DỰ ÁN GIÁO DỤC CHO CON CÁI

Ba bài chủ đề của số báo này là «Chuẩn bị các bạn trẻ sống đời hôn nhân » của luật sư Lê Đình Thông, «Các cặp dự hôn xây dụng dự án giáo dục con cái » của Giáo sư Trần Văn Cảnh, và «Khi đứa con mang nhãn hiệu ‘tự bế’ xuất hiện trong gia đình » của Giáo sư Nguyễn Văn Thành đều mở ra cho chúng ta những khung trời giáo dục bao la nhưng vẫn nằm trong trật tự : Các bạn trẻ cần được chuẩn bị cẩn thận để không những đi vào đời sống hôn nhân ‘của hai người’ (vie à deux) làm sao cho hạnh phúc, mà còn sẵn sàng hành trang đón nhận và giáo dục con cái cho ‘nên người’, cho ‘thành công’.

Thật vậy, càng thấy các giá trị của hôn nhân bị đe dọa, bị phá hủy, bị coi thường, người ta càng ý thức đến sự cần thiết phải có những dự án chuẩn bị hôn phối cách nghiêm chỉnh, đáp ứng đúng nhu cầu, đúng ước nguyện của thời đại. Giáo Hội là người đã nhìn thấy trước vấn đề đó. Từ đầu thế kỷ XX, trong cuốn Giáo Luật, Giáo Hội đã đòi hỏi các linh mục phải quan tâm đến những khía cạnh mục vu hôn nhân (xem Đ 111-113, 128). Công đồng Vatican II trong Hiến Chế Mục Vụ đã dành nhiều số đề cập đến các khía cạnh ‘chuẩn bị’ hôn phối (x MV 49,51). Theo chiều hướng mục vụ của Công Đồng, bộ Giáo Luật mới (1983) dã dành nhiều điều nói về ‘Sự săn sóc mục vụ và những việc phải làm trước khi cử hành hôn phối’ (Đ1063-1072). Trên thực tế, các giám mục giáo phận, các linh mục coi họ đạo đã và đang nghiêm chỉnh, với sự cộng tác của các bậc phụ huynh, thi hành công việc mục vụ khẩn trương này : chuẩn bị cho các đôi bạn đi vào đời sống hôn nhân. Nhỏ bé như Giáo Xứ chúng ta, từ 10 năm nay đã có một Ban Mục Vụ Hôn Nhân gồm những giáo dân có khả năng chức nghiệp, giầu kinh nghiệm gia đình và đức tin vững chắc, dấn thân trong phạm vi mục vụ này bên cạnh các linh mục.

Dầu vậy, phải khiêm tốn chấp nhận còn nhiều thiếu sót, như lời nhận định sau đây của Đức cố Hồng y Nguyễn Văn Thuận :

«Chuẩn bị làm linh mục có chủng viện, chuẩn bị làm tu sĩ có đệ tử viện, chuẩn bị làm giáo sư có trường sư phạm, chuẩn bị làm cha mẹ có gì ? Không có gì cả ! Thật là sự thiéu sót lớn lao trên thế giới. Lúc này tạm có lớp dự bị hôn nhân, nhưng chưa đi đến đâu. Bao nhiêu người sẽ là nạn nhân cho cuộc phiêu lưu ‘hôn phối’ này » (HV 463)

Nạn nhân đầu tiên là cha mẹ và hệ quả đầu tiên là con cái. Vì thế dự án chuẩn bị hôn nhân và dự án giáo dục con cái dính liền với nhau. Vì nếu ‘cha mẹ hiền lành để cho con’ thì ‘con hư tại phụ mẫu’. Nước trong hay đục bao giờ cũng từ nguồn chảy xuống. Do đó cha mẹ là người ‘chịu trách nhiệm đầu tiên về việc giáo dục con cái » (MV 87). Trách nhiệm này cha mẹ không thể trốn tránh hay trút bỏ cho người khác được (GD 1, MV 48). Nói theo Công Đồng, ‘cha mẹ là nhà giáo dục của con cái’ (GD 3) và gia đình là nôi ươm tương lai của mỗi đứa con (MV 52). Chúng ta hãy đọc lại mấy lời nhắn nhủ của Công Đồng :

« Vì là người truyền sự sống cho con cái, nên cha mẹ có bổn phận hết sức quan trọng là giáo dục chúng và vì thế cha mẹ được coi là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu của con cái. Vai trò giáo dục này quan trọng đến nỗi nếu thiếu sót thì khó lòng bổ khuyết được. Thực vậy, chính cha mẹ có nhiệm vụ tạo cho gia đình một bầu khí thấm nhuần tình yêu cũng như lòng tôn kính đối với Thiên Chúa và tha nhân, để hỗ trợ việc giáo dục toàn diện cho con cái trong đời sống cá nhân và xã hội. Do đó gia đình là trường học đầu tiên dạy cho con cái những đức tính xã hội… » (GD 3).

Đến đây, tôi xin kết thúc bằng lời của Saint-Exupery : «Cái gì cũng đòi hỏi phải chuẩn bị, đặc biệt khi cái đó là con người, là gia đình »

(WWW. giaoxuvnparis.org)