CHỈ SỢ NGHÈO LÒNG
CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN NĂM C

Dụ ngôn người giàu – giàu đến mức Chúa Giêsu không gọi tên anh ta, thay tên gọi, Chúa gọi anh là “nhà phú hộ” – và người nghèo tên là Lazarô nhắc mỗi người ý thức bổn phận sống bác ái, chia sẻ những gì có thể cho anh chị em, nhất là giúp đỡ những người túng cực, nghèo đói…

Người giàu - người nghèo; sự đối lập giữa giàu - nghèo, sự tương phản giữa sung sướng do giàu - khổ đau, đói rách do nghèo thời nào mà chẳng có. Bức tranh cuộc sống có những gam màu sáng - tối giữa "kẻ ăn không hết" và "người lần không ra" luôn là thứ hiện sinh vây lấy con người.

Tuy nhiên, giàu, tự bản thân, không là tội. Nghèo cũng không phải hình phạt. Chúa không kết án phú hộ vì đã bóc lột, lăng nhục hay xua đuổi Lazarô. Chúa cũng không lên án ông sống gian dối, tham lam, trộm cướp. Mạch văn cho ta hiểu thêm: ông trở nên phú hộ là do bươn chải, vất vả, bỏ công tích cóp mới có. Công sức ông đổ ra, ông có quyền được hưởng.

Chúa cũng không cho thấy Lazarô ngửa tay xin giúp đỡ và bị phú hộ từ chối. Lazarô chỉ nằm đó trong cái xác đói lả, co ro, rét mướt và ghẻ lở ngay ngưỡng cửa nhà người giàu.

Vì lý do gì người phú hộ sa hỏa ngục? Chỉ một lý do duy nhất: Người giàu đã không nhìn thấy người nghèo ở ngay bên. Ông quá ích kỷ. Ông bỏ qua cơ hội cứu giúp người nghèo bớt đói, giảm thiểu khả năng bị cái chết tấn công, trong khi việc cứu giúp ấy hoàn toàn nằm trong tầm tay ông.

Vô cảm và tiếc rẻ tiền bạc khiến ông chai cứng tâm hồn trước nhu cầu sống của người anh em sát cạnh. Không chỉ anh em trên phương diện làm người, đó còn là người cùng niềm tin vào Thiên Chúa, cùng tuân giữ luật Môsê như ông.

Dù không chủ trương hay cố tình ác tâm, nhưng thói vô cảm và tiếc rẻ tiền của, biến ông nên người ác. Ông phải trả giá cho lối sống khô cứng của mình.

Theo Vụ Các vấn đề Kinh tế và Xã hội của Liên Hiệp quốc, năm 2019 thế giới có khoảng 1,3 tỷ người thu nhập chưa đầy một đôla mỗi ngày. Nghĩa là họ sống dưới mức nghèo khổ.

Từ khi dịch cúm Vũ Hán bùng phát đến nay, người ta chưa có số liệu chính xác về người nghèo, nhưng chắc chắn, đã tăng ngất ngưỡng. Đó là chưa kể, hiện nay, do việc Nga xâm lược Ucraina, trong khi cả hai quốc gia đều nằm trong số những quốc gia hàng đầu về việc cung cấp lương thực, thực phẩm và các loại nhu yếu khác của đời sống thế giới, cộng với việc Mỹ và phương Tây buộc phải sử dụng nhiều biện pháp chế tài gắt gao dành cho Nga, chắc chắn số lượng người nghèo, người đói của thế giới đang gia tăng hãi hùng.

Đọc hay nghe những bản tin như trên, có thể chúng ta bàng quan cho rằng, đó là chuyện đại sự, chuyện của thế giới, mỗi cá nhân làm sao có thể làm gì để bù đắp những thiếu thốn chất đầy như núi?

Nếu là người tin Thiên Chúa, biết mình luôn hưởng nhờ tình yêu của Chúa, luôn ý thức cao và mạnh rằng, Chúa đòi ta phải lên đường đến với anh em đói nghèo, bệnh tật, chúng ta không dám có những suy nghĩ tiêu cực như vừa nói.

Bởi không thể làm gì lớn, ta vẫn có thể thi hành nhiệm vụ của mình trong khả năng có thể có được. Lối suy nghĩ như trên là lối suy nghĩ thoái thác, trốn trách nhiệm, ích kỷ và vô cảm.

Điều quan trọng không nằm ở chỗ có nhiều hay ít, cánh tay có thể vươn ra thế giới hay không. Nhưng quan trọng ở chỗ, ta có thực tâm yêu Chúa, yêu người, thực tâm muốn sống Lời Chúa bằng thi hành đức bác hay không mà thôi!

Hãy yêu. Hãy tập yêu. Tình yêu sẽ cho ta cách để yêu, để trao tặng, để cho đi. Không có cá nhân biết đặt tình yêu con người lên hàng đầu, thế giới không có những tập thể, những chủ trương, những đường lối hướng đến người nghèo.

Đức ái Kitô buộc ta phải sống với người nghèo, người khổ, người đau bệnh, người bất hạnh để thực hành nguyên lý "cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống".

Là Kitô hữu, ta tuyệt đối không dửng dưng với người đau khổ, không đồng lõa với bất công, với những chủ thuyết vô nhân đạo trong xã hội. Mọi nơi, mọi lúc, hãy nêu cao Mối Phúc thứ Năm mà Chúa công bố trong Hiến chương Nước Trời: "Phúc cho ai biết thương xót, người ấy sẽ được xót thương".

Hoặc lời khẳng định của Chúa: Ai cho anh em mình dù chỉ một chén nước lã thôi, người ấy đã trao ban cho chính Chúa.