Cuộc phỏng vấn sau đây đã do cha Eberhard von Gemmingen, trưởng ban Đức Ngữ đài Vatican thực hiện tại Castel Gandolfo với Đức Thánh Cha hôm thứ Bẩy 13/8/2005.

“Tâu Đức Thánh Cha, vào ngày 25 tháng Tư, cha đã nói: cha hân hoan mong đợi ngày đến Cologne. Cha có thể mô tả cụ thể hơn cảm xúc của cha không?”

Vâng - theo nhiều cách thức. Trước tiên, cha đã sống nhiều năm tuyệt diệu tại Rhineland, vì thế cha vui thích biểu lộ những nét đặc trưng của miền Rhineland, của thành phố quốc tế này và tất cả những gì liên kết với nó. Thứ đến cũng có sự kiện này là Chúa Quan phòng muốn chuyến công du hải ngoại đầu tiên đưa Cha đến Đức quốc. Cha đã không dám có sáng kiến ấy. Nhưng nếu Thiên Chúa Tối cao quyết định làm một điều gì đó như thế cho ta, ta chỉ có thể có tâm tình vui sướng. Và chuyến công du hải ngoại đầu tiên này sẽ là một cuộc gặp gỡ với giới trẻ trên toàn thế giới. Luôn là một điều kỳ diệu khi gặp gỡ giới trẻ, bởi vì chúng có rất nhiều vấn đề - nhưng có lẽ cũng tràn đầy hi vọng, nhiệt khí và khát vọng, bởi vì người trẻ mang sự năng động của tương lai, và vì thế gặp gỡ với chúng cũng làm cho ta hăng hái, vui vẻ và cởi mở hơn. Đó là những lý do đã từng tăng cường niềm vui trong cha, và không hề giảm sút.

“Thưa Đức Thánh Cha, cha có thể nói cho con biết cha muốn truyền đạt cho người trẻ trên khắp thế giới điều gì không? Đâu là chủ đề chính mà cha muốn “nêu lên”?

Vâng - cha muốn chứng tỏ cho chúng biết là làm người kitô hữu thì đẹp biết bao, bởi vì quan niệm phổ biến vẫn tiếp tục tồn tại là kitô giáo gồm những luật lệ và những cấm đoán mà ta phải giữ và, vì thế, là điều gì đó cực nhọc và nặng nề - mà ta cần giải thoát khỏi gánh nặng ấy. Cha muốn làm sáng tỏ rằng đó không phải là một gánh nặng cần phải vác với một tình yêu và thực hiện lớn lao, nhưng đó giống như có những đôi cánh. Quả là kỳ diệu khi là một kitô hữu với hiểu biết này, nó đem lại cho chúng ta một khung cảnh rộng lớn, một cộng đoàn lớn: trong tư cách là kitô hữu, chúng ta không bao giờ cô độc - theo nghĩa là Thiên Chúa luôn ở với chúng ta, nhưng cũng theo nghĩa là chúng ta luôn đứng kề bên nhau trong một cộng đoàn lớn, một cộng đoàn dẫn đến Đạo, chúng ta có một dự án cho tương lai - và theo cách này một Hữu thể đáng ta đặt niềm tin vào. Đó là niềm vui khi là một kitô hữu và đó là vẻ đẹp của niềm tin.

“Thưa Đức Thánh Cha, làm Giáo hoàng có nghĩa là xây dựng những chiếc cầu (nghĩa chữ pontiff). Hội Thánh nắm giữ một sự khôn ngoan cổ xưa và cha sắp gặp gỡ một thế hệ trẻ năng động, nhưng thiếu khôn ngoan. Làm sao có thể xây dựng một chiếc cầu nối giữa sự khôn ngoan cổ xưa này - và một Đức Giáo hoàng lớn tuổi - với giới trẻ? Làm sao có thể thực hiện được?”

(cười) Vâng - chúng ta sẽ thấy Chúa giúp cha đi đến đâu. Nhưng dẫu sao, khôn ngoan tự nó không phải là cái gì cũ rích - như người Đức chúng ta liên kết từ “khôn ngoan” với một vẻ cũ rích, nhưng đó là sự hiểu biết các sự kiện của vấn đề, đó là cái nhìn đến điều gì là “cốt yếu”. Lẽ dĩ nhiên người trẻ muốn học hỏi về cuộc sống, chúng muốn khám phá cách mới mẻ cuộc sống, và chúng không muốn người ta mửa ra cho chúng. Có lẽ đó là sự tương phản mà ta có thể thấy nơi đây. Nhưng đồng thời, khôn ngoan cũng là cái gì mà “thế gian” giải thích nó phải là như thế, nó cũng là điều gì mới khi, trong bối cảnh mới, nó dẫn đến những vấn đề, và làm sao ta có thể giải quyết các vấn đề ấy. Về mặt này cha tin rằng nói, tin, và sống điều gì đã được ban cho nhân loại và soi sáng nó, đó không phải là mửa ra điều gì cũ rích, nhưng điều đó rất phù hợp với năng động của người trẻ, là những người cũng đang tìm kiếm cái lớn lao và cái toàn thể. Đó chính là cái mà sự khôn ngoan của đức tin là, không phải là cái màchúng ta biết nhiều chi tiết - điều đó là quan trọng trong mọi công việc - nhưng trước hết, chúng ta biết các chi tiết của cái mà cuộc sống là và làm thế nào cuộc sống nhân loại, và tương lai, cần được hình thành.

“Thưa Đức Thánh Cha, cha cũng đã nói rằng: “Hội Thánh thì trẻ trung” - không có cái gì cũ cả. Cha có thể mô tả chi tiết hơn điều mà cha nhắm tới?”

Vâng - trước tiên chúng ta nói rằng Hội Thánh trẻ trung theo nghĩa sinh vật, nghĩa là có nhiều người trẻ thuộc về Hội Thánh. Nhưng Hội Thánh cũng trẻ trung theo nghĩa là niềm tin của Hội Thánh phát xuất từ nguồn suối tươi mát là chính Thiên Chúa. Đó không phải là một thức ăn cũ rích, mà chúng ta đã có từ 2000 năm nay và được hâm đi hâm lại, nhưng chính Thiên Chúa là nguồn suối của mọi sự trẻ trung và của mọi cuộc sống. Và khi đức tin là một ân ban, nói cách khác mạch nước mới tuôn chảy từ chính Người - ban đi ban lại cho chúng ta, với nguồn nước đó chúng ta có thể sống và chúng ta có thể tìm được sức mạnh trên đường lữ thứ trần gian - như thế Hội Thánh là một nguồn đem lại sự trẻ trung. Có một Giáo phụ đã từng thấy Hội Thánh như thế và thấy yếu tố kỳ diệu này: Hội Thánh không trở nên già cỗi theo thời gian. Trái lại càng trẻ trung hơn, bởi vì Hội Thánh luôn mãi hướng về Chúa, nghĩa là Hội Thánh tiến về nguồn suối từ đó xuất phát sự trẻ trung, mới mẻ, tươi mát, và sức sống.

“Cha hiểu rõ Giáo hội Đức hơn con và tất cả chúng con, và vấn đề đại kết - sự hiệp nhất giữa Giáo hội Công giáo và Tin lành là một vấn đề trọng tâm. Phải chăng có những hi vọng không tưởng nghĩ rằng ngày Quốc tế Giới trẻ có thể đem lại một bước tiến cho vấn đề đại kết? Đại kết giữ một vai trò nhỏ, trung bình hay lớn theo viễn tượng này?”

Vâng - Đại kết hiện hữu trong mức độ nghĩa vụ hiệp nhất thấm nhập vào toàn thể bản chất của Hội Thánh và không phải là một nghĩa vụ bên lề. Đặc biệt khi ta chú tâm vào niềm tin này, đó là khởi đầu của con đường tiến đến sự hiệp nhất. Lẽ dĩ nhiên những cuộc đối thoại đại kết không phải là một mảng lớn của chương trình, bởi vì chính yếu đây là sự gặp gỡ của các người công giáo trên khắp toàn cầu - và, lẽ dĩ nhiên, cũng của những người không công giáo nhưng muốn tự hỏi có lẽ có điều gì mình sẽ tìm thấy. Trong mức độ chiều kích này hiện diện, nó sẽ hiện hữu trong các cuộc gặp gỡ của chính người trẻ - lẽ dĩ nhiên, họ không chỉ nói với Đức Giáo hoàng, nhưng, trước tiên, gặp gỡ nhau. Cha sẽ có một cuộc gặp gỡ với anh em tin lành, nhưng tiếc thay chúng ta không có nhiều thời giờ chung với nhau - vì “gánh nặng công việc mỗi ngày” sẽ nặng nề, nhưng chúng ta sẽ có ít thời gian để suy tư về cách chúng ta sẽ tiến hành. Cha nhớ lại rất rõ, và với niềm vui thích, lần thăm viếng nước Đức đầu tiên của Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II. Khi ngài đến Mainz, ngài ngồi bàn với các đại diện của các cộng đoàn tin lành, và cùng nhau triển khai một chiến lược về cách tiến hành. Do đó Tiểu ban được thành lập, từ đó Tuyên ngôn chung về Công chính hoá đã nảy sinh. Cha nghĩa rằng vấn đề quan trọng là tất cả chúng ta, đặc biệt tại trung tâm điểm của căn tính kitô hữu chúng ta, chứ không chỉ trong những lúc đặc biệt của cuộc gặp gỡ, chúng ta giữ trong tâm trí sự hiệp nhất này - điều này có nghĩa là điều chúng ta làm trong Đức tin, thì luôn có tính cách đại kết.

“Thưa Đức Thánh Cha, đặc biệt trong các quốc gia bắc âu và giàu có của chúng ta, không chỉ dân chúng ngày càng quay lưng với Hội Thánh và với Đức tin, nhưng đặc biệt là người trẻ. Ta có thể làm gì để đối diện với điều đó và nhất là: làm sao ta có thể trả lời câu hỏi căn bản - Cuộc sống tôi có ý nghĩa gì? - để giới trẻ sẽ nói: Hội Thánh là ‘cái gì’ liên hệ đến chúng ta!”

(cười) Vâng -tất cả chúng ta nỗ lực đem Tin mừng cho người trẻ, bởi vì đó là câu trả lời mà chúng ta đã từng mong đợi. Hiển nhiên là có nhiều gánh nặng hiện hữu trong xã hội tây phương hiện đại, lôi kéo chúng ta khỏi kitô giáo. Đức tin và Thiên Chúa có vẻ như xa vời. Cuộc sống tự nó thì đầy những triển vọng và công việc. Trước tiên, ta muốn nắm lấy cuộc sống cho ta, sống trọn vẹn trong mức độ có thể. Cha nghĩ đến “người con hoang đàng” nó nghĩ rằng sống nhà cha nó thì buồn chán, nó nghĩ rằng nó cần làm chủ trọn vẹn cuộc sống, nắm lấy và vui hưởng - cho đến khi nó nhận thấy rằng đời sống quả là trống rỗng, và nó đã từng tự do và cao quý khi nó sống trong nhà cha. Vì thế cha nghĩ rằng, dẫu sao đi nữa, giữa những người trẻ có một cảm nghĩ đang lan rộng, đó là tất cả những trệch hướng mà chúng ta đang được mời mọc và toàn thể kỹ nghệ giải trí, mặc dầu mọi điều ta làm và có thể làm, mua và có thể bán: đó không thể là tất cả, phải có điều gì hơn nữa. Về điểm này cha tin rằng cũng có một câu hỏi lớn, mà cũng có thể là câu hỏi căn bản. Đó không phải là tất cả, điều chúng ta có hoặc cái chúng ta có thể mua. Đó là lý do tại sao cái gọi là “thị trường của các tôn giáo” hiện hữu, nó giới thiệu tôn giáo như là một sản phẩm và, vì thế, hạ giá nó. Nhưng đó là một dấu chỉ cho thấy rằng câu hỏi này hiện hữu. Để thực sự hiểu câu hỏi này và không chỉ đi vòng quanh - không chỉ gạt qua một bên kitô giáo như là một cái gì lỗi thời hoặc tàn tạ, nhưng chính là làm cho nó được nhìn nhận như một khả thể, bởi vì nó đến từ chính Thiên Chúa và vì thế luôn là một khả thể tươi trẻ, nó luôn mang và đem lại những chiều kích mới. Chúa nói: Người sẽ dẫn anh em tới những điều mà Người chưa thể nói cho anh em lúc này. Kitô giáo thì đầy những chiều kích chưa được khám pha, nó tỏ ra tươi trẻ và mới mẻ nếu ta đặt lại những câu hỏi của ta. Nói cách khác: đó là điểm gặp gỡ của câu hỏi đang nêu ra và câu trả lời mà chúng ta đang sống, và qua câu hỏi chúng ta đón nhận nó lại cách mới mẻ. Điều đó phải là biến cố của cuộc gặp gỡ giữa việc loan báo Tin mừng và người trẻ. Vào lúc này, cha đang sống với cảm xúc rằng Âu Châu đang càng ngày càng thất bại, và những giá trị nhân loại của nó đặt nền tảng trên Kitô giáo đang càng ngày càng ít đi.

Người Trung Hoa và Ấn Độ đang cật lực làm việc, được đào tạo kỹ lưỡng, trong khi chúng ta tại Âu Châu thì lười biếng và ủ dột. Vấn đề chính là cội rễ kitô giáo - đặc biệt trong Hiến pháp âu châu. Âu Châu đang bị khủng hoảng. Ngày Quốc tế Giới trẻ, với gần một triệu người, có thể đem lại một thúc đẩy để tìm kiếm thực sự cội rễ kitô giáo, đặc biệt giữa những người trẻ - để chúng ta tiếp tục sống như những con người chăng?”

Chúng ta đang hi vọng điều này, đặc biệt bởi vì một cuộc gặp gỡ của các con người đến từ các lục địa như thế, sẽ có thể đem lại cho lục địa “già nua”, chủ nhà, một thúc đẩy mới và giúp chúng ta không chỉ nhìn thấy những cơ hội bệnh hoạn, mệt mỏi và mất mát trong lịch sử âu châu, bởi vì, dẫu sao đi nữa, chúng ta đang ở trong một tình trạng thương hại chính mình và kết tội chính mình. Vâng, có nhiều điều tồi tệ đã xảy ra trong mọi lịch sử, nhưng nó cũng có trong lịch sử của chúng ta, trong đó biết bao khả thể kỹ thuật lớn lao đã được phát triển, và đã trở thành bi kịch. Nhưng tiếp theo, chúng ta cũng phải thấy biết bao điều vĩ đại đã đến từ Âu Châu. Toàn thể thế giới hôm nay đã không thể sống trong cái gọi là văn minh đến từ Âu Châu nếu những điều tốt đẹp đó không bắt nguồn từ những cội rễ lớn lao. Giờ đây chúng ta đang chỉ trao ban cái thứ yếu. Ta chỉ giữ lại văn minh, nhưng lại tìm kiếm những cội rễ khác, và, vì thế, kết cục với những mâu thuẫn. Cha nghĩ rằng nền văn minh này, với tất cả những nguy hiểm và hi vọng của nó, chỉ có thể dẫn đến sự cao cả nếu nó được uốn nắn: Nếu nó nhìn nhận lại những nguồn mạch sức sống của chính mình, nếu chúng ta lại thấy sự cao cả, nó sẽ đem lại cho tiềm năng đang bị nguy kịch này của cuộc sống nhân loại một hướng đi và sự cao cả. Nếu chúng ta cảm thấy hạnh phúc khi được sống trên lục địa này, lục địa đã quyết định số phận của thế giới - cả tốt lẫn xấu - và đảm nhận nhiệm vụ thường huấn là tái khám phá sự thật, sự tinh trong, và sự cao cả đem lại cho chúng ta một tương lai - chúng ta sẽ tiếp tục, và ngay cả trong những cách thế mới mẻ và tốt hơn, đứng trong vị thế phục vụ toàn thể nhân loại.

“Một câu hỏi cuối cùng - ta có thể trình bày rõ ràng chính xác mục tiêu lý tưởng của Ngày Quốc tế Giới trẻ tại Cologne không ? Đâu sẽ là mục tiêu nếu tất cả mọi người thực hiện cách hoàn mỹ?”

(cười) Vâng, một làn sóng của đức tin mới mẻ giữa người trẻ - đặc biệt giữa người trẻ tại Đức Quốc và Âu Châu. Chúng ta vẫn còn có những cơ chế kitô giáo tại Đức Quốc. Nhiều điều liên quan đến kitô giáo đang xảy ra, nhưng cũng có một sự mệt mỏi chán chường và chúng ta quan tâm biết bao đến những câu hỏi nền tảng là nhiệt tình và niềm vui của đức tin đang mất đi. Nếu nhiệt tình này, niềm vui này, là được biết Đức Kitô, được sống động lại và đem lại cho Giáo hội Đức và Âu Châu một năng động mới, thì cha nghĩ mục tiêu của Ngày Quốc tế Giới trẻ đã thành tựu.

“Cám ơn Đức Thánh Cha rất nhiều, rất nhiều. Chúng con chúc cha nhận được những phúc lành của Thiên Chúa trong những ngày sắp tới, đẹp đẽ nhưng cũng nhiều mệt nhọc tại Cologne.”



Radio Vatican