Fr. Jude Siciliano, op.

CHÚA NHẬT 24 THƯỜNG NIÊN B

XIN MỞ MẮT CON ĐỂ NHÌN THẤY CHÂN DUNG NGÀI

(Mc 8, 27-35)

Thưa quí vị,

Nếu vị nào năng đọc 150 thánh vịnh hẳn nhận ra rằng có nhiều thánh vịnh giọng điệu than van ta thán: Lạy Chúa trời, xin tới giúp con. Muôn lạy Chúa, xin mau phù trợ. Nó vang lên tâm tình của người đang trong cơn nguy khốn. Bài đọc một hôm nay cũng nằm trong chủng loại ấy: “tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho ngươì ta giật râu, tôi đã không che mặt khi người ta mắng nhiếc”. Lúc đầu xem ra người tôi tớ lên tiếng. Nhưng nhìn kỹ, nhân vật chủ động là Thiên Chúa. Ngài là Đấng tác thành nên hoàn cảnh của người tôi trung. Mấy dòng mở đầu xác nhận như vậy. Ngài là nguồn mạch mọi ân huệ: “Đức Chúa là Chúa Thượng đã mở tai tôi, còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui.” Vì đâu ông đươc niềm tin cậy vững mạnh như vậy? Vì đâu đức tin của ông không lay chuyển trước những thử thách? Chính ông trả lời câu hỏi và gọi tên Đấng trợ lực cho ông. “Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, vì thế tôi đã không hổ thẹn, vì thế, tôi trơ mặt ra như đá. Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng.” Thiên Chúa đã mở tai cho ông và ông đã nghe lời Ngài. Việc Ngài mở tai có kết quả tức thời là người tôi trung nghe được lời Thiên Chúa. Đó là nguồn mạch ban khả năng cho ông kiên trì trong đức tin. Một tín hữu làm việc lành thánh, cũng là bởi vì Chúa ban đức tin cho và đã nghe thấy lời Chúa. Nguồn mạch việc lành họ làm là Thiên Chúa. Thánh Giacôbê trong bài đọc hai gọi là hành động của đức tin: “Còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin.” Isaia nói bóng bẩy hơn: “Chúa Thượng đã mở tai tôi.” Việc Chúa mở tai có những hậu quả nghiêm trọng trong đời sống người tín hữu.

Chúng ta nghĩ thế nào về việc Chúa mở tai cho mình? liệu chúng ta đáp trả thụân lợi, hay chỉ như viên sỏi giữa dòng suối, không hề thấm nước? Như vậy thì khác hẳn với người tôi tớ trung thành của tiên tri Isaia hôm nay. Ong mô tả người tôi tớ rất sống động, lắng nghe Thiên Chúa và thực thi với một đức tin mạnh mẽ và kiên trì, không hề chạy trốn nhiệm vụ, mặc dầu phải trải qua gian nan và bách hại: “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn. Giơ má cho người ta giật râu.” Nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng nếu đã cộng tác với Thiên Chúa, ăn ở ngay lành thì có quyền đòi hỏi “ơn phước”, không đau khổ, không nhọc nhằn, không hoạn nạn. Người tôi tớ trung thành không có thái độ đó, ông ta nhận lãnh ơn lành từ Thiên Chúa và tỏ bày hoa quả bằng lòng tin cậy không chi lay chuyển, bất chấp những khổ cực, đắng cay. Đây cũng phải là thái độ của tín hữu, nhất là các nhà tu trì: linh mục, tu sĩ, đức ông, giám mục. Bởi lẽ những hậu quả rất tai hại cho Hội Thánh, nếu chúng ta khước từ làm môn đệ Chúa đích thực. Phần hai bài suy niệm sẽ nói rõ hơn.

Đúng ra, mở lòng đón nhận lời Thiên Chúa không miễn trừ đau khổ và hy sinh ( xin đọc cuốn ‘khi người tốt chịu khổ’, when bad things happen to good people của Harold Kushner). Người tín hữu chân chính mặc dù những khó khăn, luôn tin tưởng Thiên Chúa hiện diện. Ngài nâng đỡ và bênh vực chống lại mọi nghịch cảnh và kẻ thù. Khi chịu đựng tai họa, rủi ro chúng ta có não trạng bị Thiên Chúa phạt vì đã làm điều dữ. Không phải vậy, người tôi tớ hôm nay chứng minh ông đau khổ vì đã làm việc lành và phải trả giá cho những việc quả tốt đẹp đó. Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng cũng phải chịu đựng đúng như vậy. Cho nên chúng ta đừng thất vọng khi làm lành mà vẫn gặp gian nan. Trước bàn thờ Thánh Thể, chúng ta hãy nói lên đức tin của mình. chúng ta mang bánh rượu, đau khổ, hy sinh, nhọc nhằn đặt trên đĩa thánh tin tưởng vào lòng Thiên Chúa trung tín. Chúng ta cảm tạ, biết ơn Ngài vì đã mở tai cho mình nghe tỏ lời Ngài, đặc biệt khi nghe người tôi tớ ca hát: “Này, có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, ai còn dám kết tội?”

Khi lái xe những chặng đường xa, tôi thường mở radio nghe ca nhạc để giải trí. Đôi khi gặp các bài giảng của các đài phát thanh địa phương. Nhiều lúc tôi lấy làm ngạc nhiên về những lời hứa táo bạo: an lành, sức khoẻ, của cải, giàu sang, khỏi bệnh cho những ai “thật lòng tin cậy vào Chúa Giêsu”. Họ còn xin đóng góp cho các sứ vụ rao truyền phúc lành của Đức Chúa Trời. Tôi nhớ lại bạn bè của mình, những người đã từng cầu nguyện cho được khỏi bệnh, hoặc các nhu cầu cấp thiết của thân nhân, nhưng chẳng được nhận lời. Thử hỏi những “sứ vụ” rao giảng như vậy có hiệu quả? Sự thật này vẫn đúng cho những linh hồn than phiền về tình thương xót và công lý mình đã quyết định thi hành mà chẳng thành công. Đôi khi những quyết định ấy đòi trả giá rất đắt nữa. Tôi mơ hồ rằng các nhà thuyết giảng trên kia cho chúng ta là thiếu đức tin, hoặc đã mắc tội chi ghê gớm lắm. Vì vậy, Thiên Chúa từ chối “chúc lành” cho chúng ta. Xem ra các nhà truyền giáo ấy gợi ý rằng, một khi Thiên Chúa về phe với mình, thì chẳng bao giờ phải gánh chịu những bất hạnh.

Phúc Âm hôm nay trả lời ý nghĩ đó. Chúa Giêsu là Đấng hoàn toàn vô tội, lại phải gánh chịu một chuỗi những thử thách. Mà là những thử thách ghê hồn, đúng như chúng ta vừa nghe người tôi tớ trung tín của Isaia trong bài đọc thứ nhất. Nhưng ngài vẫn kiên trì trong sứ mệnh, không tháo lui, không than vãn: “Vì thế tôi đã không hổ thẹn, vì thế tôi vẫn trơ mặt ra như đá, vì có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi.” Vừa khi Phêrô tuyên xưng: “Thầy là Đức Kitô con Thiên Chúa hằng sống”, thì Ngài cấm ngặt các ông không được nói chi về Ngài, rồi tỏ lộ cho các ông biết những đau khổ và sự chết của Ngài bởi tay thế lực đền thờ. Hẳn Phêrô và các tông đồ bối rối và hết sức ngạc nhiên khi nghe sự thật. Làm sao những vị vọng đền thờ, kẻ thờ phượng Thiên Chúa hết lòng hết sức, hết linh hồn. Kẻ được toàn dân mến phục vì lòng nhiệt thành đạo đức. Kẻ là thượng tế, kỳ mục, kinh sư lại tra tay hành hạ và chém giết Đấng thánh của Thiên Chúa? Vấn đề không thể nghĩ đến chứ đừng nói tin là có thật? Làm sao Đấng thiên sai lại chịu khổ hình và chết tức tưởi bởi tay các lãnh đạo tôn giáo? Không thể chấp nhận sự thật, chẳng đời nào có chuyện ngược đời như vậy?

Đúng lý Đấng thiên sai sẽ chỉnh đốn mọi sự, vì đó là nhiệm vụ của Ngài. Thánh Kinh nhiều lần xác nhận. Ong đến để cứu chữa tuyển dân đang chịu đựng lầm than khốn khổ. Vậy tại sao ông gánh lấy cái chết? Làm thế nào đám đông nuốt nổi lời tiên báo? Làm thế nào bày tỏ yêu mến và trung thành với Chúa Giêsu? Tệ hơn nữa, làm thế nào Thiên Chúa lại từ chối và hành xích người con yêu dấu của mình? chỉnh đốn và phục hồi tự do cho tuyển dân không phải là trách nhiệm của Đấng Kitô sao? Vậy tại sao lại tuyên bố: “Con người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ mục, thượng tế, kinh sư loại bỏ và bị giết chết…” Thế ra bổn phận của thế lực nhà thờ không phải là nhận biết và tôn vinh Đức Kitô của Thiên Chúa sao?

Cho nên chúng ta không thể trách cứ Phêrô được. Ông phản ứng đúng theo não trạng phổ thông, ngăn cản Đức Kitô đi theo con đường khổ nạn! Liệu Thiên Chúa có thất bại không khi để con của Ngài nếm mùi đau khổ và caí chết? Đấng mà Ngài sai đến để chữa lành và làm phép lạ? Làm thế nào cứu được sự sống bằng cách đánh mất nó? Có lẽ trong ý nghĩ, Phêrô cho rằng thày mình phát biểu dại dột. Viễn tượng của ông trở nên lu mờ. Hình như cái nhìn của chúng ta ngày nay cũng vậy thôi, không hơn nếu không xin ơn soi sáng. Chúng ta cũng khao khát vinh hiển, quyền lực cho thân mình màu nhiệm Chúa Kitô. Chúng ta cũng từ chối sự thật là gian nan, nghèo khó, thấp hèn, bách hại là kỷ phần của Hội Thánh trên thế gian này? Cái nhìn của chúng ta có lẽ cũng lộn xộn như Phêrô: Thích nghi với thời đại, phù hợp với thế gian, hoà đồng cùng thiên hạ ( Be all that you can). Mà không biết rằng chương trình của Thiên Chúa khác hẳn ( Thày đã tách chúng con ra khỏi thế gian.) Chúng ta thần thánh hoá lý luận của mình và từ chối hy sinh khổ chế. Khát khao tiện nghi, nhung lụa. Chỉ khi nào thực sự là môn đệ Chúa, chúng ta mới ngộ ra rằng: những ai tìm kiếm sự sống thì sẽ mất, những ai đành để mất mạng sống mình vì Chúa và Phúc Âm sẽ tìm lại được nó.

Đến đây chúng ta bước vào điểm then chốt của Phúc Âm Marcô: Chúa Giêsu tập trung đào tạo các tông đồ, ban cho các ông ánh sáng để nhìn rõ sự thật. Từ lúc này trở đi các ông hiểu rõ thế nào là làm môn đệ Chúa. Nội dung câu chuyện Tin Mừng hôm nay giúp đỡ chúng ta có tư tưởng đúng về chức vụ theo Chúa. Xin nhớ bài học hôm nay tiếp liền việc Chúa chữa người mù ở Bết-sai-đa (8, 22- 26). Và tuần trước Chúa chữa kẻ vừa điếc vừa ngọng. Sự kiện gợi ý Chúa đang đối phó với người câm điếc và mù loà khác là Phêrô, các môn đệ và chúng ta. Chúa Giêsu sẽ ban cho Phêrô thị lực siêu nhiên, tương tự như Ngài ban ánh sáng cho những kẻ mù loà ở đất Palestine. Tiến trình chữa lành ở Bết-sai-đa gồm nhiều công đoạn, anh ta chỉ được khỏi từ từ. Trước hết là mờ mờ như cây cối di chuyển, sau đó mới thấy rõ. Phêrô, các môn đệ và chúng ta cũng cần tiến trình tương tự nếu muốn thực sự là môn đệ Chúa. Cho nên chúng ta cần kiên trì, học hỏi, suy niệm và cầu nguyện để nhìn chân dung Chúa mỗi ngày một sáng tỏ hơn. Xin đừng kiêu ngạo coi mình là tài giỏi, không cần tiến bộ thiêng liêng.

Điểm an ủi, là mặc dầu Phêrô u tối, hiểu sai về Chúa Giêsu và sứ mệnh của Ngài, Ngài vẫn không từ bỏ ông, để kiếm tìm các kẻ khác nhiều khả năng hơn. Chúa cũng không khước từ chúng ta miễn là chúng ta giữ được tấm lòng chân thành không kiêu căng hay nản chí. Thánh Marcô gợi ý muốn làm môn đệ Chúa đòi hỏi thời gian để có được thị lực thiêng liêng. Có lẽ một trong những lý do chúng ta lui tới thánh đường mỗi Chúa nhật là để Chúa Giêsu đào tạo chúng ta nên môn đệ và chấp nhận những hậu quả của việc đi theo Ngài. Để rồi chúng ta thực hành những những điều Ngài dạy bảo trong cuộc sống hàng ngày. Chúng ta cầu xin Ngài đụng chạm vào tai mắt, môi miệng mình nhiều lần, ngõ hầu khỏi điếc, khỏi đui mà nghe giáo huấn thánh thiện và thiêng liêng. Và dâng hiến cuộc sống mình cho chức vụ môn đệ mà Ngài mô tả: chết đi cho chính mình, mất mạng sống vì vinh quanh Ngài. Chúng ta luôn ở trong tiến trình có cái nhìn ngày một sáng tỏ hơn. Hay như tiên tri Isaia dùng hình ảnh cụ thể: Thiên Chúa mở tai tôi để tôi nghe Ngài cho rõ.

Như vậy, khi Chúa hỏi các tông đồ: “người ta bảo thày là ai và còn chúng con, chúng con bảo thày là gì?” không phải là những câu hỏi nhàn rỗi để tiêu khiển thời gian trên con đường lữ hành. Nhưng là những vấn nạn quan trọng để thăm dò ỳ kiến chúng ta. Xin nhớ Ngài cùng các môn đệ đang tiến về Giêrusalem, nơi mà những điều Chúa tiên báo sẽ được thực hiện, nơi mà cay đắng khổ cực sẽ diễn ra trước mắt chúng ta. Câu trả lời của Phêrô: Thày là Đức Kitô, xem ra chính xác và đơn giản. Nhưng nhìn sâu vào thực tế đời Ngài thì nó phức tạp và nghiêm trọng hơn nhiều. Lúc này Chúa bắt các ông phải giữ im lặng để suy gẫm và học hỏi thêm. Họ phải tìm ra ý nghĩa rộng lớn của lời tuyên xưng ấy. Những hàm ý gói ghém trong sứ mệnh thiên sai của Ngài. Dầu sao lúc này Chúa đang huấn luyện họ. Họ phải nhìn ra sự thật và chấp nhận những hệ quả để có khả năng theo Ngài. Chúng ta nên suy gẫm thấu đáo hơn lời tuyên xưng của Phêrô ngõ hầu trung thành với ơn gọi theo Ngài cho đến tận cùng. Nào Đức Kitô chẳng phải chịu khổ hình như thế rồi mới vào vinh hiển sao? Chẳng lẽ chúng ta đòi hỏi số phận “tốt đẹp”? không chi vô lý hơn.

Tóm lại ít lâu nữa, Ngài sẽ tỏ rõ cho thiên hạ công việc mình làm và ổn định ý kiến của muôn dân. Ngài sẽ cho biết sứ mệnh đích thực của mình, là uống cạn chén đắng của bản tính nhân loại: đau khổ, nhục nhã và chết tất tưởi trên cây gỗ, để ban ánh sáng đích thực cho những kẻ muốn theo Ngài, chứ không phải ảo tưởng. Ngài mời gọi chúng ta vất bỏ những quan niệm sai lầm về Đức Kitô giàu sang, phú quý, quyền lực thế gian mà chấp nhận thánh giá, khiêm hạ, tủi nhục. Marcô thật tinh tế và đầy linh hứng khi mô tả Đức Kitô đích thực. Ông đã cho chúng ta biết luận lý của Thiên Chúa ngàn lần có ý nghĩa hơn luận lý nhân loại. Nó cống hiến cuộc sống mà chúng ta chẳng bao giờ nghĩ tới hoặc đạt được do tài sức riêng mình. Than ôi, chúng ta còn ngây ngô biết mấy. Xin Thánh Linh chúa ngự xuống soi dẫn mọi người vào chân lý, hiểu ra ý nghĩa chính xác của hai tiếng thiên sai. Amen.