Tại Giêrusalem nơi Chúa Giêsu đã trải qua những giờ phút cuối cùng của Ngài trong cuộc sống dương thế, vào lúc 8 giờ sáng ngày Thứ Sáu Tuần Thánh 15 tháng Tư, Đức Tổng Giám Mục Pierbattista Pizzaballa là Thượng Phụ Công Giáo Nghi Lễ Giêrusalem, Đức Tổng Giám Mục Tito Yllana là khâm sứ Tòa Thánh tại Giêrusalem và hơn 200 linh mục đã cử hành thánh lễ Suy Tôn Thánh Giá tại nhà thờ Mộ Thánh.

Vào lúc 11 giờ sáng, các hiệp sĩ Thánh Mộ và anh chị em tín hữu đã đi đàng Thánh Giá trên chính con đường Chúa đã đi để lên đồi Golgotha.

Được đi lại trên chính con đường thương khó Chúa đã đi qua là một kinh nghiệm sâu sắc thay đổi cuộc đời biết bao người hành hương đến Giêrusalem.

Tương truyền, sinh thời Đức Mẹ có thói quen hàng ngày đi viếng lại tất cả những nơi Chúa Con đã đi qua trong cuộc tử nạn. Sau khi hoàng đế Constantine công nhận Kitô giáo vào năm 313, địa điểm của một số chặng quan trọng trong đàng thánh giá này đã được xác định cụ thể. Trong một tác phẩm của mình Thánh Giêrônimô sinh năm 342 và qua đời năm 420 tại Bê-lem cho biết có nhiều đám đông hành hương từ nhiều nước khác nhau đến thăm các nơi thánh và đi đàng thánh giá tại Thánh Địa.

Năm 1342, các tu sĩ Phanxicô được chỉ định làm người canh giữ các di tích Thánh Địa. Các tín hữu sẽ nhận được ân xá khi cầu nguyện ở những chặng sau: Tại dinh tổng trấn Philatô, tại nơi Đức Mẹ gặp Đức Giêsu, tại nơi Chúa ngỏ lời với các người phụ nữ thành Giêrusalem, tại nơi Chúa gặp ông Simôn thành Kirênê, tại nơi lính tráng lột áo Chúa, tại nơi Chúa chịu đóng đinh, và tại hang đá nơi an táng Chúa.

Khi những người Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ chặn đường sang Thánh Địa, việc cho tái dựng các chặng đàng thánh giá được thực hiện tại các trung tâm hành hương lớn trên thế giới,

Vào cuối thế kỷ thứ 17, việc cho dựng các chặng đàng thánh giá trong các nhà thờ ngày trở nên phổ biến. Năm 1686, Đức Innocent 11 nhận thấy hiếm người có thể tới được Thánh Địa vì sự cấm cản của Hồi giáo, ngài ban cho các tu sĩ dòng thánh Phanxicô đặc quyền được dựng chặng đàng thánh giá nơi tất cả các nhà thờ của mình. Năm 1731 Đức Clementê 12 mở rộng đặc quyền này hơn nữa và cho phép tất cả mọi nhà thờ được đặt các chặng đàng thánh giá.

Các nghi thức tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Kitô tại Thánh Địa Giêrusalem không kết thúc sau lễ nghi suy tôn thánh giá nhưng trái lại buổi tối ngày Thứ Sáu Tuần Thánh mới là cao điểm với một nghi thức được nhiều người trông đợi đó là tang lễ của Chúa Kitô.

Đây là một nghi thức rất thịnh hành từ thời Trung Cổ ở nhiều quốc gia Âu Châu. Nhưng ở Giêrusalem, ngay tại nơi Chúa Giêsu đã chịu đóng đinh và chịu chết trên thánh giá, nghi thức này có một ý nghĩa đặc biệt.

Ngay từ chiều tối đoàn rước tiến bước chậm chạp trong tiếng nhạc trầm buồn, u sầu trong đền thờ Thánh Mộ. Thỉnh thoảng đoàn lại dừng ở các nhà nguyện khác nhau trong đền thờ để suy niệm.

Bài trình thuật cuộc thương khó của Chúa Giêsu được đọc lên bằng các ngôn ngữ khác sau. Vị tổng thư ký của đoàn hiệp sĩ Thánh Mộ đã vác một cây thánh giá lên đồi Golgotha, ở đó sau khi đoạn Phúc Âm mô tả việc Chúa trút hơi thở cuối cùng và việc tháo đanh Chúa, 2 vị phó tế bắt đầu diễn lại các động tác tháo đanh và đưa Chúa xuống khỏi thánh giá trong không khí u buồn và than khóc. Đầu tiên là tháo mão gai trên đầu Ngài, rồi đến những chiếc đinh đã ghim Chúa vào thập giá.

Các động tác này tạo ra một bầu không khí thực sự mong đợi cho việc suy niệm về những biến cố lịch sử đã diễn ra ở đây. Một hình nộm của Chúa bị đóng đinh được rước vào trong huyệt đá để xức dầu thơm và được nhẹ nhàng đặt ở đó.

Một tu sĩ dòng Phanxicô, xức dầu chân dung của Đức Kitô trong khi nhắc lại lời Phúc Âm “Ông Giuse người xứ Arimathea là một môn đệ của Chúa Giêsu đã xin Philatô cho ông được tháo xác Chúa xuống khỏi thập giá. Philatô cho phép, và ông đã đưa xác Chúa xuống, bọc trong vải liệm, với các loại dầu thơm theo phong tục chôn cất của người Do Thái”.

Sau đó đoàn rước đến Mộ Thánh nơi đám tang Chúa được thực hiện cách biểu tượng.