Xem hình mới

Trong bài viết về sinh hoạt cuả Giáo Xứ Đức Mẹ Việt Nam, giáo phận Washington DC mới đây, chúng tôi đã ghi hình phần lớn là cuả một ca đoàn.

Ca đoàn Cecilia là ca đoàn kỳ cựu được Đ.ô. Phêrô Nguyễn Thanh Long (RIP) khai sinh ra từ những năm 1978..80, trước khi Gx Đức Mẹ Việt Nam chính thức được thành lập.

Như vậy thì ca đoàn này phải được kể là một trong những ca đoàn tiên khởi cuả người VN ở Mỹ Quốc mà vẫn còn hoạt động.

Ngày nay một số ca viên đầu tiên vẫn còn sinh hoạt, như ô. Đỗ Soạn, ca trưởng nhóm 11g, như ô. Phạm Vĩnh hiện giữ chức đoàn trưởng.

Số đông ngày nay là những gương mặt mới, kể cả những bộ mặt ở rất xa (45 phút lái xe một chiều qua Toll) như cặp Hồ Huy và Lê Tài, và những bộ mặt từ Việt Nam sang góp sức, như nhạc sĩ Y Vũ với nhiều bản thánh ca đã được phê chuẩn cho việc Phụng Vụ.

Trong tựa đề, chúng tôi mô tả đây là một ca đoàn vừa 'ảo' vừa 'thật'. Chữ 'ảo' dùng ở đây không phải là một cách chơi chữ để gợi sự tò mò, mà chính là một phương pháp sinh hoạt mới trên 'Mạng' mà họ đã sáng tạo ra từ hoàn cảnh đại dịch khó khăn.

Sau khi quan sát sinh hoạt ở nhiều nơi, chúng tôi cảm thấy nên mô tả phương pháp ấy ra đây vì lợi ích chung, nghiã là mỗi khi chúng ta (lại) phải 'cách ly xã hội', thì phương pháp này có thể sử dụng dễ dàng, dù cho trình độ 'high tech' hay 'low tech' cuả các ca viên như thế nào.

Nhưng còn một lý do cao hơn là lý do phản ứng với 'cách ly'. Theo ô. đoàn trưởng Phạm Vĩnh thì họ dự định sẽ áp dụng phương pháp này một cách vĩnh viễn vì những ưu điểm cuả nó.

Cách thức là trong tuần, ban ca trưởng sẽ phát hành qua email và facebook toàn bộ audio cuả các bài hát Chuá Nhật. Dựa theo đó, ca viên tự luyện giọng ở nhà và rồi thì chỉ cần dăm ba phút 'tập dợt' trước lễ là có thể 'hợp ca' một cách nhịp nhàng xuông sẻ.

Theo mẫu một email do anh đoàn trưởng gửi cho, chúng tôi ghi nhận một bài hát gửi cho ca viên thường bao gồm một bản nhạc in trong thể PDF và nhiều audio cho các giọng Alto, Bass và Tenor.

Audio thánh ca ngày nay thì có sẵn nhiều lắm, tuy nhiên với những bài hát chưa có audio hợp âm thì các ca trưởng dùng một software có tên là 'Overture' để làm công việc (composer) đó.

Chúng tôi chưa từng biết software này nhưng ngày trước đã dùng một software tên là 'Finale' để ghi nốt nhạc, 'đổi tông', làm audio và in bản nhạc cho đàn Piano. Nhìn qua bản liệt kê những việc cuả 'Overture' thì nó cũng rất giống 'Finale', và có sẵn 'player' (free) chạy được trên Iphone và Android.

Chuá Nhật vừa qua đi lễ với cô Trần Tâm, là người con gái chúng tôi 'đỡ đầu' 47 năm về trước, chúng tôi đã chứng kiến tận mắt rằng, với một số người đông tới 3 chục ca viên và với một thời gian ngắn chưa đầy 15 phút tập dợt, vậy mà qua suốt buổi lễ, ca đoàn đã hát 5 bài hát mới cộng vào bộ lễ Seraphim một cách rất tự tín, mạnh mẽ, tâm tình và sốt sắng...

Có thể vì hài lòng với thành tích cuả ca đoàn chăng? mà lúc sau lễ khi chúng tôi tìm gặp cha xứ Phaolô Trần Xuân Tâm, thì thấy ngài vui vẻ lắm. Ngài tiếp chúng tôi niềm nở, và thật là một ngạc nhiên, khi nghe chúng tôi ngỏ ý mời ngài chụp một tấm hình lưu niệm chung với ca đoàn thì ngài nhận lời ngay...có người nói rằng đây là lần đầu tiên cha xứ chụp hình với một ca đoàn!

Cha Tâm xếp hàng ở giữa các bậc 'Nam Nhi' đứng ở phiá sau. Chúng tôi đề nghị ngài nên đứng ở phiá trước giữa các cô áo màu thì bức hình mới đúng nghiã, thì ngài cũng chiều lòng mà lên đứng ở phía trước 'một bước'...Các cô phản đối vì cái áo jacket cuả ngài trông xồ xề thì ngài lại chiều lòng mà cởi chiếc áo ra...đúng là thân phận 'làm dâu trăm họ'!

Có người nói rằng cha xứ rất 'Cổ' và 'Khó', nhưng riêng tôi thì nghĩ khác. Rõ ràng ngài không 'khó chịu' như người ta tưởng, còn 'khó khăn' lại là một nhân đức! Và xét rằng Giáo Hội đang bị người đời xoi mói kềm kẹp dữ dội như ngày nay, mà một giáo xứ có được một vị chủ chăn biết giữ gìn một cách rất 'Cổ' như vậy, thì quả là một hồng ân!

Gx Đức Mẹ Việt Nam trong cảnh Thu Vàng trông thật đẹp, thảo nào cô con gái 'đỡ đầu' cuả chúng tôi đã lấy chồng là anh ca trưởng Lê Tài vào mùa Thu 23 năm trước. Họ là cặp thứ 12 trong ca đoàn lấy nhau, và tính cho đến nay thì đã có 16 cặp nên duyên như vậy.

Ngày trước ở Việt Nam người ta thường ví von như thế này, "Trai khôn lấy vợ chợ đông, gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân".

Ngày nay có lẽ nên đồi lại câu ví von đó cho 'hợp tình hợp cảnh' là "trai khôn tìm vợ ca đoàn, gái khôn tìm chồng trong xứ Đức Mẹ Việt Nam".

Mỗi khi có dịp đi DC, chúng tôi tự nhủ sẽ trở lại, để tiếp nối tâm tình với cha xứ, các sơ, ca đoàn và nhiều hơn thế nữa...