Freiburg.
Ngài đã làm việc chặt chẽ với Giáo sư Joseph Ratzinger, hay Đức Bênêđíctô XVI tương lai, tại Đại học Regensburg, nơi ngài giảng về Lịch sử Giáo hội Trung cổ và Hiện đại từ năm 1974 đến năm 1983.
Cha Ratzinger gia nhập Đại học Regensburg năm 1969 với tư cách là giáo sư thần học tín lý và lịch sử tín lý. Ngài giữ chức phó hiệu trưởng của trường đại học cho đến năm 1977, khi ngài được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục của Munich và Freising.
Winkler là giáo sư lịch sử Giáo hội tại Đại học Salzburg, Áo, từ năm 1983 cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1999.
Từ năm 2018, ngài sống trong một nhà chăm sóc do các nữ tu ở Linz điều hành.
Đức Bênêđíctô XVI kết thúc thông điệp chia buồn của mình như sau:
“Trong khi chờ đợi, tôi cùng với ngài và cộng đồng tu sĩ của Wilhering cầu nguyện.”
Source:Catholic News Agency