1. Đức Hồng Y Bo lên án vụ 'thảm sát' 35 thường dân ở Miến Điện vào ngày lễ Giáng Sinh
Trong một tuyên bố được đưa ra vào thứ Hai, ngày 27 tháng 12, Đức Hồng Y đã mô tả vụ việc là “tan nát trái tim trước sự tàn bạo khủng khiếp mà tôi mạnh mẽ lên án với tất cả trái tim tôi.”
Vị Hồng Y nói thêm:
“Trong đau buồn, tôi nhiệt thành cầu nguyện cho các nạn nhân, những người thân yêu của họ và những người sống sót sau các hành động dã man phi nhân tính không diễn tả nổi và đáng khinh bỉ này”.
“Các bộ phận trên thân thể của những người thiệt mạng, đã bị đốt cháy, và bị cắt xén, và đã được tìm thấy vào ngày Giáng Sinh. Thực tế đó làm cho thảm kịch kinh hoàng này thậm chí còn sâu sắc và kinh tởm hơn”
Vị Hồng Y được báo cáo là đã có một cuộc gặp gỡ với Tổng Tham Mưu Trưởng của quân đội, là Tướng Min Aung Hlaing, trước lễ Giáng Sinh.
Tờ Global New Light của Miến Điện do nhà nước hậu thuẫn đưa tin Đức Hồng Y Charles Bo đã gặp Tổng Tham Mưu Trưởng Min Aung Hlaing hôm thứ Năm trong một buổi văn nghệ hát mừng Giáng Sinh và “nói về các vấn đề hòa bình và thịnh vượng”.
Một bức ảnh được truyền thông nhà nước đăng tải cho thấy họ ngồi cùng nhau trước cây thông Noel, trong khi một bức ảnh khác cho thấy Tướng Min Aung Hlaing đang trao số tiền quyên góp trị giá 20 triệu kyat hay 11,200 Mỹ Kim.
Tất cả là một màn gài bẫy vị Hồng Y. Tướng Min Aung Hlaing, tên cầm đầu vụ đảo chính hôm 1 tháng Hai, là một Phật tử. Hắn ta không mặn mà gì với Kitô Giáo đến mức tổ chức hát mừng Chúa Giáng Sinh. Tất cả là một trò lừa để chụp ảnh làm mất uy tín vị Hồng Y và chia rẽ hàng ngũ những người đối lập.
Miến Điện đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi quân đội lật đổ chính phủ của bà Aung San Suu Kyi vào tháng Hai, với hơn 1,300 người thiệt mạng trong các cuộc trấn áp những người bất đồng chính kiến.
Truyền thông nhà nước cho rằng Đức Hồng Y Charles Bo - người được Đức Thánh Cha Phanxicô tấn phong Hồng Y vào năm 2015 - sau đó đã đăng một bức ảnh từ cuộc gặp gỡ Giáng Sinh lên tài khoản Twitter của mình, cho thấy hai người với nụ cười trên môi khi họ cùng cắt một chiếc bánh Giáng Sinh. Cho đến nay, ai đưa bức ảnh đó lên tài khoản Twitter của ngài thì vẫn chưa biết. Tuy nhiên, từ trước đến nay, Đức Hồng Y chưa hề tự tay đưa bất cứ thứ gì lên các mạng xã hội.
Đức Hồng Y cho biết ngài đến với cuộc gặp gỡ đó trong tinh thần đối thoại, nhưng ngài rất thẳng thắn và đã nói với kẻ cầm đầu đảo chính rằng “toàn bộ đất nước Miến Điện thân yêu của chúng ta giờ đây là một vùng chiến sự”.
Đức Hồng Y Bo đã nhiều lần lên án cuộc đảo chính của quân phiệt Miến Điện vào tháng Hai vừa qua. Giờ đây, trước màn gài bẫy này, người ta đoán rằng Đức Hồng Y sẽ cố gắng chứng minh ngài không đi đêm với chế độ, không phản bội đồng bào của mình bằng các tuyên bố mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Thật thế, nhà lãnh đạo Giáo hội vừa tố cáo rằng vào đêm trước Lễ Giáng Sinh đã xảy ra các cuộc không kích ở bang Karen, buộc hàng nghìn người phải chạy trốn qua biên giới sang Thái Lan.
“Tôi cầu nguyện cho người dân của tỉnh Lay Kay Kaw,” Đức Hồng Y Bo nói.
Ngài cho biết thị trấn Thantlang ở Bang Chin cũng phải chịu đựng “những đợt không kích, pháo kích và tàn phá liên tục, cũng như nhiều vùng khác trên đất nước, tất cả đều nằm trong trái tim và những lời cầu nguyện của tôi”.
“Khi nào thì chuyện này mới kết thúc? Khi nào cuộc nội chiến ở Miến Điện sẽ chấm dứt? Khi nào chúng ta mới có thể tận hưởng hòa bình thực sự, với công lý và tự do thực sự? Khi nào thì chúng ta ngừng giết nhau?”
Ngài cảnh cáo “anh em giết nhau... không bao giờ có thể là giải pháp cho vấn đề của chúng ta.”
Đức Hồng Y Bo nói rất dõng dạc: “Tôi kêu gọi tất cả những người cầm súng hãy bỏ vũ khí xuống”.
“Tôi kêu gọi giới quân sự của Miến Điện, Tatmadaw, phải ngăn chặn ném bom và bắn phá người vô tội, phải ngăn chặn phá hủy nhà cửa và nhà thờ, trường học và trạm y tế, và phải bắt đầu một cuộc đối thoại với các phong trào dân chủ và các nhóm vũ trang dân tộc”.
“Tôi cũng cầu xin các nhóm vũ trang và Lực lượng Phòng vệ Nhân dân công nhận rằng súng không giải quyết được cuộc khủng hoảng mà ngược lại còn kéo dài nó, gây ra nhiều người chết hơn, nhiều người chết đói hơn, với những hậu quả tàn khốc đối với giáo dục của con cái chúng ta, nền kinh tế và sức khỏe của chúng ta”.
“Tôi nhắc lại: Tôi kêu gọi quân đội ngừng ném bom, pháo kích và giết chóc. Tôi kêu gọi phong trào dân chủ và các nhóm vũ trang dân tộc phấn đấu một cách tha thiết cho hòa bình”.
“Và tôi cầu nguyện từ sâu thẳm trái tim mình để chấm dứt những bi kịch mà chúng ta đã thấy trong những ngày qua và tuần gần đây và trong quá nhiều năm và nhiều thập kỷ”
Source:Licas News
2. Sứ Thần Tòa Thánh tại Phi Luật Tân đón Giáng Sinh ở đảo Siargao bị bão tàn phá
Trong thông điệp Giáng Sinh của mình, Đức Tổng Giám Mục Brown bày tỏ tình đoàn kết với những người bị ảnh hưởng bởi cơn bão Odette và đích thân ngài đã cử hành Thánh lễ Ngày Giáng Sinh với những người sống sót sau cơn bão tại Nhà thờ Giáo xứ Núi Cát Minh ở thị trấn Del Carmen của Đảo Siargao.
Ngài đã đến thị trấn Del Carmen vào sáng thứ Bảy và được Đức Giám Mục Antonieto Cabajog của Surigao chào đón. Từ sân bay, Sứ thần Tòa Thánh đã đến Nhà thờ Giáo xứ Núi Cát Minh để cử hành Thánh lễ. Sau các cử hành phụng vụ, Đức Tổng Giám Mục đã đến thăm chín thị trấn trên đảo nơi Odette đổ bộ lần đầu tiên vào ngày 16 tháng 12.
Ngài đã qua đêm ở thị trấn Dapa, nơi ngài cử hành thánh lễ thứ hai tại nhà thờ của giáo xứ trước khi rời đảo đến Thành phố Surigao bằng phà.
Trong thông điệp Giáng Sinh của mình, Đức Tổng Giám Mục Brown bày tỏ tình đoàn kết với những người bị ảnh hưởng bởi cơn bão khi số người chết lên đến ít nhất 367 người tính đến ngày 26 tháng 12 trong khi ít nhất 62 người vẫn mất tích.
Khi trình bày các suy tư về trình thuật Giáng Sinh, Đức Tổng Giám Mục kêu gọi các tín hữu “đừng bỏ lỡ cơ hội tiếp đón và bày tỏ lòng hiếu khách đối với những người đang cần nhất.”
“Chúng ta hãy làm mọi thứ trong khả năng của mình để cung cấp cho họ sự hiếu khách theo nhiều cách khác nhau để nâng đỡ họ,” ngài nói.
Tại Surigao, Đức Tổng Giám Mục đã chủ sự một thánh lễ tại Nhà thờ San Nicolas de Tolentino. Hôm thứ Hai, Đức Tổng Giám Mục đã đến thăm các giáo xứ trên đảo Dinagat.
Source:Licas News
3. Phản ứng của Tòa Thánh trước sự qua đi của Đức Tổng Giám Mục Desmond Tutu
Chiều ngày 26 tháng 12, ngay sau khi được tin Đức Tổng Giám Mục Desmond Tutu của Nam Phi đã qua đời, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã gởi bức điện sau đến Đức Tổng Giám Mục Peter Wells, Sứ thần Tòa Thánh tại Nam Phi.
Kính gởi Đức Tổng Giám Mục Peter B. Wells
Sứ thần Tòa Thánh tại Pretoria, Nam Phi
Đức Thánh Cha Phanxicô rất đau buồn khi hay tin về cái chết của Đức Tổng Giám Mục Desmond Tutu, và ngài gởi lời chia buồn chân thành đến gia đình và những người thân yêu của Đức Tổng Giám Mục. Nhớ đến sự phục vụ của Đức Tổng Giám Mục cho Tin Mừng thông qua việc đề cao bình đẳng chủng tộc và hòa giải nơi quê hương Nam Phi của ngài, Đức Thánh Cha phó thác linh hồn người quá cố cho Thiên Chúa Toàn Năng. Với những ai đang than khóc trước sự qua đi của vị Tổng Giám Mục trong niềm tín thác và trong hy vọng chắc chắn về sự Phục sinh, Đức Thánh Cha Phanxicô khẩn cầu phúc lành của Thiên Chúa là nguồn mạch của hòa bình và an ủi.
Trong Chúa Giêsu Kitô.
+ Đức Hồng Y Pietro Parolin
Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh
Source:Holy See Press Office