CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH.

CHÚA CHIÊN LÀNH

BÀI ĐỌC II: 1Ga 3,1-2

Để nêu rõ chúng ta được Thiên Chúa yêu dấu ở những nội dung nào, thánh Gioan tông đồ liệt kê tước vị, phẩm giá và tương lai của người tín hữu như con cái Đức Chúa Trời. Đây là những nguyên do chính yếu khiến thế gian ghét bỏ họ và khinh bỉ các thực tại siêu nhiên. Chúng ta suy nghĩ từng điểm một.

1. Thế gian không hề thấu hiểu người tín hữu. (câu 2).

Thế gian ở đây theo nghĩa xấu. Tức thế giới vô đạo, tục hoá hoặc căm thù những kẻ mang danh Đức Ki-tô. Một khi không biết Thiên Chúa là Cha Đức Ki-tô và những tín hữu, thì làm sao họ có thể thấu hiểu tính làm con trong Đức Ki-tô của các tín hữu? Nội dung của nó đi xa tới đâu? Người không có đạo hoàn toàn mù tịt về thế giới siêu nhiên vô hình thì không thể hiểu phần tâm linh của người có đạo: Tin những gì? Thực hành tôn giáo ra sao? Cho nên các tín hữu thường bị hiểu lầm!

Ngược lại kẻ tin kính Đức Giêsu tự biết mình là con Thiên Chúa trong Đức Ki-tô. Họ luôn được giáo dục như thế suốt dòng lịch sử Giáo hội, từ thời các thánh Tông đồ. Họ còn được chia sẻ Thần Trí của Con Thiên Chúa. Thần Trí này thúc đẩy họ hoan hỉ chấp nhận các thực tại siêu nhiên, não trạng siêu nhiên và tâm tình hiếu thảo như Đức Ki-tô. Thánh Gioan không ảo tưởng về tính thù ghét của thế gian nên hạ bút viết cho các tín hữu: “Bóng tối đã chối từ Ánh sáng” (Ga 1,5). Do đó, quyền bính phần đời luôn tìm cách loại bỏ những kẻ xưng tụng danh Đức Ki-tô là lẽ thường tình. Thời nào cũng vậy.

Như thế đời sống người tín hữu ở giữa thế gian, nhưng không thuộc về nó. Khi này lúc khác họ sẽ chịu bách hại, khổ cực lớn lao (Kh 8,14). Nếu như không phải chịu bách hại, thì họ vẫn luôn là kẻ xa lạ giữa thế gian, tối thiểu về những điểm cốt yếu tạo thành đời sống Kitô hữu. Nhất là về mối tương giao mật thiết của họ với Thiên Chúa.

2. Chúng ta được gọi là Con Thiên Chúa. (câu 1).

Điểm suy nghĩ căn bản ở mục này không phải ơn gọi trở nên Con Thiên Chúa, mà là danh xưng phù hợp với thực tại. Con Thiên Chúa là tên thực sự của mỗi tín hữu. Vì tên này Thiên Chúa cứu chuộc và ban cho chúng ta vinh quang. Chúa Giêsu Kitô xứng đáng danh hiệu Con Đấng Tối Cao do bản chất và công nghiệp của Ngài. Nhưng loài người cũng được hưởng danh hiệu đó trong ý nghĩa dẫn xuất, tức từ tính làm Con của Đức Ki-tô. Ý nghĩa này vừa tập thể vừa cá nhân. Tập thể là toàn bộ nhân loại, cá nhân là từng thành viên. Chúng ta là Một trong Đức Ki-tô, nhưng cũng có tránh nhiệm qua lại trên nhau, ảnh hưởng lẫn nhau. (I-II q.21 art 3). Không ai là một hòn đảo. (Thomas Merton). Trong tình yêu mến nhân loại, Thiên Chúa bao gồm hết mọi linh hồn liên kết với Đức Ki-tô, Con yêu dấu của Ngài. Ngài gọi từng tên, đếm từng người, nhưng cũng yêu mến và kể chúng ta như các đứa con yêu quí riêng của mình. Chúng ta là nghĩa tử trong người Con Duy nhất của Thiên Chúa.

3. Chúng ta là nghĩa tử thực thụ của Thiên Chúa.(câu 1).

Không thể so sánh tính làm con theo dòng thần linh với tính làm con theo dòng con nuôi của thế gian. Dòng con nuôi hoàn toàn ngoại lai và luật pháp. Ngay từ căn nguyên, mối dây ràng buộc cha mẹ và những đứa con nuôi hoàn toàn thuộc trật tự ước lệ xã hội, kể cả khi tình cảm thật đằm thắm như con đẻ. Ngược lại do ơn thánh hoá Thiên Chúa biến đổi chúng ta từ bên trong, nhận chúng ta làm nghĩa tử của Ngài, ban cho những nhân đức thiên bẩm: tin, cậy, mến và Chúa Thánh Thần, nhân danh Con Một của Ngài, Đấng đã chịu khổ nạn để cứu chuộc chúng ta khỏi tội lỗi, ban ơn thánh trong bí tích rửa tội để chúng ta bước vào đời sống mới, đời sống ân sủng trong Đức Ki-tô.

Hơn nữa, chính Thiên Chúa dưỡng nuôi và dẫn dắt cuộc sống của Con Ngài trong mỗi linh hồn thánh thiện. Đó là sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi. Thần học gọi là ơn bất tạo dựng (le don incréé). Còn một thứ ân huệ khác cũng đi kèm theo là ơn tạo dựng (le don créé). Ơn này có mặt khi linh hồn sạch tội trọng, sống bằng ơn thánh hoá. Ơn thánh hoá là phản ánh sự hiện của Thiên Chúa trong mỗi linh hồn. Nói cách khác nó sửa soạn tình trạng linh hồn cho Thiên Chúa Ba Ngôi đến ngự trị: “Chúng ta sẽ đến và ngự trong người đó.” Khi khác chúng ta sẽ trở lại vấn đề. Nó là của nuôi phong phú cho đời sống chiêm niệm và đà tiến mạnh mẽ trên con đường thiêng liêng.

4. Tương lai của con cái Thiên Chúa. (câu 2).

“Chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được tỏ bầy.” Bởi lẽ ơn thánh phải được kết thúc trong vinh quang. Đời sống siêu nhiên hiện thời chỉ là khởi sự. Nếu như không bị tội trọng bẻ gẫy, nó sẽ kéo dài vĩnh viễn. Cái chết mỗi người cũng không ngăn cản được dòng chảy của nó. Bên kia cái chết, bức màn che phủ sẽ bị xé toang và chúng ta sẽ được diện kiến Thiên Chúa mặt đối mặt. (1Cor 8,8). Thiên Chúa sẽ tự mạc khải đầy đủ trong ngày Đức Ki-tô trở lại. Lúc ấy người công chính sẽ trỗi dậy hiển vinh, để hưởng hạnh phúc trọn vẹn. Hạnh phúc này hệ tại chiêm ngưỡng Thiên Chúa cách vĩnh cửu. Toàn thể Hội thánh khải hoàn sẽ được phúc ngắm nhìn Thiên Chúa như Ngài vốn hằng hữu. Trong ánh quang hiển vinh đó chúng ta sẽ được hoà nhập vào bản tính Đức Chúa Trời thật viên mãn, tuỳ theo mức độ thánh thiện của mỗi cá nhân (thần linh hoá con người). Sự thăng hoa lên tình trạng siêu nhiên sẽ tối đa theo khả năng chịu đựng được của tạo vật. Chúng ta sẽ hiển trị với Đức Ki-tô bên ngai toà Thiên Chúa. Vinh quang thay những linh hồn lành thánh. Ainsi-soit-il. Amen. Alleluia.

(Trích dịch từ cuốn Lectures Bibliques du Dimanche của Đức Cha Soubigou).

Tu viện Martino, Hố Nai.