Chia sẻ niềm vui Phục Sinh 2025
XEM HÌNH
Chiều ngày thứ sáu Tuần Thánh, bốn người Nhóm Bông Hồng Xanh chúng tôi đến tỉnh Gia Lai, thăm giáo xứ De Tul, hạt Mang Yang, giáo phận Kontum để chia sẻ niềm vui dịp lễ Chúa Phục Sinh.
Vì giáo xứ không có điều kiện đón khách nên chúng tôi phải lưu trú tại thành phố Pleiku. Để dùng bữa tối, chúng tôi đi quanh thành phố, một thành phố ít đèn, không buồn, cũng chẳng có gì vui. Phở hai tô, cơm lam, gà nướng khiến chúng tôi lạ miệng vì là món ăn nổi tiếng của vùng này. Ở đây, chỉ có hai ngày cuối tuần là đông vui, còn ngày thường thì bầu khí khá trầm lắng.
Sáng ngày thứ bảy Tuần Thánh, ba người trong đoàn đi lên Đức Mẹ Măng Đen để xin khấn và tham quan vùng này; còn một tôi ở lại để đi vào làng thăm nhà nguyện và chia sẻ cho một số gia đình nghèo được Yao phu (ông trùm xứ đạo) chọn. Đầu giờ chiều, cha chánh xứ De Tul, vị linh mục trẻ, tuổi chưa đến 35, là người đồng bào dân tộc, tên là A Phao, đi xe hơi đến đón tôi. Cái xe hơi cha đi chỉ có giá khoảng 200 triệu đồng vì là xe cũ, lại mượn của người quen. Tôi xúc động vì được đón tiếp như thế. Suốt chặng đường hơn ba mươi cây số, cha nói về xứ đạo của mình.
Giáo xứ De Tul hiện có 2.600 giáo dân, ở trong xã Đăk Sơmei huyện Đăk Đoa. Người dân vùng này đa số làm nông, làm rẫy; nếu làm thuê là hái cà phê, nhổ củ mỳ, nhặt cỏ...
Ngoài nhà thờ chính còn có bốn giáo họ nhỏ với nhà nguyện đơn sơ, cách nhau khoảng một, hai cây số. Nhà nguyện De Goh có tượng Chúa Thương Xót bên ngoài, nơi đây đất hẹp; nhà nguyện bằng tôn mà trên chóp chẳng có gắn cây thánh giá nên nhìn bên ngoài như một căn nhà của thường dân. Bên trong có ghế gỗ dài và cung thánh nhỏ bé, gọn gàng với tượng Chúa Giêsu trên cao, gắn trước tấm vải có nét riêng của người đồng bào. Ngồi trên chiếc ghế dài, tôi mường tượng đến những ngôi nhà thờ nguy nga mà trên quê hương đất Việt không ít. Còn bao nhiêu nhà nguyện như thế này? Có đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của giáo dân nơi đây không?
Đi thêm hơn một cây số nữa, Cha xứ mở cửa cho tôi thăm nhà nguyện thứ hai có tên là De Đoa. Bước vào bên trong, tôi mường tượng người lớn, trẻ em ngồi trên những chiếc ghế nhựa nhỏ tham dự thánh lễ, sẽ ấm cúng vào mùa đông và nóng nực vào mùa hè. Tôi thầm nghĩ, xem ra quang cảnh nhà nguyện này còn kém hơn những ngôi nhà thờ cách đây 70 năm của những giáo dân miền bắc di cư vào miền nam với ngôi nhà thờ ban đầu lợp lá (mà tôi từng viết tiểu sử, có hình, một số nhà thờ ở Sàigon trong một tờ báo của Tòa Giám Mục).
Quanh nhà nguyện là mảnh đất đỏ, nếu có gió lốc thì bụi bay mịt mù. Cái trống cạnh cột đèn là phương tiện báo hiệu giờ lễ cho giáo dân chứ không phải là một tháp chuông cứng cáp, đồ sộ.
Trên đường trở về nhà xứ chính, cha nói chuyện với tôi: “Con mới được bổ nhiệm làm chánh xứ một tháng nay, thay thế cha Thanh bị bệnh nên chưa có kinh nghiệm, cũng chưa có kế hoạch gì...” Tôi đáp lời bằng câu bông đùa: “Từ từ rồi Chúa sẽ cho cha biết nên làm gì. Có điều cần tế nhị với các ông Yao Phu (ông trùm xứ đạo) và nhân ái với giáo dân là được! Đừng cầm tay một gia đình ông Yao Phu, đi quanh nhà thờ rồi hát bài “Giáo xứ này là của chúng mình, quả bóng xanh, bay giữa trời xanh....” Vị linh mục trẻ cười giòn.
Một ông Yao Phu đợi tôi đến để đi thăm một số gia đình khó khăn. Chiếc xe gắn máy đưa tôi tiếp cận với những ngôi nhà đơn sơ, trống trải. Có chị kia trông còn trẻ mà có đến bảy đứa con. Trông những đứa trẻ trong làng có phần nhếch nhác; thôi thì vùng sâu vùng xa là vậy! Tôi đưa cho các cháu kẹo ngon, mua ở siêu thị có tiếng tại Sàigon.
Sau đó, tôi về nhà thờ chính dự lễ đêm Phục Sinh; rồi lại vượt hơn 30 km để trở lại trung tâm Pleiku.
Sáng sớm hôm sau, bốn người chúng tôi trả phòng và lên xe đến nhà thờ chính của giáo xứ De Tul, chờ cha sinh hoạt với thiếu nhi xong thì cùng đi vào làng. Thánh lễ sáng nay dành cho thiếu nhi và người lớn ở các làng đến dự. Hai thầy dòng Thánh Thể sinh hoạt với các cháu vui quá, xem ra rất có duyên trong việc quản trò, còn bao quát được số đông trẻ em nhỏ xíu lơ ngơ nữa. Các cháu nhận quà của nhà xứ rồi đi về nhà làm cho con đường làng bỗng vui rộn ràng.
Xe chúng tôi đi khoảng tám cây số nữa thì đến nhà nguyện Bok Rei. Đó là nhà nguyện nằm trên ngọn đồi rộng rãi, thông thoáng, cơ sở vật chất còn chưa đầy đủ lắm nhưng so với các nhà nguyện các làng trong giáo xứ thì nơi đây khá hơn.
Bên hông nhà thờ là một phần đất có mái, nơi đó dùng hội họp, ăn uống. Chúng tôi đành soạn quà trên nền đất đó, trông không trịnh trọng gì cả nhưng quà cho các cháu vẫn chất lượng. Khi cha đến, bên trong nhà thờ giáo dân tiếp tục đọc kinh, còn cha giải tội cho giáo dân ngay bên hông nhà nguyện. Trông cảnh đó thấy xúc động làm sao! Giải tội xong, thánh lễ Phục Sinh mới được bắt đầu, khi đó đã là mười giờ, nắng đã chói chang, bầu khí oi bức.
Thánh lễ diễn ra nhịp nhàng, có phần múa của các cháu dân tộc. Còn có ba Sơ dòng Ảnh Phép Lạ giúp nhà nguyện các làng. Sau thánh lễ là “phần làm việc” của chúng tôi. Các bà mẹ địu con nhận quà và phong bì trước, rồi đến trẻ con, các cụ già cùng quí ông Yao Phu của các làng, đến các chị em làm bếp; sau cùng là tiệc Phục Sinh chung mà chúng tôi đã tặng một con heo để làm tiệc chung. Trước khi vào tiệc, cha giới thiệu Nhóm chúng tôi và với tư cách trưởng Nhóm, tôi chỉ nói hai câu duy nhất là cảm ơn bà con đã nhận quà, vì đã quá trưa rồi. Tiếng vỗ tay làm tôi xúc động.
Các làng của giáo xứ còn nghèo, xin mời các đoàn thiện nguyện hãy đến đây mà xem, dẫu có ngược đường một chút. Và vì nơi đây, mỗi tháng cha rửa tội cho trên dưới 30 người lớn nhỏ, cần sự khuyến khích, nâng đỡ tinh thần.
Chúng tôi về đến Sàigon lúc 21giờ00 vì sân bay đông đúc người đi lại, dẫu chặng bay chỉ “vèo một cái” khoảng một giờ đồng hồ.
Chúng tôi cảm xúc rất nhiều sau chuyến đi. Và có những nơi, khi đã kết thúc chuyến công tác, chúng tôi vẫn tiếp tục gửi quà cho giáo xứ như ghế ngồi, tiền mua bánh kẹo hay sách, truyện tranh... tùy theo quỹ của Nhóm.
Niềm vui Chúa Phục Sinh lan tỏa khắp nơi nơi, gieo vào lòng người niềm hy vọng sau kiếp người nơi trần thế. Và Đức Thánh Cha Phanxico cũng vừa được Chúa mời vào hưởng niềm vui Phục Sinh của Ngài.
XEM HÌNH
Chiều ngày thứ sáu Tuần Thánh, bốn người Nhóm Bông Hồng Xanh chúng tôi đến tỉnh Gia Lai, thăm giáo xứ De Tul, hạt Mang Yang, giáo phận Kontum để chia sẻ niềm vui dịp lễ Chúa Phục Sinh.
Vì giáo xứ không có điều kiện đón khách nên chúng tôi phải lưu trú tại thành phố Pleiku. Để dùng bữa tối, chúng tôi đi quanh thành phố, một thành phố ít đèn, không buồn, cũng chẳng có gì vui. Phở hai tô, cơm lam, gà nướng khiến chúng tôi lạ miệng vì là món ăn nổi tiếng của vùng này. Ở đây, chỉ có hai ngày cuối tuần là đông vui, còn ngày thường thì bầu khí khá trầm lắng.
Sáng ngày thứ bảy Tuần Thánh, ba người trong đoàn đi lên Đức Mẹ Măng Đen để xin khấn và tham quan vùng này; còn một tôi ở lại để đi vào làng thăm nhà nguyện và chia sẻ cho một số gia đình nghèo được Yao phu (ông trùm xứ đạo) chọn. Đầu giờ chiều, cha chánh xứ De Tul, vị linh mục trẻ, tuổi chưa đến 35, là người đồng bào dân tộc, tên là A Phao, đi xe hơi đến đón tôi. Cái xe hơi cha đi chỉ có giá khoảng 200 triệu đồng vì là xe cũ, lại mượn của người quen. Tôi xúc động vì được đón tiếp như thế. Suốt chặng đường hơn ba mươi cây số, cha nói về xứ đạo của mình.
Giáo xứ De Tul hiện có 2.600 giáo dân, ở trong xã Đăk Sơmei huyện Đăk Đoa. Người dân vùng này đa số làm nông, làm rẫy; nếu làm thuê là hái cà phê, nhổ củ mỳ, nhặt cỏ...
Ngoài nhà thờ chính còn có bốn giáo họ nhỏ với nhà nguyện đơn sơ, cách nhau khoảng một, hai cây số. Nhà nguyện De Goh có tượng Chúa Thương Xót bên ngoài, nơi đây đất hẹp; nhà nguyện bằng tôn mà trên chóp chẳng có gắn cây thánh giá nên nhìn bên ngoài như một căn nhà của thường dân. Bên trong có ghế gỗ dài và cung thánh nhỏ bé, gọn gàng với tượng Chúa Giêsu trên cao, gắn trước tấm vải có nét riêng của người đồng bào. Ngồi trên chiếc ghế dài, tôi mường tượng đến những ngôi nhà thờ nguy nga mà trên quê hương đất Việt không ít. Còn bao nhiêu nhà nguyện như thế này? Có đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của giáo dân nơi đây không?
Đi thêm hơn một cây số nữa, Cha xứ mở cửa cho tôi thăm nhà nguyện thứ hai có tên là De Đoa. Bước vào bên trong, tôi mường tượng người lớn, trẻ em ngồi trên những chiếc ghế nhựa nhỏ tham dự thánh lễ, sẽ ấm cúng vào mùa đông và nóng nực vào mùa hè. Tôi thầm nghĩ, xem ra quang cảnh nhà nguyện này còn kém hơn những ngôi nhà thờ cách đây 70 năm của những giáo dân miền bắc di cư vào miền nam với ngôi nhà thờ ban đầu lợp lá (mà tôi từng viết tiểu sử, có hình, một số nhà thờ ở Sàigon trong một tờ báo của Tòa Giám Mục).
Quanh nhà nguyện là mảnh đất đỏ, nếu có gió lốc thì bụi bay mịt mù. Cái trống cạnh cột đèn là phương tiện báo hiệu giờ lễ cho giáo dân chứ không phải là một tháp chuông cứng cáp, đồ sộ.
Trên đường trở về nhà xứ chính, cha nói chuyện với tôi: “Con mới được bổ nhiệm làm chánh xứ một tháng nay, thay thế cha Thanh bị bệnh nên chưa có kinh nghiệm, cũng chưa có kế hoạch gì...” Tôi đáp lời bằng câu bông đùa: “Từ từ rồi Chúa sẽ cho cha biết nên làm gì. Có điều cần tế nhị với các ông Yao Phu (ông trùm xứ đạo) và nhân ái với giáo dân là được! Đừng cầm tay một gia đình ông Yao Phu, đi quanh nhà thờ rồi hát bài “Giáo xứ này là của chúng mình, quả bóng xanh, bay giữa trời xanh....” Vị linh mục trẻ cười giòn.
Một ông Yao Phu đợi tôi đến để đi thăm một số gia đình khó khăn. Chiếc xe gắn máy đưa tôi tiếp cận với những ngôi nhà đơn sơ, trống trải. Có chị kia trông còn trẻ mà có đến bảy đứa con. Trông những đứa trẻ trong làng có phần nhếch nhác; thôi thì vùng sâu vùng xa là vậy! Tôi đưa cho các cháu kẹo ngon, mua ở siêu thị có tiếng tại Sàigon.
Sau đó, tôi về nhà thờ chính dự lễ đêm Phục Sinh; rồi lại vượt hơn 30 km để trở lại trung tâm Pleiku.
Sáng sớm hôm sau, bốn người chúng tôi trả phòng và lên xe đến nhà thờ chính của giáo xứ De Tul, chờ cha sinh hoạt với thiếu nhi xong thì cùng đi vào làng. Thánh lễ sáng nay dành cho thiếu nhi và người lớn ở các làng đến dự. Hai thầy dòng Thánh Thể sinh hoạt với các cháu vui quá, xem ra rất có duyên trong việc quản trò, còn bao quát được số đông trẻ em nhỏ xíu lơ ngơ nữa. Các cháu nhận quà của nhà xứ rồi đi về nhà làm cho con đường làng bỗng vui rộn ràng.
Xe chúng tôi đi khoảng tám cây số nữa thì đến nhà nguyện Bok Rei. Đó là nhà nguyện nằm trên ngọn đồi rộng rãi, thông thoáng, cơ sở vật chất còn chưa đầy đủ lắm nhưng so với các nhà nguyện các làng trong giáo xứ thì nơi đây khá hơn.
Bên hông nhà thờ là một phần đất có mái, nơi đó dùng hội họp, ăn uống. Chúng tôi đành soạn quà trên nền đất đó, trông không trịnh trọng gì cả nhưng quà cho các cháu vẫn chất lượng. Khi cha đến, bên trong nhà thờ giáo dân tiếp tục đọc kinh, còn cha giải tội cho giáo dân ngay bên hông nhà nguyện. Trông cảnh đó thấy xúc động làm sao! Giải tội xong, thánh lễ Phục Sinh mới được bắt đầu, khi đó đã là mười giờ, nắng đã chói chang, bầu khí oi bức.
Thánh lễ diễn ra nhịp nhàng, có phần múa của các cháu dân tộc. Còn có ba Sơ dòng Ảnh Phép Lạ giúp nhà nguyện các làng. Sau thánh lễ là “phần làm việc” của chúng tôi. Các bà mẹ địu con nhận quà và phong bì trước, rồi đến trẻ con, các cụ già cùng quí ông Yao Phu của các làng, đến các chị em làm bếp; sau cùng là tiệc Phục Sinh chung mà chúng tôi đã tặng một con heo để làm tiệc chung. Trước khi vào tiệc, cha giới thiệu Nhóm chúng tôi và với tư cách trưởng Nhóm, tôi chỉ nói hai câu duy nhất là cảm ơn bà con đã nhận quà, vì đã quá trưa rồi. Tiếng vỗ tay làm tôi xúc động.
Các làng của giáo xứ còn nghèo, xin mời các đoàn thiện nguyện hãy đến đây mà xem, dẫu có ngược đường một chút. Và vì nơi đây, mỗi tháng cha rửa tội cho trên dưới 30 người lớn nhỏ, cần sự khuyến khích, nâng đỡ tinh thần.
Chúng tôi về đến Sàigon lúc 21giờ00 vì sân bay đông đúc người đi lại, dẫu chặng bay chỉ “vèo một cái” khoảng một giờ đồng hồ.
Chúng tôi cảm xúc rất nhiều sau chuyến đi. Và có những nơi, khi đã kết thúc chuyến công tác, chúng tôi vẫn tiếp tục gửi quà cho giáo xứ như ghế ngồi, tiền mua bánh kẹo hay sách, truyện tranh... tùy theo quỹ của Nhóm.
Niềm vui Chúa Phục Sinh lan tỏa khắp nơi nơi, gieo vào lòng người niềm hy vọng sau kiếp người nơi trần thế. Và Đức Thánh Cha Phanxico cũng vừa được Chúa mời vào hưởng niềm vui Phục Sinh của Ngài.