1. Đức Thánh Cha chia sẻ bức thư của một người bị lạm dụng và cầu xin mọi người đối diện với sự thật, đừng cố gắng che đậy
Phản bội và bất trung diễn ra ngay trong thời của Chúa Giêsu. Một trong 12 Tông đồ do chính Chúa Giêsu tuyển chọn, là Giuđa, đã phản bội và bán Ngài với giá 30 đồng bạc. Phêrô đã từng chối Chúa, và các môn đệ đã bỏ chạy khi Chúa Giêsu bị bắt trong Vườn Cây Dầu. Phản bội và bất trung trong Giáo Hội đời nào cũng có. Tuy nhiên, điều đó càng minh chứng cho một sự thật quan trọng này: Giáo Hội không phải là một tổ chức trần thế, nhưng được Chúa hình thành, hướng dẫn và bảo vệ. Một tổ chức trần thế với đầy những phản bội và bất trung như thế tan tành từ lâu rồi.
Một người trưởng thành từng bị một linh mục lạm dụng đã kêu gọi các chủng sinh trên thế giới trở thành những linh mục tốt và phải bảo đảm rằng “sự thật dù cay đắng” vẫn phải được nêu bật, chứ không phải là im lặng hay tìm mọi cách che dấu những tai tiếng.
“Xin đừng quét những thứ đó dưới tấm thảm, vì khi đó chúng bắt đầu bốc mùi, thối rữa, và tấm thảm sẽ tự thối rữa. Chúng ta hãy nhận ra rằng nếu chúng ta che giấu những sự thật này, khi chúng ta ngậm miệng, chúng ta che giấu sự bẩn thỉu và do đó chúng ta trở thành một người cộng tác cho những sự bẩn thỉu ấy,” người bị lạm dụng nói trong một bức thư gửi đến Đức Thánh Cha Phanxicô và gửi cho tất cả các chủng sinh.
Sống trong sự thật là noi theo gương của Chúa Giêsu Kitô, Đấng không bao giờ nhắm mắt trước tội lỗi hay kẻ có tội, nhưng “sống theo chân lý với tình yêu thương… Đấng chỉ ra tội lỗi và kẻ tội lội bằng tình yêu,” bức thư nói.
Ủy ban Giáo hoàng về Bảo vệ Trẻ vị thành niên đã đăng lại nội dung bức thư trên trang web của mình vào ngày 18 tháng 10 và cho biết thêm bức thư, viết bằng tiếng Ý, đã được gửi đến Đức Thánh Cha Phanxicô, và chính Đức Thánh Cha đã yêu cầu công bố toàn bộ bức thư, ngoại trừ danh tính của tác giả.
Chủ tịch của ủy ban, Đức Hồng Y Hoa Kỳ Seán P. O'Malley, cho biết, “Trong thời kỳ đổi mới và hoán cải mục vụ này, trong đó Giáo hội đang đối mặt với các tai tiếng và các vết thương do lạm dụng tình dục gây ra ở khắp mọi nơi trên rất nhiều con cái của Chúa, Đức Thánh Cha của chúng ta đã nhận được từ một người bị lạm dụng, một lời chứng can đảm hướng đến tất cả các chủng sinh”.
Bằng cách chia sẻ công khai lời chứng này, “Đức Thánh Cha Phanxicô muốn hoan nghênh tiếng nói của tất cả những người bị thương và chỉ cho tất cả các linh mục loan báo Tin Mừng con đường dẫn đến việc phụng sự Thiên Chúa đích thực vì lợi ích của tất cả những người dễ bị tổn thương,” Đức Hồng Y viết trong một giới thiệu về bức thư.
Người phụ nữ viết lá thư giải thích việc cô bị một linh mục hãm hại trong nhiều năm thời con gái, khiến cô gặp nhiều vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng bao gồm các rối loạn tâm thần phân liệt, căng thẳng sau chấn thương, lo lắng, trầm cảm, mất ngủ, ác mộng và cảm giác lan tỏa sợ hãi - về người khác, về việc mắc sai lầm, về những đụng chạm.
Cô viết: “Tôi sợ các linh mục, sợ ở gần họ”, và cô không thể đi lễ nữa vì “không gian thánh thiêng “từng là ngôi nhà thứ hai” của cô giờ chỉ gây ra nỗi đau và sự sợ hãi.
Cô ấy nói rằng cô ấy đang cố gắng “sống sót, để cảm nhận niềm vui, nhưng trên thực tế, đó là một cuộc chiến vô cùng khó khăn.”
Cô ấy nói với Đức Giáo Hoàng rằng cô ấy đang viết thư vì cô ấy muốn rằng “sự thật cay đắng chiếm ưu thế.”
“Con viết ra đây cũng nhân danh những nạn nhân khác… những đứa trẻ bị tổn hại sâu sắc, tuổi thơ, sự trong sáng và lòng tự trọng đã bị đánh cắp… bị phản bội và lòng tin vô bờ bến bị lợi dụng… những đứa trẻ có trái tim đập, biết thở, những người sống… nhưng họ đã bị giết một lần, hai lần, nhiều lần. … Linh hồn của họ đã bị biến thành những mảnh máu nhỏ,” cô viết.
Những người lớn từng phải trải qua “thói đạo đức giả này” khi còn nhỏ sẽ không bao giờ có thể thoát khỏi nó; họ có thể cố gắng quên hoặc tha thứ, “nhưng những vết sẹo vẫn còn trong tâm hồn họ và không bao giờ biến mất,” cô nói.
Sự ngược đãi này cũng gây hại cho Giáo hội, và “Giáo hội là mẹ của con và rất đau lòng khi bị thương, khi bị vấy bẩn,” bức thư viết.
“Con muốn yêu cầu các thầy bảo vệ Giáo hội, thân thể của Chúa Kitô,” cô viết trong lời kêu gọi các chủng sinh.
Giáo hội “đầy vết thương và vết sẹo. Xin đừng để những vết thương đó trở nên sâu hơn và những vết thương mới xuất hiện,” cô viết, nhắc nhở các chủng sinh rằng họ đã được Chúa kêu gọi để trở thành khí cụ của Ngài và để phục vụ Ngài qua những người khác.
“Các thầy có trách nhiệm lớn lao! Một trách nhiệm không phải là gánh nặng, mà là một ân sủng “cần được đón nhận với sự khiêm tốn và tình yêu thương!”.
Cô ấy kêu gọi các chủng sinh đừng cố che giấu hoặc im lặng về tai tiếng, nói rằng, “Nếu chúng ta muốn sống theo sự thật, chúng ta không thể nhắm mắt!”
Cô viết: “Làm ơn, hãy nhận ra rằng các thầy đã nhận được một món quà to lớn” là “hóa thân của Chúa Kitô trong thế giới”. “Mọi người, và đặc biệt là trẻ em, không nhìn thấy chỉ một người trong các thầy, nhưng họ nhìn thấy Chúa Giêsu Kitô, Đấng mà họ tin cậy vô bờ bến.”
“Nó là một thứ gì đó to lớn và mạnh mẽ, nhưng cũng rất mong manh và dễ bị tổn thương. Xin hãy là một linh mục tốt.”
Source:OSV News
2. Thời đại bất nhơn: Quốc Hội thảo luận việc trợ tử qua Zoom để tiết kiệm ngân sách
Trong một tuyên bố đưa ra hôm 19 tháng 10, Hội Đồng Giám Mục Tô Cách Lan nhận định rằng “chính quyền được tạo ra là để mang lại cho người dân một cuộc sống hạnh phúc, chứ không phải là xúi giục và hỗ trợ tự tử.” Tuyên bố của các ngài đã được đưa ra khi Quốc Hội nước này thảo luận về việc tư vấn hỗ trợ tự tử qua Zoom, thay vì cử các bác sĩ đến tận nơi. Đề nghị hỗ trợ tự tử qua Zoom đã được một số Dân biểu đưa ra trong cố gắng tiết kiệm ngân sách nhà nước.
Các nhà phê bình cho biết, đánh giá qua điện thoại không phải là cách để thẩm định chính xác ai đó có nên được hỗ trợ tự tử hay không, đồng thời cảnh báo rằng các phân tích dựa trên chi phí cho việc hỗ trợ tự tử cho thấy “sự thờ ơ nhẫn tâm và coi rẻ phẩm giá con người”.
Một số nhà lập pháp Tô Cách Lan một lần nữa ủng hộ việc hợp pháp hóa hỗ trợ tự tử và hiện đã gợi ý rằng việc tham vấn trực tuyến với bác sĩ có thể giúp đáp ứng các yêu cầu luật định.
“Làm thế nào một bác sĩ có thể đưa ra quyết định về trạng thái tinh thần của một cá nhân trên kết nối internet từ xa mà không có sự hiện diện thực tế của người đó để trắc nghiệm và đưa ra một phán đoán được đo lường và phối kiểm?” Gordon Macdonald, giám đốc điều hành của “Care Not Killing”, nghĩa là “Chăm Sóc Chứ Không Phải Là Giết Chết” nói với tờ báo Tô Cách Lan The Herald.
Nhiều chuyên gia chăm sóc sức khỏe đã “phản đối kịch liệt” dự luật cho phép hỗ trợ tự tử. Dù thế, Tô Cách Lan đã thông qua dự luật về cái chết được hỗ trợ cho người lớn mắc bệnh nan y. Theo dự luật này, bệnh nhân phải là người đầu tiên đề xuất yêu cầu muốn được trợ tử. Luật cũng yêu cầu phải có các biện pháp ngăn ngừa lạm dụng như yêu cầu hai bác sĩ xác nhận rằng bệnh nhân đã ở giai đoạn cuối, và khẳng định người yêu cầu hỗ trợ tự tử có đủ năng lực về mặt tinh thần. Người đó phải ký một văn bản yêu cầu, trước sự chứng kiến và ký tên của cả hai bác sĩ.
Sau khi dự luật này đã được thông qua, người ta lại tìm cách tiến thêm một bước nữa. Họ nói rằng có những khó khăn có thể xảy ra đối với người dân “ở các cộng đồng nhỏ và các vùng sâu vùng xa, bao gồm cả các cộng đồng hải đảo - đặc biệt là việc đi lại có thể đặc biệt khó khăn đối với những người mắc bệnh nan y”. Việc tiếp cận với các bác sĩ hỗ trợ tự tử có thể khó khăn hơn “nếu bác sĩ địa phương duy nhất ở đó từ chối hỗ trợ vì lý do lương tâm.”
Vì thế, các nhà lập pháp phò sự chết ở nước này nói rằng nghiên cứu về các khía cạnh pháp lý liên quan đến việc hỗ trợ tự tử “cho thấy rằng các đánh giá có thể được thực hiện thông qua liên kết video giữa bác sĩ và bệnh nhân.” Họ lưu ý rằng phương pháp đánh giá từ xa đã trở nên phổ biến hơn vì đại dịch Covid-19.
Gordon Macdonald nhận xét rằng: “Việc hợp pháp hóa tự tử được hỗ trợ gây nên một áp lực vô cùng lớn đối với những người dễ bị tổn thương, bao gồm cả những người khuyết tật phải kết thúc cuộc sống của họ sớm vì sợ trở thành gánh nặng về tài chính, tình cảm hoặc chăm sóc cho người khác”.
Các nhà lập pháp phò sự chết ở Tô Cách Lan đã trích dẫn những phát hiện của Canada, trong đó ước tính rằng việc mở rộng hỗ trợ tự tử ở Canada đã tiết kiệm hàng triệu đô la mỗi năm cho quốc gia này. Những người ủng hộ nói rằng nó sẽ giảm bớt gánh nặng liên quan đến giường bệnh và tài nguyên y tế.
Ủy ban Ngân sách Quốc hội của Canada trong một báo cáo tháng 10 năm 2020 đã dự đoán rằng luật hỗ trợ tự tử hiện hành đã dẫn đến khoảng 6,400 người xung phong chết và như thế tiết kiệm được hơn 66 triệu đô la Mỹ. Một đề xuất mở rộng việc hỗ trợ tự tử được thông qua vào tháng 3 năm 2021, được dự đoán sẽ dẫn đến việc tiết kiệm thêm 46.8 triệu đô la vào năm 2021 do có thêm khoảng 1,100 người xung phong tự tử nữa.
Gordon Macdonald nói với tờ The Times: “Đây là những tiết lộ hoàn toàn độc ác và thể hiện sự thờ ơ nhẫn tâm đối với giá trị của cuộc sống con người. Chúng tôi đã cảnh báo trong nhiều năm về sự nguy hiểm của luật hỗ trợ tự tử và những đề xuất này thực sự khiến nhiều người phải mở mắt ra. Những người nam nữ bình thường của đất nước này sẽ phải kinh ngạc trước thực tế rõ ràng và đáng lo ngại của thứ luật pháp như vậy”.
Ông nói: “Trọng tâm của những đề xuất tàn bạo này là nói với mọi người rằng họ đang phải trả giá quá đắt để sống sót và sẽ tiết kiệm được cho đất nước một số tiền đáng kể bằng cách tình nguyện bị xử tử. Để tăng thêm sự xúc phạm đối với phẩm giá con người, họ thậm chí không xứng đáng được tư vấn trực tiếp với bác sĩ, nhưng mạng người sẽ được quyết định qua Zoom hoặc điều gì đó tương tự.”
Anthony Horan, Giám đốc Văn phòng Nghị viện Công Giáo, một cơ quan của Hội đồng Giám mục Tô Cách Lan, cho biết: “Trong mười tám tháng qua, xã hội đã được định hướng lại để bảo vệ những người ốm yếu và dễ bị tổn thương nhất giúp họ đối phó với đại dịch. Giờ đây, việc hợp pháp hóa hỗ trợ tự sát sẽ di chuyển theo hướng ngược lại”.
Source:Catholic News Agency
3. Đức Hồng Y Dolan vạch ra 7 điều 'không thể thương lượng' cho Thượng Hội Đồng về Tính Đồng Nghị
Thượng Hội Đồng về Tính Đồng Nghị đã chính thức được khai mạc vào hôm Chúa Nhật 17 tháng 10 trong thánh lễ do Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành tại Đền Thờ Thánh Phêrô.
Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, có bài nhan đề “Cardinal Dolan outlines 7 ‘non-negotiables’ for the Synod on Synodality”, nghĩa là “Đức Hồng Y Dolan vạch ra 7 điều 'không thể thương lượng' cho Thượng Hội Đồng về Tính Đồng Nghị.”
Trong nỗ lực giải thích viễn kiến của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với Thượng Hội Đồng Về Tính Đồng Nghị cho đoàn chiên của ngài, Đức Hồng Y Timothy Dolan đã đưa ra bảy điều “không thể thương lượng” mà Chúa Giêsu dành cho Giáo Hội.
Thượng Hội Đồng Về Tính Đồng Nghị, do Đức Thánh Cha Phanxicô khởi xướng đầu tháng này, là một tiến trình kéo dài hai năm trên toàn thế giới, trong đó người Công Giáo sẽ được khuyến khích gửi những ý kiến cho giáo phận địa phương của mình.
Thượng Hội Đồng là một cuộc họp gồm các giám mục tập hợp lại để thảo luận về một chủ đề có ý nghĩa thần học hoặc mục vụ, nhằm chuẩn bị một tài liệu tư vấn hoặc cố vấn cho Đức Giáo Hoàng.
“Đức Thánh Cha Phanxicô muốn chúng ta cùng với ngài cầu nguyện, lắng nghe, phân định, tự vấn bản thân và Giáo hội một cách tập thể, để xem liệu chúng ta có thực sự đang đi trên con đường mà Chúa Giêsu đã vạch ra cho hiền thê yêu dấu của Ngài, nhiệm thể của Ngài, là Giáo hội hay không” Đức Hồng Y Dolan nói.
“Ngài đã nhắc nhở chúng ta về một số điều cốt yếu minh bạch theo thánh ý Chúa, những điều bất biến, mặc dù, đôi khi, chúng ta phải thừa nhận rằng những điều này bị che khuất và mờ đi, trong lịch sử đáng kinh ngạc 2,000 năm qua của Giáo hội. Đây là một số trong những điều không thể thương lượng được”.
Thứ nhất, “Năng lượng và định hướng thúc đẩy Giáo hội đến từ Chúa Thánh Thần, không phải từ chính chúng ta”.
Thứ hai, “Dù ở trong thế giới, chúng ta không thuộc về thế giới, và do đó, các nguyên tắc chỉ đạo của chúng ta đến từ Tin Mừng, từ mặc khải, và từ di sản các giáo huấn đã được thiết lập của Giáo hội”.
Thứ ba, “Các nguyên tắc về phẩm giá bẩm sinh của mỗi con người và sự thánh thiêng vốn có của tất cả cuộc sống con người là những ngọn hải đăng đạo đức cao ngất trên con đường của chúng ta.”
Thứ tư, “Cuộc hành trình của chúng ta trong suốt cuộc đời này để trở về ngôi nhà thiên đàng đích thực và vĩnh cửu của chúng ta được thực hiện một cách hiệu quả nhất, chính xác nhất khi đó là một cuộc hành trình trong đó chúng ta bước đi và đồng hành với nhau, với Chúa Giêsu là người hướng dẫn chúng ta, Mẹ của Ngài và các thánh, và chúng ta, những kẻ tội lỗi ở bên cạnh nhau”.
Thứ năm, “Trên hành trình này, chúng ta đặc biệt chú ý đến những người ở bên đường, đặc biệt là những người ốm yếu, nghèo túng, và những người không thể theo kịp chúng ta”.
Thứ sáu, “Sự giàu có của chúng ta chỉ đến từ đức tin, lòng tín thác, lời cầu nguyện, các bí tích và ân sủng của Thiên Chúa”.
Cuối cùng, thứ bẩy, “lòng thương xót, tình yêu thương, lời mời gọi, sự khiêm tốn, niềm vui, sự phục vụ quảng đại quên mình và những tấm gương tốt là những công cụ duy nhất của chúng ta, đừng bao giờ gay gắt, lên án hay tự hào.”
Đức Hồng Y Dolan cho biết ngài coi bảy điều “không thể thương lượng” này là “căn cơ của tính đồng nghị.”
Ngài nói rằng trong suốt lịch sử của mình, Giáo hội đã “mở rộng và phát triển phong cách tổ chức và thẩm quyền của mình”.
Sau khi so sánh và đối chiếu những đau khổ và chiến thắng khác nhau mà Giáo hội đã trải qua trong suốt lịch sử của mình, “giờ đây, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người kế vị Thánh Phêrô với tư cách là giám mục Rôma và mục tử của Giáo hội Phổ quát, đã yêu cầu tất cả chúng ta bắt đầu một cuộc tự vấn lương tâm về cách chúng ta với tư cách là một Giáo hội đang sống theo mô hình của Giáo hội mà Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta”.
“Chúng ta là những người tín hữu Công Giáo. Đức Thánh Cha đã yêu cầu chúng ta giúp ngài giữ cho Giáo hội luôn ở dưới sự hướng dẫn của Chúa Giêsu, Đấng chăn chiên tốt lành của chúng ta”.
Khái niệm “tính đồng nghị”, “synodality”, đã là chủ đề thảo luận thường xuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô, đặc biệt là trong Thượng Hội Đồng Giám mục bình thường trước đó về thanh niên trong các khía cạnh phân định, đức tin và ơn gọi vào tháng 10 năm 2018.
Tính đồng nghị, theo định nghĩa của Ủy ban Thần học Quốc tế vào năm 2018, là “hoạt động của Thánh Linh trong sự hiệp thông của nhiệm thể Chúa Kitô và trong hành trình truyền giáo của dân Chúa”.
Thuật ngữ này thường được hiểu là đại diện cho một tiến trình biện phân, với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, liên quan đến các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân, mỗi người tùy theo các ân sủng và đặc sủng trong ơn gọi của họ.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói với Ủy ban thần học của Bộ Giáo lý Đức tin Vatican vào tháng 11 năm 2019 rằng tính đồng nghị sẽ là chìa khóa cho Giáo hội trong tương lai.
Vào tháng Năm, Vatican đã thông báo rằng Thượng Hội Đồng Về Tính Đồng Nghị sẽ khai mạc với một giai đoạn cấp giáo phận kéo dài từ tháng 10 năm 2021 đến tháng 4 năm 2022.
Giai đoạn thứ hai, mang tính lục địa sẽ diễn ra từ tháng 9 năm 2022 đến tháng 3 năm 2023. Giai đoạn thứ ba, ở mức hoàn vũ sẽ bắt đầu với Thượng Hội Đồng Giám Mục Thường kỳ lần thứ 16 dành riêng cho chủ đề “Vì một Giáo hội đồng nghị: Hiệp thông, Dự phần và Truyền giáo” tại Vatican vào tháng 10 năm 2023.
Đức Hồng Y Dolan đã chia sẻ nhận định trên của ngài sau khi lưu ý rằng “nhiều người đã hỏi về tiến trình Thượng Hội Đồng” do Đức Thánh Cha Phanxicô khởi xướng.
Đức Hồng Y thừa nhận rằng bản thân ngài có những thắc mắc. “Tôi không biết liệu mình có hoàn toàn hiểu tính đồng nghị hay không,” và nói thêm rằng “Đức Thánh Cha thành thật thừa nhận rằng ngài cũng không hiểu đầy đủ, đó chính là lý do tại sao ngài đã triệu tập chúng ta dự phần vào nỗ lực này.”
Source:Catholic News Agency