CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN A

Những cánh hoa Đạo ướp hương cho Đời

Dẫn nhập đầu lễ :

Chúa Nhật hôm nay mang đến cho cộng đoàn chúng ta sứ điệp Lời Chúa giống như một kết luận cuối cùng cho cuộc hành trình đức tin của người Kitô hữu, cho định hướng mục vụ và dấn thân truyền giáo của Giáo Hội : Yêu thương phục vụ con người, chu toàn nghĩa vụ trần thế đó chính là : “Của Cêsa hãy trả lại cho Cêsa”; và sẵn sàng đem chân lý Đạo trời giả sáng giữa trần gian lại chính là : “của Thiên Chúa trả về cho Thiên Chúa”. Và như thế, Thiên Chúa và nhân loại, Đạo và Đời : Tất cả đều tìm gặp ý nghĩa cuối cùng trong Đức Kitô. Hay nói cách khác, “Những cánh hoa Đạo phải tỏa hương thơm ngát ở giữa cánh đồng Đời”.

Giờ đây, chúng ta hãy nhìn nhận tội lỗi chúng ta để xứng đáng cử hành thánh lễ.

Giảng Lời Chúa :

Vào khoảng năm 30 của thế kỷ thứ 1, dưới triều hoàng đế Tibêriô cai trị đế quốc La mã, trong một bối cảnh xã hội nát như tương, mãnh đất Palestine khô cằn sỏi đá đang bị Rôma đô hộ lại bị chia manh xẻ múng bởi nhiều phe cánh chính trị tôn giáo đã lắm cực đoan lại nhiều suy đồi biến chất. Cánh Hêrôđê chấp nhận ôm gót giày đế quốc Rôma để tìm một chút vinh thân phì gia cho nên nơm nớp lo sợ những phần tử do Thái cực đoan âm mưu phản động; trong khi đó bè Biệt phái lại kiêu căng hợm hĩnh muốn độc quyền bảo vệ và thực thi tôn giáo của Cha ông đến độ cố chấp loại trừ mọi khuynh hướng tự do cởi mở. Trong bối cảnh ấy, Nhà “tiên tri áo vải Giêsu đến từ Na-da-rét”, xem ra là một mối đe dọa cho cả hai khi một đàng Ngài đang hấp dẫn một bộ phận quần chúng dân đen đông đảo tụ tập xung quanh để nghe thuyết giảng về tình huynh đệ đại đồng, về một “Vương Quốc” xa xôi huyền nhiệm nào đó. Một đàng Ngài mạnh mẽ phê bình, đả kích thậm tệ cái lối hành đạo và cuộc sống giả hình kiêu căng của nhóm Biệt Phái. Chính vì thế, cả hai cánh Hêrôđê cũng như biệt Phái, cho dù bất đắc dĩ, cũng phải liên minh lại để đối đầu và nếu có thể triệt hạ tên “Giêsu phá đám nầy”. Câu chuyện “vấn nạn “có” hay là “không” nộp thuế” mà Tin Mừng thuật lại hôm nay chính là một cái bẩy tuyệt vời của “liên minh ma quỷ” nầy giăng ra để chụp bắt con mồi Giêsu trong cái “gọng kìm lưỡng đao luận” mà theo họ, cho dù thần thông đến đâu, nhà tiên tri Na-da-rét cũng khó bề né tránh. Nếu trả lời “không nộp” ! Cánh Hêrôđê sẽ còng tay mang Ngài đi ngay về dinh Philatô với tội danh phản động, bất tuân Hoàng Đế, chống lại mẫu quốc. Còn nếu câu trả lời là “Có” : Chắc chắn cánh Biệt Phái sẽ kéo Ngài ra công trường cho dân ném đá; vì chủ trương nộp thuế cũng có nghĩa là ôm gót giày ngoại bang, phục tùng đế quốc, phản lại đồng bào đang rên siết lầm than ! Quả thật, “có” hay ‘không” phần thiệt trăm phần trăm nghiêng về phía Chúa Giêsu. Một mệnh đề nghi vấn thật tinh quái và hiểm ác !

Thế nhưng, tất cả đều chưng hửng ! Đã không bắt bí được Ngài mà lại được Ngài dạy cho một bài học đích đáng ngay trong chính câu trả lời mà họ không ngờ lại có thể xảy ra : “Của Xê-da hãy trả cho Xê-da, của Thiên Chúa hãy trả về Thiên Chúa”. Bài học chất chứa trong câu trả lời đó chính là : “quyền tối thượng của Thiên Chúa” phải được trân trọng và ‘trách nhiệm đối với tha nhân” phải chu tất”.

1. Của Thiên Chúa trả về cho Thiên Chúa :

Quả thật Dân Chúa cho tới thời Chúa Giêsu, niềm tin tinh ròng và sắt son dành cho Gia-vê Thiên Chúa như cái “thuở ban đầu lưu luyến ấy” nơi hoang mạc Si-Nai, như thời mới an cư lập nghiệp với các Vị Quan Án hay như thuở thái bình thịnh trị dưới triều đại Thánh vương Đa-Vít…đã không còn. Đền thờ Giêrusalem đáng lẽ phải là trung tâm của các lễ nghi thánh thiện, phụng vụ trang trọng…thì đã nên như cái chợ hổn tạp : “Nhà Cha Ta là nhà cầu nguyện nhưng các ngươi đã biến thành hang trộm cướp”, đến độ Đức Kitô đã “nổi cơn lôi đình” sử dụng “biện pháp mạnh” để ra tay thanh tẩy. Trong khi đó, những điều răn tối thượng được Thiên Chúa mặc khải trên Núi Si-Nai đã lần lần được thêm thắt, chú giải sao cho phù hợp với những đặc quyền đặc lợi của những kẻ ăn trên ngồi trước. Cũng thế, mối quan hệ Chúa-người, thay vì phát triển trong tâm tình và thái độ Phụ-tử tình thâm nghĩa trọng, đã biến nên một loại mê tín giả hình mà việc thờ phượng nguyện cầu đã trở nên lạnh lùng cách biệt. Chúa Giêsu đã dùng quyền “ngôn sứ” và cũng đã lặp lại những lời răn dạy của các ngôn sứ lừng danh thuở trước để canh tân tình trạng tôn giáo xuống cấp nầy :”Quân nầy thờ kính Ta bằng môi mép, còn tấm lòng thì cách xa vời vợi”.

- “Trả về cho Thiên Chúa” phải chăng đó là “sự cất bước quay về của ngươi con hoang đàng tội lỗi để hân hoan trong chiếc áo mới của tiệc mừng trong nhà của Cha.

- “Trả về cho Thiên Chúa” phải chăng đó là sống tâm tình của “con chiên lạc được bồng ẵm trên vai của người mục tử nhân lành đã cất công dãi dầu tìm kiếm.

- “Trả về cho Thiên Chúa” phải chăng đó là “những người thợ sẵn sàng nghe tiếng chủ đẻ dán thân đi làm vườn nho cho dù đến trễ.

- “Trả về cho Thiên Chúa” phải chăng đó là “những đầy tớ trung tín biến những nén vàng được chủ trao sinh lãi được gấp trăm”

- “Trả về cho Thiên Chúa” phải chăng đó là “những mảnh đời đã trở thành đất tốt để hạt giống Lời Chúa sinh hoa kết trái”

- “Trả về cho Thiên Chúa” phải chăng đó là những Matthêô, Giakê, Maiđệliên, người trộm lành bên thánh giá biết quay đầu hối cải và làm lại cuộc đời trong phó thác tin yêu.

- “Trả về cho Thiên Chúa” phải chăng đó là những tâm hồn khiêm hạ khó nghèo như Đức Trinh Nữ Maria, thánh cả Giuse, các Tông Đồ…luôn biết hát bài “Magnificat” để tạ ơn và ngợi khen Thiên Chúa về những hồng ân cao cả và những việc lạ lùng Chúa đã ân trao…

- “Trả về cho Thiên Chúa” phải chăng đó là luôn nhận thấy tình thương và sự quan phòng của Cha trên cuộc đời của những con chim sẻ, của những cây hoa huệ giữa cánh đồng hay những sợi tóc trên đầu bất chợt rơi xuống !

Vâng, Chúa Giêsu quyết mang đến một “Tin Mừng” về một Thiên Chúa là Cha mà nhân loại phải trở về để tin yêu và lụy phục như những người con trung hiếu nghĩa tình. “Hãy trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Ngài” trong tâm ý của Đức Kitô phải chăng chất chứa nội dung như thế đó.

Bởi chưng, “nếu không trả về cho Thiên Chúa những gì thuộc về Ngài, không hướng về Ngài tất cả những gì trong vũ trụ hay tất cả những gì ta đang hưởng dùng thì đó là thái độ phản loạn của con người. Con người muốn chiếm hữu lấy chỗ của Thiên Chúa và qui mọi sự về chính mình, lấy mình làm chủ, làm tiêu chuẩn cho mọi sự, những thái độ kiêu ngạo sai lầm này chỉ dẫn đến những tranh chấp, hận thù, bạo lực và xa rời Thiên Chúa mà thôi. Vì thế, bao lâu mỗi người chúng ta không nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng chủ tể của mình, không trả lại cho Ngài và không qui hướng về Ngài tất cả những gì thuộc về Ngài, không để cho Thiên Chúa chiếm chỗ nhất trong cuộc sống của mình, thì bấy lâu con người không thể xây dựng một xã hội nhân bản xứng đáng là con người, không thể nào xây dựng một xã hội hoà hợp, trong đó mọi người nhìn nhận nhau như là anh chị em trong đại gia đình có Thiên Chúa là Cha.”. Lịch sử nhân loại đã chứng minh cho thấy những tang thương hủy diệt, những mất mát đọa đầy, những lầm than khốn khổ của những cuộc đại chiến, những cuộc tàn sát dân lành không thương tiếc của những tên bạo chúa như Nêron, Tần thủy Hoàng, Hiler, Mao Trạch Đông, Stalin, Pôn Pốt,…Phải chăng những vết đen khủng khiếp của lịch sử đó là kết quả của những ý thức hệ, những triết thuyết vô thần, đòi loại trừ Thiên Chúa ra khỏi văn minh nhân loại, đòi “giết chết Thượng Đế” ngay trong xã hội đang có và đang cần sự hiện diện của chính Ngài. Và hôm nay, trong xã hội chúng ta đang sống, cũng vì không biết “trả về cho Thiên Chúa những sự thuộc về Ngài”, mà có biết bao thai nhi phải chết oan chết ức trước khi được cất tiếng khóc chào đời, có biết bao nhiêu gia đình tan nát, vợ chồng ly dỵ, con cái đi hoang, có biết bao thanh niên thiếu nữ buông thả cuộc đời trong thác loạn ma túy, rượu chè, dâm đảng…biết bao nhiêu những kẻ có chức có quyền đánh mất lương tâm để chỉ biết tham ô, vơ vét cho đầy cái túi tham và thỏa mãn đam mê quyền lực.

Làm người Kitô hữu hôm nay phải chăng là phấn đấu để biết từng ngày “trả về cho Thiên Chúa” những sự thuộc về Ngài, là không ngừng thánh hóa bản thân theo những đòi hỏi và kích thước của tin Mừng, là tìm kiếm và thực thi thánh ý Chúa ngang qua các dấu chỉ của cuộc sống, là trung thành hiệp thông với Giáo Hội trong phụng vụ và nguyện cầu.

2. Trả cho Xê-da những gì của Xê-da :

Thế nhưng, Thiên Chúa không dành hết cho Ngài để con người chỉ còn biết ngoãnh mặt làm ngơ trước anh em đồng loại. Vì chưng “giới răn thứ hai cũng quan trọng như giới răn thứ nhất : ngươi phải yêu thương anh em như chính mình ngươi”. Và vì thế, Tin Mừng của Đức Kitô lại đòi hỏi chúng ta “phải trả cho Xê-da những gì của Xê-da”.

- “phải trả cho Xê-da những gì thuộc Xê-da” khi chúng ta biết quỳ xuống rửa chân cho anh em, nhất là rửa chân cho những nguời nghèo hèn khốn khổ như Mẹ Têrêsa thành Calcutta đã nêu gương.

- “phải trả cho Xê-da những gì thuộc Xê-da” khi chúng ta biết tha thứ cho anh chịh em không phải 7 lần nhưng 70 lần 7.

- “phải trả cho Xê-da những gì thuộc Xê-da” khi chúng ta biết trở thành người Samari nhân hậu để giúp đỡ anh chị em chúng ta trong nững lúc khốn khó ngặt nghèo.

- “phải trả cho Xê-da những gì thuộc Xê-da” khi chúng ta biết liên đới với mọi người để dựng xây hòa bình, để kiến tạo bầu khí huynh đệ, hiệp thông, để đẩy lùi những đói nghèo bệnh tật, để xoa dịu những vết thương chiến tranh, giúp đỡ hàn gắn những đổ nát của thiên tại địch họa và nổ lực làm cho bộ mặt trái đất mỗi ngày thêm đẹp thêm xinh.

Như thế, bài học mà Đức Kitô dạy cho những người thuộc nhóm Hêrôđê tham quyền cố vị, cho nhóm Biệt Phái giả hình kiêu căng mãi mãi vẫn còn “thời sự” đối với hết mọi người chúng ta, đối với Hội Thánh muôn nơi và muôn thuở. Nếu ngày xưa, một ông hoàng ngoại giáo, vua Cyrus của ba Tư, mà còn được Thiên Chúa xức dầu tấn phong và dạy cho biết “chẳng có ai là Thiên Chúa ngoại trừ Ta”, và ông đã nhất nhất vâng lệnh Chúa truyền khi đem Dân Chúa trở về quê cũ và tái lập việc phượng thờ Giavê (BĐ 1), thì hôm nay bài học “trả về cho Thiên Chúa, trả lại cho Xê-da” phải chăng cũng là đường đi nước bước của Dân mới, của mọi người chúng ta hôm nay. Vì một cách nào đó, cũng như ơn gọi của vua Cyrus, thánh Phaolô hôm nay cũng nói với chúng ta như đã nói với tín hữu Thessalonica rằng : “chúng tôi biết rằng Thiên Chúa đã chọn anh em, những người được Thiên Chúa thương mến” (BĐ 2)