Trên khắp thế giới, con số trẻ em gái và phụ nữ trẻ từ các gia đình Kitô bị ép làm nô lệ tình dục và cải đạo đang ngày càng gia tăng.
Đây là một trong những ví dụ ít được báo cáo nhất về việc bách hại các tín hữu Kitô, thường là ở các quốc gia đa số theo đạo Hồi nhưng có dân số Kitô Hữu đáng kể, chẳng hạn như Ai Cập và Pakistan.
Tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, gọi tắt là ACN. đã ghi lại các tài liệu trực tiếp về các vụ bắt cóc, kết hôn cưỡng bức và cưỡng bức cải đạo trong báo cáo có nhan đề “Hear Her Cries”, nghĩa là “Hãy nghe tiếng khóc của cô ấy”, được trình bày tại London vào ngày 24 tháng 11.
Tổ chức bác ái của giáo hoàng đã đánh dấu Ngày Thứ Tư Đỏ, một sự kiện hàng năm nhằm thu hút sự chú ý đến hoàn cảnh của các Kitô Hữu bị bách hại trên khắp thế giới.
Báo cáo lưu ý rằng việc xem xét chủ đề bạo lực tình dục và đàn áp tín ngưỡng thiểu số là không dễ dàng.
“Mặc dù ngày càng có nhiều sự đồng thuận về nhu cầu nghiên cứu về bản chất và quy mô của việc cưỡng bức phụ nữ về mặt tôn giáo và tình dục, nhưng những thách thức trong nhiệm vụ này luôn được nhấn mạnh trong các nghiên cứu. Một báo cáo mô tả vấn đề này là 'phức tạp, đầy bạo lực và dấu diếm.' Áp lực xã hội, bao gồm nỗi sợ hãi tạo ra sự xấu hổ cho gia đình, và những mối đe dọa trả thù từ những kẻ bắt cóc và đồng bọn, là một trong những yếu tố thường được viện dẫn để giải thích những khó khăn khi điều tra vấn đề”.
Báo cáo “Hãy nghe tiếng khóc của cô ấy” lưu ý rằng các vụ phụ nữ Kitô giáo bị ép buộc kết hôn trái với ý muốn của họ đã xuất hiện ở 90% trong số 50 quốc gia được đưa vào danh sách theo dõi cuộc đàn áp của Open Doors phiên bản năm 2021, và tình hình đã trở nên tồi tệ hơn trong năm qua.
ACN lưu ý rằng trong số các nhóm tín ngưỡng thiểu số, các cô gái và phụ nữ trẻ theo Kitô giáo đặc biệt dễ bị tấn công, như trong trường hợp Pakistan, nơi các nạn nhân Kitô giáo có thể chiếm tới 70% số các cô gái và các phụ nữ trẻ theo các tôn giáo thiểu số bị cưỡng bức cải đạo và kết hôn hàng năm.
“Một phát hiện quan trọng khác, thường xuyên xuất hiện trong nghiên cứu về chủ đề này, đó là tỷ lệ phụ nữ bị ngược đãi tình dục và tôn giáo cao hơn trong các tình huống xung đột. Điều này đặc biệt rõ ràng trong thời gian bọn khủng bố Hồi Giáo IS tiếp quản các khu vực của Syria và Iraq, nơi có cả ‘một hệ thống nô lệ tình dục có tổ chức’.
“Trường hợp quân khủng bố Hồi Giáo IS cũng chỉ ra yếu tố lâu dài đáng quan tâm nhất liên quan đến việc ép buộc kết hôn và cải đạo các cô gái và phụ nữ Kitô giáo. Động cơ của thủ phạm là hạn chế sự phát triển, và đôi khi thậm chí là sự sống còn của nhóm tín ngưỡng cụ thể đó. Việc buộc một người phụ nữ từ bỏ đức tin Kitô của mình không chỉ giúp bảo đảm rằng bất kỳ trẻ em nào được sinh ra, kể cả thông qua các vụ hôn nhân cưỡng bức đều theo niềm tin của những kẻ bách hại.”
ACN cho biết bằng chứng trong báo cáo chỉ ra rằng các trường hợp bắt cóc là có hệ thống, cho nên bạo lực tình dục, cưỡng ép kết hôn và cải đạo các phụ nữ Kitô ở nhiều quốc gia “có thể được coi là tội diệt chủng về bản chất.”
Source:Catholic News Agency