CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG
2 Sm 7,1-5.8b-12.14a.16; Rm 16,25-27; Lc 1,26-38
MẸ ĐẤNG CỨU ĐỘ

Phụng vụ Mùa Vọng được cử thành theo một tiến trình tiệm tiến. Trong tuần I, khuôn mặt trổi vượt là Isaia, vị ngôn sứ loan báo về việc Đấng Mêsia sẽ đến từ xa; trong tuần II và tuần III, đó là Gioan Tẩy Giả, người dọn đường cho Đấng Cứu Thế; trong tuần IV, khuôn mặt trung tâm chính là Đức Maria, người mẹ sinh ra Đấng Cứu Thế.

Bài Tin Mừng hôm nay bắt đầu với những lời rất quen thuộc:
“Thiên Chúa sai sứ thần Gáprien đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét” (Lc 1,26).

Tuy nhiên, như thường lệ, chúng ta cần tập trung vào một điểm, đó là những lời mà Đức Maria nói ở cuối bài Tin Mừng:
“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38).

Với những lời này, Đức Maria đã thực hiện một hành vi đức tin. Mẹ đã tin và đã đón nhận Thiên Chúa vào trong cuộc đời mình. Mẹ đã phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa với sự xin vâng triệt để.

Bằng sự đáp trả này với thiên thần, Mẹ như nói rằng: “Này con đây, con như chiếc bảng trắng, Chúa cứ viết trên đó những gì Ngài muốn.”
Hay như ngày hôm nay, chúng ta có thể nói: “Con là tờ giấy trắng, Chúa hãy viết trên con những gì Chúa muốn.”

Người ta có thể nghĩ rằng hành trình đức tin của Đức Maria là một hành trình đức tin dễ dàng. Bởi lẽ, trở thành mẹ Đấng Mêsia đó không phải là giấc mơ của mỗi trinh nữ Do Thái chăng? Nhưng sẽ rất sai lầm khi nghĩ như thế. Đây là một hành vi đức tin khó khăn nhất trong lịch sử.

Bởi vì, ai có thể giải thích thay cho Đức Maria điều sẽ xảy ra nơi mình? Ai có thể tin rằng Đức Maria mang thai là do “quyền năng của Chúa Thánh Thần?” Điều này trước và sau chưa xảy ra. Khi nói về đức tin, triết gia Kierkegaard cho rằng:
“Tin là dám vào bước đi trên một con đường mà tất cả các bảng chỉ đường hướng dẫn: hãy quay lại đằng sau, quay lại đằng sau! Tin là như một người ở trên biển rộng mà ở dưới đó có bảy mươi tầng sâu; tin là hành vi của người dám phó thác hoàn toàn trong vòng tay của Đấng Tuyệt Đối.”

Đó chính là hành vi đức tin của Đức Maria. Mẹ đã trải qua những giây phút cô đơn mà không ai có thể chia sẻ với Mẹ ngoài một mình Thiên Chúa. Mẹ biết rõ điều được viết trong luật Môsê. Một trinh nữ trước ngày đính hôn không còn đồng trinh, sẽ bị điệu ra giữa rãnh nhà cha mình và phải chịu ném đá (x. Đnl 22,20-21). Đức Maria cũng biết đến “nguy cơ của đức tin!” Chấp nhận chương trình của Thiên Chúa có nghĩa là chấp nhận nguy cơ bị hiểu lầm, ném đá và giết chết.

Trong một hoàn cảnh éo le như thế, Đức Maria đã hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa. Mẹ tin vào quyền năng của Thiên Chúa có thể làm được mọi sự. Mẹ đã thưa “xin vâng,” với cặp mắt đóng lại. Mẹ đã tin rằng “không có gì là không thể đối với Thiên Chúa.”
Quả thực, Đức Maria không bao giờ nói lời “Fiat.” Fiat là một từ La Tinh và Mẹ không nói tiếng La Tinh cũng như tiếng Hy Lạp. Mẹ đã nói từ nào trong giây phút đó, lời nào đã phát ra từ môi miệng của Mẹ? Mẹ nói một từ mà tất cả mọi người có lẽ ai cũng biết, đó là từ “Amen.” Amen là một từ mà người Do Thái diễn tả khi bày tỏ sự ưng thuận với Thiên Chúa. Cũng như ‘Abba’ và ‘Maranatha’; ‘Amen’ là một từ nhà đạo mà các Kitô hữu đã giữ nguyên như thế trong phụng vụ khi cầu nguyện. Từ này có nhiều nghĩa như: “Lạy Chúa, nếu điều đó đẹp lòng Ngài, thì con cũng muốn.” Hoặc đây như là lời “ưng thuận” hoàn toàn mà cô dâu nói với chú rể trong lễ cưới.

Lời xin vâng của Mẹ không phải là sự đáp trả nửa vời, buồn bã, nhưng là một sự đáp trả trong phó thác, sẵn sàng, vui tươi và hạnh phúc. Bởi thế, tác giả Tin Mừng Luca cố ý diễn tả Đức Maria ở trong tình trạng của niềm vui, khát khao và kiên nhẫn chờ đợi điều sắp xảy tới. Đó là một giây phút hạnh phúc nhất trong cuộc đời của Đức Maria. Tình trạng đó đã khiến Đức Maria vui sướng và cất lên lời kinh Magnificat:
“Linh hồn tôi nhảy mừng trong Thiên Chúa.”

Mẹ bày tỏ niềm vui và hạnh phúc bằng việc nhảy lên. Đức tin làm cho Mẹ hạnh phúc. Tin vào Chúa thật là đẹp biết bao! Đó là giây phút mà một thụ tạo đạt được mục đích của mình vì con người được tạo dựng cho sự tự do, niềm vui và hạnh phúc trong Thiên Chúa.
Tuy nhiên, con người ngày hôm nay lại muốn mình không còn lệ thuộc vào Thiên Chúa nữa. Thưa “vâng” với ai đó và với cả chính Thiên Chúa là một điều làm giảm đi sự tự do và tự lập của mình. Nói “không” hình như lại trở thành một từ quan trọng của lề luật trong tất cả các lĩnh vực chính trị, văn hóa, xã hội và gia đình. Thay vì nói “có”, người ta nói “không” với bổn phận, trách nhiệm và sứ mạng của mình trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Như thế, cuộc sống này có ý nghĩa gì? Định mệnh của chúng ta là gì nếu không phải là cái chết? Như triết gia Heidegger cho rằng: Hiện hữu đích thực là “sống để chết.”

Trong bối cảnh xã hội hôm nay, đức tin và mẫu gương của Mẹ là bí quyết giúp chúng ta cử hành một mùa Giáng Sinh có ý nghĩa và hướng dẫn cuộc đời chúng ta. Thánh Augustinô nói rằng:
“Đức Maria đã thụ thai và sinh Đức Kitô nhờ đức tin trước khi Mẹ thụ thai và sinh Người trong lòng và trong thân xác mình.”

Chúng ta không thể bắt chước Đức Maria trong việc thụ thai và sinh hạ Chúa Giêsu cách thể lý; trái lại, chúng ta có thể và phải bắt chước Mẹ trong việc mang thai và sinh hạ Chúa cách thiêng liêng, cách tinh thần nhờ đức tin. Tin là “mang thai,” là làm cho Ngôi Lời nhập thể.

Điều này được chính Chúa Giêsu quả quyết khi Người nói rằng:
“Ai lắng nghe và thực hành Lời Chúa là anh chị em và là mẹ của tôi” (x. Mc 3,33-35).

Vì thế, chúng ta hãy xem mình có thể mang thai và sinh hạ Chúa Kitô như thế nào. “Cưu mang Chúa Kitô” có nghĩa là quyết định thay đổi đời sống, thái độ, và suy nghĩ của mình theo các giá trị Tin Mừng. Sinh hạ Chúa Kitô là thực hiện những thay đổi cụ thể trong đời sống, thay đổi thói quen xấu của mình. Chẳng hạn, tôi hay nói phạm thượng, bây giờ tôi không còn nói nữa; nếu tôi có những tương quan bất hòa, giờ tôi đi làm hòa; nếu tôi không đón nhận các bí tích, giờ tôi đến nhà thờ; nếu tôi là người thiếu kiên nhẫn trong nhà, tôi cố gắng trở thành người biết cảm thông với người khác hơn…

Trong tối hôm lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu nói: “Thầy khát khao ăn lễ Vượt Qua với anh em.” Giờ đây, Chúa Giêsu cũng nói với chúng ta rằng: “Thầy khát khao mừng lễ Giáng Sinh với anh em.” Trong mùa Giáng Sinh, chúng ta làm hang đá và trang trí đèn điện để mừng Chúa giáng sinh. Chúng ta không chỉ dừng lại ở những hình thức bên ngoài, nhưng còn phải trang trí cả trong tâm hồn và bên trong chúng ta nữa.

Những suy niệm trên đưa chúng ta tới một kết luận thực hành là chúng ta cũng hãy luôn học nói lời “xin vâng, amen” với Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh sống. Nếu chúng ta muốn nên giống Đức Maria, chúng ta hãy dùng chính những lời của Mẹ mà thưa lên rằng:
“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.”

Trong lần này, chúng ta sẽ mang gì đến cho Chúa Hài Đồng Giáng Sinh? Như thói quen khi Giáng Sinh về chúng ta tặng cho nhau nhiều món quà.

Có một lời cầu nguyện của phụng vụ Chính Thống giáo gợi cho chúng ta những ý tưởng thật tuyệt vời:
“Lạy Chúa Kitô, chúng con sẽ tặng cho Chúa điều gì khi Ngài làm người vì chúng con? Mỗi thụ tạo đều dâng lên Ngài dấu chứng của lòng biết ơn: các thiên thần dâng Chúa lời ca tiếng hát, các tầng trời dâng Chúa ngàn ánh sao, Ba Vua dâng Chúa lễ vật, các mục đồng đến
thờ lạy Chúa, trái đất dâng Chúa hang đá, sa mạc dâng Chúa máng cỏ. Còn chúng con, chúng con dâng cho Chúa Đức Mẹ Đồng Trinh.”

Vâng, chúng ta dâng cho Chúa Đức Maria là món quà quý nhất của toàn thể nhân loại. Amen

ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê
Nghi Diên - Nghi Lộc - Nghệ An - Việt Nam

http://nguoinguphu.blogspot.com/