(VIS, MISNA) Hôm 16/06/2005, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nhận trình Quốc thư của 07 Tân Đại sứ tại Toà Thánh, trong đó có đề cập đến tình hình cụ thể về mặt dân sự và tôn giáo nơi đất nước họ. Các Tân Đại sứ gồm : Elchin Oktyabar oglu Amirbayov của Azerbaijan; El Hadj Aboubacar Dione của Guinea; Antonio Ganado của Malta, Geoffrey Kenyon Ward của Tân Tây Lan; Joseph Bonesha của Rwanda, Jean-Francois Kammer của Thuỵ Sĩ và David Douglas Hamadziripi của Zimbabwe.
Đức Thánh Cha nói với các Đại sứ rằng thông qua các nhà ngoại giao, ngài mong muốn gửi đến những người dân nơi đất nước họ rằng: “Tôi sát cánh với họ và cầu nguyện cho họ. Tôi mời gọi họ dấn thân chính mình để tạo nên một nền văn minh huynh đệ, nhằm phục hồi sự quan tâm đến với mọi người, nhất là người nghèo và những người bị bỏ rơi bên lề xã hội”.
Ngài nói tiếp: “Trong chiều hướng này, thế giới chúng ta đang đối mặt với nhiều thử thách cần phải được khắc phục, quan trọng hơn cả vấn đề công nghệ và thân phận thực sự của con người là mối ưu tư chính của những người chấp nhận thực thi công tác ngoại giao, không vì bản thân họ mà vì lợi ích chung. Tâm trí của chúng ta không thể nào có được bình an khi mà chúng ta chứng kiến những khổ đau của anh em chúng ta phải chịu khi họ thiếu thốn lương thực, việc làm, nhà ở và các nhu cầu cầu cơ bản khác”.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh khi đề cập đến việc giúp đỡ những nhu cầu của anh chị em: “Để đưa ra câu trả lời cụ thể cho những kêu gọi khẩn thiết của những anh chị em chúng ta, chúng ta gặp phải một vài thách đố: tình liên đới giữa các thế hệ, tình liên đới giữa các quốc gia và các lục địa để đạt được sự phân phối công bằng hơn bao giờ hết mọi của cải của hành tinh này cho tất cả mọi người. Quả địa cầu này có khả năng nuôi dưỡng tất cả các cư dân, miễn sao các nước giàu không giữ khư khư cho họ những gì thuộc về mọi người. Đối với Đức Thánh Cha thì một sự phân phối công bằng của cải “là một trong những việc làm thiết thực mà người có đức tin đích thật phải mang đến cho nhân loại”.
Đức Thánh Cha kết luận rằng Giáo Hội không ngừng nhắc lại rằng “tất cả mọi người đều phải được lưu tâm để tình huynh đệ của nhân loại tạo nên hành động cụ thể ở mức độ cá nhân cũng như ở mức độ các chính phủ và cấp độ các tổ chức quốc tế… Giáo Hội sẽ tiếp tục có mặt trên khắp các lục địa để giúp đỡ người dân, với sự giúp sức của các cộng đồng địa phương và tất cả những người có thiện chí, nhất là ở các lĩnh vực giáo dục, chăm sóc y tế và các nhu cầu cơ bản”