Giáo phận San Bernardino cho biết Thánh lễ khai mạc Thượng Hội Đồng Về Tính Đồng Nghị ngày 17 tháng 10 nhằm đề cao sự đa dạng văn hóa phong phú của giáo phận California và chào đón những người ở “ngoại vi” của Giáo hội.
Nhưng các vũ điệu khác thường trong phụng vụ, bao gồm các vũ công múa trên bàn thờ, một người Mỹ bản địa cầu nguyện “tứ phương” và sự xuất hiện ở cuối Thánh lễ của một nhân vật mặc trang phục sặc sỡ giống với các hình ảnh theo truyền thống tiêu biểu cho con quỷ Aztec, đã gây ra những bất bình và những lời chỉ trích trên các phương tiện truyền thông truyền thông xã hội.
Một bình luận trên YouTube nói: “Ngoại giáo đang nở rộ”. Một người khác nói: “Đây là một sự xúc phạm quá quắt đối với Thiên Chúa và Hội Thánh của Ngài”.
Thượng Hội Đồng Về Tính Đồng Nghị là một quá trình tham vấn toàn cầu mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã khởi xướng đầu tháng này để thu thập ý kiến đóng góp từ những người Công Giáo và những người khác trên thế giới về các vấn đề quan trọng mà Giáo hội phải đối mặt. Nhiều giáo phận Hoa Kỳ đã tổ chức Thánh lễ vào cuối tuần trước để bắt đầu một thời gian dài của các buổi lắng nghe và thu nhận ý kiến của anh chị em giáo dân.
Đức Cha Alberto Rojas là người chủ tế chính trong Thánh lễ khai mạc kéo dài khoảng hai giờ của giáo phận San Bernardino, được tổ chức vào tối Chúa Nhật tại Nhà thờ Queen of Angels, tức là Nữ Vương Các Thánh Thiên Thần, ở Riverside, California. Đức Giám Mục nghỉ hưu Gerald R. Barnes của San Bernardino đã đồng tế Thánh lễ.
Buổi phụng vụ đa ngôn ngữ, được phát trực tiếp, đã bắt đầu một cách khá lạ lùng. Một thừa tác viên giáo dân, tên là Michael Madrigal, làm việc tại một khu bảo tồn gần đó của người da đỏ dẫn đầu đoàn rước lên cung thánh, dùng một tay vẫy một chiếc lông chim lớn trong khi tay kia xách một chiếc giỏ, theo tiếng trống đánh nhịp.
Sau khi đi vòng quanh bàn thờ và đến bục giảng, Michael Madrigal, giáo dân tại Nhà thờ Công Giáo St. Joseph Mission tại Khu bảo tồn Soboba của người da đỏ, lấy ra một cái lục lạc bằng gỗ ra khỏi giỏ và lắc nó trong khi tụng kinh bằng ngôn ngữ bản địa. Không mấy ai hiểu anh ta nói cái gì. Sau đó, bằng tiếng Anh, anh ấy tụng bài “Lời cầu nguyện của người Mỹ bản địa về tứ phương”.
Madrigal bắt đầu tụng như sau: “Chúng ta bắt đầu đến phía Bắc. Đó là hướng đi của băng tuyết mùa đông mát mẻ. Đó là hướng đi của các loại thuốc chữa bệnh của chúng ta, từ đó chúng ta nhận được lời cầu nguyện và nghi lễ cũng như những lời chúc phúc từ tạo hóa của chúng ta. Theo hướng này, chúng ta cầu nguyện cho tất cả các nhà lãnh đạo tinh thần của chúng ta. Chúng ta cầu xin sức mạnh và các phước lành cho Đức Thánh Cha Phanxicô, vì ngài đã kêu gọi chúng ta đến với nhau trong năm Thượng Hội Đồng này. Chúng ta cầu nguyện cho tất cả các giám mục, linh mục, các nhà lãnh đạo tôn giáo và cộng đồng của chúng ta. Chúng tôi xin Chúa hãy truyền cho họ trí tuệ, sức mạnh cho cuộc hành trình”. Những lời cầu nguyện tương tự hướng về Đông, Nam và Tây cầu khẩn Chúa Ba Ngôi và cầu xin Chúa hướng dẫn, chữa lành và bảo vệ.
Liên hệ với CNA, một phát ngôn viên của giáo phận giải thích trong một email rằng ý nghĩa của lời cầu nguyện này là gấp hai lần. Đầu tiên, lời cầu nguyện có ý nghĩa “phản ánh đặc tính đa văn hóa của Giáo phận và mang lại tiếng nói cho các phương cách diễn đạt Công Giáo có thể được xem là ở bên lề.”
Thứ hai, “lời cầu nguyện này, về bản chất, giúp các tín hữu suy ngẫm về toàn bộ sự sống mà Thiên Chúa đã t1c thành – là một ý tưởng chính trong thông điệp Laudato Si của Đức Thánh Cha Phanxicô.”
Tuy nhiên, Cha Daniel Cardó, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phụng vụ tại Chủng viện Thần học Thánh John Vianney ở Denver, cho rằng có nguy cơ các diễn đạt đậm màu sắc văn hóa này trong Thánh lễ có thể làm xao lãng sự tập trung thích đáng vào Bí tích Thánh Thể.
“Có rất nhiều dịp trong cuộc sống của một giáo phận hoặc một giáo xứ để chúng ta thể hiện các nét văn hóa và bản thân, nhưng Thánh lễ không phải là nơi dành cho những điều này,” Cha Cardó viết trong một email cho CNA.
“Sự hiệp nhất đích thực và lâu dài trong Giáo hội đến từ Bí tích Thánh Thể, chứ không phải từ các thử nghiệm của chúng ta dù là với ý ngay lành.”
Ngài nói. “Cử hành các bí tích theo các chỉ dẫn của Giáo Hội và tinh thần của các hướng dẫn ấy là con đường bình thường và đơn giản để tham gia chân chính vào các ân sủng mà Thiên Chúa ban qua các bí tích đó.”
Trong bài giảng của mình, Đức Cha Rojas mô tả tiến trình thượng hội đồng như một lời mời để lắng nghe và chào đón “tất cả những người ở bên lề xã hội”.
“Được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, chúng ta đến với nhau từ các nền văn hóa và ngôn ngữ khác nhau trên khắp thế giới, nhưng hiệp nhất trong Chúa Kitô như một gia đình gia đình để cầu nguyện và lắng nghe nhau. Chúng ta muốn tất cả những người sống bên lề xã hội biết rằng họ được chào đón trong cộng đồng của chúng ta bởi vì tất cả họ đều là con cái của Thiên Chúa được tạo ra theo cùng một hình ảnh và giống với Thiên Chúa, là Cha của chúng ta.”
Gần cuối thánh lễ, Đức Cha Rojas đã dành một chút thời gian để giải thích về ý nghĩa biểu tượng của cuộc rước lên bàn thờ vào đầu thánh lễ.
“Nếu anh chị em để ý, anh chị em sẽ thấy khi chúng tôi bước vào Nhà thờ, cuộc rước nhập lễ có một chút khác biệt so với những gì chúng ta đã làm trong quá khứ. Thông thường, linh mục chủ sự hoặc các giám mục đi ở phía sau, vào cuối đoàn rước. Anh chị em nhận thấy lần này chúng tôi đi ở giữa, tượng trưng cho việc đi bộ cùng nhau”.
Một lúc sau, các vũ công Da đỏ Mễ Tây Cơ truyền thống, được gọi là matachines, đeo chuông trên quần áo và đội mũ lông vũ cao, đứng tập trung trước bàn thờ. Sau phép lành cuối cùng, xen kẽ với nhịp trống lớn, họ tiến ra khỏi nhà thờ, vừa đi vừa nhảy múa.
Một trong hai người đánh trống đứng ở chân bậc thang dẫn đến bàn thờ mặc trang phục trông như báo đốm, một số người xem liên tưởng đến loài báo đốm Aztec hay quỷ Texcatilpoca. Giáo phận đã không trả lời email tiếp theo từ CNA xin được giải thích.
Source:Catholic News Agency