1. Chứng nhân Đức tin – Nữ tu 105 tuổi Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội

Vào hồi 17h15 thứ Bảy, ngày 11 tháng 12 năm 2021, khi hồi chuông giờ Kinh chiều Một của ngày Chúa Nhật tuần III mùa Vọng, Chúa Nhật của niềm vui, vang lên cũng là lúc Nữ tu Mátta Nguyễn Thị Khiêm, vị chứng nhân lịch sử cuối cùng kể từ giai đoạn tiền bán thế kỷ 20, cây đại thụ của Hội Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội đã ngả bóng. Người nữ tu ấy dừng chân tạm nghỉ trong cuộc hành trình dài trên dương thế, an nghỉ lành thánh trong Chúa, hân hoan bước vào chặng đường mới với 105 tuổi đời– 88 năm Khấn Dòng, tại Cộng đoàn Mến Thánh Giá Kẻ Non thuộc giáo xứ Cẩm Sơn, Tổng Giáo phận Hà Nội.

Thật đúng như tên gọi của mình, Nữ tu Mátta cả một cuộc đời luôn sống khiêm hạ. Dù ở cương vị nào thì người nữ tu ấy vẫn luôn là người dễ gần, dễ mến, nhỏ bé, đơn sơ nhưng kiên trung trước mọi nghịch cảnh, với nụ cười luôn tươi nở trên môi. Bởi thế mà nhiều Đấng Bậc, chị em toàn dòng và bà con giáo dân dành cho Nữ tu ấy một tình cảm thật đặc biệt, một cách gọi gần gũi thật trìu mến, thân thương “Mẹ Khiêm” hay “Mẹ Mátta”

Mẹ Khiêm sinh ra và lớn lên tại giáo xứ Đạo Truyền, Bình Lục, Hà Nam, trong một gia đình đạo đức có bốn anh chị em. Mẹ Mátta ước ao dâng mình cho Chúa ngay từ khi còn rất nhỏ. Sau nhiều năm tìm hiểu, lui tới với nhà dòng, mặc dù lúc đó rất khó khăn, tới năm 15 tuổi Mẹ được chính thức gia nhập Dòng Mến Thánh Giá Cộng đoàn Kẻ Non và được Tuyên khấn lần đầu với lời khấn tư vào năm 1932.

Năm 1954, xảy ra cuộc di cư lớn, dòng người từ miền Bắc vào miền Nam, hầu hết các dòng tu trong Địa phận Hà Nội thời đó đã di cư hay buộc phải rời khỏi Việt Nam. Nhiều cơ sở tôn giáo cũng như các Tu viện vườn không nhà trống không người hiện diện. Mẹ Mátta là một trong số ít những nữ tu Mến Thánh Giá đáp lại lời kêu gọi của Đức Cha Giuse Maria Trịnh Như Khuê: không di cư nhưng ở lại song hành cùng Địa Phận Hà Nội trong giai đoạn đầy gian nan, khó khăn và thử thách này.

Số các chị em Mến Thánh Giá còn sót lại ấy được Đức Cha Giuse Maria sai đi tản ra trong các tu viện Mến Thánh Giá hoặc các cơ sở của Giáo hội không còn người ở như Nhà Kín 72 Nguyễn Thái Học Hà Nội, trường Thánh Mẫu 29-31 Nhà Chung để giữ đất, giữ nhà. Khó khăn do hoàn cảnh của thời cuộc chất chồng, nhiều hoạt động tông đồ của chị em Mến Thánh Giá thời đó chỉ là âm thầm hiện diện như men trong đấu bột giữa những xứ đạo cùng bà con giáo dân. Sự thiếu hụt linh mục trầm trọng, đi lại khó khăn, các chị phụ trách việc Rửa tội cho trẻ nhỏ, trao Mình Thánh Chúa cho kẻ liệt và các Đấng Bậc bị quản thúc hay cầm tù, chép sách kinh bổn để gìn giữ Đức tin, đồng hành và hiện diện cùng bà con giáo dân trong mọi biến cố vui buồn của cuộc sống.

Mẹ Mátta được Đức Cha Giuse Maria Trịnh Như Khuê tin tưởng trao phó những chức vụ như Phụ trách Tu viện Kẻ Non kiêm phụ trách Tập Viện giai đoạn 1955 – 1961. Mẹ cũng là một trong bảy chị đầu tiên của Ban Điều Hành Dòng được khấn công khai theo giáo luật dưới thời Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn. Bà Mẹ nhì khóa I và II toàn dòng (1983 – 1991). Cùng với Bà Mẹ nhất Mátta Nguyễn Thị Nhục, Mẹ đã trở thành hai trụ cột vững chắc của Hội dòng, nâng đỡ và duy trì ơn gọi trẻ trong giai đoạn “Chính sách ngầm” đang len lỏi vào mọi ngõ ngách của miền Bắc lúc bấy giờ với mục đích “Xóa sổ các cơ sở Tôn giáo và Tu viện.” Nhiều ơn gọi trẻ đến xin gia nhập Dòng muốn xin tạm trú hay nhập hộ khẩu đều không được, nên chị em đành phải chịu cảnh “tu chui”. Ban ngày các Chị phục vụ trong tư cách người giúp việc Nhà dòng, nhiều đêm phải chạy trốn vì bị kiểm tra hộ khẩu bất thường do cư trú bất hợp pháp theo luật bấy giờ.

Có những chị em khổ quá định bỏ tu về lại gia đình, được Mẹ kịp thời an ủi động viên nâng đỡ để tiếp tục ơn gọi. Những chị em mới gia nhập Tu viện, chập chững những bước đi đầu tiên trong ơn gọi đầy bỡ ngỡ, được Mẹ dạy bảo ân cần, tập sống khó nghèo và các nhân đức để thánh hóa từng giây phút hiện tại trong ngày sống. Không chỉ chị em trong Dòng, nhưng cả bà con giáo dân cũng tìm đến với Mẹ khi gia đình có những biến cố vui buồn, để được Mẹ chuyển cầu trong lời kinh nguyện hoặc là nhận lấy những lời khuyên dạy chân thành, nâng đỡ nhằm giúp các gia đình vượt qua thử thách.

Thế rồi những giai đoạn khó khăn gian khổ đầy nước mắt và đau thương đó qua đi cũng là lúc Mẹ Mátta được nghỉ ngơi và hưu dưỡng tại Cộng đoàn Kẻ Non kể từ năm 1991 cho đến nay.

“Tôi đã chạy hết chặng đường và đã giữ vững Đức tin” giờ đây Mẹ Mátta trở về cùng Thiên Chúa là Cha yêu thương, sau khi đã hoàn tất hành trình dương thế, trung kiên sống Đức tin trong giai đoạn khó khăn gian khổ nhất của thời cuộc, trung thành gìn giữ bảo vệ tinh thần và gia sản của Hội dòng… Để hôm nay đây chúng tôi, thế hệ cháu con được thừa hưởng thành quả mà Mẹ và các bậc tiền nhân để lại… sẽ tiếp nối tâm nguyện của Mẹ để song hành với mọi biến cố vui buồn của Tổng Giáo phận, cùng ghi tiếp những trang sử thiêng của Hội Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội, với khát vọng giới thiệu cho muôn người về Tình yêu và Lòng thương xót của Đấng-Chịu-Đóng-Đinh, Đấng đã yêu cho đến cùng, Đấng đã chết vì yêu, Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Nữ tu Maria Phạm Thị Thu Trang

Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội


2. Đức Tổng Giám Mục bày tỏ lòng biết ơn vì đức tin gia tăng tại Singapore

Đức Tổng Giám Mục giáo phận Singapore hay còn gọi là Tân Gia Ba, William Ngô Thành Tài, đã bày tỏ lòng biết ơn vì đức tin tăng trưởng tại lãnh thổ này.

Ngài biểu lộ lập trường này, trong thánh lễ hôm 11 tháng Mười Hai vừa qua, tại Nhà thờ chính tòa Singapore, nhân dịp kết thúc năm kỷ niệm 200 năm thánh lễ đầu tiên được cử hành tại đây, ngày 11 tháng Mười Hai năm 1821, do linh mục Laurent Imbert, thuộc Hội thừa sai Paris, đến hoạt động tại Singapore, khu vực ở miền cực nam của bán đảo Mã Lai Á, được người Anh thành lập hai năm trước đó như một trung tâm thương mại và giao dịch. Để đánh dấu kỷ niệm 200 năm biến cố này, 32 giáo xứ trên toàn Singapore đã đánh chuông, hồi cuối tuần ngày 11 và 12 tháng Mười Hai vừa qua.

Trong bài giảng, Đức Tổng Giám Mục Ngô Thành Tài nhận định rằng: “Mặc dù xu hướng sa sút tại nhiều nước, nơi mà dân chúng đánh mất niềm tin nơi Thiên Chúa, thì tại Singapore, các cuộc kiểm kê dân số gần đây cho thấy chúng ta tăng trưởng trong 5 năm qua”.

Đức Tổng Giám Mục cũng nhận xét rằng mặc dù là thế tục, nhưng chính phủ Singapore vẫn duy trì sự trung lập về tôn giáo và khuyến khích sự cộng tác giữa các tôn giáo trong việc phát triển các giá trị xã hội, luân lý và tinh thần của dân chúng. “Các tôn giáo tại đây tôn trọng và hỗ trợ nhau... tín ngưỡng khác nhau tại quốc gia đảo này có sự hòa hợp liên tôn rất mạnh. Đó là điều đã được xây dựng công phu qua nhiều thế hệ”.

Đức Tổng Giám Mục Ngô Thành Tài cũng nói rằng Giáo hội đã tăng trưởng “trong nội bộ” tám năm qua về phương diện các Ủy ban, củng cố và có thêm các phong trào mới và sự mở rộng các phong trào đã có”.

Trong thánh lễ kết thúc năm kỷ niệm, hôm 11 tháng Mười Hai cũng có sự hiện diện của Thủ tướng Lý Hiền Lương (Lee Hsien Loong), một tín đồ Phật giáo, và các vị lãnh đạo chính quyền và tôn giáo khác.

Trong một Video, Thủ tướng nói rằng ông được biết về những đóng góp của Giáo Hội Công Giáo tại Singapore trong hai thế kỷ qua, với “các hoạt động giáo dục, săn sóc sức khỏe và phục vụ xã hội”.

Ngày nay, Tổng giáo phận Singapore có khoảng 300,000 tín hữu Công Giáo, với nhiều hoạt động tại địa phương. Đức Tổng Giám Mục cũng bày tỏ hài lòng vì năm kỷ niệm, từ tháng Mười Hai năm ngoái đã làm cho các tín hữu Công Giáo xích lại gần nhau trong tinh thần sáng tạo. Các sinh hoạt trực tuyến và Video được hơn một triệu người xem, trong khi lễ hội Công Giáo, từ ngày 04 đến 11 tháng Mười Hai vừa qua có 12,000 tín hữu Công Giáo tham dự với nhiều sinh hoạt. 6.000 người tham dự các thánh lễ bế mạc tại các nhà thờ.

3. Tuyên Bố Của Các Thượng Phụ Và Các Vị Đứng Đầu Các Giáo Hội Tại Giêrusalem

Các Vị Thượng Phụ và Các Vị Đứng Đầu các Giáo Hội tại Giêrusalem đã công bố bản tuyên bố sau đây. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Hiền Hòa

“Khắp Đất thánh, các Kitô hữu đã trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công thường xuyên và liên tục của các nhóm cực đoan ngoại vi. Kể từ năm 2012, đã có rất nhiều vụ tấn công bằng lời nói và thể lý nhắm vào các linh mục và các giáo sĩ khác, các cuộc tấn công vào các nhà thờ Kitô giáo, với các thánh địa thường xuyên bị phá hoại và xúc phạm, và liên tục đe dọa các Kitô hữu địa phương, những người chỉ đơn giản tìm cách được tự do thờ phượng và sống cuộc sống hàng ngày của họ. Các chiến thuật này đang được sử dụng bởi những nhóm cực đoan như vậy trong một nỗ lực có hệ thống nhằm xua đuổi cộng đồng Kitô giáo ra khỏi Giêrusalem và các khu vực khác của Đất Thánh.

Chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn đối với cam kết đã tuyên bố của chính phủ Israel trong việc duy trì một nơi yên ổn và an ninh cho các Kitô hữu ở Đất Thánh và bảo tồn cộng đồng Kitô giáo như một phần không thể thiếu trong tấm thảm cộng đồng địa phương. Chúng tôi thấy bằng chứng của cam kết này ở việc chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc viếng thăm của hàng triệu tín đồ Kitô giáo đến các địa điểm linh thiêng của Đất Thánh. Do đó, quả là một vấn đề đáng lo ngại khi cam kết quốc gia này bị phản bội bởi sự thất bại của các chính trị gia, viên chức và cơ quan thực thi pháp luật địa phương trong việc kiềm chế hoạt động của các nhóm cực đoan, những người thường xuyên đe dọa các Kitô hữu địa phương, hành hung các linh mục và giáo sĩ, và xúc phạm Thánh địa và nhà thờ.

Nguyên tắc định rằng đặc điểm văn hóa và tâm linh của các khu lịch sử và khác biệt của Giêrusalem cần được bảo vệ đã được công nhận trong luật của Israel đối với Khu Do Thái. Tuy nhiên, các nhóm cực đoan vẫn tiếp tục sở đắc tài sản chiến lược trong Khu phố Kitô giáo, với mục đích làm giảm sự hiện diện của người Kitô giáo, bằng cách thường xuyên sử dụng các giao dịch ám muội và chiến thuật đe dọa để đuổi cư dân ra khỏi nhà của họ, làm giảm đáng kể sự hiện diện của người Kitô giáo, và tiếp tục làm gián đoạn các tuyến đường hành hương lịch sử giữa Bêlem và Giêrusalem.

Hành hương Kitô giáo, ngoài việc là quyền của tất cả những người Kitô giáo trên toàn thế giới, còn mang lại nhiều lợi ích to lớn cho nền kinh tế và xã hội của Israel. Trong một báo cáo gần đây của Đại học Birmingham, người ta nhấn mạnh rằng du lịch và hành hương của Kitô giáo đóng góp 3 tỷ đô la cho nền kinh tế Israel. Cộng đồng Kitô giáo địa phương, tuy nhỏ và đang giảm về số lượng, nhưng vẫn cung cấp một lượng rất đáng kể các dịch vụ giáo dục, y tế và nhân đạo trong các cộng đồng khắp Israel, Palestine và Jordan.

Phù hợp với cam kết đã được tuyên bố về việc bảo vệ tự do tôn giáo của các nhà chức trách chính trị địa phương của Israel, Palestine và Jordan, chúng tôi yêu cầu một cuộc đối thoại khẩn cấp với chúng tôi các Nhà lãnh đạo Giáo hội, để:

- Đối phó với những thách thức do các nhóm cực đoan ở Giêrusalem gây ra cho cả cộng đồng Kitô giáo lẫn nền pháp trị, để đảm bảo sẽ không có công dân hoặc tổ chức nào phải sống dưới nguy cơ bạo lực hoặc đe dọa.

- Bắt đầu đối thoại về việc thành lập một khu vực văn hóa và di sản Kitô giáo đặc biệt để bảo vệ sự toàn vẹn của Khu Kitô giáo ở Thành phố Cổ Giêrusalem và để bảo đảm rằng đặc điểm và di sản độc đáo của nó được bảo tồn vì phúc lợi của cộng đồng địa phương, của cuộc sống quốc gia của chúng ta, và thế giới rộng lớn hơn”.

Các Giáo Hội có trụ sở ở Hoa Kỳ vì Hòa bình Trung Đông, gọi tắt là CMEP, đã đưa ra tuyên bố của riêng họ vào hôm nay ủng hộ các nhà lãnh đạo Giáo hội ở Giêrusalem.

Họ nói: “Các Giáo Hội có trụ sở ở Hoa Kỳ vì Hòa bình Trung Đông (CMEP) luôn cam kết hỗ trợ tính bền vững của Kitô giáo ở Trung Đông nói chung, và đặc biệt là cổ vũ một Giêrusalem chung của người Palestine và người Israel.

CMEP ghi nhận và phản đối các mưu toan đang diễn ra nhằm giảm thiểu sự hiện diện của Kitô hữu ở Israel / Palestine. Các cộng đồng Kitô giáo là nguồn quan yếu của nền văn hóa của vùng đất này cũng như là những người quản lý các địa điểm được người Kitô giáo trên khắp thế giới gọi là thánh địa. Khi các Kitô hữu chuẩn bị cử hành lễ Giáng sinh, chúng tôi luôn nhớ đến anh chị em của mình ở Đất Thánh, những người tiếp tục duy trì các truyền thống tại nơi mà đức tin của chúng ta đã bắt đầu.

Do đó, CMEP đứng chung hàng ngũ với các Thượng phụ và Các Vị đứng đầu các Giáo hội ở Giêrusalem kêu gọi một cuộc đối thoại khẩn cấp với các cơ quan chính quyền ở Israel, Palestine và Jordan. Chúng tôi cực lực phản đối sự chống đối của các nhóm cực đoan đối với các cộng đồng Kitô giáo, một sự chống đối hiện đang bộc lộ rõ ràng ở Giêrusalem. CMEP cổ vũ và vận động cho việc bảo tồn các di sản Kitô giáo, đặc biệt là trong Khu phố Kitô giáo ở Cổ Thành”.

Giám đốc Điều hành CMEP Mae Elise Cannon nhận xét: “Chúng tôi vô cùng đau buồn trước những cuộc đấu tranh đang diễn ra của các cộng đồng theo Chúa Kitô ở Đất Thánh. Sự hiện diện của họ đang bị đe dọa và chúng ta phải làm mọi chuyện có thể để bảo tồn sự hiện diện của Kitô hữu ở Giêrusalem, Israel, và các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng”.

CMEP mời các Kitô hữu Hoa Kỳ ủng hộ tuyên bố gần đây của các Thượng phụ và Các Vị đứng đầu các Giáo hội bằng cách chia sẻ nó trong cộng đồng của họ. CMEP luôn cam kết nêu tình hình mà các cộng đồng Kitô giáo ở Đất Thánh phải đối đầu với các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ khi chúng tôi vận động cho quyền tự do tôn giáo của tất cả mọi người trong khu vực.