Sài Gòn - Sáng Chúa Nhật 23/07/2006, từng tốp, từng tốp các bạn trẻ trong số khoảng 2.000 huynh trưởng, giáo lý viên đã lần lượt đến Trung Tâm Văn Hoá Công Giáo Sài Gòn để tham dự Đại Hội Huynh Trưởng, Giáo lý Viên của Giáo phận Sài Gòn với chủ đề “Phúc cho ai lắng nghe và thực hành Lời Chúa”. Buổi sáng trời nắng gắt, tuy nhễ nhại mồ hôi chỉ sau vài cử điệu vận động cùng các anh chị dẫn chương trình nhưng các bạn trẻ vẫn sôi nổi hào hứng cùng với các bài hát mang đầy sức trẻ như “Lời Chúa Sai đi”, “Sức Sống Dồi dào”, “Cùng Vui bước”. Và băng reo cũng được liên hồi reo vang thể hiện quyết tâm của những người con Chúa: “Lời Chúa - Sức sống – Tình Yêu - Nguồn Bình An - Nguồn Chân lý - Nguồn hy vọng”.

Nghi thức khai mạc, chào cờ đã chính thức mở đầu Đại Hội với sự có mặt của Cha tuyên úy Liên đoàn Anrê Phú Yên của Giáo phận Sài Gòn là Linh Mục Giuse Phạm Đức Tuấn, Cha Nguyễn Khảm là Giám đốc của TTVH Công Giáo, và các cha tuyên úy của các giáo xứ, giáo hạt. Đặc biệt còn có sự hiện diện của Cha Tổng Đại diện Giáo phận Đà Nẵng, nơi đã chứng kiến Thầy giảng Chân phước Anrê Phú Yên tử đạo.

Tâm điểm của buổi sáng Đại Hội là Giờ cầu nguyện với Lời Chúa, được sự hướng dẫn của Cha Antôn Nguyễn Cao Siêu, Dòng Tên. Đoạn Tin Mừng được chọn để cầu nguyện trích trong sách Gioan 1,35-42. Trong bài hướng dẫn của mình, Cha Antôn đã có những điểm nhấn khi yêu cầu các bạn trẻ chú ý đến các động từ khi đọc chậm rãi Tin Mừng và liên tục đặt ra các câu hỏi để người trẻ kiểm điểm lại trách vụ giáo lý viên của mình: “Thánh Gioan Tẩy Giả đã giới thiệu Chúa Giêsu với các môn đệ của ông. Người giới thiệu đã tự xoá mình để Chúa và anh em của mình gặp nhau. Vậy các bạn là người giáo lý viên đã có bao giờ nghĩ phải tự xoá mình để các em nhỏ được gặp Chúa chưa?”. Ngài cũng chia sẻ về câu “Các bạn tìm gì?” như Chúa Giêsu hỏi các môn đệ và liệu người giáo lý viên có tìm gặp được Chúa chưa?. Kế đến, ngài cũng hỏi các bạn trẻ có giới thiệu được Chúa cho những em học giáo lý như ông Anrê đã giới thiệu cho ông Phêrô chưa? Buổi cầu nguyện được kết thúc bằng bài hát “Gặp gỡ Đức Kitô” và lời cầu nguyện biết chọn con đường “nghèo khó, khiêm nhu, con đường từ bỏ và phục vụ”, biết chọn Chúa vì “Chúa là Thiên Chúa làm người”.

Mười giờ sáng các hạt được chia thành 5 cụm sinh hoạt, cầu nguyện ở các workshop với sự hướng dẫn của các Cha, các thầy Dòng Tên trong khắp khuôn viên Đại Chủng Viện Thánh Giuse và TTVH Công Giáo. Các Cha, các Thầy đã chú trọng chia sẻ, hướng dẫn về “một cách cầu nguyện với Bản Văn Tin Mừng” trong đó cần phải xin ơn Chúa Thánh Thần, rồi đọc chậm rãi từng câu từng chữ đoạn Tin Mừng để rồi đặt chính bản thân mình vào khung cảnh đó. Từ đó ngắm nhìn khuôn mặt và hành động của các nhân vật trong đoạn văn. Đặc biệt nhất là phải lắng nghe những lời Chúa nói qua các nhân vật, từ đó mình có thể tâm sự với Chúa để rồi quyết tâm làm thay đổi cuộc sống mình. Có thể nói rằng với cách cầu nguyện này các ngài hy vọng rằng khi các bạn trẻ đem ra thực hành thì Lời Chúa có thể thấm nhuần vào lòng họ và để rồi sống tốt hơn trách vụ của người giáo lý viên cũng như của người con cái Chúa nơi cuộc sống trần gian này. Các ngài cũng luôn nhấn mạnh về cách cầu nguyện đối với các bạn trẻ là phải lắng nghe xem: “Chúa có nói gì với mình không?” vì “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa”.

Ở workshop của Thầy Giuse Vũ Uyên Thi nơi hang đá Đức Mẹ, các bạn năng động hơn khi vừa được chia sẻ, thỉnh thoảng lại được cử động qua một bài hát Tiếng Anh dí dỏm về các bộ phận trên cơ thể: “Head – Shoulder – Knee – Toe – Eyes – Ears – Mouth – Nose”. Còn trong phần hỏi đáp, một bạn giáo lý viên đã hỏi một câu hỏi rất chân thật: “Thầy đi tu vậy thầy đã từ bỏ cái gì chưa?”. Thầy cũng trần tình: “Có, từ bỏ gia đình, bạn bè. Nhưng cũng phải nói rằng thật xất hổ vì nhiều khi sống trong dòng làm theo luật dòng chứ thật sự nhiều khi lòng mình chưa muốn. Bởi vậy nhiều khi cũng cần phải cầu nguyện nhiều”. Đó là một câu trả lời chân thật vì rõ ràng rằng con người thì luôn yếu đuối cần phải có sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần nơi trần gian này.

Khác với cái nắng gắt lúc sáng, mười một giờ thì cơn mưa đã bắt đầu xối xả, nhưng thật bất ngờ, Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn đã đến thăm workshop gần cổng chính nhất và khi kết thúc những lời chia sẻ ở nơi đây cũng là lúc mưa nhẹ hạt trở lại. Ngài đã không quản mệt nhọc khi mới từ Rôma trở về đêm qua để đến thăm viếng các bạn trẻ huynh trưởng giáo lý viên. Tại các workshop, ngài đã chia sẻ về bài giáo lý căn bản nhất Thiên Chúa Là Tình Yêu. Ngài nói: “Chúa mời gọi mỗi người chúng ta hãy yêu thương như Chúa yêu thương. Chúa kêu gọi chúng ta yêu thương nhau, yêu thương mọi người, đặc biệt những người cần được yêu thương, những người nghèo khổ, những người bất hạnh, những người bị bỏ rơi. Thiên Chúa là Tình Yêu nhưng Thiên Chúa thì chúng ta không thấy được, nên Chúa đã gởi cho chúng ta trước tiên là một món quà để cho chúng ta thấy Thiên Chúa yêu thương như thế nào. Món quà đó chính là Chúa Giêsu Kitô, đó là hiện thân của Tình yêu Thiên Chúa. Chúa mời gọi chúng ta yêu thương, thế nhưng tự sức mình chúng ta không có khả năng để thực hiện điều đó, cho nên Chúa mới gởi món quà thứ hai là nguồn mạch yêu thương, là năng lực yêu thương, món quà thứ hai này chính là Chúa Thánh Thần. Đó là bài giáo lý căn bản nhất mà mọi người phải học và mang ra thực hành. Các bạn cần phải chia sẻ cho em cháu của các bạn trong các giáo xứ học bài học này và mang ra thực hành”. Đức Hồng y cũng nói về những người không được yêu thương nhiều nhất trong xã hội là những người bị nhiễm HIV/AIDS và ngài đã lên kế hoạch dự định mở một Trung Tâm săn sóc những người này trong vài tháng tới để họ cũng được săn sóc yêu thương vì hiện nay các trung tâm của nhà nước cũng có nhưng biểu lộ tình thương chưa đủ.

Sau giờ giải lao, cơn mưa tiếp tục lất phất nhưng các bạn trẻ vẫn tiếp tục vận động dưới cơn mưa để chống chọi với cái lạnh. Và rồi cơn mưa cũng dứt và chương trình văn nghệ “tạp kỹ” được các bạn hân hoan đón chào với các tiết mục:

1. Múa Lắng Nghe và sống Lời Chúa của Giáo hạt Thủ Đức.

* Trước khi bắt đầu tiết mục thứ 2 thì có một huynh trưởng cao tuổi lên giới thiệu cho tiết mục, đó là ông Nguyễn Văn Sinh, năm nay 66 tuổi. Ông tự nhận mình là “một cố vấn già của Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể, cũng như cố vấn của các giáo lý viên nơi xứ đạo của mình”. Được biết ông còn là “ông Trùm” của họ đạo Mẫu Tâm, giáo xứ Vĩnh Hội, ông đồng thời cũng là đạo diễn, biên đạo múa cho các em thiếu nhi khi có dâng hoa, diễn nguyện vào các dịp lễ. Ông thật đáng để cho giới trẻ noi theo về sức dẻo dai phục vụ của mình.

2. Và tiết mục thứ hai là múa Trống Cơm của Giáo hạt Xóm Chiếu.

3. Hoạt cảnh “Ông Bảy đổi đời” do các thầy dòng Tên biểu diễn: đây một vở kịch dễ thương dí dỏm nói về một người đầy tớ chân thật rặt chất Nam Bộ, chỉ từ một cuốn Kinh Thánh và vẻ chân chất của mình mà đã biến đổi được cậu Hai và ông Chủ của mình từ một người ghét đạo mà tự nguyện theo Chúa.

4. Bài hát “Gieo mầm tin yêu” của Giáo hạt Gò Vấp.

5. Trình diễn “Thời trang Ấn tượng” của Giáo hạt Gia Định: tiết mục mang ý nghĩa cảnh báo các bạn trẻ hãy luôn thức tỉnh để biến đổi con người mình trước những vấn nạn bao vây trong xã hội: cờ bạc, rượu chè, xì ke ma tuý, HIV/AIDS.

6. Múa “Chung tiếng Ca Vui” của Giáo hạt Chí Hoà.

7. Múa rối “Chú Vịt” của Giáo hạt Phú Nhuận.

“Suy tôn Lời Chúa” là phần tiếp theo của Đại Hội, các bạn trẻ giáo lý viên lần lượt di chuyển đến các chặng để được lắng nghe, hát Thánh Cha và tôn vinh lời Chúa:

Chặng 1: Giao Ước Sinai

Chặng 2: Chúa chịu Phép Rửa

Chặng 3: Chúa Biến hình

Chặng 4: Như Thầy yêu thương

Chặng 5: Chúa chết trên thập giá.

Cao điểm của Đại hội được đánh dấu bằng Thánh lễ mừng kính Á Thánh Anrê Phú Yên, ngài là Thánh quan thầy của các huynh trưởng giáo lý viên giáo phận Sài Gòn. Kế đến là nghi thức sai đi để rồi các giáo lý viên trở về các giáo xứ chu toàn sứ mạng của mình.

Chủ sự Thánh lễ hôm nay là Đức Cha phụ tá Giuse Vũ Duy Thống. Trong bài giảng của mình về Đoạn Tin Mừng của Thánh Máccô 6,6b-13 về trình thuật Chúa Giêsu sai các Tông Đồ ra đi rao giảng Tin Mừng, Đức Cha nhấn mạnh đến “một chi tiết rất nhỏ để chia sẻ như là món quà khép lại một ngày, chi tiết đó là việc Chúa Giêsu sai các tông đồ của mình lên đường từng hai người một. Từng hai người một, Chúa Giêsu muốn nói gì với chúng ta hôm nay?”. Ngài nói thêm: “Trước hết, không phải là Chúa Giêsu không biết tiết kiệm nhân lực hay là vận dụng nhân lực một cách triệt để. Tôi lẩm cẩm nghĩ rằng tại sao chúa Giêsu không chia 12 Tông đồ của mình thành 12 mũi nhọn đi vào các làng mạc như thế biết tiết kiệm nhân lực và biết sử dụng hết mức nhân lực mình đang có. Tại sao lại phải rút lại còn một nửa. Mười hai mà cứ hai người một rốt cuộc chỉ có 6 tốp lên đường”. “Chúa Giêsu muốn các Tông đồ của mình hiểu rằng trên từng bước hành trình, trên từng bước loan báo Tin Mừng, các ông phải canh cánh bên lòng là sứ mạng truyền giáo, sứ mạng loan báo Tin Mừng không phải là sứ mạng của riêng ai mà là của toàn thể Hội Thánh”.

“Trọng trách loan báo Tin Mừng không phải vì có Giáo Hội mới có sứ mạng lên đường, làm như Giáo Hội đã có rồi, mà người ta muốn phát triển Giáo Hội nên Giáo Hội phải lên đường. Cần phải hiểu rằng có sứ mạng lên đường nên Giáo Hội mới được sai đi. Vì thế, người ta hiểu được rằng chính Chúa Giêsu trong sứ mạng lên đường đã thành lập Giáo Hội và hôm nay nếu như chúng ta đang tham gia vào trong sứ mạng này chính là lúc ta lặp lại cùng với Giáo Hội về một chân lý bất biến hiệp cùng toàn thể Hội thánh. Hôm nay, Chúa Giêsu sai các môn đệ lên đường từng hai người một, có lẽ ngài muốn các ông trước khi trao gởi sứ điệp Tin Mừng cho ai thì luôn xác tín nơi bản thân mình về chính sứ mạng của mình”. “Việc Chúa Giêsu sai đi từng hai người một cho thấy việc loan báo Tin Mứng là việc đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ theo nghĩa đúng nhất. Bởi vì ở đây, nếu như Người sai mỗi môn đệ từng người một đi có lẽ các ông cũng cảm thấy chút gì đó tự do chăng và cũng biết đâu đó là một cạm bẫy, mỗi người có thể dùng quyền tự do của mình để tự đưa ra một thứ tin mừng không hẳn là Tin Mừng của Thầy Chí Thánh. Vì vậy sai đi từng hai người một, Chúa Giêsu cũng muốn cho các ông hiểu rằng việc hợp tác giữa người này với người kia, giữa nhóm này với nhóm khác, vừa là duy trì sự hiệp thông trong cùng một nguồn mạch giáo lý Phúc Âm và đồng thời cũng chính là một cách giữ gìn mình khỏi lạc bước trên đường sứ mạng”.

Đức Cha còn nhắc nhở: “Giờ này cũng là dịp hun đúc nhiệt tình của mỗi người cho những ngày sắp tới, chính sự chia sẻ từng nhóm hay từng cá nhân giữa người này với người kia không phải chỉ là vấn đề giao lưu… mà là nhiệm vụ kế thừa. Ngày gia đình thế giới năm nay đã chọn chủ đề ‘Gia đình và vấn đề chuyển giao đức tin cho con cái’ thì hôm nay với đại gia đình giáo phận cũng có sứ mạng chuyển giao đức tin ấy và anh chị em đã tình nguyện đến đây, tự nguyện ở trong các giáo xứ, hợp tác với các vị chủ chăn địa phương để chu toàn trọng trách chuyển giao đức tin qua việc dạy giáo lý. Rõ ràng đây là một công việc lớn, chính trong tinh thần hợp tác ta mới có thể chuyển giao đức tin được. Đó chính là ý nghĩa ngày hôm nay, chúng ta thấy trong câu Chúa Giêsu sai các môn đệ ra đi từng hai người một”. “Các bạn đã hát với nhau về bài hát nhắc nhở giới luật yêu thương. Chúa Giêsu đã để lại cho các môn đệ mình một lệnh truyền được coi như là lời trăn trối ‘Hãy yêu thương nhau’ và như thế các ông đã có thêm hành trang để lên đường với sứ mạng lớn lao cũa mình. Chúa Giêsu đã kêu họ ra đi từng hai người một ngài cũng muốn cho mọi người hiểu rằng vì họ nói không hay, vì họ đến từ môi trường không phải là nhiều chữ nghĩa. Thế nhưng, chính cách sống của họ, khi cận kề bên nhau sẽ là một bài giáo lý sinh động, có sức thuyết phục người khác. Nói hay mà làm dở chả thuyết phục được ai nếu không muốn gây phiền cho người ta. Thế nhưng, chính khi lời nói được phụ trợ bằng đời sống của mình, đời sống nhiều ánh sáng: đức tin, đức cậy, đức mến và nhiều đức tính khác trong cuộc sống làm người, lúc ấy cuộc sống của mỗi một giáo lý viên trở thành bài giáo lý sinh động. Chúa Giêsu sai môn đệ ra đi từng hai người một để các ông phải học cách vượt bậc trong một thời gian. Lúc bấy giờ thấy mình xa lắc xa lơ, lúc bấy giờ bạn bè mỗi người một nơi nhưng hai người bên nhau chính là cọ sát với thực tế, cá tính nhập với cá tính, tình cảm với tình cảm. Nếu như thuận thảo thì đây là những bước đi của bài ca yêu thương. Nếu người này hụt hặt với người kia thì có lẽ việc lên đường đầu tiên này chẳng cần nói với ai, chưa kịp giảng bài gì cũng đã có những dấu hiệu thất bại. Vì vậy ra đi từng hai người một, Chúa Giêsu cho các môn đệ của mình hiểu khi các ông biết yêu thương nhau thì chính việc các ông yêu thương đã là một bài giáo lý sống động nhất có thể thuyết phục được người khác đến với tâm tình đạo giáo”.

Đức Cha Giuse nhắn nhủ các giáo lý viên: “Hãy sống kết đoàn, sống làm sao thể hiện tình yêu thương và hãy luôn nhớ đời sống của mỗi người giáo lý viên là bài học giáo lý sống động nhất để thuyết phục các em nhỏ tuổi về với Chúa”.