Năm Mới Kể Chuyện “Nhà Tôi”
Thế là một năm cũ đã kết thúc, một năm mới lại mở ra ! Một thoáng nhìn lại chợt nhận ra biết bao hồng ân Chúa đã thương ban trên từng người chúng ta, đặc biệt là nơi cộng đoàn Hưu dưỡng Ghềnh Ráng.
Quỳ trước Thánh Thể Chúa hôm nay đang miên man suy nghĩ tổng kết và lượt lại những gì trong một năm qua đối với Chúa, với chị em và với sứ vụ của mình hiện tại là nơi cộng đoàn Nhà hưu, tôi chợt nghĩ đến mấy “câu Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du. Một cách vô tình hay cố ý nhà thơ Nguyễn Du đã dùng ngòi bút khéo léo của mình với nghệ thuật ước lệ tượng trưng thông qua hai hình ảnh “mai” và “tuyết” để diễn tả cho người đọc thấy được vẻ đẹp tuyệt mỹ của hai người con gái dòng họ Vương Gia là Thúy Kiều và Thúy Vân. Cả hai đều hoàn mỹ “mười phân vẹn mười”, mỗi người mang một nét đẹp riêng “Mỗi người mỗi vẻ”:
Đầu lòng hai ả tố nga,
Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân.
Mai cốt cách, tuyết tinh thần
Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười
Vâng, hôm nay nhà tôi không những hai ả tố nga như dòng họ Vương Gia của chị em Thúy Kiều mà có ba mươi “ả” thuộc dòng tộc của Vương Đế. Và điều đặc biệt ở đây là tuy cùng một dòng tộc nhưng lại đa văn hóa, đa quan điểm, đa “lý luận”, đa tuổi tác, đa phong cách, đa bệnh tật và có cả đa “trí tuệ”… Có “ả” ngoài 100 tuổi, có “ả” 90 tuổi, có “ả” 80 tuổi, “ả” thì ngoài 70 tuổi... Mỗi “ả” mang một vẻ đẹp, một tính cách riêng mà Thượng Đế đã ban tặng theo ý Người đã định.
Một chút dí dỏm cho thấy được vẻ phong phú đa dạng của đời tu sĩ khi đã đến tuổi xế chiều nơi nhà Hưu dưỡng. Sau một cuộc đời bôn ba phục vụ đây đó khắp nơi giờ đây quý bà đã đến lúc phải tạm dừng chân nơi nhà hưu. Nghỉ hưu không có nghĩa là chấm hết đời phục vụ nhưng quý bà đã chuyển sang một hình thức phục vụ khác khiêm tốn hơn, âm thầm hơn, gắn bó mật thiết với Chúa hơn qua những giờ kinh hạt, giờ Viếng Thánh Thể…Tất cả đều chỉ thực hiện trong giới hạn của tuổi tác. Nơi đây cũng chừng đó công việc và những giờ kinh nguyện như bao nhiêu năm trong cuộc đời dâng hiến; cũng những con người đó, những chị em đó có khi trước đây “hét ra lửa”, trí khôn sắc xảo, uy nghi đạo mạo, lanh lẹ, thông minh hơn người, ngoại ngữ thông suốt, giao tiếp khôn ngoan, nhiều người quý mến, tương quan rộng rãi, thành công rạng rỡ… Nhưng giờ chỉ còn lại điều duy nhất lúc này là tình yêu, lòng trung thành cùng với nụ cười của “kẻ vô tư” đi ra đi vào, bỏ đâu quên đó, nói xong cũng chẳng biết mình nói gì, từng trang sách kinh gắn bó với mình bao nhiêu năm với từng ấy ngày lễ giờ lật hoài cũng không ra, tay cầm chuỗi hạt lần hoài cũng chẳng xong, một kinh kính mừng đọc cũng không nổi…; nếu trước đây bao nhiêu cái có thể làm thì giờ chỉ còn lại là bao nhiêu cái không: Không nghe, không nhớ, không đi nổi, không tự phục vụ, không thấy… không và không thể, tất cả chỉ nhờ vào sự giúp đỡ của chị em. Tuổi già là thế! Nếu ai đã một lần sống với, sống cùng thì chúng ta mới có thể cảm nhận được thế nào là tuổi xế chiều của đời người tu sĩ và nơi tâm hồn những bậc cao niên ấy có rất nhiều điều tuyệt vời mà người trẻ chúng ta đôi khi vô tình hay cố ý lãng quên.
Trong Tông huấn Christus Vivit Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc đến mối tương quan giữa tuổi già và tuổi trẻ: “Người cao tuổi có những giấc mơ được dệt từ các ký ức và hình ảnh mang dấu ấn kinh nghiệm lâu năm của họ. Nếu người trẻ tìm kiếm gốc rễ nơi các giấc mơ ấy, họ có thể sánh vai đi vào tương lai; họ có thể có những thị kiến mở rộng các chân trời của mình và chỉ cho mình những nẻo đường mới. Nhưng nếu người già không mơ, người trẻ sẽ mất khả năng nhìn chân trời”(CV, số 193)
Trong quyển Chia sẻ sự khôn ngoan của Thời gian, tôi đã diễn tả một ý tưởng trong hình thức câu hỏi “Tôi đề nghị gì với các người già thuộc nhóm tuổi của mình? Tôi cho rằng chúng tôi là những người giữ gìn ký ức. Chúng ta, những ông bà nội, ngoại cần phải lập một ca đoàn. Tôi hình dung những người già như một ca đoàn thường trực của một cung thánh tâm linh tuyệt vời, ở đó các lời cầu nguyện khẩn nài và các bài ca tán tạ nâng đỡ cộng đoàn rộng lớn hơn đang làm việc và chiến đấu trong trường đời”(CV, số 197)
Vâng, tuổi già tuyệt vời là thế đó nếu chúng ta biết khám phá, trân trọng, chịu đựng và dung hòa thì cuộc sống sẽ đem lại nhiều niềm vui và sự bình an.
Đã có người từng hỏi tôi: Tuổi già của người đời và người tu sĩ có gì giống và khác nhau? Lúc đầu tôi nghe chợt nghĩ rằng tuổi già thì ai cũng như ai chứ có gì giống với khác. Cũng già, bệnh, lẫn, điếc, quên,… quanh quẩn bao nhiêu sự chứ có gì khác hơn đâu. Nhưng không! Khác lắm chứ! Nếu như tuổi già của người đời khi lẫn thì điều họ có thể nhắc đến là con cháu, tiền bạc của cải và nhiều mối lo toan khác trong cuộc sống mà khi còn trẻ họ đã từng trải qua, từng đối diện…, nhưng đối với người tu sĩ khi lẫn họ chỉ còn duy nhất là tình Chúa và tình chị em. Cái lẫn của người tu sĩ dễ thương, dí dỏm, đơn sơ và đôi khi là bài học thâm sâu cho chúng ta, những người tu sĩ trẻ. Một lần kia, có hai Bà nơi nhà Hưu dưỡng vào một ngày nọ nói chuyện với nhau trong cơn đau nhức của nhiều căn bệnh phải mang trong mình lâu năm đang hành hạ hầu như không chịu nổi, và trong cơn đau quái ác đó một Bà đã bộc bạch: “Thôi em đi về không tu nữa, tu gì mà khổ quá, Chúa để con đau quá Chúa ơi ! Chúa có thấy con không? Con không tu nữa…”. Bà kia liền khuyên rằng: “Thôi, cố gắng chịu đựng vì Chúa, đừng nói vậy Chúa buồn, mình tu chừng ấy tuổi và trải qua bao nhiêu cuộc bể dâu rồi mà giờ đòi về coi sao được, Chúa buồn lắm đó. Nhen!....”. Nghe xong lời khuyên, Bà đầu tiên liền khóc (Trích lời của bà Lucie và bà Nathalie).
Điều muốn nói ở đây là cả hai đều lẫn ở mức độ rất cao. Ta thấy đó, dù lẫn đến mức nào, bất cứ trong hoàn cảnh nào, những thứ khác họ có thể quên nhưng một điều người tu sĩ rất tỉnh táo và không bao giờ quên đó là lòng trung thành với Chúa. Để có được như vậy quý bà đã dành tình yêu và cuộc đời của mình trọn vẹn cho Chúa với hết cả trí khôn, hết linh hồn nên giây phút cuối đời chỉ còn lại trong tâm trí một trí nhớ tinh ròng là Chúa Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh, Đấng mà mình đã đánh đổi cả cuộc đời để bước theo.
Ước gì những “bóng hình đi qua đi lại” hay nằm một chỗ trên giường bệnh nơi cộng đoàn Hưu dưỡng là những bài học quý giá cho chúng ta, những người tu sĩ trẻ trên hành trình dâng hiến. Vì, “nay chị mai em”, tất cả chúng ta ít nhiều rồi cũng sẽ trải qua những ngày tháng nhớ nhớ quên quên nơi nhà Hưu dưỡng… Đây cũng là những gì tôi muốn chia sẻ “chuyện nhà tôi”, một câu chuyện có thể so sánh với “Nghìn lẻ một đêm” của nhà Đông Phương học Antoine Galland, người Pháp, luôn luôn mới mẻ và mang tính thời sự cho những ai đã và đang bước theo Đức Kitô trên đường dâng hiến.
Nt. Anna Hiền Linh MTGQN
Thế là một năm cũ đã kết thúc, một năm mới lại mở ra ! Một thoáng nhìn lại chợt nhận ra biết bao hồng ân Chúa đã thương ban trên từng người chúng ta, đặc biệt là nơi cộng đoàn Hưu dưỡng Ghềnh Ráng.
Quỳ trước Thánh Thể Chúa hôm nay đang miên man suy nghĩ tổng kết và lượt lại những gì trong một năm qua đối với Chúa, với chị em và với sứ vụ của mình hiện tại là nơi cộng đoàn Nhà hưu, tôi chợt nghĩ đến mấy “câu Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du. Một cách vô tình hay cố ý nhà thơ Nguyễn Du đã dùng ngòi bút khéo léo của mình với nghệ thuật ước lệ tượng trưng thông qua hai hình ảnh “mai” và “tuyết” để diễn tả cho người đọc thấy được vẻ đẹp tuyệt mỹ của hai người con gái dòng họ Vương Gia là Thúy Kiều và Thúy Vân. Cả hai đều hoàn mỹ “mười phân vẹn mười”, mỗi người mang một nét đẹp riêng “Mỗi người mỗi vẻ”:
Đầu lòng hai ả tố nga,
Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân.
Mai cốt cách, tuyết tinh thần
Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười
Vâng, hôm nay nhà tôi không những hai ả tố nga như dòng họ Vương Gia của chị em Thúy Kiều mà có ba mươi “ả” thuộc dòng tộc của Vương Đế. Và điều đặc biệt ở đây là tuy cùng một dòng tộc nhưng lại đa văn hóa, đa quan điểm, đa “lý luận”, đa tuổi tác, đa phong cách, đa bệnh tật và có cả đa “trí tuệ”… Có “ả” ngoài 100 tuổi, có “ả” 90 tuổi, có “ả” 80 tuổi, “ả” thì ngoài 70 tuổi... Mỗi “ả” mang một vẻ đẹp, một tính cách riêng mà Thượng Đế đã ban tặng theo ý Người đã định.
Một chút dí dỏm cho thấy được vẻ phong phú đa dạng của đời tu sĩ khi đã đến tuổi xế chiều nơi nhà Hưu dưỡng. Sau một cuộc đời bôn ba phục vụ đây đó khắp nơi giờ đây quý bà đã đến lúc phải tạm dừng chân nơi nhà hưu. Nghỉ hưu không có nghĩa là chấm hết đời phục vụ nhưng quý bà đã chuyển sang một hình thức phục vụ khác khiêm tốn hơn, âm thầm hơn, gắn bó mật thiết với Chúa hơn qua những giờ kinh hạt, giờ Viếng Thánh Thể…Tất cả đều chỉ thực hiện trong giới hạn của tuổi tác. Nơi đây cũng chừng đó công việc và những giờ kinh nguyện như bao nhiêu năm trong cuộc đời dâng hiến; cũng những con người đó, những chị em đó có khi trước đây “hét ra lửa”, trí khôn sắc xảo, uy nghi đạo mạo, lanh lẹ, thông minh hơn người, ngoại ngữ thông suốt, giao tiếp khôn ngoan, nhiều người quý mến, tương quan rộng rãi, thành công rạng rỡ… Nhưng giờ chỉ còn lại điều duy nhất lúc này là tình yêu, lòng trung thành cùng với nụ cười của “kẻ vô tư” đi ra đi vào, bỏ đâu quên đó, nói xong cũng chẳng biết mình nói gì, từng trang sách kinh gắn bó với mình bao nhiêu năm với từng ấy ngày lễ giờ lật hoài cũng không ra, tay cầm chuỗi hạt lần hoài cũng chẳng xong, một kinh kính mừng đọc cũng không nổi…; nếu trước đây bao nhiêu cái có thể làm thì giờ chỉ còn lại là bao nhiêu cái không: Không nghe, không nhớ, không đi nổi, không tự phục vụ, không thấy… không và không thể, tất cả chỉ nhờ vào sự giúp đỡ của chị em. Tuổi già là thế! Nếu ai đã một lần sống với, sống cùng thì chúng ta mới có thể cảm nhận được thế nào là tuổi xế chiều của đời người tu sĩ và nơi tâm hồn những bậc cao niên ấy có rất nhiều điều tuyệt vời mà người trẻ chúng ta đôi khi vô tình hay cố ý lãng quên.
Trong Tông huấn Christus Vivit Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc đến mối tương quan giữa tuổi già và tuổi trẻ: “Người cao tuổi có những giấc mơ được dệt từ các ký ức và hình ảnh mang dấu ấn kinh nghiệm lâu năm của họ. Nếu người trẻ tìm kiếm gốc rễ nơi các giấc mơ ấy, họ có thể sánh vai đi vào tương lai; họ có thể có những thị kiến mở rộng các chân trời của mình và chỉ cho mình những nẻo đường mới. Nhưng nếu người già không mơ, người trẻ sẽ mất khả năng nhìn chân trời”(CV, số 193)
Trong quyển Chia sẻ sự khôn ngoan của Thời gian, tôi đã diễn tả một ý tưởng trong hình thức câu hỏi “Tôi đề nghị gì với các người già thuộc nhóm tuổi của mình? Tôi cho rằng chúng tôi là những người giữ gìn ký ức. Chúng ta, những ông bà nội, ngoại cần phải lập một ca đoàn. Tôi hình dung những người già như một ca đoàn thường trực của một cung thánh tâm linh tuyệt vời, ở đó các lời cầu nguyện khẩn nài và các bài ca tán tạ nâng đỡ cộng đoàn rộng lớn hơn đang làm việc và chiến đấu trong trường đời”(CV, số 197)
Vâng, tuổi già tuyệt vời là thế đó nếu chúng ta biết khám phá, trân trọng, chịu đựng và dung hòa thì cuộc sống sẽ đem lại nhiều niềm vui và sự bình an.
Đã có người từng hỏi tôi: Tuổi già của người đời và người tu sĩ có gì giống và khác nhau? Lúc đầu tôi nghe chợt nghĩ rằng tuổi già thì ai cũng như ai chứ có gì giống với khác. Cũng già, bệnh, lẫn, điếc, quên,… quanh quẩn bao nhiêu sự chứ có gì khác hơn đâu. Nhưng không! Khác lắm chứ! Nếu như tuổi già của người đời khi lẫn thì điều họ có thể nhắc đến là con cháu, tiền bạc của cải và nhiều mối lo toan khác trong cuộc sống mà khi còn trẻ họ đã từng trải qua, từng đối diện…, nhưng đối với người tu sĩ khi lẫn họ chỉ còn duy nhất là tình Chúa và tình chị em. Cái lẫn của người tu sĩ dễ thương, dí dỏm, đơn sơ và đôi khi là bài học thâm sâu cho chúng ta, những người tu sĩ trẻ. Một lần kia, có hai Bà nơi nhà Hưu dưỡng vào một ngày nọ nói chuyện với nhau trong cơn đau nhức của nhiều căn bệnh phải mang trong mình lâu năm đang hành hạ hầu như không chịu nổi, và trong cơn đau quái ác đó một Bà đã bộc bạch: “Thôi em đi về không tu nữa, tu gì mà khổ quá, Chúa để con đau quá Chúa ơi ! Chúa có thấy con không? Con không tu nữa…”. Bà kia liền khuyên rằng: “Thôi, cố gắng chịu đựng vì Chúa, đừng nói vậy Chúa buồn, mình tu chừng ấy tuổi và trải qua bao nhiêu cuộc bể dâu rồi mà giờ đòi về coi sao được, Chúa buồn lắm đó. Nhen!....”. Nghe xong lời khuyên, Bà đầu tiên liền khóc (Trích lời của bà Lucie và bà Nathalie).
Điều muốn nói ở đây là cả hai đều lẫn ở mức độ rất cao. Ta thấy đó, dù lẫn đến mức nào, bất cứ trong hoàn cảnh nào, những thứ khác họ có thể quên nhưng một điều người tu sĩ rất tỉnh táo và không bao giờ quên đó là lòng trung thành với Chúa. Để có được như vậy quý bà đã dành tình yêu và cuộc đời của mình trọn vẹn cho Chúa với hết cả trí khôn, hết linh hồn nên giây phút cuối đời chỉ còn lại trong tâm trí một trí nhớ tinh ròng là Chúa Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh, Đấng mà mình đã đánh đổi cả cuộc đời để bước theo.
Ước gì những “bóng hình đi qua đi lại” hay nằm một chỗ trên giường bệnh nơi cộng đoàn Hưu dưỡng là những bài học quý giá cho chúng ta, những người tu sĩ trẻ trên hành trình dâng hiến. Vì, “nay chị mai em”, tất cả chúng ta ít nhiều rồi cũng sẽ trải qua những ngày tháng nhớ nhớ quên quên nơi nhà Hưu dưỡng… Đây cũng là những gì tôi muốn chia sẻ “chuyện nhà tôi”, một câu chuyện có thể so sánh với “Nghìn lẻ một đêm” của nhà Đông Phương học Antoine Galland, người Pháp, luôn luôn mới mẻ và mang tính thời sự cho những ai đã và đang bước theo Đức Kitô trên đường dâng hiến.
Nt. Anna Hiền Linh MTGQN