1. Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm các Tổng Giám Mục mới cho Hán Thành và Nairobi
Hôm thứ Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm các Tổng Giám Mục mới cho các tổng giáo phận Hán Thành, Hàn Quốc và Nairobi, Kenya.
Đức Cha Phêrô Trọng Thuần Trạch (Chung Soon-taek, 정순택) một thành viên của Dòng Cát Minh, đã là Giám Mục Phụ Tá của Hán Thành từ tháng 12 năm 2013.
Vị giám mục 60 tuổi sinh tại Đại Khâu (Daegu, 대구시) đông nam Hàn Quốc, và học kỹ sư hóa học trước khi vào trường dòng. Ngài được thụ phong linh mục trong Dòng Cát Minh Nhặt Phép năm 1992.
Vị Tổng Giám Mục vừa được bổ nhiệm cũng học Thánh Kinh tại Học viện Giáo hoàng Kinh thánh ở Rôma và là Giám tỉnh của Dòng Cát Minh tại Hàn Quốc.
Từ năm 2009 đến năm 2013, ngài là Tổng Phụ Trách vùng Viễn Đông và Châu Đại Dương của Dòng Cát Minh Nhặt Phép.
Theo thống kê năm 2017, Tổng giáo phận Hán Thành có diện tích 6,701 dặm vuông, tức là 17,355 km vuông và phục vụ 1.5 triệu người Công Giáo, chiếm 15% dân số. Tổng dân số của khu vực là 9.9 triệu người.
Năm 2017, tổng giáo phận có gần 1,000 linh mục, trong đó có 756 linh mục triều. Bên cạnh đó còn có 2,367 nam nữ tu sĩ.
Hôm 29 tháng 10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp tổng thống Hàn Quốc, Văn Tại Dần hay Moon Jae-in. Hai vị gặp nhau lần đầu tiên vào năm 2018, lần đó tổng thống nói với Đức Thánh Cha Phanxicô: “Tôi đến với Đức Giáo Hoàng với tư cách là tổng thống Hàn Quốc, nhưng cũng với tư cách là một người Công Giáo. Tên rửa tội của con là Ti-mô-thê”.
Đối với Tổng giáo phận Nairobi, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Tổng Giám Mục 65 tuổi Philip A. Anyolo, người đã lãnh đạo Tổng giáo phận Kisumu kể từ năm 2018.
Kể từ năm 2015, Đức Cha Anyolo là chủ tịch của Hội đồng Giám mục Công Giáo Kenya.
Ngài là giám mục của Homa Bay từ năm 2003 đến năm 2018, và của Kericho từ năm 1996 đến năm 2003. Khi được bổ nhiệm lãnh đạo Giáo phận Kericho vào tháng 12 năm 1995, Đức Cha Anyolo mới 39 tuổi. Ngài được thụ phong linh mục năm 1983.
Tổng giáo phận Nairobi Metropolitan có diện tích 1,263 dặm vuông, hay 3,271 km vuông. Dân số Công Giáo, theo số liệu năm 2019, là hơn 50% dân số, cụ thể là 3.8 triệu người.
Tính đến năm 2019, tổng giáo phận có 715 linh mục và 4,785 nam nữ tu sĩ.
Source:Catholic News Agency
2. Đức Thánh Cha Phanxicô tặng 170,000 đô la cho Giáo Hội Công Giáo ở Syria
Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyên góp 170,000 Mỹ Kim cho các công tác bác ái dành cho người nghèo của Giáo Hội Công Giáo ở Syria.
Đức Hồng Y Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ Giáo hội Đông phương, đã thông báo vào ngày 26 tháng 10 rằng mỗi giáo phận trong số 17 giáo phận của đất nước sẽ nhận được 10,000 đô la.
Đức Hồng Y cho biết như trên khi nói chuyện với Hội Đồng Giám Mục Syria ở thủ đô Damascus trong chuyến viếng thăm kéo dài từ 25 tháng 10 đến 3 tháng 11. Hơn 350,000 người đã thiệt mạng kể từ khi cuộc nội chiến nổ ra vào tháng Ba năm 2011.
Vị Hồng Y 77 tuổi người Á Căn Đình giải thích rằng Bộ Giáo hội Đông phương của ngài đang quyên góp nhân danh Đức Giáo Hoàng để giải quyết những lĩnh vực cần thiết nhất mà mỗi giám mục đã xác định.
Trong bài phát biểu trước Hội Đồng Giám Mục Công Giáo ở Syria, Đức Hồng Y Sandri cũng thông báo rằng một hội nghị sẽ được tổ chức vào tháng 3 năm 2022, quy tụ các nhóm Công Giáo tham gia viện trợ cho Syria.
Ngài giải thích rằng hội nghị, lý tưởng nhất là được tổ chức ở Damascus, sẽ giúp xác định các ưu tiên bác ái trong tương lai.
Cùng ngày, Đức Hồng Y Sandri đã đồng tế một Phụng Vụ thánh với Đức Thượng phụ Youssef Absi, là nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Đông phương nghi lễ Melkite, một trong 23 Giáo Hội Công Giáo Đông phương hiệp thông trọn vẹn với Rôma.
Trong bài giảng của mình tại Nhà thờ Melkite ở Damascus, Đức Hồng Y đã phản ánh về lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với những người Công Giáo trên toàn thế giới tham gia vào tiến trình Thượng Hội Đồng Về Tính Đồng Nghị kéo dài hai năm.
Ngài nhấn mạnh rằng lời mời cũng mở rộng đến Syria, nơi có nhiều người Công Giáo thuộc các Giáo Hội Nghi lễ Đông phương có cấu trúc đồng nghị.
Ngài nói: “Khi đó, yêu cầu của Đức Thánh Cha đối với bạn là đặc biệt: trước hết, hình thức đồng nghị, tức là hình thức thường được sống giữa Đức Thượng phụ và các giám mục anh em của ngài, thậm chí phải trở thành một phong cách ở tất cả các cấp độ trong cuộc sống của Giáo hội các bạn.”
“Tuy nhiên, hãy thận trọng để các cuộc gặp gỡ và những đề nghị được đưa ra cho các linh mục, giám mục và Thượng phụ không chạy theo các trào lưu hay tư lợi cá nhân, mà đáng tiếc là đang hiện diện ở các cấp độ khác nhau của Giáo hội, nhưng các cuộc gặp gỡ phải là những khoảnh khắc mà mỗi người có tâm huyết tìm kiếm khuôn mặt của Thiên Chúa và thánh ý của Người trong thời đại của chúng ta”.
Các nội dung khác trong chương trình thăm viếng của Đức Hồng Y Sandri ở Damascus bao gồm các cuộc gặp gỡ với các linh mục, thăm các tổ chức bác ái Công Giáo, các bệnh viện và trại trẻ mồ côi.
Hôm 27 tháng 10, Đức Hồng Y đã gặp gỡ các tu sĩ nam nữ của Damascus và miền nam Syria tại Đài tưởng niệm Thánh Phaolô.
Đài tưởng niệm được cho là nơi đánh dấu sự hoán cải của Thánh Phaolô, nơi ngài ngã ngựa trên đường tới Damascus.
Chuyến đi lẽ ra đã được thực hiện từ tháng 4 năm 2020, nhưng phải hoãn lại vì đại dịch coronavirus. Trong chương trình Đức Hồng Y Sandri, đến thăm Tartous, Homs, Yabroud, Maaloula và Aleppo.
Tại Aleppo, ngài đã tham gia một buổi cầu nguyện đại kết và một cuộc họp giữa các tôn giáo.
Trước cuộc nội chiến, Aleppo là thành phố lớn nhất của Syria và có tỷ lệ các tín hữu Kitô cao nhất, ước tính có khoảng 180,000 Kitô Hữu. Theo số liệu năm 2019, con số đó giảm xuống chỉ còn khoảng 32,000.
Source:Catholic News Agency
3. Người phụ nữ ở Colombia điên đến mức tin rằng bà ta sẽ trở thành gương sáng trợ tử cho Giáo Hội Công Giáo
Hôm thứ Tư, một thẩm phán Colombia đã ra lệnh buộc các thủ tục trợ tử cho Martha Liria Sepúlveda Campo phải được tái tục. Bà Martha, một phụ nữ 51 tuổi mắc chứng xơ cứng teo cơ một bên. Đi đứng có khó khăn nhưng tình trạng của bà ấy không phải là tuyệt vọng.
Thẩm phán Omar Vásquez Cuartas của Tòa án Dân sự số 20 của Medellín đã đưa ra phán quyết của mình vào ngày 27 tháng 10, nói rằng Viện Đau đớn Colombia, gọi tắt là Incodol, phải điều đình với Martha trong vòng 48 giờ về ngày giờ để thực hiện việc trợ tử cho bà ta.
Hôm 3 tháng 10, CaracolTV đã phát sóng một báo cáo, trong đó Martha nói rằng bà ta “yên bình” về quyết định xin trợ tử và rằng bà ấy trong tư cách là “một người Công Giáo, tôi tự cho mình là một người rất tin vào Chúa, nhưng, tôi nhắc lại, Chúa không muốn thấy tôi đau khổ và tôi tin rằng không ai phải đau khổ. Không người cha nào muốn nhìn thấy những đứa con của mình đau khổ”.
Tháng 7 vừa qua, tòa án hiến pháp Colombia đã ra phán quyết rằng những người không mắc bệnh nan y có thể được trợ tử, miễn là họ đang phải trải qua những đau khổ tột cùng do bệnh tật hoặc thương tích cơ thể nghiêm trọng và quan trọng nhất là không thể chữa khỏi.
Bà Martha muốn trở thành người đầu tiên được áp dụng luật này trong cố gắng làm cho Giáo Hội Công Giáo thay đổi giáo huấn về trợ tử. Oái oăm là người con trai của bà ta cũng quyết liệt muốn bà ta được trợ tử.
Incodol đã bác bỏ yêu cầu xin trợ tử của Bà Martha vì cho rằng bà ta không thể cử động chân của mình, nhưng đó không phải là tình trạng cuối cùng không thể chữa khỏi.
Thẩm phán Vásquez cho rằng Incodol đã vi phạm “các quyền cơ bản của Martha là được chết với nhân phẩm, được sống đàng hoàng, được phát triển tự do về nhân cách và phẩm giá con người”.
Nhà lãnh đạo Ủy ban Cổ vũ và Bảo vệ sự sống của các giám mục Colombia đã gửi một tin nhắn video tới Martha, thúc giục bà ta từ bỏ quyết định xin trợ tử của mình.
“Với tư cách một mục tử của Giáo Hội Công Giáo, với sự kính trọng và tình cảm trìu mến, tôi muốn nói với người chị em của tôi là Martha rằng cô ấy không đơn độc, rằng Chúa của sự sống luôn đồng hành cùng chúng ta,” Đức Cha Francisco Antonio Ceballos Escobar của Riohacha nói trong một video ngày 6 tháng 10.
Ngài bảo đảm với Marta “rằng nỗi đau của cô có thể tìm thấy một ý nghĩa siêu việt nếu nó trở thành lời kêu gọi Tình yêu chữa lành, Tình yêu đổi mới, Tình yêu tha thứ.”
Trong video của mình, Đức Cha Ceballos nói: “Martha, tôi mời cô bình tĩnh suy nghĩ về quyết định của mình, hy vọng, nếu hoàn cảnh cho phép, tránh xa sự quấy rối của giới truyền thông đã không ngần ngại lấy nỗi đau của cô và của gia đình cô và sử dụng nó như một hình thức tuyên truyền cho trợ tử, ở một đất nước bị đánh dấu sâu sắc bởi bạo lực”.
Sau đó, ngài nhắc nhớ những lời của Đức Bênêđíctô XVI trong bài huấn đức buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật ngày 1 tháng 2 năm 2009: “phản ứng thực sự không thể là giết một người nào đó, bất kể 'tử tế' kiểu gì đi nữa. Nhưng điều cần thiết là làm chứng cho tình yêu giúp mọi người đối mặt với nỗi đau và sự đau khổ của họ trong một cách thế nhân bản.”
Đức Cha Ceballos cũng khuyến khích các tín hữu cầu nguyện cho bà ấy và gia đình bà ấy xem xét lại quyết định của mình.
Trong thông điệp của mình, Giám mục Riohacha giải thích rằng “phù hợp với niềm tin Kitô sâu sắc nhất của chúng ta, cái chết không thể là câu trả lời mang tính trị liệu cho nỗi đau và sự đau khổ trong mọi trường hợp.”
Bà Martha, và cả đứa con trai của bà quyết liệt muốn cho bà ấy chết cho nên các nguồn tin địa phương dự đoán dự đoán bà ta sẽ chết trong thời gian ngắn. Cái chết của bà ta không phải là gương sáng như bà ấy nghĩ nhưng là một gương mù tai hại.
Source:Catholic News Agency