1. Tổ chức nhân quyền Nga lên tiếng về trường hợp một phụ nữ Nga, 70 tuổi, bị phạt vì gọi Volodymyr Zelenskiy là ‘anh chàng đẹp trai ‘

Người phụ nữ Nga Olga Slegina, 70 tuổi, đã bị phạt gần 500 Mỹ Kim vì gọi Volodymyr Zelenskiy là “anh chàng đẹp trai” trong cuộc trò chuyện với một phụ nữ khác, là người nói rằng nhà lãnh đạo Ukraine là “kẻ lập dị”.

Olga Slegina, người khiếm thị bị đục thủy tinh thể, được cho là đã đưa ra nhận xét về ngoại hình của nhà lãnh đạo Ukraine khi nói chuyện tại một trung tâm y tế ở Nalchik, gần Georgia, với một phụ nữ khác, là người gọi Zelenskiy là “kẻ lập dị”.

Trung tâm Memoir của nhóm nhân quyền Nga cho biết trong cuộc trò chuyện, bà Slegina cũng đã nhận xét về “khiếu hài hước” của Zelenskiy.

Và sau khi được báo cáo với chính quyền, người hưu trí đã bị buộc tội theo luật kiểm duyệt được đưa ra vào năm ngoái sau cuộc xâm lược Ukraine.

Trong thủ tục tố tụng tại tòa án được cho là chỉ kéo dài năm phút, bà Slegina bị buộc tội theo điều 20.3.3 của Bộ luật Vi phạm Hành chính.

Được biết, bà Slegina đã nói chuyện vào tháng 12 năm ngoái trong bữa tối với một phụ nữ đến từ Odesa, Ukraine và hỏi cách bà phát âm một loại bánh mì trong tiếng Ukraine.

Vào thời điểm đó, nữ phục vụ Natalya Zakharova đã tham gia vào cuộc trò chuyện được cho là vui vẻ khi nói rằng Zelenskiy là “xấu xí” và “quái đản”.

Bà Slegina trả lời rằng “Zelenskiy là một thanh niên đẹp trai và có khiếu hài hước, mọi người thường cười trước những trò đùa của anh ấy,” và nói thêm: “Người Ukraine ở nước cộng hòa của bạn không hô vang 'Vinh quang cho Ukraine, giống như chúng ta làm ở Mạc Tư Khoa' sao?”

Sau đó, theo Trung tâm Memoir, vài ngày sau, cảnh sát đã tiếp cận bà Slegina và mặc dù bà không thể nhìn rõ do bị đục thủy tinh thể nhưng bà vẫn bị ép ký vào một văn bản.

Người ta cho rằng lời nói của bà đã bị bóp méo và trong báo cáo, bà ấy đã nói “Vinh quang cho Ukraine”.

Sự tức giận của bà Slegina trước việc “những người có tiền đang ra nước ngoài”, được cảnh sát mô tả là: “Slegina bày tỏ sự ủng hộ đối với Ukraine, tin rằng người Ukraine đang tôn vinh đất nước của họ, trong khi binh lính Nga đang chạy trốn chiến tranh.”

Tổng thống Zelenskiy, nguyên là một danh hài truyền hình, là một nhân vật nổi tiếng ở Ukraine và sau cuộc xâm lược Ukraine, được toàn thế giới biết đến.

Ông Zelenskiy đã thôi diễn hài khi kết hôn với vợ mình, Olena, vào năm 2003 và hai người đã có hai con đứa con.

2. Đức Hồng Y Pietro Parolin cho biết Vatican vẫn tiếp tục điều tra vụ Orlando

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh nói với thông tấn xã ANSA rằng cuộc điều tra của Vatican về trường hợp của Emanuela Orlandi, một cư dân Thành phố Vatican 15 tuổi đã biến mất vào năm 1983, sẽ tiếp tục bất chấp những cáo buộc vô căn cứ của anh trai cô ấy chống lại Thánh Gioan Phaolô II.

Emanuela Orlandi, 15 tuổi, biến mất vào ngày 22 tháng 6 năm 1983, sau khi rời căn hộ của gia đình ở Thành phố Vatican để đi học nhạc ở Rome. Cha cô là một nhân viên giáo dân của Tòa thánh.

Sự biến mất của cô ấy là một trong những bí ẩn lâu dài tại Rôma, và trong nhiều năm đã được liên kết với mọi thứ từ âm mưu giết Đức Gioan Phaolô II, một vụ bê bối tài chính liên quan đến ngân hàng Vatican và thế giới tội phạm mafia của Rôma.

Vụ án đã xảy ra 40 năm rồi và các cơ quan tư pháp dân sự của Ý đã bỏ nhiều công sức nhưng không đạt được kết quả nào. Mong muốn tìm ra số phận của cô đã đưa gia đình Orlandi đến nhiều khúc quanh bất ngờ, các thư nặc danh và các báo cáo cho rằng đã nhìn thấy cô ở chỗ này chỗ nọ.

Cuối năm 2017, Pietro Orlandi nhận được thư nặc danh cho rằng Emanuela có thể đã được chôn cất tại nghĩa trang Teutonic, là nơi an nghỉ cuối cùng trong nhiều thế kỷ qua cho người gốc Đức. Đây là một bước ngoặt kỳ lạ khác đối với một gia đình đã phải chịu những chỉ dẫn sai lầm, và sự chú ý của giới truyền thông kể từ khi cô gái, Emanuela Orlandi, biến mất.

Các nguồn tin bảo ông hãy tìm kiếm nơi mà một thiên thần đang chỉ xuống trong nghĩa trang.

Điều đó đã dẫn ông Orlandi đến ngôi mộ của Công chúa Sophie thành Hohenlohe, qua đời năm 1836; và ngôi mộ của Công chúa Charlotte Federica thành Mecklemburg, qua đời năm 1840.

Thông qua luật sư của gia đình, tháng Hai năm 2019, ông Orlandi đã chính thức yêu cầu Vatican mở lăng mộ của hai Công chúa. Gia đình đã nhận được sự chấp thuận của Tòa Thánh vào tháng Sáu năm 2019.

Giovanni Arcudi, giáo sư pháp y tại Đại học Rome Tor Vergata, đã lãnh đạo nhóm khai quật các ngôi mộ vào hôm 11 tháng 7, 2019. Tuy nhiên, cuộc khai quật cho thấy các ngôi mộ hoàn toàn trống rỗng.

Trước phát hiện này, ông Orlandi nói với chi nhánh Sky News của Ý, rằng ông cảm thấy nhẹ nhõm vì Emanuela không ở đó và biết ơn Tòa Thánh đã nhanh chóng nhận lời thỉnh cầu của gia đình.

Tuy ông Pietro Orlandi đã hài lòng rồi, để mọi sự được minh bạch, Chánh Án quốc gia thành Vatican truyền cho đào xung quanh vào ngày 20 tháng 7, 2019. Kết quả cũng không thấy gì cả.

Từ đầu năm nay, Tòa Thánh đã quyết định mở lại cuộc điều tra về sự mất tích của Emanuela, và hôm thứ Ba tuần trước Pietro, anh trai của Emanuela Orlandi, đã dành 8 tiếng đồng hồ để gặp gỡ các công tố viên Vatican.

Đứng trước nhiệt tình của Tòa Thánh, lẽ ra Pietro Orlandi phải có lòng biết ơn, nhưng ông ta lại có suy nghĩ khác. Ông ta nghĩ rằng Tòa Thánh biết một điều gì đó nhưng không nói ra. Vì thế, ông ta quyết định gây ra một chuyện rất lớn để gây một áp lực nặng nề lên Tòa Thánh. Thủ đoạn này đã khiến nhiều người trước đây có cảm tình hay lòng thương cảm với gia đình Emanuela Orlandi quay lưng lại với họ.

Ông ta đã làm gì? Thưa: sau khi gặp gỡ các công tố viên của Tòa Thánh, ông ta có một cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình. Trong cuộc phỏng vấn đó, ông ta mở một đoạn thu âm trong đó một tên trùm Mafia nói rằng Tòa Thánh thường xuyên bắt cóc các cô gái để lạm dụng tình dục và Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II biết điều đó. Đó là một cáo buộc cực kỳ xúc phạm và hoàn toàn vô lý. Người ta kinh ngạc trước sự vô ơn và khả năng bất chấp thủ đoạn của ông Pietro Orlandi.

Hôm Chúa Nhật, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ trích “lời ám chỉ xúc phạm và vô căn cứ” và vào hôm thứ Sáu, tờ trên tờ Quan Sát Viên Rôma của Vatican đã chỉ trích “những lời buộc tội nặc danh, đáng xấu hổ”.

Đức Hồng Y Parolin nói với ANSA rằng ngài “rất ngạc nhiên” vì thiếu “sự hợp tác” của Pietro Orlandi nhưng nói rằng những bình luận của Pietro Orlandi sẽ không làm ngừng cuộc điều tra.

“Ý định của chúng tôi là thực sự làm sáng tỏ mọi thứ,” ngài nói.

“Tôi thấy rằng cũng đã có những lời chỉ trích về sáng kiến của Đức Giáo Hoàng khi ủng hộ việc mở một cuộc điều tra mới”.

“Nhưng ý tưởng của Tòa thánh là làm rõ mọi thứ, để xem những gì đã được thực hiện trong quá khứ, cả ở phía Ý và phía Vatican, và xem liệu có thể làm được gì nhiều hơn không.

“Tôi nghĩ rằng, trên tất cả, điều này là nhờ mẹ của Emanuela Orlandi, người vẫn còn sống và chịu đựng rất nhiều.

“Chúng tôi đang làm điều này với mục đích tốt nhất”.

3. Đức Giám Mục Hương Cảng kết thúc viếng thăm Bắc Kinh

Hôm thứ Sáu, ngày 21 tháng Tư vừa qua, Đức Giám Mục giáo phận Hương Cảng, Stephano Chu Thủ Nhân, đã kết thúc năm ngày viếng thăm Bắc Kinh và ngài đã mời Đức Giám Mục tại đây, Giuse Lý Sơn đến viếng thăm giáo phận của ngài ở Hương Cảng. Đây là lần đầu tiên trong ba thập niên qua, một giám mục Hương Cảng viếng thăm Bắc Kinh.

Giám Mục Lý Sơn, là Chủ tịch Hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc, một cơ quan của nhà nước.

Đài RTHK ở Hương Cảng cho biết Đức Cha Lý Sơn phản ứng tích cực về lời mời đến Hương Cảng, nhưng không cho biết khi nào có thể đến viếng thăm Hương Cảng. Trong buổi lễ Đức Cha Chu cử hành hôm thứ Sáu, ngài nói rằng các tín hữu phải yêu mến quê hương và yêu mến Giáo hội. Trong cuộc gặp gỡ sau đó với giới báo chí, Đức Cha nói rằng mỗi người cần học cách thức làm sao thi hành hai nghĩa vụ đó cách đồng thời. Ngài cho biết cuộc viếng thăm tại Bắc Kinh rất có ý nghĩa, giúp ngài có những cuộc trao đổi hữu ích với phía Hoa Lục về việc cổ võ hàng giáo sĩ trẻ.

Trong những ngày viếng thăm, đặc biệt Đức Cha Chu Thủ Nhân đã viếng thăm các thánh đường và mộ của cha Matteo Ricci Lợi Mã Đậu, vị thừa sai Dòng Tên sống tại Trung Quốc và qua đời tại Bắc Kinh năm 1610. Cha Ricci được gọi là Đấng Đáng kính và cần có một phép lạ để được Tòa Thánh công nhận và có thể được phong chân phước. (AP 21-4-2023)

Đức Cha Chu Thủ Nhân nguyên là Bề trên Giám tỉnh Dòng Tên Trung Hoa, được chọn làm Giám mục Hương Cảng hồi tháng Năm năm 2021, sau hai năm bốn tháng trống tòa tại đây.

Cùng đi trong đoàn với ngài để thăm Bắc Kinh, có Đức Cha Phụ tá Giuse Hạ Chí Thành, Dòng Phanxicô. Ngoài ra, cũng có cha Phêrô Thái Huệ Dân, Tổng đại diện của Giáo phận Hương Cảng.