Từ Paris đi Lộ Đức

Thế là chúng tôi đã qua 1/2 thời gian du lịch Châu Âu, lịch trình cũng diễn ra đúng ước định và còn quá ước định nữa.

Hành trình phần một trung tâm là Đền thánh Phêrô và lễ Noel, còn hành trình phần hai này là hành hương Lộ Đức và mừng Tết dương lịch tại Paris.

Đúng 18h40 tầu rời ga Termini của ý để đi Pháp. Tạ ơn Chúa, chúng tôi được hai thầy tận tình giúp đỡ cho hai phần hành trình. Tại Rôma có thầy Vượng, tại Lộ Đức - Pháp có thầy Được. Hai Thầy liên lạc với nhau và có mặt ở hai đầu ga tầu Roma - Pháp để đưa chúng tôi lên tầu và đón xuống tầu.

5h sáng ngày 29/12 tầu chúng tôi dừng lại ở Leysin thuộc Thụy sĩ và tại đây, lần đầu tiên chúng tôi được trông thấy tuyết. Tuyết mịn màng và trắng muốt. Tuyết nhỏ nhẹ, xốp và dịu dàng. Nhìn qua ô kính cửa sổ của tầu, tuyết ánh lên như kim cương dưới ánh điện sáng của nhà ga. Những vết chân người đi hằn sâu trên tuyết, tuyết là nhà điêu khắc, là họa sĩ vẽ lại trung thực mỗi bước chân người đi qua.

Người ta nói rằng tuyết hiểu tâm tình của người ngồi sau cửa sổ. Người vui thấy tuyết nhảy nhót trên mỗi ngành cây. Người buồn thấy tuyết trên mặt đất đem theo cái tê tái buốt lạnh như lòng người cứ lạnh mãi, lạnh mãi, càng ngày càng giá lạnh dày thêm.

Chúng tôi chưa một lần bước chân trên tuyết nên chưa có cảm giác của tuyết lạnh và vì tâm hồn chúng tôi tràn ngập niềm vui an bình của tuần bát nhật Giáng Sinh nên nhìn qua ô cửa kính, chúng tôi thấy tuyết đẹp biết bao !

Tầu chúng tôi đi qua bao ngọn đồi, bao thôn làng, thị trấn yên tĩnh. Những cánh rừng, những con đường, đôi khi là cả một vùng trung du rộng lớn nổi bật trên nền mầu trắng sạch sẽ, thoáng đãng của tuyết. Tất cả mọi ngôi nhà chúng tôi đi qua đều lợp mái bằng một mầu trắng toát. Dưới sự hào phóng của tuyết rơi, mặt đất không còn phân biệt được đất với đá, đồng cỏ với bình nguyên. Cảm giác như những cánh đồng muối vùng biển trải dài khắp nơi.

Chúng tôi gặp thầy Được và cha Tho quê Hải Phòng, anh Thế Anh quê ở Yên Vân đang học Đại học kinh tế (xã hội) tại Đại học Công Giáo Paris. Tất cả chúng tôi cùng bước đi trên đường phố Paris – thủ đô ánh sáng. Hệ thống tầu điện ngầm (metro) được coi là văn minh hiện đại nhất thế giới. Dưới lòng đất và dưới cả lòng sông Seine của Paris có tới 60km đường ray Metro. Thay vì 5 phút một chuyến như ở Italia thì ở đây chỉ có 2 phút và có tới 14 hệ thống đường metro và 5 hệ thống tầu RER A, B, C, D, E. Để hành khách khỏi nhầm tầu, mỗi tầu được phân biệt bằng một mầu khác nhau. Đặc biệt hệ thống tầu số 14 mầu tím hoàn toàn tự động không người lái, tất cả điều khiển tại trung tâm.

Mười anh em chúng tôi tạm chia thành hai nhóm: sáu cha về nghỉ tại nhà Hội Thừa sai Paris MEP (Missions Etrangères de Paris) 128 rue du Bac - Paris, do cha Luca Phạm Văn Huy, Linh mục giáo phận nhà du học tại đây đã chu đáo lo liệu, còn bốn anh em chúng tôi là cha Hi, cha Tự, cha Thiện và tôi về ký túc xá của thầy Được tại 4 rue de Citeaux 75012, Paris. Chúng tôi hẹn nhau 15h gặp nhau tại Nhà thờ Notre Dame de Paris.

Trước giờ hẹn một tiếng, bốn anh em chúng tôi theo thầy Được đi bộ dọc sông Sen (Seine) con sông đẹp nhất châu Âu, nổi tiếng với những cây cầu vắt ngang và dòng sông tao nhã luôn ngược xuôi tầu thủy làm cho khung cảnh Paris thêm hữu tình, sinh động.

Nhà thờ Notre Dame de Paris
Chúng tôi chụp hình rất nhiều suốt dọc đường đi, đẹp nhất là đường Vua thánh Louis nối tiếp với Nhà thờ Đức Bà Paris.

Giống như các Vương cung Thánh Đường tại Roma, Nhà thờ Notre Dame de Paris cũng chật ních người xếp hàng dài vào thăm. Điểm nổi bật đầu tiên là các ô kính mầu trang trí trong các cửa sổ lớn của Đền thờ. Tất cả đều sặc sỡ, phong phú và mỹ thuật. Hai bức ngăn dọc gian Cung thánh trình bày các tích trong Kinh Thánh Cựu và Tân Ước bằng thể loại nghệ thuật phù điêu tầm cỡ thế giới như ở Roma. Đền thờ vẫn giữ được Tòa giảng ở giữa Nhà thờ. Nơi đây, Đức Giám mục Gioan B. Nguyễn Bá Tòng, Giám mục tiên khởi Việt Nam đã diễn giảng hùng hồn bằng tiếng Pháp, khiến các tín hữu Paris và ngoại quốc có mặt đều ngỡ ngàng, thán phục.

Chúng tôi không đủ thời gian để lên thăm ngọn tháp Nhà thờ mà chỉ chụp hình kỷ niệm trước mặt tiền Nhà thờ. Ở giữa quảng trường rộng lớn này có một vị trí quan trọng được coi là trung tâm của Paris. Vị trí đó được đánh dấu hoa văn bằng đồng, hầu như ai cũng đặt chân lên đây để cầu may có hy vọng được trở lại Paris.

Nhìn từ góc độ này, Nhà thờ Đức Bà Paris kết cấu với 2 ngọn tháp vuông mặt tiền. Giữa là vòm cuốn bằng đá nhiều lớp, mỗi lớp có nhiều phù điêu tượng các thánh vừa trang nghiêm truyền thống, lại vừa mang đậm nét nghệ thuật thánh.

Những ngọn tháp theo lối kiến trúc Gothique tạo nên những góc cạnh nhiều tầng có chiều sâu và không gian nổi do chính các ngọn tháp tạo nên.

Trên đường trở về, chúng tôi ghé thăm trường Đại học Công giáo Paris, nơi cha Khuê và các cha Việt Nam du học, sau đó tập trung ở nhà MEP và xin dâng Thánh lễ đầu tiên tại đây. Đây là thánh lễ đầu tiên tại Paris, khó khăn nhất là không có sách lễ tiếng Việt Nam. Mỗi người cố gắng nhớ lại một câu của Kinh Nguyện Thánh Thể để làm sao có thể dâng Thánh Lễ bằng tiếng Việt. Loay hoay mãi mà cũng không nhớ hết một cách chính xác và đầy đủ, cuối cùng cha Thắng, linh mục sinh viên thuộc Giáo phận Hà Nội đang du học ở đây đã đem đến cho chúng tôi cuốn sách lễ Roma để chúng tôi dâng lễ bằng tiếng Việt.

Theo chương trình tối nay chúng tôi lên đường đi Lộ Đức (Lourdes) Khoảng cách Paris - Lourdes là 820km, và thời gian tầu điện chạy là 8 tiếng. Chúng tôi dùng bữa tối tại Paris rồi lại chuẩn bị lên tầu vào 23h14’. Một đêm thanh bình trên tầu trôi qua, ngoại trừ vào giờ cuối cùng xuống ga, thầy Được mới phát hiện ra mình để rơi điện thoại di động trên tầu. Thầy xuống toa dưới, tìm ghế của mình thì mới biết toa này đã bị cắt đi Tây Ban Nha hồi đêm. Mất điện thoại là như người bị cô lập, nhưng còn là may vì nếu thầy ngủ quên chút nữa thì cả người cũng bị cắt sang Tây Ban Nha - thật là hú vía !

Vừa tới ga Lourdes, chị Thanh Vân và hai chị người Pháp, người Philippine đã đón chúng tôi tại nhà ga. Ba chiếc xe taxi đủ đưa chúng tôi về trung tâm huấn luyện của Tu hội trợ tá Tông đồ quốc tế. Tại đây chúng tôi gặp những người đến từ Hàn Quốc, Myanma, Tây Ban Nha, Salvador, Uganda, Bangladesh, các chị phục vụ tận tình và vô vị lợi.

Sau bữa ăn sáng, ba chị tiếp tục đưa chúng tôi thăm Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Lộ Đức. Lòng chúng tôi rộn mừng mỗi lúc xe đến gần hơn địa danh thiêng thánh đã trở thành trung tâm hành hương của toàn thế giới.

Lộ Đức
Nhà thờ Đức Bà Lộ Đức hiện ra trên đỉnh núi, sát chân núi là dòng sông Gave với cây cầu vắt ngang sông và dẫn đến hang Đức Mẹ hiện ra cùng chị Bernadette năm 1958. Thật là cảm động và linh thiêng, chúng tôi đọc kinh, chụp hình, quay camera. Tất cả trong im lặng và diễn ra dưới trời mưa. Lúc nào cũng có người âm thầm cầu nguyện trước hang Đức Mẹ. Tượng Đức Mẹ bằng tỉ lệ người thật được đặt chính nơi Đức Mẹ hiện ra. Dưới chân Mẹ hang Macabieille giờ đây đã được xây lên một bàn thờ bằng đá, ngay sát Bàn thờ là mạch nước vọt lên từ trong hang đá. Khi Đức Mẹ hiện ra cùng chị Bernadette, bo chị lấy nước từ mạch lên, chị định chạy ra sông Gave nhưng Đức Mẹ ra hiệu cho chị bới đất ở đây và mạch nước đã vọt lên từ chính ni này. Ngày nay mạch nước được dẫn xuôi theo dọc nhà thờ đến tận sân tháp, gần cầu qua sông Gave để khách hành hương có thể dễ dàng lấy nước từ nhiều vòi nhỏ lắp trên cùng một đường ống lớn.

Thật là hạnh phúc khi chúng tôi được đồng tế thánh lễ bằng tiếng Pháp lúc 10h cùng với bốn cha sở tại, trong đó có cha xứ Lộ Đức (Lourdes). Vì cha Vũ mệt phải lưu lại ở nhà MEP nên chỉ có chín anh em chúng tôi đồng tế đứng vòng quanh hang đá. Đông khách hành hương tham dự dưới trời mưa. Cuối lễ thầy dòng đặc trách hang đá Lộ Đức ngỏ lời cám ơn đoàn Linh mục Phát Diệm, chúng tôi đáp từ trong khiêm tốn và biết ơn. Cộng đoàn vỗ tay chúc mừng đoàn đồng tế, chụp hình kỷ niệm, thật là cảm động và diễm phúc.

Phải nói rằng thánh nhạc Pháp thật tuyệt vời. Đa số các Giáo xứ của Pháp không có ca đoàn, trừ một số ca đoàn chuyên nghiệp phục vụ tại các nhà thờ tầm cỡ như nhà thờ Đức Bà Paris, mỗi thánh lễ đều có một người, hoặc tu sĩ hoặc giáo dân đứng trên bục giảng để điều khiển cả cộng đoàn về thánh nhạc nên cộng đoàn tham dự một cách hết sức sống động. Ở hang Lộ Đức hôm nay cũng thế, khách hành hương cùng hát những bài thánh ca Pháp sốt sắng cảm động.

Rời hang Mẹ, trời vẫn lất phất mưa, không gian tĩnh lặng càng làm cho Lộ Đức của Mẹ thêm phần linh thiêng. Chúng tôi đi lên theo bậc thang đá hình vòng cung mô phỏng theo vòng cung Đền Thờ thánh Phêrô, nhưng dốc hẳn xuống sân quảng trường để người đi bộ và xe lăn có thể leo dần lên tới nhà thờ lưng chừng núi. Đây là Nhà thờ thứ nhất được xây theo ý muốn của Đức Mẹ truyền qua Bernadette, tiếp tục leo lên, ta tới Nhà thờ thứ hai xây bao trùm lên cả Nhà thờ thứ nhất. Còn Nhà thờ thứ ba - Nhà thờ Mân Côi lại là Nhà thờ tầng trệt, đứng ở nhà thờ đầu tiên thì chỉ nhìn thấy những đỉnh mái tròn của nhà thờ này. Vì đang sửa chữa nên chúng tôi không được xuống xem nhà thờ thứ ba. Bù lại chị Thanh Vân dẫn chúng tôi tới xem Vương Cung thánh đường Basilio đã được khánh thành nhân kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra 1858 -1958 Thánh đường này có diện tích chứa 25.000 ghế ngồi, được coi là Đền thờ rộng nhất thế giới. Bàn thờ xây giữa trung tâm Đền thờ, các dịp hành hương lớn và các Chúa nhật thường xuyên có lễ cho khách hành hương.

Chúng tôi đi dọc quảng trường bằng phẳng, rộng rãi trải dài trước mặt tiền nhà thờ. Ở khoảng giữa sân có tượng Bernadette ngồi chăn cừu, những con cừu hiền lành gặm cỏ vây quanh chị giữa một khoảng không gian còn giữ được thảm cỏ xanh trải đều hút tầm mắt. Thật là một địa danh sơn thuỷ hữu tình, êm đềm thanh tĩnh mà Đức Mẹ đã chọn và hiện ra.

Khi những ngọn điện khu Đền thánh đã bật sáng, chúng tôi trở lại kín nước suối Đức Mẹ Lộ Đức. Hàng trăm cây nến đủ kích cỡ từ nhỏ đến lớn và cực lớn được đốt lung linh sáng rực dọc chân núi. Những ngọn nến tưởng như không lúc nào tắt, luôn cháy sáng như cõi lòng của các tâm hồn hành hương và những người con của Mẹ khắp năm châu đang hết lòng tôn kính và bày tỏ lòng yêu mến Mẹ.

Thầy Được đi cùng chúng tôi trong suốt hành trình giao tiếp bằng tiếng Pháp và đổi nhau chụp hình, quay camera. Thầy phát hiện một chị người Italia đã đứng ở một góc hang cầu nguyện 5 tiếng không hề rời vị trí. Biết được chị đứng đó 5 tiếng đồng hồ vì từ lúc chúng tôi đến dâng Thánh Lễ 10h chị đã đứng đó. Ăn trưa xong chúng tôi đi lấy nước suối vẫn thấy chị ở đó. Lúc gần trở về Paris, chúng tôi quay lại chào Mẹ vẫn thấy chị đứng đó. Nét mặt chị thật thanh thản, sốt sắng lạ thường. Dường như chị đến đây để quên hết những chuyện trần thế mà dành tất cả thời gian cho Mẹ. Cùng với chị, chúng tôi cũng như quên đi những lo lắng, ưu tư. Cho dù mỗi người đều có những cảm nhận khác nhau, nhưng tất cả đều hướng về Mẹ và dường như ai cũng nghĩ đến những thân nhân, ân nhân để cầu xin Mẹ ban tràn ơn lành cho họ. Nhìn chị người Ý đứng đó, chúng tôi thấy cảm động và càng thấm thía hơn tinh thần hiệp thông cũng như thấy rõ hơn chứng nhân đức tin trong cuộc sống của những tâm hồn thầm lặng nơi đây.

Cả đoàn cùng hát kinh Magnificat tạ ơn Đức Mẹ và kết thúc một ngày kính viếng Lộ Đức với bao cảm xúc, với bao ân huệ lớn lao.