1. Đám đông Pakistan phóng hỏa đồn cảnh sát để lùng bắt Kitô Hữu bị cáo buộc xúc phạm kinh Koran
Báng bổ là một vấn đề cực kỳ nhạy cảm ở Pakistan, nơi đa số theo đạo Hồi, nơi mà ngay cả những cáo buộc chưa được chứng minh cũng có thể khuấy động đám đông và bạo lực
Hôm thứ Hai, cảnh sát cho biết cho biết, hàng nghìn người đã bao vây một đồn cảnh sát Pakistan, phóng hỏa đốt đồn và các đồn bót gần đó sau khi yêu cầu các viên chức cảnh sát giao nộp một người đàn ông bị cáo buộc đã đốt kinh Koran.
Đám đông lên đến 5,000 người đã bao vây đồn cảnh sát ở thị trấn Charsadda, phía tây bắc tỉnh Khyber Pakhtunkhwa vào đêm Chúa Nhật, cũng đã phóng hỏa hơn 30 chiếc xe hơi.
Vào sáng thứ Hai, khoảng 2,000 người vẫn ở bên ngoài đồn cảnh sát đốt quân phục của các viên chức cảnh sát.
“Đám đông xông vào đồn cảnh sát yêu cầu giao người đàn ông cho họ để họ thiêu sống anh ta như anh ta đã thiêu Kinh Koran”, cảnh sát trưởng quận Asif Bahadur nói với AFP.
Bahadur cho biết: “Danh tính và tôn giáo của bị cáo vẫn chưa được cảnh sát tiết lộ”.
“Động cơ đằng sau việc đốt kinh Koran vẫn chưa được biết rõ nhưng chúng tôi đang điều tra.”
Các nhóm nhân quyền cho biết luật báng bổ này thường bị lạm dụng để các tổ chức và cá nhân thanh toán nhau.
Một cặp vợ chồng Kitô Giáo đã bị thiêu sống trong một lò nung vôi ở Punjab vào năm 2014 sau khi bị buộc tội xúc phạm kinh Koran.
Một cựu thống đốc Punjab, Salman Taseer, đã bị vệ sĩ của ông, Mumtaz Qadri, bắn chết ở Islamabad vào năm 2011 vì lời kêu gọi cải cách luật báng bổ.
Vụ giết người đáng xấu hổ này lại khiến Qadri được những người theo đạo Hồi tôn sùng như một anh hùng.
Asia Bibi, một phụ nữ Công Giáo người Pakistan và là một người lao động từ tỉnh miền trung Punjab, đã bị kết tội báng bổ vào năm 2010 và bị xử tử hình cho đến khi cô được tuyên bố trắng án vào năm 2018. Vụ tha bổng này đã thúc đẩy những ngày biểu tình bạo lực của người Hồi giáo.
Cô và gia đình sau đó đã được đưa trốn khỏi đất nước đến Canada.
Đất nước thường xuyên bị tê liệt trong những năm gần đây bởi các cuộc biểu tình chống báng bổ do đảng Tehreek-e-Labbaik Pakistan tổ chức, thường liên quan đến việc xuất bản các phim hoạt hình mô tả Nhà tiên tri Mohammed trên một tạp chí châm biếm của Pháp.
Source:Licas
2. Nịnh bợ Trung Quốc, WHO chọn 'Omicron' chứ không phải 'Xi' cho biến thể COVID mới
Tên của một biến thể mới của coronavirus đã khiến một số người dùng mạng xã hội thắc mắc về cách thức Tổ chức Y tế Thế giới đặt tên cho các biến thể của virus.
Hôm thứ Sáu 26 tháng 11, chỉ hai ngày sau khi các nhà khoa học ở Nam Phi báo cáo về trường hợp đầu tiên nhiễm phải biến thể này, vì tầm mức lây lan quá nhanh, WHO đã đưa biến thể này vào danh sách quan tâm đặc biệt, và đặt tên cho nó là “Omicron”, theo chính sách sử dụng bảng chữ cái Hy Lạp để đặt tên cho các biến thể đáng chú ý của virus.
Tuy nhiên, người dùng mạng xã hội đã lưu ý rằng tổ chức đã bỏ qua hai chữ cái khi làm như vậy, dẫn đến câu hỏi về động cơ của hành động này.
Đây là những gì chúng ta biết về cách WHO đặt tên cho biến thể Omicron. Tổ chức Y tế Thế giới đã đặt tên cho biến thể Omicron, bỏ qua hai vần “Nu” và “Xi” mà không có lời giải thích.
Omicron lần đầu tiên được báo cáo cho cơ quan y tế Liên Hợp Quốc bởi các nhà khoa học ở Nam Phi và đã được xác định ở một số quốc gia khác.
WHO đã tuân theo bảng chữ cái Hy Lạp khi đặt tên cho một số biến thể của virus, SARS-CoV-2. Theo WHO, hệ thống cho phép các biến thể được gọi theo cách đơn giản hơn so với tên khoa học của chúng và nó giúp ngăn mọi người đề cập đến các biến thể theo vị trí nơi chúng được phát hiện và tạo ra sự kỳ thị.
Nhiều người đã nghĩ rằng sau Mu, một biến thể được chỉ định vào ngày 30 tháng 8, WHO sẽ đặt tên cho biến thể mới nhất là Nu, theo thứ tự vần chữ cái Hy Lạp.
Nhưng, WHO đã bỏ qua chữ cái Nu và bỏ luôn chữ cái tiếp theo là Xi. Đây là một động thái mà nhiều người dùng trên mạng xã hội chỉ ra rằng đó là cách WHO né tránh, sợ xúc phạm đến nhà lãnh đạo Trung Quốc Xi Jinping, tiếng Việt gọi là Tập Cận Bình.
Đây là lần đầu tiên WHO bỏ qua một số chữ cái kể từ khi nó bắt đầu sử dụng bảng chữ cái Hy Lạp cho các biến thể coronavirus.
Biến thể Omicron dường như có nhiều đột biến trong protein hơn tất cả các đột biến khác của coronavirus, điều này có thể ảnh hưởng đến mức độ dễ dàng lây lan sang người. WHO cho biết bằng chứng sơ bộ “cho thấy nguy cơ tái nhiễm gia tăng” so với các biến thể khác được quan tâm.
Nhưng các nhà khoa học vẫn đang trong quá trình nghiên cứu chính xác ý nghĩa của những thay đổi di truyền, để biết liệu biến thể có khả năng lây truyền cao hơn, hay nguy hiểm hơn không. Cho đến nay, không có dấu hiệu cho thấy biến thể gây ra bệnh nặng hơn.
Source:Sydney Morning Herald
3. Lãnh đạo cộng đồng Công Giáo Afghanistan mong mỏi được trở về quốc gia này
Sau khi Taliban tiếp quản, không còn một cộng đồng Công Giáo nào được nhắc đến ở Afghanistan. Nhưng đôi mắt của Cha Giovanni Scalese đang đặt vào tương lai, chứ không phải quá khứ gần đây.
Vị linh mục người Ý, đã lãnh đạo Miền Truyền Giáo Afghanistan kể từ năm 2014, hy vọng rằng đất nước cuối cùng sẽ trở về một “tình trạng bình thường”, trong đó nhân viên nước ngoài có thể trở lại và sống đức tin “không bị hạn chế.”
Ngài nhấn mạnh rằng người Công Giáo “không quan tâm đến việc ai là người cầm quyền: chúng tôi chỉ cần không có trở ngại nào đối với việc thực hiện tự do tôn giáo”.
Cha Scalese, một thành viên của Dòng Barnaba, đã tiếp nhận sứ mệnh Afghanistan từ Cha Giuseppe Moretti, người đã lãnh đạo Miền Truyền Giáo Afghanistan kể từ khi được thành lập bởi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào năm 2002.
Sứ vụ truyền giáo tại Afghanistan, được mở rộng ra toàn quốc, có trụ sở tại một địa điểm duy nhất: Nhà nguyện Đức Mẹ Quan Phòng, là nhà nguyện của đại sứ quán Ý ở thủ đô Kabul.
Năm 1919, Ý đã yêu cầu người cai trị Afghanistan, tổng thống Amanullah Khan, cho xây dựng một nơi thờ phượng Công Giáo. Ông đồng ý vì muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với chính phủ Ý vì đã là nước đầu tiên công nhận nền độc lập của đất nước vào năm đó.
Ngày nay, nhà nguyện trống rỗng khi Cha Scalese trở về Ý sau khi Taliban nắm quyền. Đến Rôma vào ngày 25 tháng 8, ngài mang theo một số nữ tu Thừa sai Bác ái và 14 trẻ em khuyết tật được các chị chăm sóc.
Trong một cuộc phỏng vấn qua email với CNA, Scalese đã phác thảo tình hình ở Afghanistan và chia sẻ hy vọng về một tương lai mà mọi người đều có thể thực hiện quyền tự do ngôn luận.
Ngài nói: “Tôi hy vọng rằng, càng sớm càng tốt, chúng ta có thể trở lại tình trạng bình thường - nghĩa là hòa bình, ổn định, an ninh - và do đó, nhân viên nước ngoài có thể trở về và cũng có thể sống đức tin của họ mà không bị giới hạn. Chúng tôi không quan tâm ai là người trong chính phủ: chỉ cần không có trở ngại nào được đặt ra đối với tự do tôn giáo là đủ”.
Source:Catholic News Agency
4. Tiết lộ của Hà Lan về Omicron gây ngỡ ngàng
Hà Lan cho biết biến thể Omicron đã có mặt ở nước này sớm hơn những gì người ta nghĩ trước đây
Các quan chức y tế Hà Lan cho biết biến thể Covid-19 Omicron đã có mặt ở Hà Lan một tuần trước khi hai chuyến bay đến từ Nam Phi mang theo vi rút. Tiết lộ này của các quan chức y tế Hà Lan gây kinh hoàng cho nhiều quốc gia trên thế giới.
Viện Sức khỏe Cộng đồng và Môi trường Quốc gia của Hà Lan cho biết biến thể Omicron đã được xác nhận trong hai mẫu thử nghiệm được lấy vào ngày 19 tháng 11 và ngày 23 tháng 11.
Các nhà chức trách Hà Lan trước đó tin rằng những trường hợp đầu tiên của biến thể Omicron đã xâm nhập vào quốc gia này hôm 26 tháng 11 sau khi 14 hành khách trên các chuyến bay từ Johannesburg và Capetown có kết quả xét nghiệm dương tính.
Tuy nhiên, nhà vi rút học Chantal Reusken nói với đài truyền hình quốc gia NOS rằng một trong 14 người “có thể đã nhiễm vi rút ở chính Hà Lan. Còn chính xác như thế nào thì vẫn đang được điều tra”. Như thế là Hà Lan lây cho Nam Phi chứ không phải ngược lại.
Ít nhất 70 quốc gia, trong số đó có Hoa Kỳ, đã áp đặt các hạn chế đi lại từ một số quốc gia Phi Châu sau khi Omicron lần đầu tiên được các nhà khoa học Nam Phi xác định.
Omicron, còn được gọi là B.1.1.529, có số lượng đột biến cao bất thường, làm dấy lên lo ngại rằng nó có thể vô hiệu hóa các loại vắc xin và kéo dài đại dịch.
Hai trường hợp mới được phát hiện ở Hà Lan nâng tổng số trường hợp Omicron được xác nhận ở nước này lên 16 trường hợp. Cho đến nay, đã có ít nhất 20 quốc gia và vùng lãnh thổ xác nhận có biến thể Omicron, trong đó mới nhất là Brazil.
Trước tiết lộ mới nhất của Hà Lan, nhiều chuyên gia y tế cho rằng các hạn chế đi lại hiện nay chỉ có thể làm chậm sự ra đời của một loại virus hoặc biến thể mới trong vài tuần.
Tổ chức Y tế Thế giới đã nhiều lần bày tỏ lo ngại rằng lệnh cấm đi lại làm tổn thương các nền kinh tế và không khuyến khích các quốc gia thẳng thắn trong việc báo cáo các loại virus hoặc biến thể mới.
Hôm thứ Ba, WHO một lần nữa kêu gọi các quốc gia tránh thực hiện lệnh các lệnh cấm du lịch thiếu suy nghĩ, và nói rằng các lệnh cấm như thế không “ngăn chặn sự lây lan quốc tế” và “tạo gánh nặng cho cuộc sống và sinh kế”.
Phản ứng trước các diễn biến mới nhất này các giám mục Công Giáo ở Hà Lan đã quyết định hủy bỏ các Thánh lễ Nửa đêm Giáng sinh một lần nữa trong năm nay như một biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.
Hôm thứ Tư, 1 tháng 12, các giám mục Hà Lan đã thông báo rằng không có Thánh lễ, và cũng không có các sinh hoạt giáo xứ khác được phép diễn ra sau 5 giờ chiều. Tất cả các địa điểm công cộng của Giáo Hội được yêu cầu đóng cửa từ 5 giờ chiều đến 5 giờ sáng theo các biện pháp mới của chính phủ kéo dài đến ít nhất là ngày 19 tháng 12.
Trang web của Hội đồng Giám mục Hà Lan giải thích rằng quyết định được đưa ra nhằm ngăn chặn các cuộc tụ tập lớn cho các Thánh lễ buổi tối vào đêm Giáng sinh. Thông báo nói thêm rằng rất khó để duy trì sự thông gió tốt trong các thánh lễ buổi tối.
Source:CNN