Theo Pascal, “khi bạn thấy một người và bạn nghĩ ngay đến sách vở của ông ta, thì đó là một dấu hiệu không tốt”. Cái nguy của việc tập chú vào người viết mà quên con người gần như là một điều không thể tránh được trong trường hợp một con người như Hans Urs von Balthasar, người đã viết nhiều cuốn sách hơn một người bình thường có hy vọng đọc hết ở trong đời. Hơn một lần, ngài từng thấy cần phải làm một cuộc điều tra hay “bản liệt kê tài khoản” về các trước tác của ngài và không ngừng nhấn mạnh rằng ngài coi các trước tác của mình như “chuyện bên lề”. Sau cái chết của Adrienne von Speyer, càng ngày ngài càng sẵn sàng thực hiện các tuyên bố có tính tự thuật, tuy nhiên những tuyên bố này rất rải rác và rời rạc để người đọc có một hình dung thích đáng về con người mang tên Hans Balthasar. Sau đây cũng chỉ là một cố gắng mà người viết, Đức Cha Peter Henrici, Dòng Tên, cho là không thoả đáng về một con người ngài biết, ngưỡng mộ và yêu mến.



Các hồng ân

Đối với tất cả chúng ta, ngài hơi quá vĩ đại. Trong lúc trò chuyện với bạn bè, bất luận là đứng hay, như ngài thích hơn, đi đi lại lại, thực sự ngài cao hơn mọi người cả một cái đầu và hai vai. Trong kiến thức và phán đoán cũng thế, ngài ngất ngưởng đối với những người ngài nói với. Bạn phải ngước nhìn lên ngài. Không tự đặt mình lên bệ cao, ngài quả nhìn xa và rộng. Ấy thế nhưng, ngài không bao giờ để bạn cảm thấy cái chiều cao ấy của ngài. Ngài không bao giờ nói kiểu kẻ cả, không bao giờ khinh khỉnh nhìn người khác. Chỉ hoạ hoằn, xem ra ngài mới quên rằng người khác không được phú bẩm những hồng phúc và khả năng làm việc kinh khủng của ngài. Các phê phán của ngài đối với các ý nghĩ và sách vở đôi khi nghe có vẻ vội vàng, cọc cằn, thậm chí hạ giá, nhưng, khi xẩy ra như vậy, chẳng qua ngài chỉ nói lên các tiêu chuẩn cao ngài vốn yêu cầu ở chính mình, ở môi trường của mình, và trên hết ở mọi điều liên quan tới Giáo Hội. Có lần ngài nói với bạn đồng tu, “Chỉ điều tốt nhất mới tốt cho bạn, nơi người ta, nơi các ý nghĩ, trong các đòi hỏi nơi chính bạn” (1). Ngài đo mọi sự bằng các tiêu chuẩn lớn lao của chính ngài.

Đối với tất cả sự vĩ đại và kiến thức cao ngất ngưởng của ngài, ngài vẫn có thể mãi 'không rắc rối’, khiêm tốn, thực sự như một trẻ nhỏ. (Chúng ta sẽ quay lại vấn đề này sau.) Nhưng ngài nhận ra và thừa nhận các hồng ân của mình. Ngài xem chúng đúng như vậy – hồng ân thuần túy, một điều đã được ban cho ngài, điều mà ngài chỉ biết tạ ơn, điều mà ngài chỉ biết đưa vào phục vụ. (Tuy nhiên, bản thân ngài không đánh giá trọn vẹn tầm lớn lao của hồng ân này).

Nhìn lại tuổi trẻ của ngài, chúng ta có thể đơn cử ba hồng ân tuyệt vời mà ngài đã nhận được, có thể nói là từ lúc nằm nôi.

Nguồn gốc

Đầu tiên là gia đình ngài. Ngài xuất thân từ một gia đình quí tộc lâu đời ở Lucerne, từng hiến cho thành phố quê hương các sĩ quan quân đội, chính khách, học giả và và giáo phẩm — các đan viện trưởng nam nữ, các kinh sĩ, và một giám tỉnh dòng Tên ở Mexico. Nền móng thư viện thành phố và tổng Lucerne là do tổ tiên của ngài xây dựng. Cha của ngài, Oscar Ludwig Carl Balthasar (1872-1946), là nhà xây dựng của tổng, chịu trách nhiệm, trong số những việc khác, đối với Nhà thờ Thánh Karli, một trong những tòa thánh đường hiện đại tiên phong của Thụy Sĩ. Qua mẹ của ngài, bà Gabrielle Pietzcker (mất năm 1929), đồng sáng lập và tổng thư ký đầu tiên của Liên đoàn Phụ nữ Công Giáo Thụy Sĩ, ngài có liên hệ họ hàng với vị giám mục tử đạo người Hungary, Apor von Györ, người đã bị lính Nga bắn vào năm 1944 vì chứa chấp một số phụ nữ tị nạn trong ngôi nhà của mình. Em trai của ngài là Dieter từng là một sĩ quan trong Lực lượng Vệ binh Thụy Sĩ. Em gái của ngài là Renée (1908-1986) là Bề trên Tổng quyền, từ năm 1971 đến năm 1983, của các Nữ tu Dòng Phanxicô Sainte-Marie des Anges. Tại Khách sạn Felsberg, do bà của ngài điều hành, ngài đã sống phần lớn thời thơ ấu của mình với của một người dì chỉ hơn ngài vài tuổi. Ở đây, thái độ quốc tế và thông thạo ba ngôn ngữ (tiếng Đức, tiếng Pháp và tiếng Anh) được coi là chuyện đương nhiên. Tại đây, ngài cũng trở nên quen thuộc với lối nói chuyện dí dỏm và phong cách sống sành điệu của những vị khách người Anh; sau này, trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, với những người lính Pháp bị thương; và cuối cùng, vào năm 1918, với gia đình hoàng gia Habsburg khi họ qua đó. Balthasar có nhiều liên hệ với Phái Thệ Phản qua ông ngoại của mình, đại tá kỵ binh Hermann Pietzcker —'Chúng tôi thỉnh thoảng ghé thăm căn phòng đầy khói và đầy vũ khí của ngài" (2) Thực thế, ba trong số ông bà cố của ngài, về phía mẹ ngài, theo Thệ Phản.

Như chính Balthasar đã chứng thực, thời thơ ấu và tuổi trẻ của ngài được tràn ngập âm nhạc, nhờ đó ngài có một tài năng khá phi thường. Ngài có tài xướng âm hoàn hảo, đến nỗi, sau cái chết của Adrienne von Speyr, ngài có thể cho đi hệ thống âm thanh nổi của mình với lý do không cần đến nó nữa: ngài thuộc lòng mọi tác phẩm của Mozart; ngài có thể hình dung bản nhạc và nghe âm nhạc trong tâm trí của ngài. Nhưng chúng ta hãy nghe những lời của chính ngài:

“Từ những ấn tượng tuyệt vời đầu tiên ấy của âm nhạc, Thánh lễ E-giáng (e-flat) của Schubert (khi tôi khoảng 5 tuổi) và Pathétique của Tchaikovsky (khi tôi khoảng 8 tuổi), tôi dành rất nhiều giờ cho chiếc dương cầm. Ở Cao đẳng Engelberg, cũng có cơ hội để tham gia các Thánh Lễ và nhạc kịch. Tuy nhiên, khi bạn bè và tôi chuyển sang Feldkirch để học hai năm rưỡi chót của trung học, chúng tôi thấy 'ban âm nhạc' ở đó ồn ào quá đến nỗi chúng tôi mất hứng chơi luôn. Các lục cá nguyệt ở đại học của tôi ở Vienna nghèo đói, gần như chết đói, sau chiến tranh được đền bù bằng rất nhiều đại nhạc hội, nhạc kịch, thánh lễ có dàn nhạc. Tôi được đặc ân sống chung với Rudolf Allers, bác sĩ y khoa, triết gia, thần học gia, phiên dịch viên Thánh Anselmô và Thánh Tôma. Các buổi tối, phần lớn, chúng tôi chơi toàn bộ bản giao hưởng của Mahler ghi cho dương cầm... Khi tôi vào Dòng Tên, âm nhạc tự động biến mất hoàn toàn” (3).

Học hành

Xin nói thêm một vài điều về câu chuyện âm nhạc tuổi trẻ nói trên. Thực vậy, từ lâu, Balthasar do dự giữa việc học âm nhạc và văn chương. Có lần ngài nhắc lại với chủ bút hay tranh cãi của tờ Schweizer Kirchenzeitung [Báo Giáo hội Thụy sĩ], Alois Schenker, thời gian cùng học trung học với nhau ở Engelberg. “Lúc đó, bạn chăm chỉ kinh khủng, trong khi tôi dành hết thì giờ cho âm nhạc và Dante và đứng trên giường ở phòng ngủ ban đêm để có đủ ánh sáng mà đọc Faust” (4). Người ta không rõ tại sao ngài bỏ trường trung học của Dòng Biển Đức sớm để qua với các cha Dòng Tên không mấy thích âm nhạc ở một nước lân bang bị chiến tranh tàn phá. Có lẽ ngài muốn một học trình có tính đòi hỏi hơn. Việc chuyển trường này có thể cũng đã góp phần vào quyết định cuối cùng theo văn chương (và triết học) ở đại học thay vì âm nhạc. Nhưng ở Feldkirch, Balthasar cũng không ở đến cuối cùng. một năm trước khi tốt nghiệp trung học, ngài và hai bạn đồng học từ Thụy Sĩ quyết định chán ngấy lớp học và bí mật thi vào Đại Học ở Zurich. Khóa tiếng Đức, dẫn tới bằng tiến sĩ của ngài vào mùa thu năm 1928, gồm “9 lục cá nguyệt ở Đại Học, di chuyển giữa Vienna, Berlin, và Zurich” (5). Ngài ở Vienna lâu nhất. Điều làm ngài phấn chấn là Plotinus, người mà ngài bắt gặp trong các giảng khóa của Hans Eibl, và chính vị này dẫn nhập ngài vào thần học. Sau này, Plotinus trở thành đối tượng tranh cãi của ngài, cũng như tư tưởng Ấn Độ mà ngài tình cờ gặp gỡ nhân cùng học các lớp Sanskrit và Âu Ấn một lúc. Tại Berlin, ngài cũng nghe Eduard Spranger và dự lớp về Kierkegaard của Cha Romano Guardini, một lớp gây ấn tượng mạnh mẽ nơi ngài. Nhưng ấn tượng lâu dài nhất trong những ngày còn là sinh viên của ngài phát xuất từ một người bạn ở Vienna, người tân tòng và học trò bất đồng của Freud, Rudolf Allers, người đã tìm được đường đi của mình từ phân tâm học qua triết học và thần học trung cổ.

“Chống đối Freud và là học trò tự do của Alfred Adler, ngài sở hữu và ban bố cảm quan của một tình yêu liên nhân bản [interhuman] như là phương thế khách quan của hiện sinh nhân bản; từ việc xoay chiều từ 'cái tôi' bước qua thực tại trọn vẹn của ‘ngài’ (thou), đối với ngài, là chân lý triết học và phương pháp trị liệu tâm lý” (6).

Một hồng phúc cuối cùng nhưng trước nhất cần phải được nhắc đến, một hồng phúc được ban cho ngài, có thể nói như thế, từ lúc nằm nôi: đức tin đơn sơ nhưng thẳng thắn, không một chút nghi ngờ, một đức tin, cho đến cùng, vẫn trẻ thơ theo nghĩa tốt đẹp nhất. Ngài nợ điều này ở gia đình, nhất là mẹ ngài, người “hàng ngày đi lễ băng qua con đường dốc thẳng từ nhà chúng tôi”. Ngài nhớ lại “những Thánh lễ sớm mai thầm lặng, hết sức cảm động chính tôi tham dự trong ca đoàn của nhà thờ dòng Phanxicô ở Lucerne (nơi ngài chịu phép rửa và rước lễ lần đầu) hay Thánh lễ lúc 10 giờ sáng tại nhà thờ Dòng Tên, một nhà thờ, đối với tôi, đầy một vẻ huy hoàng tràn ngập” (7). Lòng đạo đức này còn mãi suốt thời gian học trung học của ngài. Còn đáng ngạc nhiên hơn nữa, nó sống sót giữa các trào lưu hết sức phản Kitô giáo thời ngài học Đại Học.

Ở Vienna, tôi rất say mê Plotinus, nhưng lúc đó, theo một hướng khác, cũng có nhiều tiếp xúc không thể tránh được với các giới tâm lý học (trong đó có những người theo phái Freud). Chủ nghĩa phiếm thần đầy dầy vò của Mahler làm tôi xúc động sâu xa. Nietzsche, Hofmannstahl, George cũng được xem xét. Sau đó, còn có tâm thức fin de siècle (tận cùng thế kỷ) của Karl Kraus, một thoái hóa hiển nhiên của một nền văn hóa đang xuống dốc” (8).



Chính đức tin không chút hoài nghi của ngài, một đức tin đã dẫn chàng sinh viên Balthasar, trong luận án tiến sĩ, đã khảo sát nền văn chương Đức về phương diện thần học theo quan điểm thái độ của nó đối với Tứ Chung, với “số phận đời đời của linh hồn”, một nhiệm vụ can đảm không những vì có rất nhiều chất liệu về nó mà hơn nữa vì luận án được đệ trình cho Đại Học Zurich của Thệ Phản Cấp Tiến. Trong lời nói đầu cho cuốn History of the Eschatological Problem in Modern German Literature [Lịch sử Vấn đề Cánh chung trong Văn chương Đức hiện đại] (1929), tác giả có lời xin lỗi như sau:

“Sự mới mẻ, hay có lẽ người ta nên nói là sự hấp tấp, của điều tôi đang cố gắng trong nghiên cứu này có lẽ giải thích được loại lo lắng tôi cảm thấy khi đệ trình nó để công bố. Điều xem ra hơi lạ trong việc điều tra lịch sử là sử dụng triết học và thần học để giải thích các công trình nghệ thuật, và ngược lại, các công trình nghệ thuật, mà không đề cập nhiều tới các phẩm tính mỹ thuật của chúng. Kết quả của phương pháp này sẽ chỉ là việc biện minh của nó" (9).

Luận án dài 219 trang này đã được chấm đậu summa cum laude (tối ưu). Khó mà quyết định liệu điều này là kết quả của phương pháp hay là kết quả của việc tác giả đọc rất nhiều và rất rộng.

Trước khi hoàn tất luận án ít lâu, đức tin của Balthasar đã dẫn ngài tới dự cuộc tĩnh tâm kéo dài 30 ngày do Cha Friedrich Kronseder, Dòng Tên, hướng dẫn vào mùa hè năm 1927 cho một nhóm sinh viên giáo dân tại Whylen gần Basel. Đây là khúc rẽ có tính quyết định của đời ngài.

Dòng Tên

Trước cuộc tĩnh tâm trên, Balthasar không hề có ý nghĩ nào về việc trở thành linh mục hay vào một dòng tu. Trong giới sinh viên ngài năng lui tới, “bị coi là một bất hạnh nếu ai đó thay đổi đường đi và đi học thần học”. Đây quả là lý do tại sao tiếng Chúa kêu gọi như tiếng sét đánh trúng ngài giữa bầu trời không một bóng mây.

“Ngay bây giờ, 30 năm sau, tôi vẫn vào con đường hẻo lánh ở Black Forest, không xa Basel, và tìm lại thân cây mà dưới bóng nó tôi như bị sét đánh... Ấy thế nhưng lúc ấy, cả thần học lẫn chức linh mục không chỉ nhập vào tâm trí tôi cách thoáng qua. Nó đơn giản thế này: bạn không có điều chi để chọn lựa cả, bạn đã được kêu gọi. Bạn không phục vụ, bạn bị đem vào thế phục vụ. Bạn không có kế hoạch nào phải làm cả, bạn chỉ là viên sỏi trong bức tranh ghép đã sẵn sàng từ lâu. Điều duy nhất tôi phải làm là ‘để lại mọi sự và bước chân theo’, không cần kế hoạch, ước muốn hay tầm nhìn thấu suốt nào. Điều duy nhất tôi cần là đứng đó, chờ và thấy điều tôi được cần làm” (10).

Giống Thánh Inhaxiô, khi thảo luận “dịp đầu tiên được chọn” (Linh thao, số 175), Balthasar so sánh ơn gọi này với ơn gọi của Lêvi người thu thuế và Phaolô người bách hại các Kitô hữu, những người được lời kêu gọi của Chúa Kitô ngỏ với một cách không thể nào lầm lẫn được, không phải vì công phúc của họ mà vì sự ngu dốt của họ.

“Ở giai đoạn đó, đó chỉ là vấn đề tôi phải phó mình. Nếu lúc đó tôi biết đến lối sống của Các Viện Thế Tục, thì tôi đã tìm được giải đáp cho vấn đề của tôi rồi dù trong một nghề thế tục, vấn đề, theo tôi, là làm thế nào đặt tôi hoàn toàn vào quyền sử dụng của Thiên Chúa” (11).

Tuy nhiên, con đường dẫn vào Dòng Tên là con đường gần nhất lúc đó. Và do đó, sau khi hoàn tất bằng tiến sĩ, sau cái chết quá sớm và đau đớn của mẹ, cái chết mà cụ hiến dâng cho con trai, sau khi em gái vào dòng tu, ngày 18 tháng 11 năm 1929, Balthasar nhập nhà tập của tỉnh Dòng Tên ở phía nam Nước Đức.

Sau đó là thời kỳ huấn luyện thông thường của một tu sĩ: hai năm nhà tập dưới sự hướng dẫn của Cha Otto Danneffel; hai năm (thay vì ba năm) triết tại Pullach gần Munich và bốn năm thần học tại Fouvrière gần Lyons. Những năm học này kết thúc với hai bằng cử nhân về triết học và thần học. Balthasar không bao giờ có bằng tiến sĩ về hai môn này.

Vào một dòng tu, trước nhất, có nghĩa là từ bỏ không những âm nhạc mà cả sinh hoạt văn chương và văn hóa. Trình thuật của Balthasar về việc Hopkins mất khả năng thi phú khi trở thành tu sĩ Dòng Tên chắc chắn mang mầu sắc các hoài niệm tự thuật. Dưới mắt Hopkins, Dòng Tên không nhấn mạnh tới thẩm mỹ, và việc chói sáng không thích hợp với các tu sĩ Dòng Tên (12). Các môn học thông thường của một tu sĩ chắc chắn tỏ ra khô khan và khá buồn tẻ đối với một người trẻ như Balthasar, người đã quá quen thuộc với một thế giới khác hẳn. Ngài coi môn triết học như một “héo hon trong sa mạc tân kinh viện” (13). Các giáo sư của ngài là các tác giả của Các Viện Triết Học Kinh Viện ở Pullach: Frank, Rast, Schuster, Wiwoll, những nhà tân kinh viện vững chãi với một mức độ cởi mở đối với các vấn đề hiện đại. Sau này, ngài sẽ tưởng nhớ với lòng biết ơn nhà luân lý học, Johann Baptist Schuster, và đề nghị Maximilian Rast, lúc đó là linh hướng của chủng viện ở Sion, làm điều tra viên đầu tiên của vụ Adrienne von Speyer.

Fouvrière không mấy thích thú bằng Pullach. “Thực sự không nghe thấy gì về Nouvelle théologie (Thần học mới) trong các giảng khóa. (Cho đến nay, tôi vẫn còn ngạc nhiên bởi huyền thoại người ta vẫn mơ về Fouvrière cổ kính tội nghiệp)” (14).

Tuy nhiên, ngài vẫn tìm được những vị thầy có giá trị như Henri Vignon và Henri Rondet (người sẽ phải tiếp tục cuộc khảo sát thứ hai vụ Adrienne) và các sinh viên và bạn bè cùng học như Pierre Lyonnet, Francois Varillon, và Jean Daniélou. Nhưng vấn đề thực sự không phải là các giáo sư và sinh viên, mà là chính thần học. Năm 1946, khi nhìn lại, và lúc còn ở trong Dòng Tên, ngài viết:

“Suốt thời gian tôi học trong Dòng đều là một cuộc đấu tranh ác liệt với sự ảm đạm của thần học, với những điều con người chế tác về sự vinh quang của Thiên Chúa. Tôi không thể chịu đựng được việc trình bầy về Lời Chúa như thế. Tôi chỉ muốn điên dại như Samson đánh đá lung tung. Tôi cảm thấy như muốn phá sập, bằng sức mạnh Samson trọn ngôi đền và chôn mình dưới đống gạch vụn của nó. Sở dĩ như thế, vì, bất chấp cảm thức ơn gọi của mình, tôi muốn thực hiện các kế hoạch của riêng mình, và do đó liên tục sống trong một tình trạng bất bình hết sức. Tôi không nói với ai điều này cả. Przywara hiểu mọi chuyện.Tôi không cần phải nói chi. Nếu không đã không có ai hiểu được tôi. Tôi viết 'Ngày Chung Cuộc' với một quyết tâm lì lợm, nhất quyết, bằng bất cứ giá nào, phải xây dựng lại thế giới từ nền tảng. Thực sự cần Basel và sự tốt lành đầy ủi an của lời bình luận về Thánh Gioan, đã dẫn ý chí hiếu thắng của tôi vào thế dửng dưng đích thực” (15).

Balthasar nhắc đến một trong những người gây cảm hứng lớn lao lúc ngài học ở đấy, và đúng hơn, suốt công trình sau này của ngài: Erich Przywara. Vị này chưa bao giờ là thầy dạy của Balthasar (sống ở Munich, chứ không sống ở Pullach), nhưng quả là “một nhà dìu dắt tuyệt hảo tuy rất đòi hỏi. Ngài làm bạn học triết lý kinh viện với thái độ thờ ơ thanh thản và sau đó đương đầu với mọi nền triết lý hiện đại, thách thức cả Thánh Augustinô lẫn Thánh Tôma, Hegel, Scheler, và Heidegger” (16). Balthasar sẽ gặp Przywara mỗi năm vào kỳ nghỉ hè, khi ngài từ Fourvrière trờ lại Munich để hoàn tất một chương của cuốn Apocalypse [Ngày Chung Cuộc]. Sau đó, ngài sống với vị này 2 năm khi làm việc cho Stimmen der Zeit [Tiếng Thời Đại]. Với lòng biết ơn, sau này ngài xuất bản các trước tác buổi đầu của Przywara thành 3 cuốn, mặc dù bày tỏ một số dè dặt đối với chúng.

Với một tâm tình còn nồng nàn hơn, ngài tỏ lòng biết ơn một người bạn và gây cảm hứng khác, một người cũng không phải là thầy dạy của ngài, đó là Henri de Lubac. Chính nhờ vị này, ngài học được thế nào là thần học đích thực.

“May mắn và thật an ủi, Henri de Lubac cũng sống trong nhà. Ngài chỉ đường cho chúng tôi vượt qua các chất liệu kinh viện để bước vào các Giáo Phụ và đã quảng đại cho chúng tôi mượn mọi ghi chép và trích dẫn của ngài. Nhờ thế, trong khi mọi người khác chơi túc cầu, Daniélou, Bouillard, và tôi cùng một số người khác mải mê đọc Origen, Grêgôriô thành Nyssa, và Maximus. Tôi có viết về mỗi vị này một cuốn sách” (17).

Thêm vào các cuốn trên, vẫn dưới ảnh hưởng của Przywara, là bản dịch một phần cuốn Enarrationes in Psalmos [Trình bầy về các Thánh vịnh] của Thánh Augustinô và chuẩn bị cho một tuyển tập trọn vẹn hơn của Thánh Augustinô; để làm việc này, Balthasar đọc trọn các công trình của Thánh Augustinô khi ngồi nghe giảng bài với lỗ tai bịt lại (18).

Nước Pháp không những dẫn nhập ngài vào thần học mà còn vào cả các vĩ nhân văn chương của nó nữa, Péguy, Bernanos, và trên hết, Claudel; với vị sau cùng, ngài đã được đích thân gặp gỡ. Balthasar sẽ phiên dịch cuốn Satin Slipper [giầy mềm satanh] của Claudel ít nhất 5 lần, suốt trong 25 năm trước khi có bản nhất định vào năm 1963.

Những ngày còn học ở Lyons cũng để lại nơi ngài chứng đau ruột và cổ họng; các chứng này theo ngài suốt đời và gây ra nhiều rắc rối. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất trong thời gian này là việc chuẩn bị chịu chức linh mục, điều mà ngài đã sẵn sàng. Ngày 26 tháng 7 năm 1936, ngài được thụ phong linh mục cùng với 21 anh em cùng dòng bởi Đức Hồng Y Faulhaber. Trong Thánh lễ mở tay, cử hành với một nhóm nhỏ thuộc gia đình tại nhà nguyện riêng ở Lucerne, ngài đích thân giảng lễ. Bài giảng dựa vào lời truyền phép; lời này cũng được in trên thiệp thụ phong: "Benedixit, fregit, deditque” (Người tạ ơn, bẻ ra, và trao cho). Vì Người tạ ơn, Người bẻ ra, và vì Người bẻ ngươi ra, nên Người ban cho ngươi” (19). Ngài nhấn mạnh tới việc bẻ bánh đến nỗi ở lại mãi trong ký ức người ta suốt đời.

Cuối thời gian học tập của ngài vào năm 1937, đầu tiên, ngài được gửi đi phụ trách tờ Stimmen der Zeit [Tiếng Thời Đại] trong 2 năm, nhưng trước hết là hoàn tất các cuốn sách của chính ngài. Năm 1939, ngài trở lại Pullach ít tháng để dự đợt huấn luyện chót trong Dòng (tertianship) dưới sự hướng dẫn của Cha Albert Steger và một lần nữa dự cuộc tĩnh tâm 30 ngày. Cha Steger là một trong những người đầu tiên trong thế giới nói tiếng Đức giải thích linh đạo Inhaxiô theo lối huyền nhiệm hơn là chỉ theo lối tu đức. Ở đầu Thế chiến II, các bề trên của ngài cho ngài chọn một là qua Rôma làm giáo sư tại Đại Học Gregoriana hai là tới Basel làm Tuyên úy sinh viên. Tại Rôma, ngài và 3 cha khác có nhiệm vụ thiết lập một viện thần học đại kết, một kế hoạch cho đến nay vẫn không được thực hiện. Balthasar chọn Basel, chắc chắn không phải do lòng yêu nước, mà vì công việc mục vụ gần gũi với tâm hồn ngài hơn là giảng dậy.

Kỳ sau: Tuyên Úy Sinh Viên