1. Chạy không kịp 1.060 quân Nga tử trận, cùng 9 xe tăng, 11 xe thiết giáp, 23 hệ thống pháo, máy bay Nga tiếp cứu bị bắn rớt

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Ba mùng 7 tháng Ba, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết tình hình tại thành phố Bakhmut đã tương đối ổn định.

Trong 24 giờ qua, quân xâm lược Nga đang tập trung nỗ lực tiến hành các hành động tấn công ở các hướng Bakhmut, Kupiansk, Lyman, Avdiivka và Shakhtarsk. Trong ngày qua, lực lượng phòng thủ Ukraine đã đẩy lùi hơn 130 cuộc tấn công trên các hướng này. Ngoại trừ tại thành phố Bakhmut, các cuộc tấn công của đối phương chỉ có tính chất thăm dò, và nhanh chóng bị dập tắt.

Riêng tại thành phố Bakhmut, các lực lượng Nga đã thực hiện 50 cuộc không kích và 5 cuộc tấn công bằng hỏa tiễn trong đêm nhằm yểm trợ cho 37 cuộc tấn công. Tất cả 37 cuộc tấn công đều bị đẩy lui. Viện binh của quân Ukraine còn chủ động mở 12 cuộc tấn công bên ngoài thành phố Bakhmut.

Trong 24 giờ qua, 1.060 quân Nga tử trận, chủ yếu là tại thành phố Bakhmut. Bên cạnh đó, quân xâm lược còn mất 9 xe tăng, 11 xe thiết giáp. Nga đã tung các chiến đấu cơ lên yểm trợ cho bộ binh đang tháo chạy. Một chiếc Su 25 bị bắn rớt. Quân Nga đã bỏ lại đến 23 hệ thống pháo.

Có hai yếu tố đang thay đổi tình hình một cách sâu sắc tại thành phố Bakhmut. Thứ nhất, quân Ukraine nhận được một khối lượng lớn đạn pháo từ các nước Đông Âu. Một số lượng lớn đạn pháo 155ly của Hoa Kỳ cũng đã đến nơi. Từ bên ngoài thành phố Bakhmut, các cỗ trọng pháo bắn suốt ngày đêm giải vây cho thành phố.

Thứ hai, theo Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, quân Ukraine đã tìm được cách đối phó với một chiến thuật mới của quân Nga được áp dụng từ cuối tháng Hai. Chiến thuật này được gọi là “assault detachment” hay “biệt đội tấn công”. Theo chiến thuật này các lực lượng Nga bắt đầu các cuộc tấn công của họ bằng cách tấn công vào tiền tuyến của lực lượng phòng thủ bằng xe tăng hoặc chất nổ để tạo lỗ hổng trên hàng rào và các tòa nhà nhằm bảo đảm lối đi an toàn cho một đại đội tấn công, nhanh chóng tìm cách chiếm giữ các điểm quan sát, khiến đối phương bối rối, chiếm giữ nhiều cơ sở, nhiều tầng trong các tòa nhà, và ẩn nấp.

ISW nhận định rằng chiến thuật này cố gắng tạo ra các đội hình quân sự linh hoạt hơn. Tuy nhiên, vì ít được đào tạo bài bản, các hướng dẫn được quân Nga “áp dụng một cách mù quáng trên chiến trường dựa trên một số ví dụ thành công”. Quân Ukraine rõ ràng là đang tìm được cách khắc chế chiến thuật này.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 7 Tháng Ba, các Lực lượng Vũ trang Ukraine đã loại bỏ khoảng 154.830 lính Nga. Tổng thiệt hại chiến đấu của đối phương bao gồm 3.432 xe tăng, 6.714 xe thiết giáp, 2.456 hệ thống pháo, 488 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 253 hệ thống phòng không, 303 máy bay, 289 máy bay trực thăng, 2.095 máy bay không người lái, 873 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu chiến, 5.323 xe chuyển quân và nhiên liệu, 236 đơn vị thiết bị đặc biệt.

Cũng trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv vào chiều thứ Ba, phát ngôn nhân Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng cho biết người lính Ukraine bị Nga hành quyết là anh Tymofiy Mykolayovych Shadura, một quân nhân của Lữ đoàn cơ giới biệt lập số 30. Anh Shadura được ghi nhận mất tích kể từ ngày 3 tháng 2 năm 2023 sau các cuộc chiến ở thành phố Bakhmut, vùng Donetsk.

Tưởng cũng nên nhắc lại, các quan chức Ukraine đã chỉ trích Mạc Tư Khoa sau khi một đoạn video cho thấy anh Shadura, đang bị Nga giam giữ đã bị binh lính Nga hành quyết.

Đoạn video cho thấy anh trong bộ quân phục chiến đấu của Ukraine được lính Nga trao cho một điếu thuốc như ân huệ cuối cùng trước khi bị xử bắn. Anh hút điếu thuốc đó gần nơi dường như là một vị trí chiến đấu. Người lính sau đó rút điếu thuốc khỏi miệng, thổi khói và có thể nghe thấy tiếng nói “Slava Ukraini” (Vinh quang cho Ukraine), trước khi quân Nga bắn nhiều phát vào anh ta.

Thi thể của anh Shadura hiện đang ở trong lãnh thổ tạm thời bị xâm lược. Vào ngày 6 tháng 3, bộ phận điều tra chính của Cơ quan An ninh Nhà nước SBU của Ukraine đã tiến hành tố tụng hình sự sau khi xuất hiện cảnh quay cho thấy anh Shadura bị người Nga bắn.

2. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh, cho biết như sau:

Việc phòng thủ Bakhmut của Ukraine tiếp tục làm suy giảm lực lượng của cả hai bên. Cuối tuần qua, các lực lượng Ukraine có thể đã ổn định vành đai phòng thủ của họ sau những bước tiến trước đó của Nga vào phía bắc thị trấn.

Một cuộc tấn công của Nga đã phá hủy một cây cầu bắc qua con đường tiếp tế trải nhựa duy nhất vào Bakhmut vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine vào khoảng ngày 02 tháng 3. Điều kiện lầy lội có khả năng cản trở các nỗ lực tiếp tế của Ukraine khi họ ngày càng sử dụng các lối đi không trải nhựa.

Những bất đồng công khai giữa Tập đoàn Wagner và Bộ Quốc phòng Nga về việc phân bổ đạn dược làm nổi bật khó khăn trong việc duy trì mức nhân sự và đạn dược cao cần thiết để tiến lên với chiến thuật hiện tại của họ.

3. Cố vấn tổng thống nói phòng thủ Bakhmut là một “thành công chiến lược vĩ đại” đối với Ukraine

Cố vấn tổng thống Mykhailo Podolyak cho biết, cuộc bảo vệ thành phố Bakhmut của Ukraine đã “đạt được mục tiêu” và là “một thành công chiến lược lớn” đối với quân đội Ukraine.

Polodyak cho biết Ukraine có hai mục tiêu chính trong việc bảo vệ Bakmut: kéo dài thời gian để bổ sung lực lượng và gây tổn thất nặng nề cho quân đội Nga. Ông cho biết quyết định ưu tiên bảo vệ khu vực trọng điểm là một chiến lược chung do các quân binh chủng của đất nước vạch ra với sự chấp thuận của tổng thống Ukraine.

“Đối với việc bảo vệ Bakhmut, nó đã đạt được mục tiêu 1000%. Quân đội thực hiện kế hoạch một mặt tiêu diệt nhóm sẵn sàng chiến đấu chính của đối phương, mặt khác cho phép huấn luyện và đào tạo hàng chục nghìn binh sĩ Ukraine để chuẩn bị cho một cuộc phản công”, ông Podolyak nói.

Ông nói thêm: “Ngay cả khi giới lãnh đạo quân sự tại một thời điểm nào đó quyết định rút lui đến các vị trí thuận lợi hơn, thì trường hợp bảo vệ Bakhmut sẽ là một thành công chiến lược lớn đối với Lực lượng Vũ trang Ukraine, làm nền tảng cho chiến thắng trong tương lai”.

Podolyak cảnh báo rằng quyết định rút quân vẫn chưa được đưa ra, thay vào đó đã có sự đồng thuận giữa các nhà lãnh đạo quân sự để tiếp tục bảo vệ thành phố.

“Đây là một lợi thế của mô hình dân chủ, cho phép chúng ta lựa chọn và đưa ra quyết định tốt nhất. Rất nhiều câu hỏi quan trọng được đặt ra bởi chính tổng thống. Vì quyết định cuối cùng, với tư cách là tổng tư lệnh, được đưa ra bởi người đứng đầu nhà nước, nên tổng thống cảm thấy rất có trách nhiệm cá nhân,” ông nói thêm.

4. Liên Hiệp Âu Châu hợp tác mua sắm vũ khí giúp Ukraine

Liên Hiệp Âu Châu đang tiến gần hơn tới một động thái mang tính bước ngoặt trong việc mua sắm chung đạn dược để giúp Ukraine và bổ sung kho dự trữ của các thành viên nhưng những câu hỏi lớn liên quan đến kinh phí và quy mô vẫn chưa được giải quyết, Reuters đưa tin.

Các bộ trưởng quốc phòng Liên Hiệp Âu Châu trong tuần này sẽ thảo luận về kế hoạch tăng tốc cung cấp đạn 155ly cho Ukraine, quốc gia đang cầu xin thêm đạn pháo như vậy để chống lại cuộc xâm lược của Nga, và cùng nhau đặt hàng nhiều loại đạn hơn.

Hanno Pevkur, Bộ trưởng Quốc phòng Estonia - quốc gia đã thúc đẩy Liên Hiệp Âu Châu đặt mua hàng triệu quả đạn pháo - cho biết ông tin rằng các bộ trưởng sẽ đạt được “sự đồng thuận chính trị” để theo đuổi việc mua sắm chung khi họ gặp nhau tại Stockholm vào hôm thứ Tư.

Nhưng ông lưu ý rằng các vấn đề chính vẫn đang được tranh luận, chẳng hạn như cách thanh toán cho các giao dịch mua chung. Pevkur khẳng định các thành viên Liên Hiệp Âu Châu không thể dựa vào các khoản tiền đã cam kết viện trợ quân sự cho Ukraine.

“Chúng ta cần một sự đồng thuận rõ ràng rằng phải có tiền mới cho sáng kiến này,” ông nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.

Chỉ huy tối cao của Lực lượng chung NATO ở Âu Châu và Tư lệnh Lực lượng Vũ trang Hoa Kỳ ở Âu Châu, Tướng Christopher Cavoli, cho biết trung bình quân đội Nga bắn hơn 23.000 quả đạn pháo mỗi ngày. Khó khăn lớn nhất hiện nay là quân Ukraine không đủ khả năng để bắn 1 phần ba cơ số đạn như thế.

Tuy nhiên, họ có thể khắc phục bằng cách phóng các hỏa tiễn tầm xa vào các kho đạn pháo của Nga. Ông đề nghị Hoa Kỳ cung cấp cấp hệ thống hỏa tiễn với tầm bắn xa hơn các loại đã được cung cấp cho đến nay.

Trích dẫn các thông tin tình báo của Vương Quốc Anh, Bộ trưởng Quốc phòng Hanno Pevkur tỏ ra rất lạc quan. Trong khi quân Ukraine đang nhận được một số lượng lớn xe tăng, Nga đã có dấu hiệu cạn kiệt xe tăng và không có triển vọng sản xuất để bù đắp những tổn thất vì đang bị cấm vận.

Tưởng cũng nên nhắc lại là trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh cho biết quân Nga thiếu xe tăng đến mức phải lôi ra các xe tăng từ đời 1962 và các xe thiết giáp từ thời 1954. Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh cho biết như sau:

Quân đội Nga đã tiếp tục đối phó với những tổn thất nặng nề về chiến xa bằng cách triển khai xe tăng chiến đấu chủ lực T-62 đã 60 tuổi.

Có khả năng thực tế là ngay cả các đơn vị của Tập Đoàn Quân Xe Tăng Cận Vệ số Một, được cho là lực lượng xe tăng hàng đầu của Nga, cũng phải được tái trang bị xe tăng T-62 để bù đắp cho những tổn thất trước đó.

Tập Đoàn Quân Xe Tăng Cận Vệ số Một trước đây dự kiến sẽ nhận được xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata thế hệ sau năm 2021.

Trong những ngày gần đây, xe bọc thép chở quân BTR-50 của Nga, lần đầu tiên được biên chế vào năm 1954, cũng được xác định đã triển khai lần đầu tiên ở Ukraine.

Kể từ mùa hè năm 2022, khoảng 800 chiếc T-62 đã lấy ra từ trong kho và một số chiếc đã nhận được hệ thống quan sát nâng cấp, rất có thể sẽ cải thiện hiệu quả của chúng vào ban đêm.

Tuy nhiên, cả hai loại phương tiện cổ điển này sẽ có nhiều lỗ hổng trên chiến trường hiện đại, bao gồm cả việc không có lớp giáp chống phản ứng nổ hiện đại.

5. Kallas của Estonia chiến thắng trong cuộc bầu cử vào hôm Chúa Nhật

Thủ tướng Estonia Kaja Kallas chuẩn bị thành lập chính phủ liên minh mới sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào Chúa Nhật.

Đài truyền hình nhà nước ERR đưa tin Đảng Cải cách của Kallas đã giành được 37 trong số 101 ghế trong quốc hội.

Kallas lần đầu tiên được bầu làm thủ tướng vào năm 2021 và đã bày tỏ lập trường thân Âu Châu, cũng như ủng hộ mạnh mẽ Ukraine.

Kallas hiện phải tập hợp đa số 51 ghế để thành lập liên minh, làm việc với một hoặc nhiều trong số năm đảng khác giành được ghế trong quốc hội tiếp theo.

Đảng mạnh thứ hai, EKRE theo chủ nghĩa dân tộc cực hữu, chiếm 17 ghế, theo ERR.

Theo Ủy ban bầu cử Estonia, cuộc bầu cử có tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao nhất kể từ khi Estonia giành lại độc lập vào năm 1991, với 615.009 cử tri tham gia.

6. Chỉ huy NATO nói: Moldova không nên sợ nước Nga không có khả năng

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Moldova Shouldn't Fear Incapable Russia, NATO Chief Says”, nghĩa là “Chỉ huy NATO nói: Moldova không nên sợ nước Nga không có khả năng.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Phó tổng thư ký NATO cho rằng Moldova nên bớt sợ hãi trước Nga, trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về tình hình an ninh ở nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ này.

Phát biểu với kênh truyền hình Prima TV của Rumani hôm thứ Bảy, Mircea Geoană cáo buộc Nga đã gây “áp lực to lớn” đối với Cộng hòa Moldova “trên mọi mặt trận”.

Căng thẳng gia tăng giữa Nga và Moldova trong những tuần gần đây. Tổng thống Moldova Maia Sandu đã cáo buộc vào tháng 2 rằng Nga, với sự giúp đỡ của các cá nhân đóng giả người biểu tình chống chính phủ, đang tìm cách lật đổ chính phủ của cô và ngăn cản đất nước của cô gia nhập Liên minh Âu Châu.

Sandu, một đồng minh của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, cũng cáo buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn sử dụng Moldova trong cuộc chiến chống lại Ukraine.

Moldova, một quốc gia Đông Âu nhỏ có chung đường biên giới với Ukraine, có quân đội Nga đồn trú tại khu vực ly khai Transnistria. Điện Cẩm Linh đã cáo buộc Ukraine lên kế hoạch dàn dựng một cuộc tấn công cờ giả như một cái cớ để Kyiv xâm chiếm Transnistria.

“Đó là chiến tranh hỗn hợp tốt nhất của nó. Đó không phải là một cuộc chiến tranh nóng bỏng như ở Ukraine, mà là một cuộc chiến hỗn hợp ở mức tối đa chống lại Cộng hòa Moldova,” Geoană nói.

Tuy nhiên, Geoană cho biết ông không tin rằng có “rủi ro quân sự đối với Cộng hòa Moldova vào thời điểm này.”

Ông nói thêm, Moldova cần “bớt sợ hãi trước Nga vì Nga gần như không thể giải quyết cuộc chiến ở Ukraine”.

Tuần trước, ông cũng nói rằng Moldova sẽ không “yếu về mặt quân sự” mặc dù có vị thế trung lập, nếu Mạc Tư Khoa cố gắng tiến hành một cuộc tấn công chống lại quốc gia Đông Âu này. Moldova nhận tư cách ứng cử viên Liên Hiệp Âu Châu vào tháng 6 năm 2022.

“Chúng ta phải công nhận thực tế rằng Cộng hòa Moldova, sau cuộc chiến ở Transnistria, 30 năm trước, đã có một điều khoản trung lập trong hiến pháp của mình,” Geoană nói. Vì vậy, điều này phải được tôn trọng.

Ông cho biết hôm thứ Bảy rằng Moldova “hiện có vị thế rất, rất cao trong thế giới phương Tây, kể cả ở đây tại NATO.”

“Họ đã là đối tác của NATO trong 30 năm. Chúng ta tôn trọng thực tế rằng đó là một quốc gia trung lập. Hiến pháp của Cộng hòa Moldova quy định rằng đây là một quốc gia trung lập, nhưng không phải là một quốc gia thờ ơ với NATO,” ông nói thêm.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh, một cơ quan cố vấn của Mỹ, hồi tháng 2 cho biết Putin “thiếu năng lực quân sự” để tấn công Moldova, nhưng nói rằng ông ta đang tích cực làm việc để phá hoại nước này.

Bộ Ngoại giao Nga đã bác bỏ các cáo buộc là “hoàn toàn vô căn cứ và không có cơ sở.”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để bình luận qua email.

7. Tàu ngầm hạt nhân Nga triển khai ngoài khơi bờ biển Hoa Kỳ làm bùng lên báo động

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Nuclear Submarines Deployed Off U.S. Coast Spark Alarm”, nghĩa là “Tàu ngầm hạt nhân Nga triển khai ngoài khơi bờ biển Hoa Kỳ làm bùng lên báo động.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Khi cuộc chiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Ukraine tiếp tục ác liệt, các chỉ huy và quan sát viên quân sự của Hoa Kỳ đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về hoạt động của hạm đội tàu ngầm Nga cách đó hàng ngàn dặm, ngay ngoài khơi bờ biển Hoa Kỳ.

Trong suốt cuộc chiến, bắt đầu khi Putin phát động một cuộc xâm lược toàn diện vào nước láng giềng Ukraine vào tháng 2 năm ngoái, lực lượng Hải quân Nga đã được xây dựng ở Hắc Hải. Theo các quan chức, cũng có sự hiện diện ngày càng tăng của các tàu ngầm Nga ngoài khơi bờ biển Hoa Kỳ và ở Địa Trung Hải.

Hải quân Nga chỉ huy một trong những hạm đội tàu ngầm đa dạng nhất trên thế giới. Một số có khả năng mang hỏa tiễn đạn đạo với đầu đạn hạt nhân, là thứ mà Mạc Tư Khoa coi là chìa khóa cho sự răn đe chiến lược của mình.

Quốc gia này đã nỗ lực cải thiện hạm đội tàu ngầm của mình kể từ khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991. Đặc biệt, trong vài năm qua, Mạc Tư Khoa đã sản xuất hàng loạt tàu ngầm có khả năng tiếp cận các mục tiêu quan trọng nhất ở Mỹ và lục địa Âu Châu..

Tháng 10 năm ngoái, Tướng Không quân Hoa Kỳ Glen VanHerck, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Miền Bắc Hoa Kỳ và NORAD, đã cảnh báo về sự hiện diện ngày càng tăng của các tàu ngầm lớp Severodvinsk chạy bằng năng lượng hạt nhân ngoài khơi bờ biển Hoa Kỳ. Ông mô tả Nga là mối đe dọa chính đối với đất nước ngay bây giờ.

VanHerck nói với Hiệp hội Hội nghị Quân đội Hoa Kỳ: “Họ vừa di chuyển tàu ngầm, tàu ngầm Severodvinsk đầu tiên của họ vào Thái Bình Dương. Một chiếc Severodvinsk khác hiện đang ở Địa Trung Hải và một chiếc khác đang trên đường tiến vào Đại Tây Dương. Đó sẽ là một mối đe dọa cận kề, dai dẳng có khả năng mang theo một số lượng đáng kể hỏa tiễn hành trình tấn công mặt đất có thể đe dọa quê hương của chúng ta”.

Một tháng trước đó, OSINT và nhà phân tích Hải quân HI Sutton cho biết đã có sự tăng cường lực lượng Hải quân Nga ở Địa Trung Hải.

VanHerck vào năm 2021 đã mô tả các tàu ngầm này “ngang ngửa” với các tàu ngầm của Hoa Kỳ về độ yên tĩnh.

Vào tháng 2 năm 2020, Phó Đô đốc Hải quân Hoa Kỳ Andrew “Woody” Lewis nói với Viện Hải quân Hoa Kỳ và Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế rằng sự hiện diện ngày càng tăng của hoạt động tàu ngầm Nga ở Đại Tây Dương có nghĩa là các chiến hạm của ông không còn có thể coi Bờ Đông là một khu vực “không bị tranh chấp” hoặc một “nơi trú ẩn an toàn” đương nhiên cho các tàu của mình.

Lewis cho biết: “Chúng ta đã chứng kiến số lượng tàu ngầm Nga ngày càng tăng được triển khai ở Đại Tây Dương và những tàu ngầm này có khả năng hơn bao giờ hết, được triển khai trong thời gian dài hơn, với nhiều hệ thống vũ khí sát thương hơn. Các thủy thủ của chúng tôi có suy nghĩ rằng họ không còn ở thế không bị cạnh tranh và phải sẵn sàng đối phó với các đối thủ cạnh tranh của chúng ta trên mọi hành trình.”

Quy mô chính xác của hoạt động dưới nước của tàu ngầm Nga vẫn chưa rõ ràng, mặc dù Peterson cho biết đã có sự gia tăng rõ ràng trong 20 năm qua.

Tuy nhiên, Peterson lưu ý rằng ông tin rằng Hải quân Nga sẽ có một “điểm yếu” trong ít nhất 3 đến 5 năm tới do cuộc chiến của Putin ở Ukraine.

“ Hải quân Nga đang cạn kiệt vũ khí, tôi nghĩ điều đó là rõ ràng. Chiến dịch của họ chống lại các mục tiêu cơ sở hạ tầng chiến lược đã bị chậm lại. Họ không còn nổ súng thường xuyên nữa, và tôi nghĩ đó là dấu hiệu cho thấy họ sắp hết vũ khí hoặc thiếu nguồn cung”, ông nói với Newsweek.

Ông nói thêm: “Vì vậy, đó sẽ là một điểm yếu trong vài năm tới cho đến khi xung đột kết thúc và Hải quân có thể tái thiết.”

8. Hoa Kỳ huấn luyện các quốc gia NATO về cách vận hành HIMARS trên khắp Âu Châu

Các tuyên truyền viên của Điện Cẩm Linh thi nhau hô hào tấn công vào các quốc gia Đông Âu vì sự hỗ trợ của họ dành cho Ukraine. Trong bối cảnh đó, Hoa Kỳ loan báo kế hoạch huấn luyện các quốc gia về cách vận hành HIMARS.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “U.S. To Train NATO Nations on Operating HIMARS Across Europe”, nghĩa là “ Hoa Kỳ huấn luyện các quốc gia NATO về cách vận hành HIMARS trên khắp Âu Châu.”

Quân đội Hoa Kỳ đang chuẩn bị huấn luyện về Hệ thống hỏa tiễn pháo binh cơ động cao đã nổi bật trong cuộc chiến Ukraine.

Quân đoàn V của Quân đội Hoa Kỳ sẽ dẫn đầu một hội nghị thượng đỉnh và các buổi huấn luyện để “nâng cao kiến thức về hoạt động và bảo trì HIMARS và các hệ thống liên quan,” quân đoàn cho biết trong một tuyên bố. Phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, Chuẩn tướng Pat Ryder, cho biết khóa huấn luyện có thể sẽ diễn ra ở Đông và Trung Âu.

Như đã biết, Sáng kiến Hệ thống Hỏa tiễn Pháo binh Cơ động Cao của Âu Châu sẽ bao gồm các hướng dẫn về “cách vận hành, huấn luyện, bảo trì và chiến đấu hiệu quả với hệ thống vũ khí”. Theo tuyên bố của Quân đoàn V, nó cũng sẽ liên quan đến các binh sĩ nước ngoài tham gia huấn luyện với các đơn vị Hoa Kỳ.

M142 HIMARS, do nhà sản xuất quốc phòng Lockheed Martin của Mỹ chế tạo, là bệ phóng nhiều hỏa tiễn gắn trên bánh xe tiên tiến, có khả năng bắn một số hỏa tiễn chính xác vào các mục tiêu cách xa khoảng 40 dặm.

Hoa Kỳ bắt đầu gửi HIMARS cho lực lượng vũ trang Ukraine vào mùa hè năm ngoái và tính đến ngày 3 tháng 3 năm 2023, Hoa Kỳ đã gửi 38 HIMARS cùng với đạn dược liên quan, theo hồ sơ của Bộ Quốc phòng.

Colin Kahl, thứ trưởng quốc phòng phụ trách chính sách, cho biết vào ngày 1 tháng 6 năm 2022, rằng HIMARS sẽ cung cấp cho các lực lượng vũ trang của Ukraine khoảng gấp đôi tầm bắn của các loại vũ khí pháo binh mà họ đã và đang sử dụng.

HIMARS được Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov ca ngợi là “công cụ mạnh mẽ” vào cuối tháng 6, khi chúng bắt đầu đến đất nước đang bị chiến tranh tàn phá. Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, cho biết vào ngày 27 tháng 7 rằng “HIMARS và các loại vũ khí chính xác khác đang xoay chuyển cục diện chiến tranh theo hướng có lợi cho chúng ta.”

Vào giữa tháng 7, Ukraine đã sử dụng HIMARS để tấn công các kho đạn dược của Nga và “làm suy giảm khả năng của lực lượng Nga trong việc duy trì số lượng lớn hỏa lực pháo binh dọc chiến tuyến”, theo một đánh giá được công bố bởi Viện nghiên cứu chiến tranh ISW cho biết như trên hôm 16 tháng Bẩy.

Các lực lượng vũ trang Ukraine đã “được chứng minh là những người vận hành thông minh loại vũ khí này”, Reznikov viết trên Twitter vào ngày 1 tháng 8.

Phillips O'Brien, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học St Andrews, Scotland, nói với BBC vào cuối tháng 8 rằng HIMARS nhanh chóng được sử dụng để chống lại các trung tâm chỉ huy và mục tiêu cố định ở Ukraine.

Tư lệnh Quân đoàn V, Trung tướng John S. Kolasheski đã mô tả HIMARS mang lại “lợi thế tác chiến trước đối phương và rất quan trọng trong chiến đấu trên bộ quy mô lớn.”

Kolasheski cho biết chúng có thể “khai hỏa hàng loạt nhanh chóng từ xa”, đồng thời cho biết thêm rằng chúng có thể cho phép các nước NATO và đồng minh tấn công vào “những địa điểm khó tiếp cận”.

Vào giữa tháng 7, Mỹ đã hứa cung cấp 12 HIMARS cho Ukraine và các hệ thống vũ khí này đang có “tác động đáng kể” đến nỗ lực chiến tranh của Kyiv, một quan chức quân sự cấp cao của Bộ Quốc phòng cho biết vào thời điểm đó.

Hôm thứ Sáu, Bộ Ngoại giao thông báo rằng họ sẽ cung cấp thêm đạn dược cho HIMARS và lựu pháo, thứ mà “Ukraine đang sử dụng rất hiệu quả để tự vệ”, theo Ngoại trưởng Antony Blinken.