Franca Giansoldati của tờ Il Messaggero có bài phân tích về những ồn ào sau các tuyên bố của Đức Thánh Cha trên chuyến bay trở về từ Budapest.

Bài phân tích này có nhan đề “Papa Francesco e la missione di pace in Ucraina, la doccia gelata di Kiev e del Metropolita Hilarion mette tutto in discussione”, nghĩa là “Đức Thánh Cha Phanxicô và sứ mệnh hòa bình ở Ukraine, trận mưa rào lạnh giá từ Kyiv và Tổng Giám Mục Hilarion khiến mọi thứ phải đặt câu hỏi”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân

Ý tưởng của Đức Phanxicô có thể là ý tưởng đã được Đức Gioan Phaolô II thử nghiệm để ngăn chặn cuộc chiến ở Iraq khi ngài gửi hai vị Hồng Y đáng tin cậy của mình đến Washington và Baghdad với một thông điệp cá nhân - Thông báo, có lẽ là quá sớm, của Đức Thánh Cha Phanxicô từ máy bay đưa ngài trở lại Rôma từ Budapest về sự tồn tại của một sứ mệnh hòa bình do Tòa thánh đảm nhận nhằm ngăn chặn chiến tranh ở Ukraine, khiến các bên tham chiến bất ngờ. Hiện tại có vẻ như không ai biết gì về điều đó. Về cơ bản là một trận mưa rào lạnh giá. Kyiv, thông qua một thông điệp được ủy thác cho CNN, đã vội vã phủ nhận và cho biết rằng họ “không biết” về một động thái ngoại giao liên quan đến Vatican.

Đức Thánh Cha Phanxicô và sứ mệnh hòa bình

“Tổng thống Zelenskiy đã không được biết về bất kỳ cuộc thảo luận nào như vậy thay mặt cho Ukraine. Nếu các cuộc đàm phán đang diễn ra, thì chúng tôi không hề hay biết và không được chúng ta tán thành,” một quan chức của phủ tổng thống Ukraine nói với điều kiện giấu tên. Trong một thời gian, Kyiv đã thể hiện sự không hài lòng nhất định trước lập trường mà họ cho là đánh đồng hai bên, không phân biệt kẻ tốt hay kẻ xấu trong vấn đề này, quên rằng cuộc xung đột được sinh ra do sự xâm lược của Nga chống lại tất cả các quy tắc quốc tế có hiệu lực.

Hơn nữa, quan chức Ukraine cũng từ chối bất kỳ vai trò nào của Tòa Thánh sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên bố vào Chúa Nhật rằng có một “sứ mệnh đang được tiến hành, nhưng nó chưa được công khai. Khi nó được công khai, tôi sẽ tiết lộ nó.

Điều bất ngờ ở Budapest

Tuy nhiên, Đức Tổng Giám Mục Chính Thống Giáo Nga ở Budapest, là Đức Cha Hilarion, người từng là nhân vật thứ hai trong Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa và bị Kirill giáng chức sau các xung đột về quan điểm, cũng bị bất ngờ. Trên trang web chính thức của Tổng Giám Mục Hilarion, người đã gặp Đức Giáo hoàng Phanxicô tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh vào thứ Bảy tuần trước, cho biết ngài cảm thấy bị cuốn vào những tuyên bố của Đức Giáo hoàng, mà ngài đã bác bỏ. “Trên báo chí xuất hiện một số tin đồn cho rằng tôi đã gặp Đức Giáo hoàng Phanxicô để cho ngài những thông tin hầu đạt tới một vài hiệp định bí mật hoặc những mục tiêu chính trị. Tôi trả lời cho những ai quan tâm rằng cuộc gặp gỡ ở Tòa Sứ thần không hề có gì liên quan đến quan hệ song phương giữa Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính thống Nga. Không có cuộc thảo luận nào về vấn đề chính trị. Cuộc gặp gỡ có tính cách cá nhân giữa hai người bạn cũ”

Đức Cha Hilarion giải thích rằng ngài có mối quan hệ tốt với Đức Giáo hoàng bắt đầu từ khi Đức Phanxicô được bầu vào tháng 3 năm 2013. Sau đó, ngài nói về Hung Gia Lợi như một quốc gia bảo vệ gia đình và cuộc sống, hôn nhân giữa nam và nữ, và bảo vệ tầm nhìn Kitô giáo hơn là các quốc gia Âu Châu khác, gián tiếp mang lại sự hài hòa với Tòa Thượng phụ, ít nhất là về những điểm này.

Kế hoạch hòa bình

Vậy thì, Đức Thánh Cha Phanxicô đang đề cập đến điều gì khi ngài phát biểu trên máy bay liên quan đến dự án ngoại giao Vatican đang được thực hiện nhằm chấm dứt cuộc chiến này? Có lẽ, Giáo hoàng dự định cử hai sứ giả của mình đến Kyiv và Mạc Tư Khoa để kêu gọi các bên nói chuyện và giao tiếp với nhau, giống như những gì Đức Gioan Phaolô II đã làm vào đêm trước chiến tranh tàn khốc ở Iraq, khi Hoa Kỳ và Vương quốc Anh đang xây dựng bằng chứng về sự hiện diện của uranium được làm giàu để xâm chiếm Iraq của Saddam Hussein. Vào thời điểm đó, hai vị Hồng Y rời Rôma: Đức Hồng Y Pio Laghi sinh ra ở Romagna, một người bạn riêng của gia đình Bush đã từng là sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ trong nhiều năm, và Roger Etchegaray, một người Pháp, một người có tầm nhìn vĩ đại và được đánh giá cao trong thế giới Ả Rập. Đức Hồng Y Laghi bay đến Tòa Bạch Ốc, nơi ngài bị buộc phải ngồi trong một phòng chờ nhục nhã và cuối cùng không gặp được Tổng thống Bush mà chỉ có một quan chức, trong khi Đức Hồng Y Etchegaray đến Baghdad, nơi ngài được nhân vật số hai của chế độ Saddam, tiếp đón là ông Tareq Aziz, Ngoại trưởng Iraq lúc bấy giờ. Tareq Aziz là một Kitô Hữu. Cả hai đều có một lá thư cá nhân từ Đức Giáo Hoàng để gửi. Đó là quân bài ngoại giao cuối cùng mà Đức Gioan Phaolô II có thể sử dụng trong một nỗ lực tuyệt vọng nhằm ngăn chặn một cuộc chiến tranh mà ngài coi là bất chính và ngài biết rằng sẽ phá hủy mọi sự cân bằng ở Trung Đông, với nguy cơ, và cần nhấn mạnh rằng điều này sau đó đã trở thành sự thật, là làm cho chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan phát triển, làm cho mọi thứ trở nên bất ổn và bất an hơn. Đức Wojtyla đã đúng nhưng không ai vào lúc đó lắng nghe ngài và hơn nữa, cuộc chiến tranh giành quyền kiểm soát dầu mỏ đã được nghiên cứu và lên kế hoạch trên bàn. Tuy nhiên, lịch sử đã chứng minh rằng Thánh Gioan Phaolô II và nhóm các nhà ngoại giao của ngài đã đúng, những người trong một thời gian ngắn đã cùng nhau thực hiện một hành động thuyết phục đạo đức chưa từng thấy trước đây, kết nối với mọi nhà lãnh đạo phương Tây.

Đức Thánh Cha Phanxicô có lẽ đang nghĩ đến một động thái như vậy, với khả năng thành công rất thấp trong điều kiện hiện nay. Đức Thánh Cha Phanxicô nói về một “sứ mệnh” hòa bình chứ không phải một kế hoạch hòa bình. Vatican dường như muốn từ bỏ ý định đứng ra hòa giải giữa các bên. Ở Hung Gia Lợi, Đức Giáo Hoàng đã không đưa ra với Orbán và Hilarion bất kỳ dự án tam giác nào liên quan đến Mạc Tư Khoa hoặc thậm chí là Tòa thượng phụ Chính thống giáo. Kế hoạch hòa bình do một số báo chí nêu ra không tồn tại


Source:Sismografo