Hình ảnh hang đá Chúa giáng sinh
Vào dịp lễ mừng Chúa giáng sinh, khắp nơi hang đá được tạo dựng trang hoàng theo nhiều kiểu khác nhau. Lễ mừng Chúa giáng sinh mà không có hang đá, thì kể như chưa là lễ giáng sinh, ở bên ta cũng như bên tây!
Người ta dựng hang đá mừng lễ không phải chỉ trong thánh đường hay tại các tư gia. Nhưng ngày nay hang đá được bày dựng trong cả các cửa tiệm hoặc để trang hoàng hấp dẫn khách qua lại đến xem mua hàng hóa, hoặc làm việc thương mại bán hang đá.
Như thế, Chúa sinh ra làm người mang chúc lành từ trời cao: Sứ điệp tình yêu của Chúa cho tâm hồn con người và niềm vui lợi nhuận kinh tế trong cuộc sống!
Ngày nay ở những nước văn minh tiêu thụ, mùa mừng lễ Chúa giáng sinh là dịp rất thuận tiện bán được nhiều hàng hóa và qua đó thúc đẩy mãi lực nền kinh tế quốc gia phát triển tích cực. Đó cũng là tin mừng cho nhân gian. Nhưng mừng kỷ niệm Chúa sinh ra làm người đâu có thể chỉ dừng lại ở điểm đó.
Hang đá mừng lễ Chúa giáng sinh diễn tả hình ảnh gì cho nếp sống tâm linh đạo đức?
Tin mừng thánh Luca (2,7) thuật lại: Đức Mẹ Maria hạ sinh hài nhi Giêsu giữa cánh đồng Bethlehem trong chuồng thú vật ngoài cánh đồng và nôi nằm của hài nhi là một máng đựng thức ăn cho súc vật. Có những chuồng thú vật thời đó trên cánh đồng Bethlehem được xây dựng trong một hang của gò núi đá hay được làm bằng gạch đá.
Ngày nay sang hành hương kính viếng địa điểm hang đá Chúa giáng sinh bên thành Bethlehem chỉ còn thấy một đền thờ to lớn được xây dựng lại từ thế kỷ 18. Và bên dưới tầng hầm đền thờ, theo tương truyền nơi ngày xưa hài nhi Giêsu sinh ra được đặt nằm trong một nôi máng cỏ cho thú vật ăn, có khắc hình ngôi sao 14 cánh trên nền đất đánh dấu địa điểm lịch sử biến cố thần thánh nơi hài nhi Giêsu đã nằm lúc mở mắt chào đời cách đây hơn hai ngàn năm. Ngôi sao có 14 cánh là hình ảnh biểu tượng nói đến 14 thế hệ trong gia phả Chúa Giêsu Kitô.( Mt 1, 1-17).
Hang đá cùng chiếc máng cỏ hài nhi Giêsu đêm giáng sinh nằm như thế nào, không ai biết rõ. Dựa theo phúc âm và theo dòng lịch sử người ta đã làm ra nhiều kiểu về hang đá cùng máng cỏ Chúa giáng sinh.
Theo tập tục bên Đông phương máng cỏ, nôi Chúa nằm lúc sinh ra, được làm bằng đá có hình thể trông giống như một quan tài. Và hài nhi Giêsu được quấn khăn tã đặt nằm trong đó như xác một người qua đời.
Hình ảnh này muốn diễn tả Chúa Giesu sinh ra trong hang đá và lúc qua đời cũng được mai táng trong mồ đá. Trong hang đá sự sống đã khởi đầu khi Chúa Giêsu sinh ra làm người, và cũng trong mồ đá Chúa Giêsu đã sống lại, khởi đầu một đời sống mới. Đời sống ơn cứu độ.
Nghệ thuật cùng tập tục bên phương tây xây dựng hang đá máng cỏ như một bàn thờ. Hình ảnh này muốn diễn tả lễ tế tạ ơn, bí tích thánh thể. Bethlehem có nghĩa là “ nhà làm bánh mì“. Khi cử hành bí tích Thánh thể là tưởng nhớ lại sự sinh ra làm người của Chúa khi xưa trong hang đá ngoài cánh đồng Bethlehem. Và trong mỗi thánh lễ chúng ta cùng tiếp nhận tấm bánh thánh thể từ trời cao, ngày xưa đã sinh xuống trên đồng Bethlehem “ngôi nhà làm bánh mì“, là lương thực cho niềm tin tâm hồn vào Chúa.
Hang đá máng cỏ vì thế không nhất thiết phải bằng đá thiên nhiên, nhưng đa số làm bằng gỗ. Trong đó Chúa Giêsu được đặt nằm trên rơm cỏ, có đàn súc vật bò lừa ngồi nằm thở hơi ấm chung quanh. Hình ảnh này nói lên sự khó nghèo, khiêm hạ của Chúa.
Người ta cũng không biết rõ hình thù hang đá máng cỏ lúc Chúa sinh ra như thế nào. Máng cỏ ( có năm mảnh ván nhỏ ghép lại) Chúa Giêsu nằm khi sinh ra ở Bethlehem, theo tương truyền còn lưu giữ ở đền thờ Đức Bà cả S. Maria Maggiore bên Roma. Điều này không có gì chắc chắn đúng trăm phần trăm cả.
Lòng đạo đức kính thờ Chúa sinh ra làm người đã thúc đẩy con người vẽ kiểu làm ra hang đá máng cỏ Chúa giáng sinh. Việc này không có gì xấu cả, trái lại tốt lành và nâng đỡ niềm tin con người rất nhiều.
Thánh Phanxicô Assisi năm 1223 ở vùng Walde von Greccio đã cùng với các anh em Dòng của ngài dựng làm ra hang đá Chúa giáng sinh đầu tiên dựa theo những lời thuật lại trong phúc âm về đêm Chúa sinh ra năm xưa và theo kiểu ru con trong một chiếc nôi. Hang đá là một ngôi nhà hay chòi lều của một cái hang cho thú vật nghỉ ngơi trong đêm khuya có tượng những nhân vật thần thánh như thuật trong phúc âm: Hài nhi Giêsu, mẹ Maria, thánh cả Giuse, các Thiên Thần, các người mục đồng và các con thú vật chiên bò lừa của họ. Khung cảnh này diễn tả mầu sắc lung linh thần thánh thật sống động cùng thi vị huyền thoại: “Trong chuồng bò nửa đêm tăm tối Chúa giáng sinh đã ra đời!” ( Lm. Hoàng Kim)
Từ thời điềm đó hang đá mừng lễ Chúa Giesu giáng sinh làm người trở thành truyền thống nhất định trong nếp sống phụng vụ văn hóa của Giáo hội hoàn vũ.
Năm nay 2023, kỷ niệm 800 năm hang đá Chúa giáng sinh đầu tiên được xây dựng làm ra do Thánh Phanxicô thành Assisi và anh em Dòng, hang đá mừng lễ Chúa giáng sinh 2023 ở quảng trường Thánh Phero, và trong đại thính đường Phaolo bên Vatican cũng được xây dựng theo tinh thần kiểu mẫu hang đá Greccio thần thoại đầu tiên này từ ngày 09.12.2023 đến ngày 07.01.2024.
Nhạc điệu và nôi ru con là một hình thái rất phổ thông được qúy trọng trong dân gian. Và từ thế kỷ 14 xuất hiện nhiều kiểu hang đá Chúa giáng sinh theo hình thức này. Hài nhi Giêsu được đặt trong một máng như một nôi cho em bé nằm, trong đó có lót cỏ rơm khô cho êm ấm,..có Mẹ Maria và Thánh Giuse đứng bên cạnh. Chung quanh là các thú vật bò, lừa, cừu, các mục đồng đến thăm viếng trò truyện, trên cao chỗ tường vách có Thiên Thần bay lượn ca hát.
Hình ảnh này thật đẹp, thơ mộng và mang tính trẻ thơ thần thoại hoang đường. Nhưng nó gợi lên tâm tình đầm ấm trong một mái nhà, tuy nghèo hèn đơn sơ, nhưng là quê hương tổ ấm cho con người.
Rơm cỏ lót cho hài nhi nằm êm ấm trong máng cỏ cũng là sứ điệp nhắn gửi: Hang đá máng cỏ do con người chế biến làm ra và tâm hồn con người cũng có thể là nơi Chúa Giêsu sinh ra. Khi sống bác ái tình người, khi làm việc thiện hảo tốt lành cho người đồng loại.
Ngày nay, người dựng hang đá máng cỏ Chúa giáng sinh phần nào theo truyền thống hang đá Thánh Phanxicô khó khăn đã nghĩ làm ra lần đầu tiên năm xưa1223.Nhưng vật liệu xây dựng khác nhau hoặc bằng gỗ, hoặc bằng giấy rồi sơn phết mầu xám của đá. Ngoài những bộ tượng giáng sinh đặt trong đó, đèn điện cũng được chăng mắc thêm vào tùy theo văn hóa, thẩm mỹ cùng lòng cung kính đạo đức của từng dân tộc thời đại.
Hang đá máng cỏ Chúa giáng sinh dù xây dựng bằng vật liệu gì, theo kiểu cách nào và trang trí thế nào đi nữa, đều muốn gợi lại tình yêu cùng lòng khiêm hạ của Thiên Chúa xuống trần gian làm người, và cũng phần nào nói lên tâm tình yêu mến của con người với Đấng là tình yêu cho tâm hồn con người.
Mừng lễ Chúa giáng sinh