BÀI GIỚI THIỆU CÁC CD KHOÁ GIÁO LÝ CỦA LINH MỤC NGUYỄN LỢI TRÊN DŨNG LẠC. NET



Chính ra bài giới thiệu này dự định được viết ngắn thôi, nhưng cho đến khi ngồi vào bàn computer, tôi thấy rằng nên viết dài. Viết dài đây không phải vì ý tưởng sâu xa gì, nhưng vì nhu cầu dùng hình ảnh, nghĩa là dùng những câu truyện nhỏ. Tự nhiên Chúa Thánh Thần mở bộ nhớ trong óc tôi về một câu nói của một linh mục người Ý đến trường giảng một bài trong dịp hồi tâm hàng tháng, cách đây 36 năm. Linh mục nói rằng nếu Giáo hội không biết dùng hình ảnh như thời Chúa Giê-su rao giảng –Chúa kể truyện- thì Giáo hội hết tương lai. Đúng hay sai? Ai mà trả lời được. Nhưng chắc chắn câu nói đó gãi thần kinh vì đầy thách thức.

Một sister dòng kín sau khi nghe khoá giáo lý về Thánh Lễ của cha Nguyễn Lợi đã nhiệt thành giới thiệu với tôi, yêu cầu tôi mời cha về vùng New Orleans, để giáo dân được nghe, được học và được cảm nghiệm vế Thánh Lễ. Sau khi bắt liên lạc được với cha, tôi tính mời cha về vào tháng mười dịp kết thúc năm Thánh Thể. Nhưng cơn bão Katrina đã làm xáo trộn tất cả.

Những ngày sau Katrina, giữa đống điêu tàn của thành phố, tôi cũng xăn tay áo cùng với những người thiện nguyện làm việc nọ việc kia giúp đỡ một vài chỗ bị bão và lụt tàn phá. Đâu đó, tôi được nghe một sister nói về việc cùng bẻ bánh. Có hơi hướng gì đó của Thánh Lễ, Thánh Thể với hiện thực của đổ mồ hôi, của khuân vác đồ đạc nặng nặng nề, của ngửi mùi thối tha làm nghẹt thở và gây nôn oẹ do đồ ăn xình thối xông ra từ các tủ đông, của mùi hôi gây bệnh do thảm ngâm nước cả tháng trời; và với niềm vui, phấn khởi, hy vọng, ủi an mang lại từ những người thiện nguyện làm việc liên tục; ban đêm họ cắm lều ngủ ngoài trời, trên nền đất mà ngay gần đó là mùi thối của tôm từ tủ lạnh theo gió thoảng đưa vào, cuối tuần họ mong tìm được một chỗ để tắm; không có điện, không có nước. Trong thời điểm này, tôi nhận được bộ CD khoá giáo lý về Thánh Lễ. Nhờ di chuyển nhiều, tôi có dịp nghe trọn một lần, rồi nghe thêm lần nữa. Lời quả quyết của cha: anh chị em cứ tin tôi đi, anh chị em dự khoá thánh lễ mà không mê thánh lễ, tôi thua anh chị em đó; không những anh chị em ham đi lễ Chúa nhật, mà còn ham đi lễ ngày thường nữa. Tôi dần dần cảm thấy lời quả quyết của cha có lý và có sức gây phấn khởi âm thầm nhưng mạnh mẽ.

Bắt liên lạc lại được với cha Lợi và sau khi dàn xếp với các cha trong xứ, tôi xin cha xuống New Orleans vào Mùa Chay, tháng ba năm 2006 này. Cha hân hoan nhận lời.

Một dịp, tôi mở máy để một sister và mấy giảng viên giáo lý nghe thử một CD khoá thánh lễ. Khi họ nghe xong nửa dĩa, tôi ngưng máy, hỏi: “Sao, sơ và mấy cô nghe thấy thế nào?” Sister trả lời liền: “Giê-su, con nghe mà chẳng hiểu gì, cha nói tiếng gì khó nghe quá.” Tôi nhìn qua mấy giảng viên, họ không nói gì, nhưng nét mặt của họ cho tôi hiểu rằng họ cũng đồng ý với nhận xét của sister. Tôi hơi ớn, nhưng cũng nói: “Tại sơ và các cô nghe CD mà bên ngoài ồn ào, nên thấy khó nghe. Tôi nghĩ rằng khi cha trình bày với hình ảnh và được nghe cha nói trực tiếp chắc dân chúng sẽ hiểu.” Trong trí tôi nghĩ, dân chúng mà không được nghe cha Lợi trình bày về thánh lễ thì uổng quá. Sister và các giảng viên không nói gì. Tôi hiểu rằng họ không hoàn toàn đồng ý với lời trấn an của tôi.

Hai tuần trước khi cha Lợi xuống New Orleans, tôi đã viết lời giới thiệu trên tờ mục vụ như thế này:

“Cha John Nguyễn Lợi sẽ hướng dẫn những buổi học hỏi và tĩnh tâm Mùa Chay 2006 tại ba họ đạo Westbank trong thời gian từ 5/3 đến 19/3. Đề tài: Thánh Thể và Thánh Lễ. Cha Lợi đã để ra sáu tháng để nghiên cứu cách trình bày Thánh Lễ cho đại chúng. Các nơi được nghe cha giảng rất vui, hiểu sâu xa hơn về Thánh Lễ, thích đi dâng lễ và đời sống lạc quan gắn bó với Thánh Lễ hơn vì xác tín hơn rằng Thánh Lễ chính là nguồn và là đỉnh của đời sống đức tin. Có chất sống, có thần, đời sống sẽ ý nghĩa hơn, hạnh phúc hơn và bình an hơn.”

Ngay sau buổi hướng dẫn đầu tiên của cha Lợi, tôi hỏi mấy người trẻ: “Chúng con có hiểu cha nói gì không?” Họ trả lời: “Lúc đầu thì hơi hơi khó hiểu, nhưng rồi cũng hiểu hết. Thánh lễ quen mà cha.”

Nghe xong, thấy hay và hứng khởi, nhiều người muốn có ngay CD để nghe tường tận hơn. Có người cho biết: cha cắt nghĩa cặn kẽ giúp họ hiểu rõ hơn và sâu xa hơn về Thánh Lễ. Có người đặc biệt hứng khởi khi nghe cha cắt nghĩa về Chúa Thánh Thần, ngay sau buổi tĩnh tâm thầm thì cầu nguyện xin ơn Chúa Thánh Thần, rồi gọi điện thoại làm hoà với mẹ, mặc dù trước đó mấy ngày nghe mẹ nói: “Đừng bao giờ gọi điện thoại hay đến thăm tao; khi tao chết cũng đừng có về.”

Tôi đã viết trên tờ Mục vụ về một chút âm vang khoá thánh lễ như sau:

“Mùa Chay có tĩnh tâm. Bầu khí của Mùa Chay luôn luôn là bầu khí thuận tiện để ta để ý nhiều hơn và sâu xa hơn đến đời sống tâm linh của ta. Đến nhà thờ, ta thấy bàn thờ không chưng bông; ta bảo rằng Mùa Chay là mùa tưởng niệm sự thương khó Chúa. Cũng đúng thôi. Nhưng phụng vụ còn nhắc cho ta rằng khoảng trống đơn sơ bên ngoài gợi ý cho ta dọn khoảng trống tâm hồn để tĩnh lặng, để thanh thản đón nhận lời Chúa, ngoan ngoãn ăn lời, phấn khởi thưởng thức lời, can đảm và quảng đại làm theo lời.

Hơn hai trăm người trong ba ngày đã kiên nhẫn, yêu mến và quyết tâm lắng nghe, mỗi ngày hai tiếng đồng hồ liền.

Đề tài học hỏi và suy niệm là Thánh Lễ. Cha Nguyễn Lợi hướng dẫn tĩnh tâm đã dùng những phương tiện hiện đại do computer cung cấp, đưa ra sơ đồ thánh lễ để người nghe có cái nhìn tổng thể về Thánh Lễ với những phần diễn tiến, phần nọ tiếp phần kia liên kết với nhau. Cha lấy một số lời, một số cử chỉ, một số nghi thức trong Thánh Lễ; cha cắt nghĩa, cho thấy ý nghĩa sâu xa của những lời, những cử chỉ và những nghi thức đó; lời giải nghĩa có tính phụng vụ và thần học, bằng cảm nghiệm sống, bằng những câu truyện vui và những câu truyện gây xúc động.

Chẳng hạn, lời chúc “Chúa ở cùng anh chị em”. Ta nghe lời chúc này được lặp đi lặp lại hoài. Thường ta cũng để trượt qua. Nhưng kỳ tĩnh tâm này ta có thì giờ, có sự sẵn sàng nội tâm để thưởng thức ý nghĩa sâu xa có sức gây phấn khởi của lời chúc. Nghĩ tới Mai-sen giết người, bị truy nã, giờ được Thiên Chúa sai về gặp chính ông vua đang truy nã mình; Mai-sen làm sao dám đi; nhưng Thiên Chúa nói: “Ta ở cùng ngươi”. Chúa ở cùng Mai-sen, và Mai-sen tin tưởng ra đi.

“Chúa ở cùng anh chị em”, Chúa ở cùng ta, và ta vững tâm, bình an nghe lời Chúa, dâng lễ, kết hợp với Chúa. Có Chúa bên mình, ta vững tâm lên đường, đi vào cuộc đời. Cuộc đời có vui sướng, hy vọng; cuộc đời có gian truân, có những lúc tăm tối; cuộc đời có phấn khởi, cuộc đời có những lúc nản lòng; cuộc đời có yêu thương nâng đỡ, cuộc đời có những lúc mình như bị giúi đầu xuống, bị gạt ra ngoài… Cuộc đời như thế nào đi nữa, ta đều có Chúa ở cùng ta. An ủi biết bao, tin tưởng biết bao. Thánh lễ đó.”

Chúa ở cùng anh chị em. Chúa là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Phúc Âm thánh Mat-thêu phần đầu giới thiệu Chúa Giê-su l

là Emmanuel, và kết thúc bằng lời đoan hứa của Chúa Giê-su với các môn đệ: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” Sợi chỉ xuyên suốt cả cuốn Phúc âm là Emmanuel, là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, là Thầy ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế. Thánh Lễ, Thánh Thể là nền, là cơ sở, là sợi chỉ xuyên suốt của việc Chúa Giê-su Ki-tô ở với nhân thế, ở với Giáo hội, ở với bạn, ở với tôi cho tới tận cùng thời gian. Vì thế Thánh Lễ là đỉnh cao vòi vọi và là nguồn suối tuôn chảy sức sống dồi dào cho cuộc đời chúng ta sinh hoa kết trái sum sê.

Thứ ba vừa rồi, tại nhà thờ chính toà New Orleans có lễ Truyền Dầu. Sau gần bảy tháng, bão Katrina vẫn còn đây. Còn đây nơi những mảng lớn thành phố hoang vu và đổ nát. Còn đây sâu đậm nơi tâm hồn người New Orleans: chưa có chỗ trở về vì nhà không ở được, phải đợi phá đi xây nhà mới, phải đợi nâng nhà lên cao 3 feet, 5 feet, 8 feet, phải đợi sửa sang bên trong; nhìn về tương lai phải năm năm, mười năm nữa thành phố mới phục hồi; bỏ đi không nổi vì cả cuộc đời đã gắn bó với thành phố này. Ban lễ nghi của Tổng Giáo Phận tổ chức thánh lễ long trọng như mọi năm. Ca đoàn điêu luyện. Tiếng kèn hùng tráng. Âm thanh. Ánh sáng. Hoa nến. Lễ phục đại trào. Bình chén xếp dẫy trên bàn thờ và bàn phụ, màu bạc sáng trưng, màu vàng chói lọi, pha lê óng ánh sang trọng. Biết rằng lễ nghi hoành tráng như thế là để diễn tả thực tại cao cả bên trong của thánh lễ, biết rằng ban tổ chức làm long trọng như thế để giúp tâm trí mọi người vươn cao trong hy vọng, nhưng tôi vẫn cảm thấy có cái gì gượng gạo, tâm tình không tự nhiên vươn cao được. Lởn vởn trong đầu tôi mấy lời của Mong Manh viết trong Tâm Linh Vào Đời: “Những nghi lễ phụng vụ quá nghiêm túc, quá xa lạ, quá lạnh lùng... Sự ấm cúng, gần gũi, hồn nhiên vui tươi thật hiếm có trong cầu nguyện, trong nghi lễ, trong kinh nguyện phụng vụ.” Tôi nghĩ tới một bé gái vào xưng tội chia trí, nói chuyện và không chú ý khi đi dự lễ. Em nói: “Mass is so boring.” –Lễ chán lắm-. Tôi khuyên em: “Đối với con bây giờ lễ thường thường là chán lắm. Muốn dần dần hết chán, khi con đi lễ con hãy thưa với Chúa: Chúa biết con thấy lễ chán lắm, nhưng con cứ đi lễ và con xin dâng hy sinh này lên Chúa.” Không biết em đó có làm theo lờI khuyên hay không, nhưng tôi có ngay của lễ trước mặt đây để dâng lên, làm theo lờI tôi đã khuyên em.

Cách đây mấy tuần, Tổng giáo phận New Orleans chính thức đóng cửa khoảng 30 nhà thờ. Có những nhà thờ nằm trong chương trình đóng cửa từ trước, có những nhà thờ đóng cửa vì bão lụt làm hư hại hoàn toàn và nằm trong vùng dân không về. Nhìn Đức Tổng Giám Mục tiến lên cử hành thánh lễ, vẻ mặt người nghiêm trang, tôi nhìn thấy vẻ can đảm vác thánh giá đặc biệt trong lúc này. Chúa Giê-su dâng của lễ thánh giá, Đức Giám mục dâng của lễ thánh giá với Chúa Giê-su. Các linh mục chính xứ những nhà thờ bị đóng cửa có thánh giá để vác; vui lòng nhiều hay vui lòng ít cũng đều là thánh giá.

Chúa ở cùng anh chị em! Thầy ở với chúng con mọi ngày cho đến tận thế! Thiên Chúa ở với chúng ta gần gũi và mật thiết, cùng chúng ta vác thánh giá, dâng của lễ hy sinh, sống cuộc đời vui, buồn, cay đắng, phấn khởi, thất vọng, hy vọng, nghi ngờ, tin tưởng… Các linh mục mỗi người một tâm tư; người già, người trẻ; người nâng chén lên tay run lẩy bẩy, người phải chống gậy, người bước đi còn vững, nắm tay còn chắc. Trong đám đông giáo dân dự lễ, có những em học sinh ngoan ngoãn dễ sốt sắng với thánh lễ, nhưng chắc cũng có nhiều em học sinh thấy thánh lễ "so boring". Tất cả đều được Chúa Giê-su, Emmanuel, thâu nhận hết để dâng lên.

Sửa soạn cho chịu lễ, tiếng hắt hơi vang cả nhà thờ. Đức Cha không kịp tắt mike. Đức Cha đành cười. Tôi thấy Emmanuel cũng cười. Chúa ở cùng chúng ta trong đời sống Mỹ có những lúc thoải mái như được hắt hơi to. Quá đã.

Những đồ quí giá dùng trong phụng vụ, những trang hoàng nghệ thuật, bầu khí trang trọng của phụng vụ…, tất cả phục vụ Thiên Chúa, Mình Máu Thánh Chúa. Đúng như thế. Nhưng có gì gần với con người và gần với Thiên Chúa hơn nữa, tăng thêm vinh quang cho con người và tỏ lộ vinh quang của Thiên Chúa hơn nữa, mà tất cả những thứ đó phục vụ, đó là trong Thánh Lễ, Emmanuel trường kỳ lăn lộn với con người và con người cố gắng nắm tay Emmanuel, chịu Emmanuel vào lòng, sản sinh hoa trái tình yêu quảng đại trong sức sống của Emmanuel, của Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

Gặp lại cha Lợi sau 33 năm, tôi vẫn nhớ hình ảnh thày Lợi khi chịu chức phó tế xong. Thời ấy, và có lẽ cả bây giờ cũng thế, đặc biệt tại Việt Nam, chức phó tế là cửa ngõ của hàng khanh tướng, theo cả nghĩa trần tục lẫn nghĩa thiêng liêng. Các thầy phó tế có người quen trong thành phố, buổi chiều tất tả đi mừng với thân nhân, người đi bộ, người đi xe đạp. Duy có thày phó tế Lợi là xuống sân đá banh như thường lệ. Thành phố cao nguyên mát lạnh. Trường chỉ có nước lạnh. Tôi cũng hay xuống sân chơi cho nóng người trước khi đi tắm. Tôi đá banh không khoẻ, nên anh em bắt làm goalkeeper. Thày Lợi đá banh xuất sắc. Nhưng tôi không nhớ có lần nào thày đá lọt cửa goal của tôi. Cũng dễ hiểu thôi, bởi tôi để ý đến những lần mình thua làm gì. Tôi chơi thân với một vài bạn người Huế. Có những lần nói chuyện vui với họ, tôi cũng nói: “Ông nói tiếng Huế, yêu cầu dịch sang tiếng Việt cho bà con hiểu với.”

Tôi học cùng trường với cha Lợi một năm, sau này có dịp ở cùng một thành phố với cha hai năm, nên khi chúng tôi gặp lạI nhau, một số kỷ niệm xưa được gợi lại, tự nhiên chúng tôi thân thiết với nhau hơn. Tôi cảm thấy có đủ tình thân để có thể nói giỡn với cha Lợi: “Cha Lợi nói tiếng Huế, nhớ dịch ra tiếng Việt cho bà con hiểu nghe.”

Thánh Lễ là lễ hy sinh của gia đình, là bữa ăn của gia đình; gia đình được nối kết bằng tình yêu, bằng máu của Emmanuel. Gia đình này cùng vác thập giá với nhau, cho nhau và vì nhau; gia đình này luôn luôn cố gắng lan tràn tình yêu ra để tha thứ tất cả, hy vọng tất cả và tin tưởng tất cả. Đó là ngôn ngữ riêng của gia đình này, thứ ngôn ngữ giúp hiểu được mọi thứ tiếng, xá gì tiếng Huế của đất Thần Kinh. Cũng là thứ ngôn ngữ đưa tình thân sẵn có đến chỗ mỗI ngày mỗI thân hơn. Nói theo kiểu cha Lợi: Thánh lễ là vậy đó.

Thứ sáu Tuần Thánh 2006

(Nguồn: www.dunglac.net)