1. Diễn biến bất ngờ đối với Giáo Hội tại Tây Ban Nha: Thủ tướng Tây Ban Nha cam kết cấm mại dâm
Pedro Sánchez, thuộc Đảng Công nhân Xã hội Chủ nghĩa Tây Ban Nha, là người đối đầu kịch liệt với Giáo Hội Công Giáo ở nước này hầu như trong mọi vấn đề có liên quan đến học thuyết xã hội Công Giáo. Từ lâu, Giáo Hội Công Giáo Tây Ban Nha đã kêu gọi chấm dứt tình trạng theo đó Tây Ban Nha được coi là Thái Lan của Âu Châu.
Trong một tuyên bố hết sức bất ngờ, sau khi kết thúc đại hội đảng ở Valencia, Sánchez, một người tự mô tả là người vô thần, nhậm chức thủ tướng vào tháng Giêng năm 2020, khẳng định sẽ chấm dứt hoạt động mại dâm ở nước này, vì cho rằng nó bắt phụ nữ làm nô lệ.
Tuy nhiên, nhiều người lo ngại đây chỉ là một tuyên bố ngẫu hứng vì ông ta thừa nhận vẫn chưa soạn thảo luật về vấn đề này.
Tây Ban Nha được ước tính là một trong những thị trường mại dâm lớn nhất ở Âu Châu. Theo một cuộc điều tra năm 2009 của một cơ quan nhà nước Tây Ban Nha, cứ ba người đàn ông ở đất nước từng được coi là Công Giáo nhất Âu Châu thì có một người đã trả tiền để quan hệ tình dục.
Năm 1995, thủ tướng Felipe González, của chính cái Đảng Công nhân Xã hội Chủ nghĩa Tây Ban Nha, đã hợp pháp hóa mại dâm. Các nhà thổ ở nước này chỉ bị đóng cửa vào năm 2020 trong bối cảnh đại dịch coronavirus.
BBC đưa tin, chỉ trong năm 2019, cảnh sát Tây Ban Nha đã giải thoát gần 900 phụ nữ bị bóc lột làm gái mại dâm và ước tính hơn 80% những người hành nghề mại dâm là nạn nhân của mafias.
Khi báo chí phanh phui về tệ nạn kinh hoàng này, Đảng Công nhân Xã hội Chủ nghĩa Tây Ban Nha đã đưa ra một tuyên ngôn vào tháng 4 năm 2019 gọi mại dâm là “một trong những khía cạnh tàn nhẫn nhất của nghèo đói và một trong những hình thức bạo lực tồi tệ nhất đối với phụ nữ”.
Tại Hoa Kỳ, mại dâm chỉ hợp pháp ở 10 quận nông thôn của Nevada.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần lên tiếng chống lại mafias, cũng như chống mại dâm, cảnh báo rằng đó là một phần của “văn hóa vứt bỏ” coi phụ nữ là công dân hạng hai.
Sánchez trước đây đã xung đột với Giáo Hội ở Tây Ban Nha về việc giảng dạy tôn giáo trong trường học, hợp pháp hóa phá thai, các cuộc biểu tình ủng hộ sự sống, và trợ tử, cùng nhiều vấn đề khác.
Đức Cha Luis Argüello, tổng thư ký của Hội Đồng Giám Mục Tây Ban Nha, cho biết trong một tweet hôm thứ Bảy rằng ngài hy vọng những đảng viên Đảng Công nhân xã hội chủ nghĩa phản đối các hoạt động như mang thai hộ và mại dâm sẽ áp dụng cùng một logic đối với việc phá thai, mà ngài gọi là “trái với quyền quyết định về cơ thể của chính mình”.
Vào tháng 7 năm 2020, Sánchez tuyên bố rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã can thiệp để giúp chính phủ thực hiện cuộc khai quật thi thể gây tranh cãi của Francisco Franco, là người cai trị Tây Ban Nha từ năm 1939 đến năm 1975, từ Thung Lũng Các Chiến Binh Tử Trận vào ngày 24 tháng 10 năm 2019.
Điều này đã khiến Tòa thánh đưa ra một tuyên bố nhấn mạnh rằng Tòa Thánh chưa bao giờ “đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về nơi khai quật hoặc nơi chôn cất, bởi vì nó không thuộc thẩm quyền của mình.”
Sánchez gặp Đức Thánh Cha Phanxicô tại Vatican vào tháng 10 năm 2020.
Source:Catholic News Agency
2. Tổng giáo phận Sicilia đình chỉ việc chọn cha mẹ đỡ đầu khi làm lễ rửa tội trong 3 năm
Trong một biện pháp quyết liệt nhằm chống lại sự thao túng của Mafia và nhấn mạnh đến ý nghĩa đích thực của việc chọn cha mẹ đỡ đầu khi làm lễ rửa tội và khi chịu phép Thêm Sức, tổng giáo phận Catania của Sicilia trong ba năm tới theo một sắc lệnh do Đức Tổng Giám Mục ban hành có hiệu lực từ tháng 10 này.
Đức Tổng Giám Mục Salvatore Gristina của Catania cho biết ngài quyết định tạm thời đình chỉ việc chọn cha mẹ đỡ đầu trong Bí Tích Rửa Tội và những người đỡ đầu trong Bí Tích Thêm Sức vì truyền thống tốt đẹp này đã trở thành một “phong tục xã hội trong đó chiều kích đức tin khó được nhìn thấy”.
Catania là hòn đảo của Ý trên đó có thành phố lớn thứ hai của Sicilia, nằm trên nền của một ngọn núi lửa vẫn đang hoạt động, là hỏa diệm sơn Etna. Thành phố có một lịch sử Công Giáo lâu đời, có thể truy nguyên tới vị giám mục đầu tiên là Thánh Birillô vào thế kỷ thứ nhất, lả người theo truyền thống đã được chính Thánh Phêrô tấn phong Giám Mục.
Đức Tổng Giám Mục nói rằng trong “bối cảnh xã hội - Giáo Hội” ở Catania ngày nay, đặc biệt là trong “hoàn cảnh gia đình bất thường của quá nhiều người,” thường những người được các gia đình chọn làm cha mẹ đỡ đầu hoặc người đỡ đầu Bí tích Thêm sức không đáp ứng được các yêu cầu về giáo luật đối với những vai trò này.
“Truyền thống hàng thế kỷ của Giáo hội nhấn mạnh rằng cha mẹ đỡ đầu phải đồng hành cùng với người được rửa tội hoặc được thêm sức, để giúp họ trên hành trình đức tin,” Đức Cha Gristina viết như trên trong sắc lệnh vừa được công bố với nhan đề “ad Experium e ad triennium”, nghĩa là trong khoảng thời gian ba năm thử nghiệm.
Đức Cha Gristina nói rằng điều quan trọng hơn sự hiện diện của cha mẹ đỡ đầu tại lễ rửa tội là việc họ có hoàn thành “chức năng thực sự được Giáo Hội trao phó hay không”.
Theo Quyển Thứ Tư Bộ Giáo luật của Giáo Hội Công Giáo, cha mẹ đỡ đầu trong bí tích rửa tội, được yêu cầu phải là một người Công Giáo hoàn toàn vững vàng trong đức tin, và có hạnh kiểm tốt “người sống một đời sống đức tin phù hợp với chức năng đảm nhận.”
Vai trò của cha mẹ đỡ đầu là giúp “người đã được rửa tội có đời sống Kitô tuân sống theo ý nghĩa của phép Rửa Tội và hoàn thành một cách trung tín các nghĩa vụ vốn có trong phép Rửa Tội”.
Giáo Luật không quy định bắt buộc phải có cha mẹ đỡ đầu trong bí tích rửa tội, nhưng khuyên rằng “trong chừng mực có thể, một người được rửa tội nên có một người đỡ đầu.”
Giáo luật cũng không bắt buộc phải có một người đỡ đầu trong Bí tích Thêm sức, nhưng khuyến khích nên có “nếu có thể” để hoàn thành vai trò nâng đỡ và đồng hành để “người được thêm sức sống như một chứng nhân đích thực của Chúa Kitô và trung thành thực hiện các nghĩa vụ vốn có trong bí tích này”.
Nghị định của Đức Cha Gristina, được ban hành lần đầu tiên vào tháng 3, có hiệu lực đầy đủ vào ngày 1 tháng 10 sau khoảng thời gian tạm thời từ ngày 25 tháng 5 đến ngày 30 tháng 9, cho phép diễn ra các lễ rửa tội đã được lên lịch với các cha mẹ đỡ đầu được chọn. Thực tế là nhiều trường hợp rửa tội đã bị hoãn do các hạn chế liên quan đến COVID-19.
Đức Cha Gristina nói rằng quyết định ban hành sắc lệnh của ngài đã được thực hiện với sự tham khảo ý kiến của các thành viên trong hội đồng linh mục của giáo phận, đa số bày tỏ ý kiến thuận lợi về hành động này vào năm 2019.
Đức Ông Salvatore Genchi, tổng đại diện của Catania, bày tỏ hy vọng trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Ý Famiglia Cristiana, nghĩa là “Gia đình Kitô rằng việc đình chỉ tạm thời ba năm đối với việc chọn cha mẹ đỡ đầu sẽ là một cơ hội để đổi mới, trong đó người Công Giáo hiểu rõ hơn về kỳ vọng của Giáo hội đối với cha mẹ đỡ đầu.
“Chúng tôi hy vọng rằng mọi thứ sẽ thay đổi, và bất cứ ai sắp trở thành cha đỡ đầu hoặc mẹ đỡ đầu sẽ thực sự làm như vậy vì họ có ý định trở thành nhân chứng cho một hành trình đức tin,” Cha Genchi nói.
Lệnh đình chỉ cha mẹ đỡ đầu được đưa ra trong một bài báo trên tờ New York Times vào ngày 16 tháng 10, trong đó nói rằng các công tố viên Ý đã sử dụng các giấy chứng nhận rửa tội để tìm ra tầm ảnh hưởng của các trùm mafia.
Tờ báo trích dẫn một linh mục ở Catania, là người nói rằng trong một số trường hợp “những lời đe dọa chống lại linh mục quản xứ” đã được thực hiện để gây áp lực buộc các giáo sĩ phải cho phép một số “nhân vật đáng nghi vấn về tâm linh” được chọn làm cha mẹ đỡ đầu. Cha mẹ của đứa bé đôi khi chọn cha mẹ đỡ đầu là các tên trùm Mafia giầu có, những kẻ sẵn sàng trao tặng cho đứa bé dây chuyền, và lắc bằng vàng để họ có thể hiện diện một cách vênh vang trong nhà thờ. Nguy hiểm hơn nữa là khi đứa bé lớn lên, nó có thể bị tuyển mộ vào các băng nhóm Mafia.
Vatican đã thành lập một nhóm làm việc vào đầu năm nay để nghiên cứu cách tốt nhất để tách các tổ chức tội phạm như mafia khỏi các truyền thống Công Giáo.
Nhóm tám thành viên chuyên nghiên cứu về việc “ra vạ tuyệt thông cho các thành viên mafia” là một sáng kiến của Bộ Phục vụ Phát triển Nhân bản Toàn diện.
Trong chuyến thăm đến miền nam nước Ý vào tháng 9 năm 2020, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Ngoại trưởng Vatican, nói rằng việc sùng kính Đức Mẹ đặc biệt phải được bảo vệ khỏi sự khai thác của mafia.
“Lòng đạo đức bình dân là một kho tàng lớn lao không thể thiếu đối với Giáo hội vì nó hỗ trợ đức tin trong mọi tình huống. Nhưng nó cũng cần phải được thanh lọc khỏi một số phần tử không phù hợp, đặc biệt nếu họ thuộc về thế giới ngầm hoặc các phần tử tội phạm,” Đức Hồng Y Parolin nói trong một thánh lễ ở Calabria, khu vực nơi có tổ chức tội phạm Ndrangheta, một trong các nhóm mafia quyền lực nhất ở Ý.
Source:Catholic News Agency
3. Giám Mục Cameroon bày tỏ nỗi kinh hoàng trước cái chết của một bé gái, và một cảnh sát viên
Đức Cha Michael Bibi, Giám Mục của giáo phận Buea đã lên án vụ bắn chết một bé gái hôm thứ Năm tại một trạm kiểm soát của cảnh sát trong thành phố, và cái chết của người cảnh sát viên chịu trách nhiệm về cái chết của cháu bé.
“Tôi góp tiếng nói của mình với rất nhiều người khác trong việc lên án vụ xả súng kinh hoàng vào một chiếc xe hơi dẫn đến cái chết của một đứa trẻ vô tội đơn giản chỉ vì người lái xe không tuân thủ các biện pháp kiểm tra an ninh”, Đức Cha nói.
“Tôi cũng lên án việc giết chết viên cảnh sát của đám đông, bởi vì không ai có quyền lấy đi mạng sống của người khác”.
Bé gái Enondiale Tchuengia Carolaise, khoảng 5 tuổi, đã bị bắn chết khi người điều khiển chiếc xe chở cô bé đến trường từ chối dừng lại ở một trạm kiểm soát của cảnh sát. Trên xe có Carolaise, hai đứa trẻ khác, mẹ của cô bé và viên tài xế.
Một cảnh sát viên đã bắn vào chiếc xe, gây ra cái chết của Carolaise.
Những trạm kiểm soát như vậy ở Cameroon thường được dựng lên để bắt người dân phải hối lộ. Viên chức này bị cáo buộc muốn thu tiền mãi lộ là 500 franc Cameroon, tương đương 0.89 Mỹ Kim.
Sau khi vụ giết người xảy ra, một đám đông nhanh chóng tập trung tại địa điểm này, bắt giữ viên cảnh sát và đánh anh ta cho đến chết.
Thi thể của Carolaise được chôn cất cùng ngày hôm đó.
“Tôi cảm thấy nỗi đau của gia đình bé Carolaise và những người đã mất người thân trong hoàn cảnh tương tự,” Đức cha Bibi nói. “Tôi xin gửi lời chia buồn tới tang quyến và kêu gọi tất cả anh chị em cầu nguyện cho những người đã khuất.”
“Giáo hội luôn đề cao quyền sống của mọi cá nhân. Quyền này xuất phát từ thực tế là mọi người được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa (Sáng Thế Ký 1:27), và do đó mọi người có phẩm giá con người, bất kể trong hoàn cảnh nào.”
“Ngay cả khi người ta làm ô nhục phẩm giá của người khác, hoặc tước đoạt mạng sống con người bằng những hành động như trong trường hợp vừa nêu, chúng ta vẫn phải nhìn nhận phẩm giá con người và quyền sống của họ, là điều không thể bị mất đi ngay”.
Lãnh đạo Bộ Quốc phòng Cameroon đã mô tả hành động của viên cảnh sát là “không phù hợp với hoàn cảnh và rõ ràng không tương xứng với hành vi không chấp hành của người lái xe.”
Các trạm kiểm soát ở Buea có liên quan đến cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Cameroon, bắt nguồn từ xung đột giữa các khu vực nói tiếng Anh và các vùng nói tiếng Pháp của Cameroon. Khu vực này là thuộc địa của Đức vào cuối thế kỷ 19, nhưng lãnh thổ bị chia thành các khu chiếm đóng của Anh và Pháp sau khi Đức thất bại trong Thế chiến thứ nhất. Sau đó, các khu vực này được thống nhất thành một quốc gia Cameroon độc lập vào năm 1961.
Đức Cha Bibi nói rằng “Dân thường đã tiếp tục phải trả giá cho những hành động liều lĩnh của bạo lực kinh hoàng từ lực lượng an ninh hoặc các nhóm vũ trang kể từ khi cuộc khủng hoảng đang diễn ra, và điều này cách này hay cách khác, đã góp phần vào việc cực đoan hóa vài người trong số họ.”
“Chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho công lý, hòa bình và hòa hợp trong Đất nước của chúng ta,” Đức cha cầu khẩn và thúc giục các nhân viên an ninh “kiềm chế hơn trong việc thực hiện các hoạt động an ninh có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của những thường dân vô tội”.
Source:Catholic News Agency