NAM SÔNG GIANH TỈNH QUẢNG BÌNH ĐƯỢC CHUYỂN GIAO CHO GIÁO PHẬN VINH



VINH - Ngày 15 / 5 vừa qua, Đức tổng giám mục Stêphanô Nguyễn Như Thể, tổng giám mục giáo phận Huế và Đức cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên, giám mục giáo phận Vinh đã gặp nhau tại tỉnh Quảng Bình để làm lễ chuyển-nhận việc quản lý đạo Công giáo trên địa bàn Nam Sông Gianh tỉnh Quảng Bình cho giáo phận Vinh.

Từ khi thành lập giáo phận, tổng giáo phận Huế có ranh giới phía Bắc tới Sông Gianh. Nhưng từ năm 1954, sau khi hiệp nghị Geneve được ký kết, các linh mục Huế không được tiếp tục tới làm mục vụ trên miền đất Nam sông Gianh và dần dần các Cha làm mục vụ tại đây đều qua đời, chính quyền không cho sai người đến thay thế. Thêm vào đó, phần đất Nam Sông Gianh chịu rất nhiều bom đạn trong thời kỳ chiến tranh, rất nhiều giáo dân đã phải di tản vào Nam. Trong khi đó phía Bắc sông Gianh thuộc về giáo phận Vinh, số giáo dân đông, các giáo xứ, giáo họ đều sinh hoạt khá bình thường. Số giáo dân thuộc giáo phận Huế phải đi xa hàng trăm km tới các giáo xứ phía Bắc để lãnh nhận các bí tích.

Từ năm 1997, giám mục hai giáo phận đã đặt vấn đề chuyển giao cho giáo phận Vinh phần đất tính từ cầu Hiền Lương ra tới Sông Gianh và đã trình lên Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Tuy nhiên vấn đề gặp rất nhiều khó khăn vì chính quyền không cho phép. Các linh mục Vinh chỉ được tới các giáo xứ Hà Lời và Sen Bàng làm mục vụ. Sau nhiều lần làm đơn, tháng 10 / 2005, Ban tôn giáo chính phủ Việt Nam chính thức cho phép chuyển sự quản lý đạo công giáo phía Nam sông Gianh Quảng Bình cho giáo phận Vinh. Theo yêu cầu của chính quyền tỉnh Quảng Bình, hai giám mục của hai giáo phận cần làm thủ tục bàn giao, sau đó mới tính chuyện làm mục vụ. Hai Đức Cha đã ký văn bản bàn chuyển-nhận tại tỉnh Quảng Bình trước sự chứng kiến của đại diện các linh mục đang làm mục vụ trên địa bàn tỉnh Quảng Bình và đại diện giáo dân Nam sông Gianh.

Cuối buổi làm việc, đại diện giáo dân rất vui mừng nói lên lòng biết ơn của mình đối với tình thương của hai Đức Cha và sự chấp thuận của chính quyền về việc lập lại ranh giới hai giáo phận liên hệ.

Được biết hiện nay toàn tỉnh Quảng Bình có hơn 93 ngàn giáo dân công giáo. Tuy nhiên ở phía Nam sông Gianh chỉ còn khoảng gần 5 ngàn giáo dân. Các nhà thờ hầu như đã bị đổ nát, giáo dân sống rải rác. Có nhiều nơi giáo dân đã làm đơn xin phục hồi xứ, họ đạo mình, nhưng được chính quyền trả lời là những nơi đó không có đạo Công giáo. Chắc chắn trong tương lai, Toà giám mục Xã Đoài sẽ còn phải làm việc nhiều với chính quyền tỉnh Quảng Bình vì quyền lợi của giáo dân nơi đây.