Trả lời của Đức cha Chủ Tịch UBPT/HĐGMVN về cuốn "Nghi Thức Thánh Lễ -2005"



LTS: Từ sau khi Đức Cha Nguyễn văn Hòa, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ra thông cáo về việc sử dụng "Nghi Thức Thánh Lễ" có hiệu lực từ Phục Sinh 2006, chúng tôi đã nhận được rất nhiều bài viết và các đóng góp phê bình về sách Nghi Thức Thánh Lễ. Vào ngày hôm qua khi chúng tôi ra thông báo mở một trang Web để độc giả góp ý kiến cho bản dịch tiếng Việt "Nghi thức Thánh Lễ" và "Sách Lễ Roma", thì lập tức đã được Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ gửi một bài để trả lời những thắc mắc chung quanh đường lối và cách làm việc của Ủy Ban Phụng Tự thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Những giải đáp của Đức Cha Phêrô Tứ sẽ giúp cho qúi độc giả hiểu rõ ràng và soi sáng cho vấn đề mà có lẽ một số qúi vị độc giả đã từ lâu muốn được giãi bầy. Chúng con xin chân thành cám ơn Đức Cha Phêrô đã có lòng ưu ái và giải đáp những vấn nạn nêu trên của chúng con . (LM Trần Công Nghị)

Cuốn “Nghi thức Thánh lễ” 2005 và cách thức làm việc của Ủy Ban Phụng Tự trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam

Sau khi công bố cuốn “Nghi thức Thánh lễ”, bản dịch mới, được Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích phê chuẩn ngày 10.05.2005 và Hội Đồng Giám Mục Việt Nam công bố buộc phải thi hành từ lễ Phục Sinh 2006 (16.04.2006), tất cả 26 giáo phận trên toàn quốc và nhiều cộng đoàn Việt Nam Hải ngoại đã nhất loạt hoan hỉ thi hành. Tuy nhiên, cũng như những bản dịch năm 1971 và 1992, nhiều người đã xì xào, phê bình cách này cách khác, thậm chí có một số người đã lên báo, lên mạng đưa ra những phê mình, nhiều khi rất gay gắt. Ai cũng cho ý kiến của mình được nhiều người hỗ trợ tán đồng, rồi tỏ ra hoang mang về cách thức làm việc của Ủy Ban Phụng Tự, của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam và cả Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích của Hội Thánh Công giáo nữa.

Cảm nhận được sự kiện đó, Đức cha Chủ Tịch Ủy Ban Văn Hóa trực thuộc Hội Đồng Giám Mục, đặc trách thực hiện tập “Bản tin Hiệp Thông” của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, đã cho gởi đến tôi một số câu hỏi và xin tôi trả lời ngõ hầu mọi người được hiễu rõ cách thức làm việc của Ủy Ban Phụng Tự cũng như diễn tiến việc hình thành bản văn Nghi thức Thánh lễ mới ra sao.

Nhận thấy đây là điều hữu ích, tạo tình hiệp thông trong Hội Thánh, cũng là cơ hội để nhiều người hiểu những khó khăn, phức tạp của công việc, nên sẵn sàng cộng tác bằng cách này hay cách khác vào những công việc chung của Hội Thánh Việt Nam nhiều hơn, nên tôi đã dồng ý trả lời những câu hỏi đã được đặt ra.

Bài này đã được đăng trên Bản tin Hiệp Thông số 34 (tháng 3 & 4 năm 2006). Nay, sau khi tham khảo ý kiến Ủy Ban Phụng Tự, chúng tôi có thêm vào một số chi tiết cho rõ ràng hơn và cho lên mạng hầu những ai quan tâm có thể đọc.

Hỏi: Sách Nghi thức Thánh Lễ là cuốn sách Phụng vụ đầu tiên vừa được Ủy Ban Phụng Tự (UBPT) trực thuộc HĐGM ban hành có một số từ ngữ và câu văn khác với cuốn Phần Kinh Thường lễ trước đây. Xin Đức Cha giải thích phần lớn những thay đổi này để đúng theo nội dung của nguyên bản, cho thích hợp với ngôn từ phụng vụ hay nhằm tạo tiết điệu, vần điệu hơn trong ngôn ngữ Việt Nam?

Đáp: Cám ơn cha đã nêu lên nhũng thắc mắc này, vì đây có lẽ cũng là những thắc mắc của nhiều người. Thực ra, khi duyệt lại bản văn Phụng vụ lần này, chúng tôi đã để ý tới tất cả những khía cạnh trên, nhưng không phải với cùng một mức ưu tiên như nhau. Trước hết, chúng tôi luôn ý thức rằng, mình đang làm công tác phiên dịch, chứ không phải phóng tác, nên lúc nào cũng phải cố gắng phiên dịch cho thực trung thành với chính bản, đặc biệt là về nội dung, kẻo lại mang tiếng là “diệt”thay vì “dịch”. Hơn thế, công việc chúng tôi đang làm là thuộc lãnh vực phụng tự, lãnh vực liên quan tới đức tin, nên chúng tôi không dám làm theo ý riêng, mà phải theo sát những chỉ thị của Toà Thánh liên quan tới vấn đề này, cụ thể là Huấn V của Bộ Phụng Tự và Kỷ luật Bí tích ban hành ngày 28. 03. 2001. Chính vì trước đây đã có những khuynh hướng muốn thích nghi bản văn phụng vụ cho hợp với nhu cầu và sắc thái địa phương, với ý hướng muốn “hội nhập văn hóa”, nhiều bản dịch đã đi quá xa với bản văn Latinh, ấn bản mẫu, khiến khi đọc, người ta có cảm tưởng không còn phải của “Roma” nữa, mà một thứ “sách lễ địa phương” nào đó, như thể người Công giáo ở những địa phương khác nhau được phép sử dụng những sách lễ khác nhau. Chính vì nhiều Sách lễ tiếng địa phương đã đi quá xa trong vấn đề phiên dịch và thích ứng, nên Bộ Phụng Tự đã ban hành Huấn thị V này, trong đó Tòa Thánh đòi mọi bản dịch phải trung thành với bản văn gốc Latinh, ấn bản mẫu, đặc biệt về mặt nội dung, không được thêm bớt hay dịch theo lối “diễn nghĩa” (paraphrase) hoặc “giải thích” (glose) (x. Ht V, số 20). Vì Nghi Lễ Roma và đặc biệt là các kinh nguyện đã được hội nhập vào nhiều nền văn hóa và các tập tực địa phương rồi làm cho “chúng có đặc tính này là có thể vượt các giới hạncủa các trường hợp cá biệt và hạn chế để trở thành lời kinh của các Kitô hữu ở mọi nơi và mọi thời” (Ht V. số 5).

Nói như vậy, không có nghĩa là chúng tôi không quan gì đến đặc tính ngôn từ của tiếng Việt, hay tiết điệu và âm thanh khi đọc. Tuy nhiên, đây chỉ là hình thức của bản văn, không nên quá chú trọng vào hình thức khiến nội dung bị thương tổn. Trong khi soạn thảo bản văn, ngoài nội dung chính xác, chúng tôi luôn tìm lối hành văn đơn sơ, dễ hiểu, những từ ngữ thông dụng hợp với đa số quần chúng, nhưng phải trang trọng để xứng đáng với việc thờ phượng (x. Ht V, số 25).

Trung thành với chỉ thị của Hội Thánh trong khi phiên dịch Sách lễ Roma, chúng tôi không cảm thấy mình trở thành nô lệ cho bản văn gốc Latinh, như nhiều người lầm tưởng, rồi lẩm bẩm chê trách, nhưng vì ý thức rằng Phụng vụ là việc thờ phượng công khai của toàn thể Hội Thánh, có chính Chúa Giêsu đứng đầu và toàn thể tín hữu cùng tham dự, cộng tác. Giá trị của Thánh lễ và các Bí tích chủ yếu hệ tại làm những điều Chúa truyền và Hội Thánh dạy, chứ không phải những gì người ta bày đặt thêm thắt vào theo sáng kiến riêng của mình hay theo thị hiếu của cộng đồng địa phương. Không theo cách sắp xếp và qui luật của Hội Thánh, vô tình người ta đã làm cho Thánh lễ và các Bí tích mất đi giá trị căn bản là việc phụng tự của chính Chúa Giêsu và toàn thể Hội Thánh, để biến thành những nghi lễ của cá nhân hay cùng lắm là của một cộng đoàn riêng lẻ! Về vấn đề này Huấn thị V, số 19 của Bộ Phụng Tự và Kỷ luật Bí tích đã nêu ra nguyên tắc căn bản sau: “Trước tiên người ta phải để ý tới nguyên tắc này là phiên dịch các bản văn phụng vụ không phải là công việc sáng tác, nhưng đúng hơn phải là diễn dịch bản văn gốc ra tiếng địa phương cách trung thành và chính xác … không thêm, không bớt vào nội dung, không dùng những lối diễn nghĩa hay giải thích”.

Hỏi: Với những cuốn khác trong bộ Sách Phụng vụ, nói chung hướng làm việc của UBPT là dịch mới hay sửa đổi Bộ Sách Phụng vụ cũ?

Đáp: Huấn thị nói trên của Bộ Phụng Tự đã có hai số (64 và 74) liên quan tới vấn đề cha vừa nêu ra. Huấn thị khẳng định rằng cần duy trì một mức cố định nào đó đối với các bản văn phụng vụ, đặc biệt là các Kinh nguyện Thánh Thể, trong những ấn bản khác nhau. Không nên thay đổi những từ, những câu mà mọi người đã thuộc lòng, nhất là trong những kinh hát. Vì thế khi cần phải thay đổi, thì phải cân nhắc hết sức thận trọng.

Vì thế, đối với những kinh của cộng đoàn, như kinh Vinh danh, kinh Tin kính hay những kinh khác chung cho cộng đoàn, lần này chúng tôi chỉ chỉnh sửa những chỗ hết sức cần thiết, hoặc vì chưa đúng với nguyên bản Latinh, như mấy chữ “chúng tôi” thành “chúng ta”, từ “bản tính” thành “bản thể” trong kinh Tin Kính; từ “hy lễ” thay cho “lễ vật” trong kinh đáp lại lời mời gọi cầu nguyện của chủ tế trước lời nguyện tiến lễ, câu tung hô sau lời nguyện tiếp theo kinh Lạy Cha: “Vì vương quyền, uy lực và vinh quang là của Chúa đến muôn đời”; hoặc vì có một lẫn lộn nào đó khi đọc chung, như “cùng được phụng thờ và tôn vinh” ra “được phụng thờ và tôn vinh cùng với”. Vì theo kinh nghiệm, thay vì “cùng” người ta thường đọc là “cũng” theo cách hành văn trước đây, v.v.

Trong phần kinh nguyện của chủ tế, chúng tôi được tự do hơn, vì hầu như không chủ tế nào có thể thuộc lòng các kinh này. Trong thực tế, khi làm việc chúng tôi luôn tra cứu hai bản văn trước đây, tức bản văn 1971 và 1992 rồi so với bản Latinh hiện nay, xem đã dịch đúng, dịch xát với bản văn gốc chưa, lối hành văn có gì lủng củng, có từ nào cần điều chỉnh. Chúng tôi cũng đọc và tổng hợp những ý kiến từ mọi nơi gởi đến nhận xét về các bản dịch trước và gởi cho 25 giáo phận, 6 Đại chủng viện xin góp ý thêm xem nên chọn ý kiến nào, sau đó tổng hợp lại lần nữa rồi mới đưa ra thảo luận và bỏ phiếu trong những phiên họp toàn quốc, tỉ dụ về “Dấu Thánh giá”, bản 71 dịch là “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”, bản 92 thêm từ Chúa trước từ Cha, Con, Thánh Thần. Theo những ý kiến gởi về từ 25 giáo phận và 6 Đại Chủng viện, 9 góp ý xin giữ lại công thức 71 và 3 góp ý xin giữ lại công thức 92. Trong phiên họp chung của các đại diện 25 giáo phận, 6 Đại chủng viện và Ủy Ban Liên Dòng của Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 13.03.2003, Cha Tổng thư ký đã trình bày bản tổng kết các ý kiến gởi về, đưa ra thảo luận xem phải chọn công thức nào, cuối cùng mới bỏ phiếu, thì kết quả là 17/29 xin giữ lại công thức 1971. Cả những công thức quan trọng khác, như những lời nguyện chúc mở đầu, những lời kêu mời thống hối: nên giữ lại cụm từ “Thánh lễ” hay “Mầu nhiệm Thánh” v.v. Tất cả đều dựa vào ý kiến các nơi và cuộc bỏ phiếu chung kết của Hội nghị toàn quốc, chứ chúng tôi không chọn lựa theo ý riêng của Ủy Ban. Cuối cùng, chúng tôi đã đưa bản văn lên Hội Đồng Giám Mục để các ngài quyết định trước khi gởi về Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí tích xin phê chuẩn. Có lẽ không lần nào Hội Đồng Giám Mục mất nhiều giờ hơn lần này trong việc duyệt xét cuốn Nghi Thức Thánh lễ. Biên bản phiên họp 2003 tại Bãi Dâu Vũng Tầu cho thấy Hội Đồng Giám mục đã dành ra 5 buổi họp, mỗi buổi kéo dài từ một giờ tới một giờ ruỡi. Chính tôi phải đọc lại bản văn, giải thích những thay đổi, những ý kiến, sau đó các ngài duyệt xét, chỗ nào cần thêm, cần sửa, cần giữ lại, cuối cùng mới bỏ phiếu. Vì thế có những điều chúng tôi đưa lên, các ngài đã bảo phải sửa, như công thức truyền phép Máu Thánh từ “mọi người” ra “nhiều người”, Kinh Lạy Cha: thay vì”Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con” như công thức 1992, thì các ngài bảo giữ lại nguyên vẹn kinh Lạy Cha 1971 hiện đã sử dụng suốt 32 năm và không có gì sai.

Sau khi được Hội đồng Giám Mục phê duyệt Ủy Ban đã cho đánh vi tính bản văn kèm theo bản tường trình về cách thức làm việc của Ủy Ban và kết quả việc bỏ phiếu của Hội Đồng Giám Mục gởi về Bộ Phụng Tự và Kỷ luật Bí tích xin phê chuẩn ngày 15.10.2003. Bộ đã nghiên cứu và sau chín tháng, ngày 11.07.2004 trả lời đưa ra một số nhận xét cần phải sửa đổi, trong đó có nhận xét là lời kêu mời của chủ tế và câu đáp lại trước lời nguyện Tiến lễ cần phải dịch sát hơn, nghĩa là Bộ không đồng ý từ “Sacrificium” dịch là “lễ vật”. Bộ cũng đòi phải dịch toàn bộ những gì có trong phần Nghi thức Thánh lễ, nghĩa các Kinh nguyện Thánh Thể và những kinh Tiền tụng chung cho các Mùa và phần chung các Thánh (Những kinh tiền tụng riêng cho từng lễ, như kinh Tiền tụng về Thánh Giuse, không ở trong phần này). Chúng tôi đã phải sửa lại theo nhận xét của Bộ những gì chúng tôi nhận thấy là đúng, còn những gì cần giữ lại, chúng tôi phải làm bản giải trình, tỉ dụ để giữ lại câu thưa “và ở cùng cha”(et cum spiritu tuo) đáp lại lời chào chúc của chủ tế: “Chúa ở cùng anh chị em”. Vì thế khi chúng tôi trình lên lần thứ hai ngày 15.04.2005 thì chỉ sau gần một tháng, ngày 10.05.2005, Bộ ra nghị định phê chuẩn.

Một yếu tố khác cũng cần lưu ý là Sách lễ Roma được sửa đổi lại sau Công Đồng Vaticanô II tới nay đã có 3 ấn bản mẫu (editio typica) và một lần in lại (reimpressio) có sửa đổi. Trong phụng vụ Thánh lễ tiếng Việt, bản dịch năm 1971 là dịch theo ấn bản mẫu Latinh 1970 và bản dịch 1992 là dịch theo ấn bản mẫu Latinh năm 1975. Lần này chúng tôi phải dịch theo ấn bản mẫu Latinh 2002. Mỗi ấn bản đều có một số thay đổi, thêm bớt, và công việc của chúng tôi là phải duyệt lại toàn diện, nên cũng khá phức tạp và bề bộn.

Chúng tôi cũng sẽ theo cùng một đường lối làm việc đối với những sách Phụng vụ khác, Nếu trước đã dịch rồi thì chỉ sửa lại những gì cần sửa, còn những gì chưa dịch, thì phải dịch mới.

Hỏi: UBPT đã nỗ lực làm việc từ lâu để hoàn thành các sách Phụng vụ, xin Đức Cha trình bày đôi nét về công trình lớn lao này, về phương pháp làm việc, khối lượng, nhịp độ, tiến trình công việc và về các thành phần tham dự.

Đáp: Chức năng của Ủy Ban Phụng Tự là giúp Hội Đồng Giám Mục điều hành các công việc phụng tự trong một Quốc gia hay một miền. Có rất nhiều công việc phải làm, và công việc đầu tiên là tạo ra những phương thế giúp cho việc cử hành Phụng vụ được linh động, sốt sắng với sự tham gia tích cực của mọi thành phần trong cộng đoàn, từ vị chủ sự cho đến các thừa tác viên và mọi người tham dự, hầu đem lại những hiệu quả đầy đủ. Để có thể tham dự cách ý thức và tích cực, người tham dự cần phải hiểu những mầu nhiệm đang cử hành, những lễ nghi đang diễn ra. Vì thế, cần phải có những bản văn và những hướng dẫn bằng tiếng địa phương. Phiên dịch là một công việc rất phức tạp và khó khăn đòi hỏi nhiều điều kiện, không những phải thông thạo về ngôn ngữ để hiểu đúng bản văn, có năng khiếu về văn chương để có những lối hành văn thích hợp, nhưng còn phải hiểu biết về Phụng vu, về Thần học, về Kinh Thánh và nhiều lãnh vực khác nữa, vì Phụng vụ có liên hệ mật thiết tới tất cả những lãnh vực ấy. Công việc đã khó khăn, phức tạp, lại thêm một khối lượng khổng lồ những sách, những văn kiện phải dịch. Từ khi thành lập cho tới năm 1975, Ủy Ban Giám Mục về Phụng vụ do Đức Cha Giuse Phạm văn Thiên làm chủ tịch và cha Giacôbê Nguyễn văn Vi làm Tổng Thư ký đã dịch được Sách lễ Roma, 5 cuốn bài đọc trong Thánh lễ, sách Nghi thức an táng, Nghi thức rửa tội trẻ nhỏ, Nghi thức gia nhập Kitô giáo của người lớn, nghi thức Bí tích Thêm Sức, Nghi thức ban tác vụ Đọc sách và Giúp lễ, tiếp nhận vào số các ứng viên lên chức Phó tế và Linh mục, Nghi thức phong chức Phó tế và Linh mục, Nghi thức tấn phong Giám Mục, Nghi thức thánh hiến các Trinh nữ, Nghi thức Bí tích Hôn phối (in trong cuốn bài đọc Mùa Vọng và Giáng Sinh, không dịch những điều cần biết trước), Nghi thức Xức dầu bệnh nhân và chăm sóc họ theo mục vụ, Nghi thức Tuần Thánh, Nghi thức khấn dòng. Như vậy về các Bí tích chỉ còn thiếu sách Nghi thức Giải tội (trước đây chỉ dịch công thức giải tội). Dĩ nhiên tất cả các sách Phụng vụ này đều dịch theo ấn bản mẫu thứ nhất. Có những sách đã có ấn bản mẫu thứ hai như Nghi thức Phong chức Giám mục, Linh mục và Phó tế (1990), Nghi thức Bí tích Hôn phối (1991). Vì nhu cầu cấp bách nên những sách trên đã được dịch ra cách vội vàng, không có sự tham khảo của đông đảo các thành phần Dân Chúa, nên còn nhiều khuyết điểm. Sau 1975 các Ủy Ban Giám mục đã ngưng hoạt động và chỉ bắt đầu lại từ năm 1980 sau khi thành lập Hội Đồng Giám Mục chung cho cả hai miền Việt Nam. Tuy nhiên, từ ngày ấy, ngoài cuốn Sách lễ Roma xuất bản năm 1992, Ủy Ban Phụng Tự chưa dịch thêm được cuốn nghi thức nào khác. Vì nhu cầu, Đức Cha Batôlômêô Nguyễn Sơn Lâm có dịch và xin Hội Đồng Giám Mục cho sử dụng, theo đặc ân, sách Nghi thức phong chức Giám Mục, Linh mục và Phó tế; ngài cũng dịch và phổ biến một số Phép lành trong cuốn “De Benedictionibus” (Nghi thức chúc lành thường gọi là Sách Các phép), một số chương mục trong cuốn Nghi Tiết Giám mục (Coeremoniale Episcoporum), như nghi thức cung hiến nhà thờ và bàn thờ, làm phép chén và dĩa thánh v.v.., Nhóm Các Giờ Kinh Phụng vụ cũng cho xuất bản cuốn Các Giờ Kinh phụng vụ. Mấy sách sau chưa được Tòa Thánh phê duyệt.

Còn những cuốn sau đây chưa dịch: Nghi thức cử hành Bí tích Hôn phối (ấn bản hai, 1991), Nghi thức Bí tích Thống hối (Giải tội), Lịch Roma (Calendarium Romanum), Nghi thức chúc phong Đan viện phụ và Đan viện mẫu, Nghi thức chúc lành (De Benedictionibus), Nghi tiết Giám mục (Coeremoniale Episcoporum), Sổ bộ các Thánh (Martyrologium).

Theo chương trình, Ủy Ban Phụng Tự sẽ phải lần lượt duyệt lại hay dịch mới tất cả các Sách Phụng vụ kể trên.

Về phương pháp và cách thức làm việc tôi đã nói qua ở trên. Còn về các thành phần tham gia và nhịp độ cũng như tiến trình các công việc tôi cũng xin trình bày qua để mọi người thông cảm và sẵn sàng cộng tác theo khả năng mỗi khi được kêu mời, đặc biệt cộng tác với các Ủy Ban Phụng vụ của các giáo phận góp ý cho những bản văn Ủy Ban Phụng Tự gởi đến xin góp ý.

Ngay từ khi nhậm chức chủ tịch Ủy Ban Phụng Tự tôi đã liên hệ với Nhóm phiên dịch các Giờ Kinh Phụng Vụ, 6 Đại chủng viện và những người mà tôi cho là có thể tham gia. Cho tới nay, chúng tôi chỉ được hai Đại Chủng viện là Chủng Viện Thánh Giuse, Saigon và Đại chủng viện Sao Biển, Nha Trang nhận lời. Đại Chủng viện Thánh Giuse nhận duyệt lại các bài đọc Tân Ước và Đại chủng viện Sao Biển giúp duyệt lại các bài đọc Cựu Ước. Một số các cha giáo đã làm việc rất hăng say, một tuần nhiều ngày và mỗi ngày nhiều giờ. Tới nay đã duyệt xong các bài đọc Mùa Vọng và Giáng Sinh, Mùa Chay và Phục sinh, và quá nửa Mùa Thường niên. Hy vọng một ngày gần đây, sẽ duyệt xong các Sách bài đọc Thánh lễ.

Tại Trung Tâm Công giáo, chúng tôi có 13 thành viên chia thành hai tổ làm việc mỗi ngày Thứ Năm, và hằng năm có 10 ngày làm việc chung liên tiếp tại một địa điểm nào đó. Trong hai Tổ này, một tổ lo duyệt lại các lời nguyện (nhập lễ, tiến lễ, hiệp lễ), một tổ lo duyệt lại các bài ca (ca nhập lễ, thánh vịnh đáp ca, tung hô trước Tin Mừng, ca hiệp lễ). Tổ các bài ca đã duyệt xong toàn bộ Sách lễ, Tổ Lời nguyện đã xong phần các Mùa, phần chung các Thánh, còn phần riêng của các Thánh, các lễ có nghi thức riêng, các lễ ngoại lịch và tùy nhu cầu. Hy vọng từ nay tới cuối năm cũng sẽ xong.

Theo tiến trình làm việc, sau khi các Tổ duyệt xong một phần, cha Tổng Thư ký sẽ gom lại và cho đánh máy để gởi tới 25 giáo phận và 6 Đại chủng viện xin xem xét và góp ý trong vòng 3 tháng. Khi nhận được các ý kiến đóng góp, cha Tổng Thư ký sẽ tổng hợp lại, những gì ít quan trọng hay chỉ có ít người góp ý, sẽ trao lại cho Tổ liên hệ tùy nghi sửa chữa; những gì nhiều người đề nghị hơn hay có nhiều ý kiến đối chọi nhau, sẽ đưa ra phiên họp chung các đại diện của 25 Ủy Ban giáo phận, các Đại diện 6 Đại chủng viện và các thành viên của Ủy Ban, tổ chức mỗi năm một, hai, hay ba lần, tùy theo nhu cầu, để thảo luận, và nếu cần sẽ bỏ phiếu. Cuối cùng mới soạn ra văn bản gởi lên Hội Đồng Giám Mục để được bỏ phiếu chấp thuận. Chỉ những bản văn được quá hai phần ba các Giám Mục hiện diện trong phiên họp bỏ phiếu tán thành mới được Tòa Thánh cứu xét và phê duyệt.

Tiến trình làm việc thật là dài dòng và kỹ lưỡng, có sự tham khảo và góp ý của 25 giáo phận, 6 Đại chủng viện và nhiều người khác, chứ không phải chỉ có ít người tham dự như nhiều người lầm tưởng. Có thể nói, không lần nào công việc chung được nhiều người tham gia như kỳ này, vì có sự tham gia của 25 Ủy Ban Phụng vụ giáo phận, của 6 Đại chủng viện và nhiều người khác, không những chỉ góp ý gởi về, nhưng còn họp chung lại với nhau một năm một hai, thậm chí 3 lần, kéo dài từ 1 tới 3 ngày, để xem xét toàn bộ vấn đề. Chúng tôi rất mong muốn được nhiều người góp ý, vì thế tiện đây, xin tất cả những ai quan tâm tới vấn đề của Giáo Hội, xin mau mắn cộng tác mỗi khi được kêu mời. Tuy vậy, chúng tôi vẫn luôn ý thức rằng, dù kỹ đến đâu rồi cũng còn những khuyết điểm không thể tránh nổi. Tôi còn nhớ, khi Sách lễ Roma 1992 sắp sửa được công bố thì đã có những phản ứng sôi nổi, khiến Hội Đồng Giám Mục tuy cho sử dụng Sách lễ Roma 1992, nhưng phần dành cho giáo dân vẫn phải đọc bản kinh cũ. Điều đó nói lên cho chúng ta biết rằng, không làm sao vừa lòng được mọi người. Phê bình thì dễ, nhưng làm vừa ý mọi người hay không thì lại là vấn đề khác! Qua 5 năm, nay mới duyệt xong được một phần rất nhỏ, nhưng vẫn bị coi là vội vã! Sau 35 năm thử nghiệm, sửa đi sửa lại, nhưng vẫn bị coi là chưa đủ. Làm việc với sự góp ý của toàn quốc, nhưng vẫn bị phê bình là không được tham khảo rộng rãi!

Hỏi: Trong công trình dịch thuật các sách Phụng vụ, UBPT có ưu tiên cho những từ Hán Việt hay ngược lại muốn Việt hóa những từ Hán Việt? UBPT co chủ trương thống nhất một số từ thường gặp trong các bản văn Phụng vụ, như ngôn sứ / tiên tri, Ngài / Người (đại danh từ qui về Thiên Chúa, Chúa Giêsu, Chúa Thánh Thần), hiệp nhất / hợp nhất …? UBPT đã chọn lựa cách nào khi chuyển dịch các tên riêng?

Đáp: Như đã nói ở trên, vì các bản văn Phụng vụ được dùng chung cho mọi người, mà đa số là giới bình dân, nên theo chỉ thị của Tòa Thánh chúng tôi đã theo tiêu chuẩn là bản văn phải đơn sơ, dễ hiểu, lối hành văn cũng đơn giản, không cầu kỳ, nhưng luôn trang trọng để xứng đáng với việc thờ phượng. Trong khi chọn từ chúng tôi ưu tiên cho những từ thông dụng, tránh những từ có tính phàm tục, mới lạ, chỉ thịnh hành một thời, những tiếng lóng có thể hiểu nhiều nghĩa hay những tiếng người ta có thể “lái” dễ dàng. Khi phải dùng những từ thông dụng trong các tôn giáo khác, thì phải là những từ đã có một nội dung Kitô giáo rõ ràng, tránh ngộ nhận rằng đạo nào cũng như đạo nào. Tuy nhiên, khi cần để diễn đạt đúng nội dung của giáo lý, đôi khi cũng dùng những từ chuyên môn, nhất là những từ đã có từ lâu đời trong truyền thống công giáo, đã trở thành di sản của Giáo Hội toàn cầu hay Giáo Hội Việt Nam, mặc dầu có vẻ xa lạ với những người ngoài Công giáo, tỉ dụ từ “bản thể” trong kinh Tin kính. Đó cũng chính là những tiêu chuẩn để chọn các từ ngữ, các kiểu nói đã được ghi từ số 46-56 của Huấn thị V nêu trên.

Theo sự chọn lựa của đa số trong những phiên họp chung toàn quốc, chúng tôi dùng từ Tiên tri để phiên dịch tiếng “Propheta” của La ngữ. Chúng tôi cũng dùng từ Ngài để chỉ Chúa Cha và Chúa Thánh Thần theo vị cách ngôi thứ ba. Ít khi chúng tôi dùng từ Ngài để thân thưa với Chúa, vì thấy có vẻ xa lạ quá! Chúng tôi không dùng từ Người để chỉ Ngôi Cha và Ngôi Thánh Thần, vì theo một lối phân tích mà chúng tôi cho là có lý, các Ngài không thuộc loài người, nhưng có thể dùng để chỉ Chúa Giêsu vì Chúa Giêsu cũng là người như chúng ta. Riêng về từ “hiệp nhất ” hay “hợp nhất”, nhiều từ điển Việt Nam trước đây cho từ “hiệp” không có nghĩa là “kết lại, hợp lại”, nhưng hiểu là đơn vị chỉ thời gian (hiệp nhất, hiệp nhì) hay một nhóm, một lớp người (hiệp thợ), nhưng những Tự điển Việt Nam mới xuất bản sau lại nhận cả hai nghĩa, nên chúng tôi sẽ tùy nghi sử dụng trong mỗi hoàn cảnh. Trên thực tế, chúng ta thường nghe nói “hợp nhất” hay “hiệp nhất”, nhưng không nghe ai nói “hợp thông” mà “hiệp thông”.

Đối với các tên riêng, chúng tôi chưa có thì giờ để đi sâu vào chi tiết, nhưng theo chỉ thị của Hội Đồng Giám Mục, với các tên có trong Kinh Thánh, chúng tôi theo kiểu viết và cách đọc của bản Phổ Thông (Vulgata), còn những tên riêng có ghi trong Sách lễ Latinh, chúng tôi cũng theo cách viết và đọc của tiếng Latinh, trừ những tên đã được Việt hóa như Phêrô, Giuse v.v.

Hỏi: Nhiều người than phiền rằng trong các bản văn Phụng vụ mới ban hành, không có kiểu xưng hô thống nhất đối với Thiên Chúa, khi thì “Cha”, khi thì “Chúa”, khi thì “Thiên Chúa” và trong một hai cụm từ, như nói về Chúa Giêsu, ví dụ vừa mới tung hô: “chúng con loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại cho tới khi Chúa đến”, thì trong Kinh nguyện Thánh Thể III, ngay sau đó lại đọc: “đồng thời mong đợi Người lại đến”. Xin Đức cha giải thích về sự không thống nhất này.

Đáp: Như chúng tôi đã trình bày ở trên, đây chúng tôi chỉ phiên dịch chứ không phóng tác, và khi phiên dịch chúng tôi không có quyền thêm bớt, thay đổi những từ, những kiểu nói của bản văn Latinh. Vì thế trong tiếng Latinh, khi nào kêu Chúa là “Domine”, thì chúng tôi phải dịch là “Chúa”, còn khi bản văn viết là “Pater”, thì chúng tôi phải dịch là Cha, khi nào kêu ngài “Omnipotens sempiterne Deus”, thì phải thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu”. Huấn thị V đã có chỉ thị rõ ràng về điều này tại số 51. Cũng vậy, câu tung hô sau truyền phép mẫu I tiếng Latinh là “donec venias” thì phải dịch là “cho tới khi Chúa đến”, và trong kinh tưởng niệm liền sau đó có câu : “praestolantes alterum ejus adventum” thì phải dịch là “cho tới khi Người lại đến”.

Thực ra đây là tôn ý của Hội Thánh, vì Thiên Chúa không phải chỉ là Cha, nhưng Ngài còn là Chúa và là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu nữa. Vì thế những cách xưng hô khác nhau ấy, nói lên sự phong phú của Mầu nhiệm Thiên Chúa. Những kiểu nói “cho tới khi Chúa đến” hay “lại đến” cũng là những lời Kinh Thánh trong những Sách, những đoạn khác nhau. Mỗi kiểu nói đều nhấn mạnh một sắc thái riêng biệt cần trân trọng.

Một điều cũng cần lưu ý là tránh thế nào rồi cũng không khỏi lủng củng. Tỉ dụ Sách lễ 1992 đã nhất thống xưng Chúa là Cha trong các kinh Tiền Tụng và Kinh nguyện Thánh Thể, nhưng chúng ta thấy phần mở và phần kết các kinh Tiền tụng, lại xưng là Chúa:”Chúng con đang hướng về Chúa”, “Trời đất đầy vinh quang Chúa …”. Có lẽ vì không thể đôi lời của Tiên tri Isaia 6,3.

Hỏi: Nhiều người than phiền là bản dịch mới xét về văn vẻ có vẻ đi thụt lùi, nhiều kiểu dịch quá tây, cách hành văn cẩu thả, Đức Cha nghĩ sao?

Đáp:Trước hết, phải hiểu cho rằng đây là bản văn dịch chứ không phải bản văn sáng tác hay phóng tác. Mà dịch thì phải trung thành với bản văn gốc, nhiều lúc phải lệ thuộc vào cấu trúc của câu văn gốc nữa. Bởi vậy nhiều khi hơi rườm rà, nhưng nếu bỏ đi thì mất một ý nào đó của bản văn gốc. Trong những trường hợp ấy, đành phải coi trọng yếu tố trung thành hơn là cách hành văn.

Ngoài ra, nguời ta cho lối hành văn này là “Tây”, lối hành văn kia là “Ta”, nhưng thử hỏi: trong lối hành văn tiếng Việt, chúng ta đã có những tiêu chuẩn rõ ràng chưa? Nếu mỗi người đều nhận xét theo chủ quan, thì biết làm sao bây giờ!

Hỏi: Về tập sách Nghi Thức Thánh Lễ (dành cho giáo dân), nhiều người nghĩ rằng sách in bằng khổ chữ quá nhỏ không tiện dùng chung cho cộng đoàn, Đức cha nghĩ sao? Và nhiều nhà thờ chỉ mua một vài cuốn về nhân bản cho cả nhà thờ dùng chung, Đức Cha có buồn không?

Đáp: Về khổ chữ quá nhỏ, thì nay tôi mới nghe thấy lần đầu, vì khi in ra cuốn này chúng tôi nhằm để tiện lợi cho mỗi cá nhân đưa đi đưa về vì có thể bỏ trong túi, trong giỏ sách dễ dàng. Nếu dùng cho cá nhân, thì in khổ chữ nhỏ như vậy cũng không có gì là khó đọc. Hơn thế, theo tôi nó còn có lợi điểm này là khi phải đồng tế, các cha có thể cầm cuốn này để đọc 4 kinh nguyện Thánh Thể thông dụng, tránh được thói quen xấu, vì không có sách và không thuộc lòng, nên thường khi đồng tế chỉ dùng kinh nguyện Thánh Thể II. Có một điểm yếu trong cuốn nhỏ này là đáng lý phải in kinh nguyện Thánh Thể trong Thánh lễ dành cho trẻ em để cho các em có bản văn đối đáp, thì lại không in!

Còn về những nơi chỉ mua một cuốn rồi về phôtô lại phát cho cộng đồng, nếu đúng luật quốc tế thì đó là lỗi phạm tới bản quyền của Ủy Ban Phụng Tự. Nhưng hỏi chúng tôi có buồn không, thì có lẽ không. Vì trong thực tế rất ít nơi làm như vậy. Thậm chí có nơi xin, chúng tôi đã cho không. Hơn thế, xin mọi người hãy cùng vui với chúng tôi, vì cả sách lớn sách nhỏ, mới phát hành chưa đầy một tháng, mà nay đã tiêu thụ hết rồi!

Hỏi: Bao giờ HĐGM và UBPT ban hành Sách lễ Roma?

Đáp: Như chúng tôi đã báo cáo về những công việc đã làm, chúng tôi hy vọng rằng, nếu xuông xẻ, thì chừng một hay hai năm nữa, chúng ta sẽ có Sách lễ Roma đầy đủ bằng tiếng Việt.

Xin thành thực cám ơn quý vị độc giả. Mong rằng, một khi hiểu rõ công việc Ủy Ban Phụng Tự đã làm và làm trong hoàn cảnh nào, với những phương tiện nào, với đường lối nào, quí vị sẽ thông cảm với Ủy Ban, còn việc quí vị nhận xét về bản văn thế này hay thế khác là quyền của quí vị. Tuy nhiên, xin quí vị cũng ý thức cho rằng ý kiến của mình chưa chắc là ý kiến của nhiều người khác. Trong khi phải lựa chọn, chúng ta cần có những tiêu chuẩn khách quan. Đừng áp đặt ý kiến và cách thức làm việc của mình lên đầu lên cố người khác, bắt người khác phải theo, rồi nếu không được thì la làng lên! Mong quí vị cộng tác vào công việc chung cách chân thành và khiêm tốn hơn. Như vậy mới đạt được hiệu quả cao và mới có công trước mặt Thiên Chúa và cộng đoàn.

Thân ái chào tất cả quí vị.

+ Phêrô Trần Đình Tứ

Giám Mục Phú Cường

Chủ tịch UBPT/HĐGMVN