Sống trao ban sẽ được trao ban
(Suy niệm Chúa nhật 32 TNB)
Câu chuyện về tờ tiền 1.000 đồng và 500 nghìn đồng
Một ngày nọ, tờ tiền 1.000 đồng và tờ tiền 500.000 đồng gặp lại nhau. Tờ 1.000 đồng hỏi:
– Lâu lắm không gặp cậu, cậu biến đi đâu vậy?
Tờ 500.000 đồng kiêu hãnh trả lời:
– Tớ lang thang mấy sòng bạc, chu du trên biển, dự 10 trận bóng đá, vào ra vài quán bar, vũ trường… mấy thứ đại loại như vậy. Còn cậu đi đâu vậy?
Tờ 1.000 đồng mỉm cười:
– Tớ đi đến những mảnh đời bất hạnh cậu ạ.
1000 đồng tuy nhỏ bé nhưng mang giá trị to lớn
Chỉ là một câu chuyện ngắn được nhân cách hóa cho hai tờ tiền mệnh giá khác nhau, nhưng thông điệp được truyền tải lại mang ý nghĩa nhân văn vô cùng sâu sắc. Tờ 1000 đồng tuy giá trị nhỏ hơn 500 nghìn đồng nhiều lần nhưng chúng chẳng hề vô dụng chút nào. Và dù cho nó có bị nhàu nát, bị người ta khinh rẻ hay nói những điều tệ hại về nó, thì giá trị của tờ 1.000 đồng vẫn còn nguyên.
Thế nhưng điều đáng buồn là nhiều người vứt nó lăn lóc khắp nơi, vò nhàu nhĩ trong túi quần hay còn không thèm nhận lại 1.000 đồng tiền thừa.
Theo thói đời, chúng ta thường đánh giá con người dựa trên vẻ bề ngoài: áo đồ lộng lẫy, nhà lầu xe hơi, vợ đẹp con ngoan, giàu sang phú quý,...Tuy nhiên, chúng ta quên mất rằng giá trị của một con người không nằm ở vẻ bề ngoài và chỉ dựa trên những ‘sản vật’ mà người đó sở hữu, mà nó nằm ở chỗ là con người đó có tử tế hay không, có nhân bản hay không, có tư cách ứng xử văn minh lịch sự hay không, có biết tôn trọng và yêu thương người khác hay không, có tinh thần quảng đại và sẵn sàng trao ban cho tha nhân, nhất là cho các hoàn cảnh nghèo khổ không? Hôm nay, ngang qua các bài đọc Phụng vụ của Chúa nhật 32 thường niên năm B, chúng ta sẽ được Đức Giê-su cho biết đâu là con người có giá trị đích thực?
1/ Đức Giê-su, con người của sự trao ban
Đức Giê-su, Ngôi Lời Thiên Chúa đã làm người, với hình dạng con người, giống con người mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi để trở nên món quà trao ban cho con người nhằm cứu độ con người. Ngài là món quà vô cùng quý giá mà Thiên Chúa trao ban cho nhân loại. Món quà này không bất động nhưng rất sống động và năng động; không vô cảm nhưng rất giàu lòng vị tha và thương xót tất cả mọi người, nhất là những hoàn cảnh bệnh hoạn tật nguyền, bị loại ra khỏi lề xã hội, bị thiếu thốn đủ bề,…Món quà này đã trở nên sự nối kết thay vì chia cắt và loại trừ. Món quà này đã trở nên nguồn chữa lành cho những người ốm đau và bệnh tật; đã trở nên ánh sáng cho người mù tối; đã trở nên bước chân cho người què quặt; đã trở nên miệng lưỡi và tai nghe cho người câm điếc; đã trở nên sự sống lại cho người chết chóc,…Món quà này hiện diện nơi đâu là ở đó có sự thi ân giáng phúc; hiện diện là trao ban bình an và niềm vui cho muôn người. Món quà này đã trở nên hiền lành và khiêm nhường cho nhiều người học đòi bắt chước. Món quà này đã trở nên chỗ nghỉ ngơi bồi dưỡng cho những ai đang mang gánh nặng nề. Món quà này đã trở nên con đường cho những ai lạc bước, đã trở nên sự thật cho những ai giả dối và sai lầm.
Đức Giê-su Ki-tô, con người của sự trao ban đỉnh cao cho con người khi Ngài sẵn sàng chịu chết trên cây thập tự để cứu chuộc muôn loài. Sự trao ban vô tiền khoáng hậu này chỉ thật sự được thực hiện nơi Đức Giê-su Ki-tô mà thôi. Quả thật, Đức Giê-su đã thật sự trở nên con người của sự trao ban cho tất cả những ai chạy đến với Ngài với lòng thành tâm thiện chí. Ngược lại, Ngài sẽ không trở nên món quà của sự trao ban cho những ai lòng chai dạ đá và khô cứng niềm tin.
2/ Con người cũng được mời gọi sống trao ban
Chúng ta bắt gặp hai hình ảnh bà goá nơi hai bài đọc diễn tả sự trao ban hoàn toàn mà không còn phải đắn đo và suy nghĩ. Nơi bài đọc I, sách các Vua giới thiệu hình ảnh bà goá nghèo đã sẵn sàng trao ban nước và bánh cho ngôn sứ Ê-li-a, người của Thiên Chúa. Mặc dù chỉ vỏn vẹn nắm bột ăn rồi sẽ chết, nhưng vì tin vào lời của ngôn sứ Ê-li-a, bà đã sẵn sàng phục vụ và trao ban cho ông. Kết quả là hũ bột đã không vơi, vò dầu đã chẳng cạn, đúng như lời Đức Chúa đã dùng ông Ê-li-a mà phán. (1V 17,16). Hình ảnh bà goá nơi bài Tin mừng được Đức Giê-su khen ngợi, tại sao vậy? Tin mừng tường thuật bối cảnh người người bỏ tiền vào Đền thờ: người giàu có cũng như người nghèo khó. Nhưng Đức Giê-su đã lên tiếng: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. Quả vậy, mọi người đều lấy tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này đã túng thiếu, lại còn bỏ vào đó tất cả những gì bà có, tất cả những gì để nuôi thân”. (Mc 12, 43-44).
Quả thật, “ai vui vẻ dâng hiến thì được Thiên Chúa yêu thương” (2Cr 9,7). Đức Giê-su nơi bài Tin mừng yêu thương và khen ngợi tấm lòng vàng của bà goá nghèo vì bà đã sẵn sàng trao ban tất cả những gì bà có cho Thiên Chúa. Bà xác tín rằng cuộc đời của bà là tuỳ thuộc nơi Chúa. Có Chúa sẽ có tất cả, không có Chúa sẽ mất tất cả. Tấm lòng thành của bà goá đã diễn tả tinh thần cho đi hơn là lãnh nhận. Bà biết rằng những gì bà có là do Chúa, là do bà đã lãnh nhận, mà đã lãnh nhận thì sẵn sàng trao ban. Bà không giữ riêng cho chính mình những hoàn toàn cho đi tất cả những gì mình có. Một sự trao ban vô vị lợi.
Là con cái của Chúa, là em Đức Giê-su Ki-tô, chúng ta được mời gọi hãy biết sống trao ban vì đã được trao ban. Qua hình ảnh hai bà goá trên, mỗi người ki-tô hữu phải luôn xác tín sống là sống với, sống cho và sống vì người khác. Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình. Cho thì có phúc hơn là lãnh nhận (Cv 20,35). Chúng ta không chỉ dừng lại ở việc sẵn sàng đóng góp vào công trình nhà Chúa nhưng tiên vàn và cần thiết, chúng ta phải biết trao ban cuộc sống cho anh chị em đồng loại, nhất là cho những ai đang sống trong khó khăn, gian khổ, buồn phiền, thất vọng, nghèo đói, bệnh tật,…Chúng ta không được phép sống cho chính mình, nhưng biết sống mở ra và bao dung với anh chị em, đặc biệt trong bối cảnh cả nhân loại đang đối diện với đại dịch Covid-19. Vì yêu thương là chu toàn lề luật (Rm 13,10), nên chúng ta không thể sống với Chúa mà không yêu thương anh chị em chung quanh. Vì Đức mến còn lại mãi mãi nên cuộc sống cần có sự sẻ chia và trao ban cho nhau. Đây mới là điều răn mà Đức Giê-su mong muốn: mến Chúa và yêu người.
Thật vậy, là con cái của Thiên Chúa, là người đã đón nhận được sự trao ban từ Thiên Chúa trong và qua Đức Giê-su Ki-tô, chúng ta không thể giữ riêng cho chính mình, nhưng phải biết trao ban và hiến trọn đời mình để phục vụ cho anh chị em đồng loại. Đây là ý muốn của Thiên Chúa. Hơn nữa, người ta sẽ dễ dàng đánh giá và nhìn nhận chúng ta là ai ngang qua cách sống trao ban và yêu thương của chúng ta. Nơi đời sống đượm tình bác ái yêu thương của chúng ta, nhân loại sẽ nhận ra được Thiên Chúa Tình Yêu. Nơi đời sống biết cho đi và sẵn sàng trao ban của cải cũng như dấn thân phục vụ nơi chúng ta, anh chị em lương dân sẽ được cảm hoá và thu hút. Cũng nhờ đời sống đó, Đạo Chúa sẽ ngày càng lớn mạnh và lan toả trong mọi nơi và cho mọi người. Vì thế, hãy thi hành ngay trong cuộc đời dù bắt từ những chuyện nhỏ nhoi nhưng đầy lòng yêu thương và cảm mến thay vì làm những điều to tát, rùm beng mà lại thiếu khiêm tốn – thiếu tình thương. Hãy học noi gương hai bà goá trong hai bài đọc trên để sẵn sàng trao ban và biết sống cho đi tất cả vì biết rằng Chúa sẽ chúc phúc và sẽ trao ban tiếp tục cho những ai biết sống trao ban.
Câu hỏi suy niệm:
1/ Tôi có ý thức rằng tất cả những gì tôi có là do Chúa ban cho không?
2/ Nếu vậy, tôi có sẵn sàng trao ban cho anh chị em đồng loại không?
3/ Tôi đang sống lối sống: cho đi hay thích lãnh nhận?
Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
(Suy niệm Chúa nhật 32 TNB)
Câu chuyện về tờ tiền 1.000 đồng và 500 nghìn đồng
Một ngày nọ, tờ tiền 1.000 đồng và tờ tiền 500.000 đồng gặp lại nhau. Tờ 1.000 đồng hỏi:
– Lâu lắm không gặp cậu, cậu biến đi đâu vậy?
Tờ 500.000 đồng kiêu hãnh trả lời:
– Tớ lang thang mấy sòng bạc, chu du trên biển, dự 10 trận bóng đá, vào ra vài quán bar, vũ trường… mấy thứ đại loại như vậy. Còn cậu đi đâu vậy?
Tờ 1.000 đồng mỉm cười:
– Tớ đi đến những mảnh đời bất hạnh cậu ạ.
1000 đồng tuy nhỏ bé nhưng mang giá trị to lớn
Chỉ là một câu chuyện ngắn được nhân cách hóa cho hai tờ tiền mệnh giá khác nhau, nhưng thông điệp được truyền tải lại mang ý nghĩa nhân văn vô cùng sâu sắc. Tờ 1000 đồng tuy giá trị nhỏ hơn 500 nghìn đồng nhiều lần nhưng chúng chẳng hề vô dụng chút nào. Và dù cho nó có bị nhàu nát, bị người ta khinh rẻ hay nói những điều tệ hại về nó, thì giá trị của tờ 1.000 đồng vẫn còn nguyên.
Thế nhưng điều đáng buồn là nhiều người vứt nó lăn lóc khắp nơi, vò nhàu nhĩ trong túi quần hay còn không thèm nhận lại 1.000 đồng tiền thừa.
Theo thói đời, chúng ta thường đánh giá con người dựa trên vẻ bề ngoài: áo đồ lộng lẫy, nhà lầu xe hơi, vợ đẹp con ngoan, giàu sang phú quý,...Tuy nhiên, chúng ta quên mất rằng giá trị của một con người không nằm ở vẻ bề ngoài và chỉ dựa trên những ‘sản vật’ mà người đó sở hữu, mà nó nằm ở chỗ là con người đó có tử tế hay không, có nhân bản hay không, có tư cách ứng xử văn minh lịch sự hay không, có biết tôn trọng và yêu thương người khác hay không, có tinh thần quảng đại và sẵn sàng trao ban cho tha nhân, nhất là cho các hoàn cảnh nghèo khổ không? Hôm nay, ngang qua các bài đọc Phụng vụ của Chúa nhật 32 thường niên năm B, chúng ta sẽ được Đức Giê-su cho biết đâu là con người có giá trị đích thực?
1/ Đức Giê-su, con người của sự trao ban
Đức Giê-su, Ngôi Lời Thiên Chúa đã làm người, với hình dạng con người, giống con người mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi để trở nên món quà trao ban cho con người nhằm cứu độ con người. Ngài là món quà vô cùng quý giá mà Thiên Chúa trao ban cho nhân loại. Món quà này không bất động nhưng rất sống động và năng động; không vô cảm nhưng rất giàu lòng vị tha và thương xót tất cả mọi người, nhất là những hoàn cảnh bệnh hoạn tật nguyền, bị loại ra khỏi lề xã hội, bị thiếu thốn đủ bề,…Món quà này đã trở nên sự nối kết thay vì chia cắt và loại trừ. Món quà này đã trở nên nguồn chữa lành cho những người ốm đau và bệnh tật; đã trở nên ánh sáng cho người mù tối; đã trở nên bước chân cho người què quặt; đã trở nên miệng lưỡi và tai nghe cho người câm điếc; đã trở nên sự sống lại cho người chết chóc,…Món quà này hiện diện nơi đâu là ở đó có sự thi ân giáng phúc; hiện diện là trao ban bình an và niềm vui cho muôn người. Món quà này đã trở nên hiền lành và khiêm nhường cho nhiều người học đòi bắt chước. Món quà này đã trở nên chỗ nghỉ ngơi bồi dưỡng cho những ai đang mang gánh nặng nề. Món quà này đã trở nên con đường cho những ai lạc bước, đã trở nên sự thật cho những ai giả dối và sai lầm.
Đức Giê-su Ki-tô, con người của sự trao ban đỉnh cao cho con người khi Ngài sẵn sàng chịu chết trên cây thập tự để cứu chuộc muôn loài. Sự trao ban vô tiền khoáng hậu này chỉ thật sự được thực hiện nơi Đức Giê-su Ki-tô mà thôi. Quả thật, Đức Giê-su đã thật sự trở nên con người của sự trao ban cho tất cả những ai chạy đến với Ngài với lòng thành tâm thiện chí. Ngược lại, Ngài sẽ không trở nên món quà của sự trao ban cho những ai lòng chai dạ đá và khô cứng niềm tin.
2/ Con người cũng được mời gọi sống trao ban
Chúng ta bắt gặp hai hình ảnh bà goá nơi hai bài đọc diễn tả sự trao ban hoàn toàn mà không còn phải đắn đo và suy nghĩ. Nơi bài đọc I, sách các Vua giới thiệu hình ảnh bà goá nghèo đã sẵn sàng trao ban nước và bánh cho ngôn sứ Ê-li-a, người của Thiên Chúa. Mặc dù chỉ vỏn vẹn nắm bột ăn rồi sẽ chết, nhưng vì tin vào lời của ngôn sứ Ê-li-a, bà đã sẵn sàng phục vụ và trao ban cho ông. Kết quả là hũ bột đã không vơi, vò dầu đã chẳng cạn, đúng như lời Đức Chúa đã dùng ông Ê-li-a mà phán. (1V 17,16). Hình ảnh bà goá nơi bài Tin mừng được Đức Giê-su khen ngợi, tại sao vậy? Tin mừng tường thuật bối cảnh người người bỏ tiền vào Đền thờ: người giàu có cũng như người nghèo khó. Nhưng Đức Giê-su đã lên tiếng: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. Quả vậy, mọi người đều lấy tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này đã túng thiếu, lại còn bỏ vào đó tất cả những gì bà có, tất cả những gì để nuôi thân”. (Mc 12, 43-44).
Quả thật, “ai vui vẻ dâng hiến thì được Thiên Chúa yêu thương” (2Cr 9,7). Đức Giê-su nơi bài Tin mừng yêu thương và khen ngợi tấm lòng vàng của bà goá nghèo vì bà đã sẵn sàng trao ban tất cả những gì bà có cho Thiên Chúa. Bà xác tín rằng cuộc đời của bà là tuỳ thuộc nơi Chúa. Có Chúa sẽ có tất cả, không có Chúa sẽ mất tất cả. Tấm lòng thành của bà goá đã diễn tả tinh thần cho đi hơn là lãnh nhận. Bà biết rằng những gì bà có là do Chúa, là do bà đã lãnh nhận, mà đã lãnh nhận thì sẵn sàng trao ban. Bà không giữ riêng cho chính mình những hoàn toàn cho đi tất cả những gì mình có. Một sự trao ban vô vị lợi.
Là con cái của Chúa, là em Đức Giê-su Ki-tô, chúng ta được mời gọi hãy biết sống trao ban vì đã được trao ban. Qua hình ảnh hai bà goá trên, mỗi người ki-tô hữu phải luôn xác tín sống là sống với, sống cho và sống vì người khác. Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình. Cho thì có phúc hơn là lãnh nhận (Cv 20,35). Chúng ta không chỉ dừng lại ở việc sẵn sàng đóng góp vào công trình nhà Chúa nhưng tiên vàn và cần thiết, chúng ta phải biết trao ban cuộc sống cho anh chị em đồng loại, nhất là cho những ai đang sống trong khó khăn, gian khổ, buồn phiền, thất vọng, nghèo đói, bệnh tật,…Chúng ta không được phép sống cho chính mình, nhưng biết sống mở ra và bao dung với anh chị em, đặc biệt trong bối cảnh cả nhân loại đang đối diện với đại dịch Covid-19. Vì yêu thương là chu toàn lề luật (Rm 13,10), nên chúng ta không thể sống với Chúa mà không yêu thương anh chị em chung quanh. Vì Đức mến còn lại mãi mãi nên cuộc sống cần có sự sẻ chia và trao ban cho nhau. Đây mới là điều răn mà Đức Giê-su mong muốn: mến Chúa và yêu người.
Thật vậy, là con cái của Thiên Chúa, là người đã đón nhận được sự trao ban từ Thiên Chúa trong và qua Đức Giê-su Ki-tô, chúng ta không thể giữ riêng cho chính mình, nhưng phải biết trao ban và hiến trọn đời mình để phục vụ cho anh chị em đồng loại. Đây là ý muốn của Thiên Chúa. Hơn nữa, người ta sẽ dễ dàng đánh giá và nhìn nhận chúng ta là ai ngang qua cách sống trao ban và yêu thương của chúng ta. Nơi đời sống đượm tình bác ái yêu thương của chúng ta, nhân loại sẽ nhận ra được Thiên Chúa Tình Yêu. Nơi đời sống biết cho đi và sẵn sàng trao ban của cải cũng như dấn thân phục vụ nơi chúng ta, anh chị em lương dân sẽ được cảm hoá và thu hút. Cũng nhờ đời sống đó, Đạo Chúa sẽ ngày càng lớn mạnh và lan toả trong mọi nơi và cho mọi người. Vì thế, hãy thi hành ngay trong cuộc đời dù bắt từ những chuyện nhỏ nhoi nhưng đầy lòng yêu thương và cảm mến thay vì làm những điều to tát, rùm beng mà lại thiếu khiêm tốn – thiếu tình thương. Hãy học noi gương hai bà goá trong hai bài đọc trên để sẵn sàng trao ban và biết sống cho đi tất cả vì biết rằng Chúa sẽ chúc phúc và sẽ trao ban tiếp tục cho những ai biết sống trao ban.
Câu hỏi suy niệm:
1/ Tôi có ý thức rằng tất cả những gì tôi có là do Chúa ban cho không?
2/ Nếu vậy, tôi có sẵn sàng trao ban cho anh chị em đồng loại không?
3/ Tôi đang sống lối sống: cho đi hay thích lãnh nhận?
Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương