Yêu như Chúa yêu

(Suy niệm lễ Thánh Tâm Chúa Giê-su)

Đây là một câu chuyện tình có thực đã được dựng thành phim và được chiếu trên đài truyền hình Pháp năm 1996. Nội dung câu chuyện như sau:

Antôn là một chàng trai người Phi châu, mồ côi mẹ sống với cha trên đất Pháp. Không có giấy tờ, cũng chẳng có việc làm, nơi ở là một góc phố tối tăm trên căn gác vừa chật lại vừa hẹp. Điều trớ trêu thay Antôn lại yêu Valery, một cô gái người Pháp thuộc gia đình quý tộc, nặng óc kỳ thị. Tình yêu của hai người đầy dẫy những thăng trầm bấp bênh vì màu da chủng tộc. Nhiều lần cha mẹ của Valery đã đến nói rõ với cha của Antôn rằng, họ sẽ không đời nào cho con gái chung sống với người da đen.

Trong đau khổ và tuyệt vọng, hai người đành quyết định đi tìm khung trời mới cho riêng họ. Thế rồi cô gái bèn đánh liều ăn cắp tiền của cha mẹ và lên đường đi xa, nhưng họ đã bị bắt giữ ngay trong đêm họ trốn đi. Quá nhiều xúc động dồn dập qua nhiều biến cố, Valery bị nhồi máu cơ tim phải nhập viện. Gia đình cô nhân cơ hội này để cắt đứt mối liên lạc giữa hai người, và để ngăn ngừa mọi hậu hoạ, cha mẹ Valery đã báo cảnh sát biết về tình trạng cư trú bất hợp pháp của hai cha con Antôn, nhưng cảnh sát đã không bắt được Antôn, vì hôm ấy chàng trai da đen thất tình còn mải lang thang ngoài đường phố. Nhiều tuần lễ sau, các bác sĩ cho biết Valery cần phải được thay tim ngay lập tức thì mới có hy vọng sống sót. Vô tình biết được tin này, Antôn đã lén thăm người yêu đang đau bệnh.

Trở về nơi con phố quen thuộc của anh, vắng bóng người cha yêu dấu, chàng trai khóc suốt đêm cho đến khi cảnh sát ập đến nhà để bắt chàng; họ thấy chàng mê mẩn trong bất tỉnh, thay vì đưa chàng vào nhà tù, họ đã đưa chàng nhập viện và chỉ vài tiếng sau chàng trút hơi thở cuối cùng, trong túi áo của chàng người ta chỉ tìm thấy vỏn vẹn một tờ di chúc với dòng chữ như sau:

“Xin trao tặng trái tim này cho Valery, người yêu của tôi”, và Valery đã được cứu sống nhờ trái tim người mình yêu trao tặng.

Kính thưa quý ông bà và anh chị em, Chúng ta đang sống trong một thế giới mà trong đó sự vô cảm đang lan tràn, đang lên ngôi. Điều này Đức Thánh Cha Phanxico cũng nêu rõ trong sứ điệp Mùa Chay 2015 vừa qua, Ngài nhấn mạnh “Thường thì khi chúng ta mạnh khoẻ và dễ chịu, chúng ta quên mất những người khác (Chúa Cha không bao giờ làm như thế): chúng ta không quan tâm đến những vấn đề của họ, những nỗi đau và bất công họ đang chịu... Tâm hồn chúng ta trở nên lạnh lùng. Bao lâu tôi còn tương đối mạnh khoẻ và dễ chịu, thì tôi chẳng nghĩ đến những người không được khoẻ mạnh. Ngày nay, thái độ vô cảm ích kỷ này mang một chiều kích toàn cầu, đến độ chúng ta có thể nói đó là một thứ toàn cầu hoá thói vô cảm.”

Kính thưa quý ông bà và anh chị em,

Vì thái độ vô cảm, vì thái độ dửng dưng, không coi trọng nhau, không quan tâm đến nhau nên bạo lực, hận thù và ghen ghét đang xảy ra từng giây phút trong cuộc đời của mỗi người chúng ta. Có thể nói chủ nghĩa “Mac-kê-nô” đã và đang ăn sâu vào tận đáy lòng của mỗi người, dẫn đến thiếu hy sinh, thiếu yêu thương và thiếu bác ái cho nhau. Điều đó cũng làm cho chiều kích nhân bản: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín cũng bị sói mòn mà không muốn nói là đang bị vùi dập.

Thưa ông bà và anh chị em,

Có thể nói chúng ta đang sống trong một thế giới được coi là thế giới phát triển về mọi mặt, khoa học kỹ thuật lên ngôi, trí óc con người được coi là phát triển tột đỉnh,...tuy nhiên, khi trí óc con người mở ra, phát triển thì trái tim con người dường như bị co lại, không muốn nói là bị đóng lại và bị chai cứng.

Thế giới chúng ta được gọi là thế giới tiến bộ, thế giới phẳng, nhờ vậy mà con người dễ dàng xích lại gần nhau hơn, cùng giao lưu, cùng làm việc, cùng đối thoại với nhau dù cách xa nhau hàng vạn cây số, dù cách nhau nửa quả địa cầu. Chẳng hạn con cái của chúng ta đang tha phương cầu thực ở các nước bạn xa xôi chúng ta, thế nhưng chúng ta có cảm tưởng rất gần gũi qua mạng internet, qua điện thoại để cùng nhau hỏi thăm, cùng nhau chia sẻ khi cần thiết.

Tuy nhiên, một đàng nền khoa học phát triển, một đàng con người đang tiến triển về mọi lĩnh vực, thì hố ngăn cách giàu nghèo ngày càng bị lún sâu và phân biệt cách rõ ràng. Hình như tình thương đối với nhau cũng như mọi lĩnh vực trong cuộc sống đang được đánh đổi bằng vật chất, cụ thể là đồng tiền là number One, là số 1. Tiền được xem là tiên là phật, là sức bật của tuổi trẻ, là sức khỏe của tuổi già, là cái đà của danh vọng, là cái lọng để che thân, là cái cân của công lý, có tiền là hết ý,...

Có thể cái ‘nạn’ đó không trừ một ai, không tha cho ai, nó ăn sâu vào tận từng con người, từng gia đình, từng giáo họ, từng giáo xứ, và trên toàn thế giới.

Ngoài ra, thưa quý ông bà và anh chị em,

Vẫn còn đó những bất hòa, bất thuận, vẫn còn đó cảnh chết chóc lan tràn không những qua các cuộc chiến tranh, khủng bố; qua việc con giết cha, mẹ giết đứa con khi nó chưa kịp chào đời, anh giết em, vợ chồng giết nhau, người tình giết nhau,...bạo lực gia đình, bạo lực học đường, bạo lực đường phố, nạn “đút tiền” để các bác sĩ, y tá được mệnh danh là “Lương y như từ mẫu” để tiêm cho bệnh nhân nhẹ hơn, để được cấp cứu nhanh hơn,...vvv

Kính thưa quý ông bà và anh chị em,

Cùng với ông bà và anh chị em, chúng ta vừa nêu lên những vấn nạn, những hiện tượng được xem là nền văn hóa sự chết đang “nở rộ” khắp từng ngõ hẻm trên toàn thế giới, tại sao lại xảy ra như vậy? Xin trả lời ngay, vì chúng ta thiếu gắn kết đối với tình yêu của Thiên Chúa; vì chúng ta thiếu chiêm ngắm trái tim của Chúa Giêsu; vì chúng ta thiếu đời sống cầu nguyện, thiếu đời sống yêu mến thánh lễ,...

Kính thưa, chính vì yêu thương, dù con người tội lỗi, Thiên Chúa đã ban Con Một của Ngài đến thế gian để cứu độ thế gian. Quả thật, không có tình yêu nào cao cả bằng tình yêu của người đã hy sinh tính mạng của mình vì bạn hữu. Chính Đức Giêsu Kito mang bản tính Thiên Chúa, nhưng đã không ngần ngại mang lấy bản tính con người để trở nên giống chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi. Ngài đã đồng hành với những người cùng khổ, ngài cho kẻ què đi được, kẻ mù thấy được, kẻ điếc nghe được, kẻ bệnh hoạn được chữa lành; Ngài sẵn sàng tha thứ cho những người tội lỗi biết ăn năn hối cải; ngay cả cái chết Ngài cũng đã chiến thắng,...Quả thật, khi tôi yêu ai, tôi muốn được trở nên gần gũi với người ấy, cũng vậy vì yêu thế gian nên Chúa Giêsu, Ngôi Lời Nhập Thể đã đến để ở cùng con người chúng ta, chính Ngài là Emmanuel. Nơi Ngài tràn ngập một trái tim hiền hậu, một trái tim yêu thương, một trái tim khiêm tốn,..Xin uốn lòng chúng ta nên trái tim Chúa có nghĩa là chúng ta cũng hãy học hỏi và noi gương bắt chước lòng quảng đại, vị tha và yêu thương nơi Chúa.

Thật vậy, đâu là việc cụ thể để chúng ta uốn nắn lòng, trái tim của chúng ta cùng nhịp đập, cùng giống như trái tim Chúa? Kính thưa quý ông bà và anh chị em, hằng ngày chúng ta đọc kinh thương người có 14 mối, thương xác bảy mối: nhưng chúng ta có thật sự cho kẻ khát uống không? Có cho kẻ đói ăn không? Kẻ bị rách rưới hiện diện đó, chúng ta có cho họ mặc không? Bao nhiêu kẻ bệnh hoạn, tật nguyền đang đau đớn, đang khát khao một sự an ủi, hỏi han của chúng ta, nhưng dường như chúng ta không muốn lắng nghe và để ý tới họ? Nhiều người đang không nhà không cửa đang phải vất va vất vướng khắp nơi đang cần một chỗ để trọ qua đêm, nhưng chúng ta vẫn đóng cửa tâm hồn, đóng cửa nhà vật chất để không muốn nhìn thấy họ để tránh phiền hà, tránh liên lụy. Bao nhiêu kẻ đang làm mất lòng ta, bao nhiêu người đang bất hòa vì một hiểu nhầm, vì một lời nói không vừa ý, vì một hành động sai trái,... chúng ta có thật sự quảng đại để tha thứ, để làm hòa và nhường nhịn vì tình yêu không? Ôi nói sao cho vừa, nói sao cho hết điều mà Chúa muốn chúng ta nên giống trái tim Chúa.

Kính thưa quý ông bà và anh chị em,

Mừng lễ Thánh Tâm trong dịp tuần chầu, một đàng chúng ta được mời gọi hãy chiêm ngắm tình yêu vô vị lợi, lòng thương xót vô bờ bến của Chúa, đàng khác, chúng ta được mời gọi hãy cố gắng mặc lấy Đức Kitô, uốn nắn lòng, trái tim của chúng ta nên giống trái tim Chúa, để trái tim chúng ta cùng một nhịp đập với Trái tim Chúa trong mọi suy nghĩ, trong mọi lời nói, trong mọi việc làm ở khắp mọi nơi, mọi lúc và mọi hoàn cảnh. Như Anh Anton đã sẵn sàng hy sinh hiến tặng quả tim của mình cho Valery, nhất là như Đức Kito đã trao ban quả tim yêu thương của Ngài cho chúng ta, chúng ta cũng được mời gọi hãy sống cho tha nhân, hãy sống vì người khác, cho người khác và hãy sống với mọi người.

Là con thảo của Thánh Tâm Chúa, chúng ta hãy là cuốn sách Tin Mừng sống động cho người khác đọc, cho anh chị em lương dân đang sống chung quanh chúng ta đọc. Tuy nhiên, để xứng đáng là cuốn sách Tin Mừng cho người khác, tiên vàn chúng ta hãy suy xét lại con người cũ của chúng ta với biết bao điều sai trái xúc phạm đến Chúa và tha nhân để nhanh chân bước tới Tòa Giải tội để làm hòa với Chúa và với anh chị em hầu tận hưởng được hiệu quả ân sủng trong những ngày trọng đại này. Xin cám ơn quý obace.

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương