HÔN NHÂN: MẦU NHIỆM TÌNH YÊU THỦY CHUNG



[Marriage: the Mystery of Faithful Love]

Dietrich von Hildebrand (1889-1977)

Sophia Institute Press, Manchester, New Hampshire, 1991


PHẦN II

TÌNH YÊU và HÔN NHÂN BÍ TÍCH



Bài 9

Ta đã thấy ý nghĩa tiên khởi của hôn nhân--khiến gợi lên hình ảnh tương giao giữa linh hồn và Thiên Chúa--chính là mối hiệp thông tình yêu gần gũi nhất, qua đó hai nhân vị trở thành một: một trái tim, một linh hồn, và một xương thịt. Nhưng hiệp thông này đem lại mối tương giao nào đối với Chúa Giêsu, đối với sự cứu rỗi của linh hồn, và đối với Vương Quốc của Thiên Chúa?

Trước hết, ta hãy xét đến ý nghĩa siêu nhiên của hôn nhân bí tích: sự biến đổi của hôn nhân tự nhiên xẩy diễn ra, cũng như điều được đem từ hôn nhân tự nhiên vào trong Bí Tích. Ta cũng xét đến giá trị cao cả của hôn nhân và thứ hạng khôn sánh của nó vượt trên mọi cộng đồng trần thế.

Người nào nghe được tiếng nói của thánh Gioan: “Nhìn đây, Ta đổi mới mọi sự” (Kh 21:5) hẳn sẽ nâng hôn nhân--vốn là cộng đồng cao sang nhất của con người—lên trên những tầm cao chưa từng có, và mặc lấy cho nó một phẩm giá cao vời.

Hôn Nhân Bí Tích Biến Đổi Hôn Nhân Tự Nhiên

Tự thân cộng đồng tình yêu liên lỉ này đã lớn lao rồi, thế nhưng, xét cả về mặt chủ quan lẫn khách quan, hôn nhân còn cao cả hơn nữa trong Chúa Kitô và trong Hội Thánh Ngài. Hôn nhân Kitô giáo--được cam kết long trọng cho Chúa Kitô và trong Chúa Kitô, dưới ánh sáng vĩnh cửu, và mang theo mình cái ý nghĩa trách nhiệm sâu xa nhất—thì triệt để khác biệt với hôn nhân tự nhiên, cho dù cao cả đến mức nào chăng nữa, bởi vì vợ chồng của hôn nhân tự nhiên chỉ nhìn nhau trong cái vòng hạn hẹp của trật tự tự nhiên mà thôi. Cả một thế giới khác biệt phân cách hai người.

Tình yêu vợ chồng trải qua một thay đổi sâu xa, về mặt phẩm chất, nơi những thành viên sống động của Nhiệm Thể Chúa Kitô. Tình yêu hôn phối không đánh mất đi các nét đặc trưng đã bàn tới ở trên: đó là sự tự trao ban hỗ tương, đặc tính của một hiệp thông ‘tôi và anh/em,’ việc sống cho nhau, và việc hình thành một kết hợp vẹn toàn như một đôi lứa khép kín tách rời khỏi những gì còn lại trong trần thế.

Qủa vậy, tình yêu hôn phối Kitô giáo không ngừng trở thành tình yêu vợ chồng trong ý nghĩa trọn vẹn nhất của từ ngữ. Siêu nhiên không hủy hoại điều thiện ích tốt đẹp mang tính cách trần thế này, mà đúng ra chỉ biến đổi nó mà thôi. Leônarđô đa Vinci đã nói: “Con người càng cao cả bao nhiêu, thì càng có tình yêu nồng đậm bấy nhiêu.” Trong khi đó, Lacordaire lại nói rằng: “Không hề có hai tình yêu: một mang tính trần thế, một mang tính thần linh. Chỉ có một và cùng một cảm tính mà thôi, ngoại trừ tình yêu vô biên.”

Tình yêu vợ chồng tượng trưng cho một điều gì lớn lao, tối hậu, bao hàm chặt chẽ toàn thể nhân vị, chiều sâu của tình yêu ấy có thể làm thành thước đo chiều sâu và chiều rộng của cả con người. Nó cống hiến niềm hạnh phúc trần thế cao cả nhất, có khả năng làm thỏa mãn tâm hồn hơn bất cứ giá trị nào nơi trần thế. Nó chính là quyền lực tự nhiên cao cả nhất, có khả năng chuyển động cả thế giới, vượt xa hơn mọi sự.

Vì thế mà Sách Diễm Ca mới viết rằng: “Ai đem hết gia tài sự nghiệp mà đổi lấy tình yêu, thì ắt người ấy đã coi của cải chẳng đáng gì.” (Dc 8:7)

Tình Yêu Vợ Chồng Kitô Giáo Nhìn Người Yêu như là Hình Ảnh của Chúa

Hẳn nhiên, tình yêu vợ chồng được duy trì toàn vẹn trong hôn nhân Kitô giáo. Thế nhưng, trong hôn nhân Kitô giáo, tình yêu vợ chồng gỉa định một chiều sâu hoàn toàn mới mẻ. Một cách hoàn toàn mới mẻ, nó hoàn thành nét nghiêm chỉnh, thanh khiết, và bất vị kỷ nơi những ai nhìn mọi sự một cách ý thức với ánh nhìn của Chúa, nơi những ai ý thức rằng mọi sự chỉ đắc thủ được tầm quan trọng đích thực ở nơi Chúa Giêsu và nhờ Ngài mà thôi, và nơi những ai coi việc thánh hóa đời mình và đời người khác vì vinh quang Chúa như là trách vụ tiên quyết và chân thực của con người. Ở đây, tình yêu vợ chồng được xây dựng trên đức ái Kitô giáo cao cả.

Nói thế không có nghĩa là tình yêu vợ chồng không biểu hiện một điều gì đó hoàn toàn mới mẻ trong tương quan với tình yêu cận nhân, và tình yêu ấy không cần phải duy trì bản chất loại biệt của nó.

Đúng hơn, tình yêu trong hôn nhân Kitô giáo hoàn toàn ý thức rằng người yêu chính là một hữu thể do Chúa tạo dựng--lại còn mang hình ảnh Ngài và là một linh hồn bất tử được Chúa Giêsu cứu chuộc bằng Máu, được Người yêu thương bởi một tình yêu vô biên và vĩnh cửu.

Toàn thể nét hấp dẫn cá nhân và dáng vẻ riêng biệt của người được yêu, vốn đã từng đánh động linh hồn người yêu một cách đặc biệt, càng tăng thêm vẻ cao sang hơn nữa khi xuất hiện như một khía cạnh đặc biệt của giá trị vĩnh cửu nơi nhân vị thiêng liêng vốn đã trở thành đền thờ của Chúa Thánh Thần.

Kitô Giáo Đào Sâu và Củng Cố Tình Yêu Vợ Chồng

Bao lâu ta chưa quan niệm nhân vị như là hình ảnh Thiên Chúa, như là linh hồn bất tử luôn hướng đến sự hiệp thông vĩnh cửu với Chúa—nhưng trên hết, bao lâu ta không coi nhân vị như là bình chứa ân sủng—thì ta chưa hiểu phẩm giá đích thực và sự trang trọng tối hậu đã được mặc vào cho người yêu và gắn liền với định mệnh, chiều sâu và vẻ đẹp mà nhân vị được mời gọi chu toàn.

Tình yêu vợ chồng được tăng triển và đào sâu biết bao khi ta nhìn nhận nơi người yêu cái hình ảnh một phần tử của Nhiệm Thể Chúa Kitô, thuộc về Người như chính ta thuộc về Người. Khi ý thức về mầu nhiệm này, tình yêu vợ chồng phải thấm nhuần biết bao nhiêu lòng tin kính và thanh khiết! Nó còn phải cùng rung lên theo cái nhịp điệu cao cả, vượt xa hơn cả cái nhịp điệu của tình yêu tự nhiên nồng đậm nhất và cao vời nhất.

Tới đây, ta nhìn thấy cái ý nghĩa trong đó tình yêu vợ chồng người Kitô hữu còn ôm ẵm cả tình yêu siêu nhiên đối với cận nhân nữa. Nhờ đó, tình yêu vợ chồng, trong toàn thể tính của nó, đươc biến đổi. Tình yêu ấy thủ đắc một tính cách long trọng mới mẻ dị thường, một chiều sâu khôn lường, bởi vì, khi yêu người ta yêu, ta cùng lúc yêu Chúa Kitô. Trong người yêu, ta yêu Chúa Kitô.

Tình Yêu Vợ Chồng Kitô Giáo Khao Khát Lợi Ích Vĩnh Cửu của Người Yêu

Qua sự kiện này, tình yêu vợ chồng cũng mang lấy tính chất trong sáng và vô vị kỷ không thể tìm thấy được ngay cả nơi tình yêu tự nhiên cao cả nhất. Giống như mọi tình yêu chân chính khác, tình yêu vợ chồng bao hàm một ý hướng chân thực là làm cho người yêu được hạnh phúc. Kẻ đang yêu thì lo lắng cho hạnh phúc người yêu còn nhiều hơn là hạnh phúc của chính mình. Người yêu sống trong người được yêu, kiếm tìm hạnh phúc cho người được yêu, chứ không tìm kiếm sự vui hưởng tình yêu của chính mình.

Nhưng trong tình yêu vợ chồng được biến đổi một cách siêu nhiên, ý hướng này đươc nâng lên mức nồng nhiệt khao khát lợi ích vĩnh cửu của người được yêu. Lợi ích vĩnh cửu này không chỉ được khát khao như là ơn cứu rỗi của cận nhân nói chung chung, mà phải được ý thức một cách đặc biệt rằng: đây là nhân vị được tiền định dành sẵn cho tôi, và tôi quan tâm lo lắng đến phần rỗi của người ấy một cách đặc biệt hơn bất cứ ai khác. Hợp tác trong việc thánh hóa người được yêu trở thành trọng tâm của tình yêu ta, nâng cao nó vượt lên trên đời sống trần gian này. Không phải chỉ trong vòng giới hạn lẩn quẩn của đời sống này, mà còn hướng về vĩnh cửu nữa. Lợi ích vĩnh cửu của người được yêu chính là chóp đỉnh của tất cả những gì tình yêu ta khẳng định. Chính nhờ đó mà tình yêu này chất chứa một tính vô vị kỷ mà tình yêu tự nhiên dù cao vời mấy cũng không thể có được.

(còn tiếp)