1. Đức Giám Mục Ôn Châu bị mời đi uống trà, đã uống xong

Sáng 26 tháng 10, công an Trung Quốc đã bắt giữ Đức Cha Phêrô Thiệu Chúc Mẫn, (Shao Zhu-min - 邵祝敏) Giám Mục Ôn Châu, thuộc tỉnh Chiết Giang, và nói với giáo dân họ mời ngài đi “làm việc” và “uống trà”, từ “10 đến 15 ngày”.

“Làm việc” có nghĩa là thẩm vấn và ép buộc học tập ý thức hệ cộng sản. Lần nào công an Trung Quốc cũng nói đi làm việc trong thời gian ngắn nhưng tháng 5 năm 2017, ngài đã bị bắt và chỉ được thả ra sau 7 tháng bị đưa đi biệt tích.

Các tín hữu của giáo phận đã mời gọi tất cả các cộng đồng và Giáo Hội trên thế giới cầu nguyện cho vị Giám Mục của họ.

Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, cho biết Đức Cha Phêrô Thiệu đã được trả tự do. Các nguồn tin địa phương đã nói với AsiaNews về sự trở lại của ngài, mặc dù vẫn chưa rõ thời điểm chính quyền Trung Quốc trả tự do cho ngài. Các tín hữu Công Giáo “tạ ơn Chúa” vì mục tử của họ đã trở về nhà của mình.

Đây không phải là lần đầu tiên cảnh sát bắt vị giám mục. Bị ngược đãi như Đức Cha Giacôbê Lâm Tích Lê (Lin Xili, 林锡黎), giám mục tiên khởi của Ôn Châu, Đức Cha Phêrô Thiệu thường bị bắt đi tẩy não để thúc đẩy ngài gia nhập Giáo Hội “quốc doanh”, do Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát.

Việc ký kết Thỏa thuận Trung Quốc-Vatican về việc bổ nhiệm các giám mục vào năm 2018 và được gia hạn vào tháng 10 năm 2020, đã không ngăn chặn được cuộc đàn áp người Công Giáo Trung Quốc, đặc biệt là anh chị em giáo dân thầm lặng.

Đức Cha Giả Chí Quốc (Jia Zhiguo, 贾志国) là một ví dụ khác. Ngài thường xuyên bị quản thúc tại gia. Cũng có những giám mục khác phải chịu nhiều sự quấy rối khác nhau, chẳng hạn như Đức Cha Quách Hy Cẩm (Guo Xijin, 郭锡进); và các giám mục buộc phải tham gia các phiên họp chính trị như Đức Cha Trương Vĩ Trụ (Zhang Weizhu, 张伟柱).

Nghiêm trọng nhất là trường hợp Đức Cha Vinh Sơn Quách Hy Cẩm (Guo Xijin - 郭希錦). Cuối tháng 10 vừa qua, ngài vừa bị một nhóm người lạ mặt không rõ tung tích tấn công tại Mân Đông, Phúc Kiến. Ngài được tường thuật là chỉ bị thương nhẹ.

Ngay trước khi đại dịch coronavirus bùng phát, ngài đã bị đuổi ra khỏi Tòa Giám Mục và ngủ lang thang đầu đường xó chợ. Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân cho biết cụm từ “ngủ lang thang đầu đường xó chợ” cần phải được hiểu theo nghĩa đen của từ đó. Thật vậy, tháng Giêng, 2020, bọn cầm quyền gắn một tấm bảng phía trước Tòa Giám Mục giải thích rằng tòa nhà không tôn trọng các quy định về phòng chống cháy nổ và do đó phải bị đóng cửa, mặc dù tòa nhà đã được xây dựng với tất cả các giấy phép cần thiết hơn 10 năm trước. Trên thực tế, hoạt động của công an cộng sản là một dấu chỉ bách hại ra mặt và là một nỗ lực nhằm gây áp lực với Đức Giám Mục và các linh mục của ngài vì các vị đã từ chối không chịu gia nhập vào một Giáo Hội độc lập với Vatican.

Từ đó, Đức Cha Vinh Sơn Quách Hy Cẩm, nguyên giám mục bản quyền của giáo phận Mân Đông (Mindong - 闽东话) thuộc tỉnh Phúc Kiến (Fujian - 福建), lâm vào tình cảnh vô gia cư và phải ngủ trên ngưỡng cửa của Tòa Giám Mục và trước cửa các nhà xứ ở thành phố Lạc Giang (Luojiang - 罗江区). Dù lang thang như thế, ngài vẫn không bị covid cắn, nên công an Trung Quốc phải giả dạng côn đồ cắn phụ.

Sự đàn áp của Bắc Kinh còn kéo dài đến cả những người theo đạo Tin lành. Trong những ngày gần đây, ChinaAid đã hướng sự chú ý của công luận đến trường hợp của Mục sư Vương Nghị (Wang Yi, 王毅), bị kết án vào ngày 30 tháng 12 năm 2019 với bản án 9 năm tù vì tội “hoạt động chống lại quyền lực nhà nước” và các tội danh khác. Từng là nhà hoạt động dân chủ vào thời điểm xảy ra vụ thảm sát Thiên An Môn, Vương Nghị cải đạo sang Kitô giáo và trở thành mục sư của Nhà thờ Sơ Vũ (Early Rain, 初雨), nghĩa là “Mưa Sớm”, có ít nhất 500 thành viên ở Thành Đô, thuộc tỉnh Tứ Xuyên.

Trong một tweet được đăng vào ngày 8 tháng 11, Lord David Alton đã lên án việc Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục đàn áp Nhà thờ Sơ Vũ. Ông nhớ lại rằng Nhóm Công tác của Liên hợp quốc về các vụ bắt giữ tùy tiện đã kêu gọi trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho mục sư Vương.
Source:Asia News

2. Một lần nữa nói về các Giám mục, những công chức, và việc Rước lễ

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Trước thềm cuộc họp khoáng đại của các Giám Mục Hoa Kỳ, hôm 11 tháng 11, ông đã có một bài nhận định nhan đề “Bishops, Public Officials, and Holy Communion: Once Again”, nghĩa là “Một lần nữa nói về các Giám mục, những công chức, và việc Rước lễ.”

Tại Hoa Kỳ có hai tờ báo có tên khá giống nhau là National Catholic Register, với chủ trương phò sinh và đề cao các giáo huấn của Giáo Hội; và một tờ khác là National Catholic Reporter, với chủ trương phò lựa chọn, hay pro-choice, hay nói cụ thể là phò phá thai. Trong những ngày này, National Catholic Reporter tung ra luận điểm cho rằng Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, đang vũ khí hóa bí tích Thánh Thể để chống lại cá nhân ông Joe Biden và bà Nancy Pelosi.

Trong bài này, Tiến sĩ George Weigel, giải thích lập trường của các Giám Mục Hoa Kỳ. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Khi Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ chuẩn bị nhóm họp tại Baltimore, các quan niệm sai lầm về một dự thảo tuyên bố của hội nghị liên quan đến sức sống thánh thể và tính toàn vẹn của Giáo hội ở Hoa Kỳ đã bùng lên. Sự nhầm lẫn bắt nguồn từ các nguồn tin Công Giáo trực tuyến và các phương tiện truyền thông xã hội, đã trở nên trầm trọng hơn bởi một cơ quan báo chí luôn xuyên tạc những gì các giám mục đang làm. Tôi hy vọng những điều làm rõ sau đây là hữu ích.

Dự thảo tuyên bố không nhắm chủ yếu vào các chính trị gia. Giáo Hội Công Giáo là một Giáo Hội thánh thể; như Thánh Gioan Phaolô II đã viết trong thông điệp cuối cùng của ngài, “Giáo hội kín múc sự sống của mình từ Bí tích Thánh Thể”. Khi niềm tin Công Giáo vào mầu nhiệm Thánh Thể - tức là sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô giữa chúng ta – phai nhạt, thì Giáo hội sẽ tàn lụi. Khi việc thực hành thánh thể sa sút, Giáo hội mắc phải căn bệnh hao mòn. Đức tin thánh thể nhạt nhòa và thực hành thánh thể lỏng lẻo đã là những nét đặc trưng của đời sống Công Giáo Hoa Kỳ trong nhiều thập kỷ. Các giám mục đã quyết tâm giải quyết “tình trạng thâm hụt thánh thể” này trước khi COVID-19 đẩy nhanh sự sụt giảm số lượng người tham dự Thánh lễ, trước cả khi ông Biden được tuyên bố là ứng cử viên tổng thống, và trước khi bà Pelosi định nghĩa lại việc giết thai nhi là “chăm sóc sức khỏe sinh sản”.

Bất cứ điều gì các giám mục nói về hoàn cảnh giáo hội và cá nhân của các quan chức Công Giáo có những hành động phủ nhận những chân lý thiết yếu, đã được dạy dỗ dứt khoát của đức tin Công Giáo, đều đã được đề cập đến trong bối cảnh rộng lớn hơn, đó là là sự háo hức của các giám mục trong việc phục hồi sức sống và lòng tôn kính Thánh Thể trong toàn Giáo hội. Tuy nhiên, việc hồi sinh một Giáo hội thánh thể đòi hỏi những người trong Giáo hội phải có một sự rõ ràng mới về bản chất của cộng đồng thánh thể — và những hành động nào khiến người Công Giáo xa lánh thánh thể.

Các giám mục không bao giờ có ý định đưa ra một tuyên bố “từ chối” Rước lễ cho Tổng thống Biden. Câu thần chú trên phương tiện truyền thông rằng “một số giám mục bảo thủ” muốn “từ chối” việc rước lễ cho Tổng thống Biden đã được lặp đi lặp lại thường xuyên đến mức làm cho người ta tin là thật. Không phải như thế, và chưa bao giờ như thế. Sự thật thẳng thắn của vấn đề là Điều 1405 của Bộ Giáo luật trong đó trao cho Đức Giáo Hoàng quyền áp đặt các hình phạt của giáo hội đối với các nguyên thủ quốc gia. Nhưng điều đó không hề kết thúc vấn đề: không hề.

Vấn đề xứng đáng để Rước Lễ không chỉ giới hạn trong câu hỏi liệu ai đó có đang ở trong tình trạng mắc tội trọng hay không. Chẳng có tin tức nào nói rằng quan niệm về tội trọng đã bị suy giảm nghiêm trọng trong Giáo Hội Công Giáo ở thế kỷ 21. Và điều chắc chắn đúng là, nếu ý thức mình đang ở trong tình trạng tội trọng, người ta nên tìm kiếm sự hòa giải với Thiên Chúa và Hội Thánh qua bí tích hòa giải trước khi rước lễ; đây là nền tảng của đạo Công Giáo, bắt nguồn từ thư thứ nhất của Thánh Phaolô gởi các tín hữu thành Cô-rinh-tô (1 Cr 11: 27–29): “Vì thế, bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa. Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này. Thật vậy, ai ăn và uống bất xứng với Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình”. Nhưng sự thiếu hiểu biết hoặc không có khả năng phán đoán về trí tuệ và đạo đức có thể khiến những người thiếu năng lực như vậy không mắc phạm tội trọng. Vì vậy, vấn đề xứng đáng để rước lễ không nên chỉ đóng khung trong phạm vi tội trọng.

Hơn nữa, đó không phải chỉ là vấn đề với các quan chức Công Giáo, những người có hành động cố ý thúc đẩy văn hóa cái chết. Không ai biết liệu những người đàn ông và đàn bà này có đang ở trong tình trạng trọng tội hay không. Những gì chúng ta biết, và những gì chúng ta không thể nào mà lại không biết, là những người đàn ông và đàn bà này đã tuyên bố, bằng những hành động công khai của họ, rằng họ không hiệp thông đầy đủ với Giáo Hội Công Giáo. Đó là lý do tại sao, vì sự liêm chính của mình, họ không nên ra mặt để rước lễ. Nếu họ ngoan cố cứ làm như vậy, ngay cả khi đã được hướng dẫn và khuyên bảo thích hợp, thì các mục tử của Hội Thánh nên hướng dẫn họ không được hành động trong Thánh Lễ như thể họ đang hiệp thông trọn vẹn với Hội Thánh.

Các sự kiện gần đây ở Rôma không có gì thay đổi. Bất kể Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói gì hay không nói gì vào ngày 29 tháng 10 với Tổng thống Biden - người đã được biết đến với các thành tích xuyên tạc trước đây - vấn đề cơ bản trước các giám mục vẫn là sức sống thánh thể của Giáo hội tại Hoa Kỳ. Để tái lập một đạo Công Giáo sôi nổi về thánh thể sẽ mất nhiều năm dạy giáo lý và rao giảng hiệu quả, và những nỗ lực đó không thể bắt đầu ngay. Tuy nhiên, việc phục hưng Thánh Thể sẽ bị cản trở nghiêm trọng, nếu các giám mục không thẳng thắn giải quyết việc rước lễ bởi những người không hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội — và kêu gọi những người Công Giáo lạc đàn này ăn năn và hoán cải sâu sắc hơn với Chúa, điều này sẽ cho phép họ rước lễ một cách toàn vẹn với tư cách là những chi thể được hòa giải trong Nhiệm Thể Chúa Kitô.
Source:First Things

3. Khuôn mặt của những người hành hương với Đức Giáo Hoàng

Michel, Louis, Véronique, Dalhia, Aloïs là năm người đang hành hương ở Assisi với Đức Thánh Cha Phanxicô. Cuộc sống hàng ngày của họ bị đè nặng với nhiều thử thách khác nhau, nhưng hôm nay, là một phần của Ngày Thế Giới Người Nghèo, họ đang cầu nguyện theo bước chân của Thánh Phanxicô, với vị Giáo hoàng tên là Phanxicô.

Năm người này nằm trong số 500 người có mặt tại Assisi vào ngày 12 tháng 11, đến từ khắp Âu Châu, được hỗ trợ bởi các chương trình xã hội khác nhau của Giáo hội.

Họ là thành viên của một nhóm người Pháp và Thụy Sĩ đã nói chuyện với I.Media về niềm vui và kỳ vọng của họ.

Michel cho biết: Tôi rất kính trọng Thánh Phanxicô.

Ở tuổi 45, Michel cho biết anh ấy có một cuộc sống phức tạp. Anh mắc chứng tâm thần phân liệt và được chăm sóc tại bệnh viện. Anh ta là một người nghiện ma túy trong 35 năm. “Bây giờ tôi rất tỉnh táo,” anh giải thích. Cách đây vài tháng, người đàn ông đã có một trải nghiệm rất đơn giản khiến anh ta tiếp xúc với Hiệp hội Magdalena, một hiệp hội giúp đỡ gái mại dâm và những người sống trên đường phố.

“Tôi đang ở trong một siêu thị và đề nghị giúp một phụ nữ trẻ xách túi. Cô ấy là một tình nguyện viên trong hiệp hội này và đề nghị tôi nên đến”. Khi làm như vậy, Michel đã khám phá ra tình anh em và tìm lại niềm tin. “Tôi đã được rửa tội nhưng không thực hành. Ở tuổi 44, tôi mới bắt đầu đến nhà thờ”.

Anh ấy chia sẻ rằng anh ấy rất vui khi được cùng nhóm Marseille đến thành phố Assisi để gặp Đức Giáo Hoàng. “Tôi rất kính trọng Thánh Phanxicô, người có thể sống xa hoa trong giai cấp tư sản nhưng đã từ bỏ mọi thứ.”

Nếu anh ấy có một lời muốn nói với Đức Giáo Hoàng thì đó sẽ là: “Hãy cầu nguyện để xoa dịu linh hồn của những người đang đau khổ.”

Louis: Một cuộc hành hương của sự đổi mới

Từng là một người vô gia cư ở Paris, Louis bắt đầu đến với Hiệp hội Fratello. Phải nói rằng cuộc gặp gỡ của ông vào năm 2016 với Đức Thánh Cha Phanxicô thông qua hiệp hội đã đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời của ông. “Tôi đến để đánh thức lại sự kiện mà tôi đã trải qua với Đức Giáo Hoàng,” người đàn ông 54 tuổi giải thích. “Thực tế, sau cuộc gặp gỡ đó, tôi đã tìm được việc làm trở lại. Tôi là tài xế”.

Nếu anh ấy có một lời muốn nói với Đức Thánh Cha Phanxicô: “Tôi xin ngài ban phước lành cho tất cả nhân loại.”

Véronique: Chúng tôi là những đứa trẻ của ngài

Ngồi bên cạnh Jean, Dalhia và Michelle, Véronique cười kể lại chuyến xe buýt kéo dài 24 giờ mà nhóm của cô, Hiệp hội Tình bạn, đã phải chịu đựng để đến gặp Đức Thánh Cha Phanxicô.

“Chúng tôi đã đến gặp ngài cùng với Fratello. Đó là một cuộc phiêu lưu tuyệt vời”, cô giải thích. Đối với cô, đó là một cơ hội để tìm thấy Chúa. “Ngài nói với chúng tôi rằng khi có hai hoặc ba người trong chúng tôi cầu nguyện, Chúa đang ở giữa chúng tôi… Với Fratello, đó là sự hiệp thông, chúng tôi ứa nước mắt”, Dalhia nói. “Đó là sự đơn giản của Chúa. Chúng tôi là những người nhỏ bé của Chúa và chúng tôi muốn ánh sáng đến và phản chiếu tâm hồn chúng tôi”.

Nếu Veronique có lời muốn nói với Đức Thánh Cha Phanxicô: “Tôi có một lá thư từ Nữ tu Bác ái Truyền giáo của Mẹ Teresa gửi cho ngài. Còn tôi thì sao? Một nụ cười… lời cầu nguyện của tôi và lời chúc phúc của Đức Thánh Cha”.

Aloïs: Đến đây thật nhẹ nhàng sau một năm khó khăn

Aloïs là người Thụy Sĩ và đến với một nhóm từ bang Vaud và Neuchâtel. Trong số đó, những người có hoàn cảnh bấp bênh, tâm lý mong manh, cô đơn, hoặc mới ra tù. Người đàn ông 65 tuổi đến từ Leysin cho biết: “Tôi đã mắc một căn bệnh nghiêm trọng khi còn trẻ do ăn dâu rừng, bệnh echinococcosis, giống như bệnh vàng da. Họ đã cắt bỏ một nửa lá gan của tôi,” anh ấy tâm sự rằng anh ấy đã bị tái phát gần đây. Góa vợ vào năm 2008, anh vừa trải qua một thử thách mới vào tháng 2 năm ngoái với cái chết của cha mình. “Đến đây là nhẹ nhàng sau một năm khó khăn. Với niềm tin, với Fratello, một con đường sẽ mở ra. Tôi đã chờ đợi giây phút này rất lâu rồi.

Nếu có lời muốn nói với Đức Thánh Cha Phanxicô, Aloïs nói: “Xin ngài cầu nguyện cho những người nghèo, những người không thể đứng dậy, những người đang nằm viện và đau đớn”.
Source:Aleteia