Nhạy Bén
(Thứ Ba sau Lễ Hiển Linh – 1Ga 4,7-10; Mc 6,45-52)
Thánh sử Maccô tường thuật Chúa Giêsu sai các tông đồ đi rao giảng Tin Mừng và khi các vị trở về kể lại những việc đã làm thì Người đã nhạy bén với nhu cầu của họ nên đã biểu họ lánh riêng ra một nơi mà nghỉ ngơi vì dân chúng đi lại quá đông khiến họ không có thời giờ ăn uống (x.Mc 6,30-31). Các ngài đã lên thuyền qua bờ bên kia thế mà dân chúng vẫn đi theo đông đảo bằng đôi chân mình. Tin Mừng ghi rằng khi ra khỏi thuyền Chúa Giêsu thấy đám rất đông dân chúng thì Người chạnh lòng thương vì họ như chiên không người chăn dắt. Và Người lại quên việc nghỉ ngơi của mình để rồi tiếp tục dạy dỗ họ.
Một tấm lòng tràn đầy tình yêu thì luôn nhạy bén trước nhu cầu của tha nhân. Biết đám đông dân chúng không chỉ khát về mặt tâm linh mà còn đang đói cả về thể lý, Chúa Giêsu đã truyền các môn đệ: “Chính anh em hãy cho họ ăn đi!”. Biết bao nhu cầu tinh thần lẫn vật chất của tha nhân cần đáp ứng mà nếu có chút tấm lòng nhạy bén thì hẳn chúng ta sẽ dễ nhận ra. Đoàn dân Thiên Chúa đang có nhu cầu gì các vị mục tử có thấu hiểu chăng và ngược lại? Anh chị em lương dân và bà con khác đạo quanh chúng ta đang cần đáp ứng điều gì và đâu là nhu cầu căn bản của xã hội chúng ta đang sống, quốc gia mà chúng ta là công dân? Vấn đề là chúng ta có biết thao thức để cho tâm trí mình được bén nhạy như thế nào.
Nhạy bén trước nhu cầu của nhau không phải là để đó nhưng là để bắt tay thực hiện ngay những gì có thể, dù là bé nhỏ. Có đó tình trạng biết được nhu cầu của tha nhân nhưng vì quá tính toán, quá khôn ngoan kiểu chờ đến thời cơ thích hợp, khi có điều kiện thuận lợi rồi mới thực hiện và vì thế đã bỏ qua nhiều việc phải làm. Khi tường thuật “nhìn thấy đám đông dân chúng thì Chúa Giêsu hỏi ông Philipphê: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây” và Tin Mừng thánh Gioan ghi tiếp: “Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi” (x.Ga 6,5-6).
Thánh Gioan viết rằng chúng ta phải yêu thương nhau vì “Thiên Chúa là Tình Yêu”. Tình yêu cốt ở điều này là Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước và đã sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta. (x.1Ga 4,7-10). Việc Chúa Cha cho Chúa Giêsu thực thi thiên tính bằng dấu lạ hóa bánh cá ra nhiều khiến chúng ta phải xác tín rằng đã yêu thì phải làm ngay những việc cần làm và Chúa sẽ giúp thêm cho.
Những hình thức quá tính toán và biện bạch rằng “một con én không làm nên mùa xuân” có thể chỉ là cách bào chữa cho lối sống thụ động, ích kỷ, dửng dưng và có thể là nhát đảm. Cố nhạc sĩ họ Trịnh có ca từ: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng..”. Khi có tấm lòng thì chúng ta sẽ biết nhạy bén với nhu cầu của tha nhân, nhất là nhu cầu của những người kém phận. Tuy nhiên sự bén nhạy của lòng chúng ta có thể dần hóa thành xơ cứng nếu không biết bắt tay làm ngay những việc phải làm. Dù rằng trong các chương trình, kế hoạch phải biết cẩn trọng vì “dục tốc bất đạt”, nhưng xin chớ quên rằng động từ yêu (love – aimer) nếu ở thì tương lai thì nhiều khi là “vô nghĩa”.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
(Thứ Ba sau Lễ Hiển Linh – 1Ga 4,7-10; Mc 6,45-52)
Thánh sử Maccô tường thuật Chúa Giêsu sai các tông đồ đi rao giảng Tin Mừng và khi các vị trở về kể lại những việc đã làm thì Người đã nhạy bén với nhu cầu của họ nên đã biểu họ lánh riêng ra một nơi mà nghỉ ngơi vì dân chúng đi lại quá đông khiến họ không có thời giờ ăn uống (x.Mc 6,30-31). Các ngài đã lên thuyền qua bờ bên kia thế mà dân chúng vẫn đi theo đông đảo bằng đôi chân mình. Tin Mừng ghi rằng khi ra khỏi thuyền Chúa Giêsu thấy đám rất đông dân chúng thì Người chạnh lòng thương vì họ như chiên không người chăn dắt. Và Người lại quên việc nghỉ ngơi của mình để rồi tiếp tục dạy dỗ họ.
Một tấm lòng tràn đầy tình yêu thì luôn nhạy bén trước nhu cầu của tha nhân. Biết đám đông dân chúng không chỉ khát về mặt tâm linh mà còn đang đói cả về thể lý, Chúa Giêsu đã truyền các môn đệ: “Chính anh em hãy cho họ ăn đi!”. Biết bao nhu cầu tinh thần lẫn vật chất của tha nhân cần đáp ứng mà nếu có chút tấm lòng nhạy bén thì hẳn chúng ta sẽ dễ nhận ra. Đoàn dân Thiên Chúa đang có nhu cầu gì các vị mục tử có thấu hiểu chăng và ngược lại? Anh chị em lương dân và bà con khác đạo quanh chúng ta đang cần đáp ứng điều gì và đâu là nhu cầu căn bản của xã hội chúng ta đang sống, quốc gia mà chúng ta là công dân? Vấn đề là chúng ta có biết thao thức để cho tâm trí mình được bén nhạy như thế nào.
Nhạy bén trước nhu cầu của nhau không phải là để đó nhưng là để bắt tay thực hiện ngay những gì có thể, dù là bé nhỏ. Có đó tình trạng biết được nhu cầu của tha nhân nhưng vì quá tính toán, quá khôn ngoan kiểu chờ đến thời cơ thích hợp, khi có điều kiện thuận lợi rồi mới thực hiện và vì thế đã bỏ qua nhiều việc phải làm. Khi tường thuật “nhìn thấy đám đông dân chúng thì Chúa Giêsu hỏi ông Philipphê: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây” và Tin Mừng thánh Gioan ghi tiếp: “Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi” (x.Ga 6,5-6).
Thánh Gioan viết rằng chúng ta phải yêu thương nhau vì “Thiên Chúa là Tình Yêu”. Tình yêu cốt ở điều này là Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước và đã sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta. (x.1Ga 4,7-10). Việc Chúa Cha cho Chúa Giêsu thực thi thiên tính bằng dấu lạ hóa bánh cá ra nhiều khiến chúng ta phải xác tín rằng đã yêu thì phải làm ngay những việc cần làm và Chúa sẽ giúp thêm cho.
Những hình thức quá tính toán và biện bạch rằng “một con én không làm nên mùa xuân” có thể chỉ là cách bào chữa cho lối sống thụ động, ích kỷ, dửng dưng và có thể là nhát đảm. Cố nhạc sĩ họ Trịnh có ca từ: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng..”. Khi có tấm lòng thì chúng ta sẽ biết nhạy bén với nhu cầu của tha nhân, nhất là nhu cầu của những người kém phận. Tuy nhiên sự bén nhạy của lòng chúng ta có thể dần hóa thành xơ cứng nếu không biết bắt tay làm ngay những việc phải làm. Dù rằng trong các chương trình, kế hoạch phải biết cẩn trọng vì “dục tốc bất đạt”, nhưng xin chớ quên rằng động từ yêu (love – aimer) nếu ở thì tương lai thì nhiều khi là “vô nghĩa”.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột